Quyết định 3575/QĐ-BCT Ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện
31-12-2020
31-12-2020
Bộ Công thương Số: 3575/QĐ-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020 |
Quyết định
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH KHAI THÁC THỦY ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 9389/VPCP-CN ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
- Phát triển thủy điện một cách bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, như đã xảy ra tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua.
- Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có dự án thủy điện, gắn với phát triển bền vững và an toàn, bảo vệ môi trường.
2. Yêu cầu
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án/công trình thủy điện nhỏ.
- Các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao hoặc các nhiệm vụ có liên quan.
3. Nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch
- Tổ chức rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án/công trình thủy điện về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện nhỏ nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Xử lý nghiêm các Chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
- Đẩy mạnh công tác rà soát quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa thủy điện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn thực tế nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của xả lũ đối với hạ du; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
- Tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các Phương án: ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công; ứng phó thiên tai trong giai đoạn vận hành khai thác; ứng phó với tình huống khẩn cấp và Bảo vệ đập, hồ chứa nước tại các công trình thủy điện; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc tại các đập thủy điện chưa lập, trình duyệt các Phương án nêu trên. Trong đó, cần đánh giá việc quan trắc khí tượng, thủy văn tại công trình và trên lưu vực của Chủ đập; việc bảo vệ, tình hình xâm phạm hành lang thoát lũ ở hạ du các đập thủy điện; việc lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập; công tác diễn tập về Phòng chống thiên tai... Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các Phương án nêu trên; thực hiện các biện pháp khả thi đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn đập.
- Tổ chức phổ biến đầy đủ kiến thức, quy định pháp luật về Phòng chống thiên tai; quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn vùng hạ du đập cho các tỉnh, các nhà máy thủy điện còn những vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan.
- Rà soát, đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật về Giấy phép hoạt động điện lực của các nhà máy thủy điện. Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, vận hành hồ chứa; việc đáp ứng yêu cầu điều kiện của cán bộ vận hành,... cũng như thực hiện việc xả dòng chảy tối thiểu, cung cấp nước cho hạ du; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng chống cháy nổ,...theo các quy định pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, thực hiện các giải pháp để đảm bảo các nhà máy thủy điện chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực (HĐĐL).
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, chức năng của các công trình thủy điện; các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thủy điện; nội dung QTVH hồ chứa thủy điện; các quy định về an toàn đập và công tác phòng, chống lụt bão của công trình thủy điện.
4. Phân công trách nhiệm
a) Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân (UBND) và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Chủ đập thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tổ chức thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương, đồng thời gửi các đơn vị liên quan khác theo yêu cầu cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
b) Trong quá trình triển khai, các đơn vị chủ trì thuộc Bộ Công Thương ban hành các văn bản để chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thủy điện và các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
c) Giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về kết quả thực hiện.