Quyết định 344/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
344/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
15-03-2022
28-03-2022
15-03-2022
Thủ tướng Chính phủ Số: 344/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2022 |
Quyết định
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MẮC CA GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổsung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về Quản lý giống cây trồng Lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (sau đây viết tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Mắc ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam, việc phát triển vùng trồng Mắc ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội.
2. Phát triển Mắc ca trên cơ sở phát huy lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương; từng bước hình thành ngành hàng Mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
3. Phát triển Mắc ca trên cơ sở xây dựng vùng trồng tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, có sức cạnh tranh cao.
4. Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển bền vững Mắc ca. Nhà nước có cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật để thực hiện một số nội dung mà doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân ít quan tâm đầu tư.
II. Mục TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển Mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
- Sản lượng Mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm Mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Quy mô diện tích và định hướng vùng trồng
a) Đến năm 2030
Phấn đấu tổng diện tích Mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca (khoảng 10.000 ha), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.
b) Tiềm năng phát triển đến năm 2050
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng Mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000 ha.
2. Cơ sở chế biến
a) Đến năm 2030
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm Mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
b) Định hướng đến năm 2050
Sau năm 2030, sẽ rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca để làm căn cứ định hướng quy mô phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng khác.
IV. GIẢI PHÁP
1. Về khoa học, công nghệ
- Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống Mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái.
- Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, tập trung cho vùng Tây Bắc để có đủ nguồn vật liệu sản xuất giống; hoàn thiện và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính cây Mắc ca ở quy mô công nghiệp; nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, ghép cải tạo theo mục tiêu Đề án.
- Xây dựng và chuyển giao quy trình trồng thuần, trồng xen Mắc ca cho từng tiểu vùng; quy trình sản xuất Mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm Mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc mua công nghệ, thiết bị cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến các sản phẩm Mắc ca phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Về tổ chức sản xuất
- Các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn, phối hợp với các đơn vị khoa học rà soát quỹ đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất để phát triển Mắc ca theo phương thức trồng thuần loài; trồng xen Mắc ca trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn.
- Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất Mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng Mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương nghiên cứu vùng trồng Mắc ca thích hợp cho từng dòng/giống; chuyển giao khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất Mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã.
- Đối với hộ gia đình, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung, thiết lập mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.
- Phát huy vai trò của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất cây Mắc ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ giống và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Mắc ca hiệu quả, bền vững.
3. Về thị trường tiêu thụ
- Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm Mắc ca.
- Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt Mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm Mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.
4. Về cơ chế, chính sách
- Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phát triển cây Mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách mới; rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về Mắc ca, góp phần triển khai thực hiện Đề án.
5. Về nguồn vốn đầu tư
Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững Mắc ca theo hướng xã hội hóa; chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển Mắc ca thông qua lồng ghép tổ chức thực hiện các chương trình, đề án theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
- Nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca. Các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển Mắc ca trên địa bàn.
6. Về hợp tác quốc tế
Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca; tăng cường hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm Mắc ca.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực Đề án, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành.
- Quản lý chặt chẽ giống cây Mắc ca theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trồng cây Mắc ca bằng các giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo các giống Mắc ca mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái của Việt Nam; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật về cây Mắc ca theo hướng thâm canh; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây Mắc ca.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng Mắc ca; chỉ đạo, hướng dẫn trồng thí điểm với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng tại một số địa phương khác (nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca).
- Phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, dự báo tình hình cung ứng và thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca trong nước và quốc tế để định hướng phát triển, kịp thời điều chỉnh sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca Việt Nam.
- Chủ trì theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hằng năm, tổ chức sơ kết theo giai đoạn 5 năm; xác định khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo từng giai đoạn.
2. Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Mắc ca Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng hệ thống cơ sở chế biến sâu, công nghệ hiện đại với quy mô phù hợp, gắn với vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca trong nước và quốc tế; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca ở trong nước và nước ngoài.
3. Các bộ, ngành có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện Đề án.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng Mắc ca, tích hợp vùng trồng Mắc ca vào Quy hoạch tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây Mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển Mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Cân đối, huy động các nguồn vốn để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
- Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống cây Mắc ca trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống Mắc ca vi phạm pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây Mắc ca nhân bằng giống vô tính (cây ghép) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, về hiệu quả của việc sử dụng giống tốt trong sản xuất, các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Mắc ca đạt hiệu quả kinh tế cao; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây Mắc ca cho người dân, doanh nghiệp;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Đề án.
- Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở để xác định quy mô phát triển Mắc ca phù hợp trong giai đoạn tiếp theo; kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc và đề xuất phương hướng giải quyết gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo.
5. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình thực hiện Đề án; tổ chức nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca trong nước và quốc tế để định hướng phát triển, kịp thời điều chỉnh sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca của Việt Nam.
- Phối hợp với các địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.
- Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với Hiệp hội Mắc ca các nước trên thế giới để tuyên truyền và quảng bá về ngành hàng và các sản phẩm Mắc ca của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; phát huy vai trò là thành viên của Hiệp hội Mắc ca thế giới, nắm bắt thông tin về xu hướng phát triển Mắc ca trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành hàng Mắc ca của Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững.