Quyết định 2782/QĐ-BTNMT Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
31-10-2019
31-10-2019
Bộ Tài nguyên và Môi trường Số: 2782/QĐ-BTNMT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2019 |
Quyết định
BAN HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 06 tháng 3 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;
Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Mục đích
a) Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là địa phương).
b) Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
2. Yêu cầu
a) Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương (sau đây gọi tắt là Bộ chỉ số) phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ thống chỉ tiêu thống kế các cấp; ưu tiên đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường hiện hành.
b) Bộ chỉ số phải bảo đảm tính khoa học, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đánh giá thực chất, khách quan kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
c) Bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong quá trình đánh giá.
d) Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất về kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
3. Phạm vi đánh giá, đối tượng áp dụng
a) Phạm vi đánh giá
Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống trong năm của các địa phương.
b) Đối tượng áp dụng
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
II. NỘI DUNG BỘ CHỈ SỐ
1. Bộ chỉ số được cấu trúc thành hai nhóm:
a) Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.
b) Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
2. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường
a) Tiêu chí đánh giá
- Bảo vệ chất lượng môi trường sống: Kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
- Bảo vệ sức sống hệ sinh thái: Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển rừng.
- Bảo vệ hệ thống khí hậu: Sử dụng năng lượng tái tạo.
- Năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: Hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường; đầu tư cho bảo vệ môi trường; nhân lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hiệu quả hoạt động đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.
b) Các chỉ số thành phần đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (gọi tắt là các chỉ số nhóm I) gồm:
Chỉ số 01: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Chỉ số 02: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Chỉ số 03: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Chỉ số 04: Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Chỉ số 05: Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
Chỉ số 06: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để;
Chỉ số 07: Số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị;
Chỉ số 08: Số lượng sự cố môi trường do chất thải gây ra;
Chỉ số 09: Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
Chỉ số 10: Tỷ lệ các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; các siêu thị, khu du lịch đã có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống rác thải nhựa;
Chỉ số 11: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn;
Chỉ số 12: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
Chỉ số 13: Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh;
Chỉ số 14: Tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo;
Chỉ số 15: Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung;
Chỉ số 16: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh;
Chỉ số 17: Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh;
Chỉ số 18: Tỷ lệ diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
Chỉ số 19: Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp;
Chỉ số 20: Diện tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá;
Chỉ số 21: Sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo;
Chỉ số 22: Số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị;
Chỉ số 23: Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định của pháp luật;
Chỉ số 24: Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường;
Chỉ số 25: Số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân;
Chỉ số 26: Tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.
3. Các tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống
a) Tiêu chí đánh giá
- Chất lượng môi trường không khí xung quanh;
- Chất lượng môi trường nước mặt;
- Chất lượng môi trường đất;
- Cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
b) Chỉ số thành phần đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (gọi tắt là chỉ số nhóm II):
- Chỉ số 27: Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống.
4. Khái niệm, phương pháp tính đối với từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số được quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Quyết định này.
III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH ĐIỂM BỘ CHỈ SỐ
1. Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số.
2. Điểm đánh giá của các chỉ số thành phần được sử dụng để tính Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của địa phương, viết tắt là PEPI (Provincial Environmental Protection Index). Điểm Chỉ số PEPI được sử dụng để đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
3. Cách tính điểm Chỉ số PEPI
Chỉ số PEPI có số điểm tối đa là 100 điểm, được xác định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần và trọng số của Bộ chỉ số theo công thức sau:
PEPI = ∑Di.Wi = PEPII + PEPIII
Trong đó:
i là các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số (i = 1 đến 27).
Di là điểm đạt được của chỉ số thành phần i.
Wi là trọng số của chỉ số thành phần i; ∑wi = 1.
PEPII là số điểm đạt được của các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (điểm đạt được của các chỉ số nhóm I); có số điểm tối đa là 70 điểm.
PEPIII là số điểm đạt được của chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (điểm đạt được của chỉ số nhóm II); có số điểm tối đa là 30 điểm.
4. Cách tính điểm đạt được của từng chỉ số thành phần
a) Điểm đạt được của từng chỉ số thành phần được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện chỉ số thành phần của mỗi địa phương, kết quả thực hiện cao nhất trong số các địa phương và điểm tối đa của chỉ số thành phần đó.
b) Mỗi chỉ số thành phần có số điểm tối đa là 100 điểm, ngoại trừ chỉ số thành phần 08 về số lượng sự cố môi trường do chất thải gây ra.
c) Cách tính điểm đạt được của từng chỉ số thành phần được quy định cụ thể tại Phụ lục 02 kèm theo Quyết định này.
5. Trọng số của Bộ chỉ số
a) Trọng số của các tiêu chí, chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số (trọng số của Bộ chỉ số) được xác định căn cứ vào mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của các tiêu chí, chỉ số thành phần đối với kết quả bảo vệ môi trường.
b) Trọng số của Bộ chỉ số được quy định cụ thể tại Phụ lục 03 kèm theo Quyết định này và có thể được xem xét, điều chỉnh theo kỳ đánh giá để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác bảo vệ môi trường của mỗi giai đoạn.
IV. QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Tự đánh giá của các địa phương
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá các chỉ số nhóm I; Sở Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của địa phương để tổ chức thực hiện.
Cơ quan thường trực của địa phương có trách nhiệm tổng hợp, bảo đảm tính chính xác của số liệu, tính pháp lý, phù hợp của tài liệu kiểm chứng; tư vấn cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả đánh giá.
b) Kỳ hạn số liệu phục vụ đánh giá là 01 năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I của địa phương mình về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02 năm sau để tổng hợp, xác minh, thẩm định.
2. Đánh giá thông qua điều tra xã hội học
a) Việc xác định chỉ số nhóm II về đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thực hiện bằng hình thức điều tra xã hội học thông qua Phiếu điều tra đối với các địa phương trên phạm vi cả nước.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống đối với các địa phương trên phạm vi cả nước.
c) Hồ sơ điều tra xã hội đối với toàn bộ các địa phương được gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02 năm sau để tổng hợp, xác minh, đánh giá.
3. Thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và kết quả đánh giá thông qua điều tra xã hội học
a) Việc thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá thông qua điều tra xã hội học được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Thành phần Hội đồng thẩm định liên ngành gồm: Chủ tịch Hội đồng (đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường); 01 Phó chủ tịch Hội đồng thường trực (đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường); 02 Phó Chủ tịch Hội đồng (mời đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam); mời đại diện Ban Dân nguyện, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học liên quan tham gia làm thành viên Hội đồng.
b) Hội đồng thẩm định liên ngành có trách nhiệm tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá kết quả tổng hợp Phiếu điều tra xã hội học. Hội đồng thẩm định liên ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Tính điểm Chỉ số PEPI và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành và phương pháp tính điểm Bộ chỉ số quy định tại mục III của Quyết định này, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành tiến hành tổng hợp điểm của các chỉ số thành phần, điểm Chỉ số PEPI đối với từng địa phương và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương theo các hình thức như sau:
a) Sắp xếp từ cao đến thấp theo điểm Chỉ số PEPI; điểm Chỉ số PEPI bằng nhau thì xếp cùng thứ hạng.
b) Sắp xếp từ cao đến thấp theo tổng điểm các chỉ số thành phần đánh giá kết quả bảo vệ chất lượng môi trường sống; theo tổng điểm các chỉ số thành phần đánh giá kết quả bảo vệ sức sống hệ sinh thái.
5. Phê duyệt, công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
a) Căn cứ điểm Chỉ số PEPI của từng địa phương, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương vào dịp ngày Môi trường thế giới, 05 tháng 6 năm sau.
c) Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Tổng cục Môi trường và của các địa phương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân kỳ và lộ trình thực hiện
a) Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện theo định kỳ hàng năm.
b) Lộ trình thực hiện
- Năm 2019 thí điểm đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trên cơ sở Bộ chỉ số này.
- Từ năm 2020 áp dụng chính thức Bộ chỉ số để đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trên phạm vi cả nước.
2. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Tổng cục Môi trường
- Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Bộ chỉ số.
- Là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành.
- Xây dựng mẫu Phiếu điều tra xã hội học; xác định đối tượng, quy mô và phương thức tổ chức điều tra xã hội học phù hợp với điều kiện thực tế.
- Được phép thành lập Tổ giúp việc để tổ chức triển khai hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Bộ chỉ số; hàng năm lập dự toán kinh phí triển khai các nội dung được quy định tại Quyết định này.
- Tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống đối với các địa phương trên phạm vi cả nước.
b) Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường
Xây dựng phần mềm khai báo, cập nhật, xử lý số liệu, tài liệu và thiết lập cơ sở dữ liệu trên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, bảo mật để phục vụ công tác đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
c) Các đơn vị khác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Tổng cục Môi trường thực hiện quyết định này.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này tại địa phương.
b) Tổ chức thu thập, tổng hợp, tự đánh giá các chỉ số nhóm I của Bộ chỉ số đối với địa phương mình; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liền quan trong quá trình thực hiện đánh giá, công bố kết quả bảo vệ môi trường của địa phương theo quy định của Quyết định này.
4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.