KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT,
HỢP NHẤT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ
TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2691/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Thực hiện Nghị định số Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày
14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày
31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2016/NĐ- CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy
phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy
phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2022 với các nội dung cụ thể sau
đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, thống
nhất các nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và hợp
nhất, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của
Bộ Tài nguyên và Môi trường; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
của hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung:
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi
trường nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu
lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp
thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới
hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật;
- Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên
và môi trường nhằm phát hiện những văn bản trái pháp luật để đình chỉ việc thi
hành một phần hoặc toàn bộ văn bản; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; đính
chính văn bản; xem xét, quyết định hình thức xử lý đối với cơ quan, người đã
ban hành văn bản trái pháp luật.
2. Yêu cầu: xác định cụ thể nội dung, tiến độ, thời hạn
thực hiện và phân công rõ ràng trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ để
nâng cao tính chủ động, chịu trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ; bảo đảm
sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Pháp chế và các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó:
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải được tiến hành
thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát, không bỏ sót văn bản thuộc trách
nhiệm rà soát, kịp thời xử lý kết quả rà soát và tuân thủ trình tự rà soát;
đồng thời, phải có trọng tâm, trọng điểm và theo chuyên đề cụ thể;
- Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm
tính kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ
tục và tuân thủ quy định pháp luật.
- Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống
quy phạm pháp luật đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và tuân thủ quy định của
pháp luật.
II. NỘI DUNG
1. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật
1.1. Rà soát, công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu
lực, ngưng hiệu lực toàn bộ, một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
Tài nguyên và Môi trường.
a) Thời hạn hoàn thành: trước 31 tháng 01 năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các
đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan.
1.2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên
nước.
a) Thời hạn hoàn thành: trước 31 tháng 12 năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ
Pháp chế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
1.3. Rà soát chuyên đề theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
a) Thời hạn hoàn thành: theo Kế hoạch của Tổ công tác.
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các
đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan.
2. Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
2.1. Tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong năm 2022.
a) Thời hạn hoàn thành: trước 31 tháng 12 năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các
đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan.
2.2. Kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp
luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong đó tập trung kiểm tra văn
bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương ban hành có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
Tài nguyên và Môi trường (tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, môi trường,
khoáng sản).
a) Thời hạn hoàn thành: trước 31 tháng 12 năm 2022
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các
đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan.
2.3. Thực hiện kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo
Quyết định số 42/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật
nhà nước.
a) Thời hạn hoàn thành: trước 30 tháng 6 năm 2022
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các
đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan.
2.4. Xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo kết luận kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền (nếu có)
a) Thời hạn hoàn thành: trong năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: các đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì,
phối hợp Vụ Pháp chế (đề xuất phương án xử lý văn bản trái pháp luật do Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ khác ban hành và văn bản của địa phương ban hành có nội dung liên quan
đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường).
3. Hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ
sung theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật
a) Thời hạn hoàn thành: năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: Các đơn vị trực thuộc Bộ.
4. Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
4.1. Thực hiện pháp điển Đề mục Bảo vệ môi trường theo Luật
Bảo vệ môi trường năm 2020.
a) Thời hạn hoàn thành: năm 2022
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
Tổng cục Môi trường.
4.2. Thực hiện cập nhật các quy phạm pháp luật mới ban hành
vào các đề mục thuộc chức năng quản lý của Bộ.
a) Thời hạn hoàn thành: năm 2022.
b) Trách nhiệm thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế:
a) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện
các nội dung theo Kế hoạch này.
b) Định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực
về kết quả thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp
luật về tài nguyên và môi trường theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Các Tổng cục, Cục có trách nhiệm:
a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch rà
soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được Bộ giao
quản lý; gửi Kế hoạch của đơn vị về Bộ (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 15 tháng 3
năm 2022 và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; triển khai thực hiện hợp
nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo
kế hoạch này;
b) Bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch rà
soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất văn bản quy phạm
pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2022 của đơn vị;
c) Chủ động phối hợp Vụ Pháp chế trong thực hiện Kế hoạch
này.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí
cho các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện Kế hoạch này.
4. Văn phòng Bộ có trách nhiệm phê duyệt dự toán kinh phí
thực hiện Kế hoạch này đối với nội dung do Vụ Pháp chế chủ trì thực hiện./.