BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ _______ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _______________________ |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27
tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị
quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn
thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước
ngoài đến năm 2030
(Kèm theo Quyết định số 2579/QĐ-BKHCN ngày 17 tháng 9
năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
____________
Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số
58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế,
chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm
2030 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 58/NQ-CP).
Căn cứ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban
hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP với các nội dung
chính sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP để bảo đảm thực
hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao của Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, sản phẩm cần đạt và
thời hạn hoàn thành từng nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực
hiện.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy
và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên
truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị
về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp
tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đến cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành khoa học và công nghệ; đặc biệt
là các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài, coi khu vực
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
b) Phát huy thế mạnh của hoạt động đầu tư
nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động nâng cao chất lượng và
hiệu quả của hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án sử dụng
công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.
2. Cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh
a) Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát,
đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh; triển khai dịch
vụ công trực tuyến; triển khai Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ
tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
b) Kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó
khăn của doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư; chuyển giao công nghệ; sở hữu
trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đề xuất đơn giản hóa yêu cầu, thủ tục
nhập khẩu dây chuyền sản xuất, trang thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam phục
vụ cho hoạt động dịch chuyển đầu tư.
3. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu
hút đầu tư
a) Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện bảo hộ tài sản trí tuệ của tổ
chức, cá nhân, góp phần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
b) Xây dựng Nghị định của Chính phủ thay
thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 về việc ban hành Quy chế Khu công
nghệ cao nhằm hoàn thiện pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động
của các khu công nghệ cao.
c) Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ ban hành Danh mục công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư; sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và
Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo
Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 và Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ;
d) Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 quy định tiêu
chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
đ) Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc
nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng đơn
giản hóa yêu cầu, thủ tục nhập khẩu dây chuyền sản xuất, trang thiết bị đã qua
sử dụng vào Việt Nam phục vụ cho hoạt động thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư
nước ngoài.
e) Xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ quy định về xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự
án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy
chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án
đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.
g) Xây dựng Đề án về Chương trình phát
triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến năm 2030.
h) Rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết
kiệm năng lượng theo hướng ưu tiên hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
i) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp, chính
sách khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát
triển tại Việt Nam.
k) Rà soát hoàn thiện thể chế chính sách
để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
l) Rà soát, đề xuất, xây dựng chính sách
hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng
cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi
giá trị toàn cầu.
4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác
xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
a) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao
hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
b) Tăng cường sự phối hợp, liên kết với
các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư.
c) Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu,
trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy
trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối
tác mới.
d) Đa dạng hóa các hoạt động và phương
thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác
cụ thể đã triển khai thành công.
đ) Đầu tư thỏa đáng cho hoạt động xúc
tiến. Ưu tiên thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia, liên vùng, liên
ngành.
e) Công khai, minh bạch hệ thống thông
tin, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch,... liên quan đến hoạt động đầu
tư.
g) Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới,
mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt
điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.
h) Xây dựng Đề án “Định hướng phát triển
Khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”.
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
nhà nước về đầu tư nước ngoài
a) Thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và
pháp luật khác có liên quan đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, chủ động phòng
tránh không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế.
b) Không cấp, điều chỉnh, quản lý, đàm
phán dự án đầu tư nước ngoài, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư,... trái
thẩm quyền, trái quy định pháp luật.
c) Thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư
bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các
tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án,... bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục
cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài theo
đúng quy định pháp luật. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử
dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện
đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan
đến đầu tư nước ngoài.
d) Tăng cường công tác kiểm tra gắn với
nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách
của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài tại các khu
công nghệ cao quốc gia.
đ) Chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức
công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp với
những yêu cầu, nhiệm vụ mới về quản lý đầu tư nước ngoài.
e) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin
và cơ sở dữ liệu để kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước
ngoài.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch và Phụ lục
ban hành kèm theo Quyết định này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
tổ chức triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; trong quá trình thực
hiện, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định
công nghệ) những vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Kế
hoạch này trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ theo quy
định hiện hành.
3. Định kỳ trước ngày 15 tháng 3 hằng năm, các đơn vị gửi báo cáo tình
hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Vụ Đánh giá, Thẩm
định và Giám định công nghệ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng gửi Bộ Kế hoạch và
Đầu tư.
4. Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Quyết định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện chủ động báo cáo, kiến nghị với Bộ trưởng về
các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả./.