BỘ TƯ PHÁP ______ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
KẾ HOẠCH
Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày
6 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp
định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu
Âu và Quyết định số 1175/QĐ-TTg ngày 4 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ
về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định thương
mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)
của Bộ Tư pháp
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2055/QĐ-BTP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm
vụ Bộ Tư pháp được phân công tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do
giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA)
và Quyết định số 1175/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ
định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do
giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của
Bộ Tư pháp trong thực hiện Hiệp định EVFTA.
2. Yêu cầu
Kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp,
tiến độ thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị chủ trì, phối hợp thuộc Bộ đảm
bảo bao quát hết các nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp trong Kế hoạch thực hiện
Hiệp định EVFTA kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg và chỉ định các cơ quan đầu
mối để triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-TTg.
Việc thực hiện Kế hoạch cần rà soát, đánh
giá để đạt được mục đích đề ra.
II. NỘI DUNG
1. Những nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao
chủ trì
1.1. Thực hiện Chương 14 Hiệp định
EVFTA về minh bạch hóa
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
Đơn vị phối hợp: Vụ Các vấn đề chung về
xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Hợp
tác quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành và các đơn
vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Nội dung: Thực hiện các công việc theo cam
kết của Hiệp định EVFTA bao gồm tham gia rà soát các chính sách thương mại;
thực hiện các nhiệm vụ đầu mối liên quan đến minh bạch hóa tại Chương 14 của
Hiệp định (ngoài những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ Công
Thương).
Thời gian thực hiện: hàng năm
Kết quả: Báo cáo thực thi Chương 14 của
Hiệp định EVFTA; Phương án tham gia các cuộc họp; Báo cáo rà soát chính sách
thương mại, thư trao đổi và trả lời phía EU các nội dung liên quan.
1.2. Thực hiện Chương 15 Hiệp định
EVFTA nội dung về giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ - Chính phủ
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự -
kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng
pháp luật các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Nội dung: Thực hiện Chương 15 Hiệp định
EVFTA nội dung về giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ - Chính phủ. Thực hiện
các công việc theo cam kết của Hiệp định EVFTA bao gồm lựa chọn và chỉ định ứng
viên tham gia các Hội đồng trọng tài, chuẩn bị nội dung, phương án tham dự các
cuộc họp của Ủy ban thương mại khi được yêu cầu; theo dõi tình hình thực thi
cam kết của phía Liên minh Châu Âu, chuẩn bị phương án, tham gia rà soát sửa
đổi các quy định tại Chương 15 liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Chính
phủ - Chính phủ theo Hiệp định EVFTA.
Thời gian thực hiện: trong năm 2021.
Kết quả:
+ Báo cáo thực thi Chương 15 của Hiệp định
EVFTA; Phương án tham gia các cuộc họp, báo cáo rà soát chính sách thương mại;
Thư trao đổi và trả lời phía Liên minh Châu Âu các nội dung liên quan.
+ Nghiên cứu đề xuất xây dựng Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế chọn cử trọng tài viên theo quy định
của Hiệp định EVFTA để giải quyết các tranh chấp giữa các Bên.
1.3. Rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ
sung các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện EVFTA.
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
Đơn vị phối hợp: Các Bộ, ngành, địa phương
theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung
văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình theo cam kết của Hiệp định EVFTA và
các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Nội dung: Báo cáo rà soát các văn bản quy
phạm pháp luật để thực hiện EVFTA.
Thời gian thực hiện: năm 2020-2021
Kết quả:
+ Báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy
phạm pháp luật để thực hiện EVFTA.
+ Báo cáo thẩm định văn bản quy phạm pháp
luật, trong đó có nội dung rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy
phạm pháp luật trong quá trình theo cam kết của Hiệp định EVFTA và Báo cáo
Chính phủ (trường hợp có đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới văn bản quy phạm
pháp luật để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định).
2. Nhiệm vụ Bộ Tư pháp phối hợp với các
Bộ, ngành
2.1. Công tác xây dựng pháp luật và
thể chế
a) Đảm bảo thực hiện tham vấn, lấy ý
kiến đối tượng có liên quan trong xây dựng chính sách, pháp luật
Cơ quan chủ trì: Các đơn vị xây dựng pháp
thuộc Bộ Tư pháp có chức năng soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp
luật.
Nội dung: phối hợp với các Bộ, ngành theo
chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện tham vấn, lấy ý kiến đối tượng có liên
quan trong xây dựng chính sách, soạn thảo thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Kết quả: đơn vị được phân công chủ trì có
trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan bảo đảm việc lấy ý kiến các
đối tượng liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo thẩm định
văn bản quy phạm pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của
Hiệp định và quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian thực hiện: hàng năm
b) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các
thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định EVFTA
Cơ quan chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế
Đơn vị phối hợp: Cục Bổ trợ tư pháp và các
đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan.
Nội dung: xây dựng, hoàn thiện các thiết
chế cần thiết để thực thi Hiệp định; tham gia phối hợp chỉ định các cá nhân để
xây dựng danh sách trọng tài viên của Hiệp định; phối hợp khi có đề nghị về
việc xây dựng cơ chế thành lập nhóm tư vấn theo Hiệp định và thực hiện các
nhiệm vụ khác được giao liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Tư pháp đối với các nội
dung thực hiện Hiệp định EVFTA.
Thời gian thực hiện: hàng năm và theo yêu
cầu phối hợp từ Bộ Công Thương và các Bộ, ngành.
Kết quả:
+ Thông báo cơ quan đầu mối về minh bạch
hóa và giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Chính phủ trong Hiệp định EVFTA;
+ Văn bản góp ý cơ chế thành lập nhóm tư
vấn theo Hiệp định EVFTA.
2.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh và
phát triển nguồn nhân lực
Đơn vị chủ trì: Học viện Tư pháp, trường
Đại học Luật Hà Nội, Vụ Tổ chức cán bộ.
Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Tư
pháp có liên quan.
Nội dung: thực hiện các giải pháp nâng cao
năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực pháp lý phục vụ việc thực hiện
Hiệp định EVFTA.
Thời gian thực hiện: hàng năm.
Kết quả: chú trọng công tác quy hoạch, sử
dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp lý
để đảm bảo việc tư vấn pháp lý cho cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp
trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được
phân công nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch này đảm bảo đúng
tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
2. Vụ Pháp luật quốc tế làm đơn vị đầu mối
thực hiện Kế hoạch này; có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực
hiện Kế hoạch, kịp thời tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất phương án xử lý
các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch, báo cáo Lãnh đạo Bộ
xem xét, quyết định.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí
từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn tài chính hợp
pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị được phân công chủ trì thực
hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí
gửi Cục Kế hoạch - Tài chính hoặc Văn phòng Bộ (đối với những đơn vị do Văn
phòng Bộ quản lý kinh phí chi thường xuyên) để thẩm định, tổng hợp và báo cáo
Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Đối với các nhiệm vụ phát sinh trong năm
2020, các đơn vị thuộc Bộ chủ động lập dự toán kinh phí bổ sung gửi Cục Kế
hoạch - Tài chính hoặc Văn phòng Bộ (đối với những đơn vị do Văn phòng Bộ quản
lý kinh phí chi thường xuyên) để tổng hợp, cân đối nguồn, báo cáo Lãnh đạo Bộ
xem xét giải quyết.
Cục Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Bộ
có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ trong việc lập dự toán và thực
hiện thanh quyết toán theo quy định, thẩm định, trình Bộ cấp kinh phí để triển
khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.
4. Vụ Hợp tác quốc tế là đầu mối phối hợp
với Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan tổ chức vận động, điều phối
các nguồn hỗ trợ nước ngoài để thực hiện Kế hoạch này./.