QUY ĐỊNH
CƠ CẤU BỘ MÁY LÀM VIỆC, CƠ CẤU LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
VÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 189/QĐ-VKSTC ngày 01 tháng 6 năm 2020 của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản
lý và công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
2. Quy định này được áp dụng đối với các đối tượng sau:
a) Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 42 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân
dân năm 2014 (sau đây viết tắt là: Đơn vị cấp Vụ);
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
c) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây
viết tắt là: Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh);
d) Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
(sau đây viết tắt là: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).
3. Quy định này không áp dụng với Viện kiểm sát quân sự các cấp và người
lao động khác.
Điều 2. Nguyên tắc xác định cơ cấu bộ máy làm việc, cơ
cấu lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân các
cấp
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về cơ
cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
2. Bảo đảm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có cơ cấu phù hợp với vị
trí việc làm;
3. Bảo đảm phù hợp đặc thù của đơn vị, địa phương.
Điều 3. Cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý
và công chức, viên chức của các Đơn vị cấp Vụ
1. Cơ cấu bộ máy làm việc:
a) Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Ủy ban kiểm sát và các đơn vị cấp Vụ;
đơn vị cấp Vụ có phòng Tham mưu tổng hợp và tương đương, phòng nghiệp vụ và
tương đương. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao
không quá 13 người;
b) Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Văn phòng đại diện tại Thành
phố Hồ Chí Minh;
c) Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 02 Văn phòng đại diện
tại: Khu vực các tỉnh miền Trung tại Thành phố Đà Nẵng và khu vực các tỉnh miền
Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; có 03 Phòng nghiệp vụ tại: Khu vực các tỉnh Tây
Bắc tại tỉnh Yên Bái; khu vực các tỉnh Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk; khu vực các
tỉnh miền Tây tại Thành phố Cần Thơ;
d) Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ
kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh có cơ cấu phòng, khoa, trung tâm chuyên môn
và tương đương thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị;
e) Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật có cơ cấu phòng chuyên môn nghiệp
vụ, cơ quan đại diện, văn phòng thường trú thực hiện theo Quy chế tổ chức và
hoạt động của đơn vị.
2. Cơ cấu lãnh đạo, quản lý:
a) Đơn vị cấp Vụ có Vụ trưởng và tương đương; Phó Vụ trưởng và tương đương
(sau đây gọi tắt là: cấp Phó). Trong đó, mỗi đơn vị có không quá 03 cấp Phó;
Cục Thống kê tội phạm về Công nghệ thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ
tư pháp về hình sự, Vụ Thi đua - Khen thưởng có không quá 02 cấp Phó; số lượng
cấp Phó của Cơ quan Điều tra về Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực
hiện theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Đơn vị cấp phòng gồm Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và
tương đương, trong đó:
- Phòng có đủ 03 biên chế được cơ cấu Trưởng phòng;
- Phòng có từ 04 đến 09 biên chế dược cơ cấu Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng
phòng và tương đương;
- Phòng có từ 10 biên chế trở lên được cơ cấu Trưởng phòng và không quá 02
Phó Trưởng phòng và tương đương.
3. Cơ cấu công chức, viên chức:
a) Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm các ngạch: Điều tra
viên, Cán bộ điều tra, Chuyên viên các ngạch và tương đương, công chức khác;
b) Các đơn vị khác gồm các ngạch: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên
các ngạch và tương đương, công chức khác, viên chức.
Điều 4. Cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý
và công chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
1. Cơ cấu bộ máy làm việc:
a) Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Ủy ban kiểm sát, Văn phòng, các Viện
nghiệp vụ và tương đương. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát của mỗi Viện kiểm
sát nhân dân cấp cao không quá 09 người.
b) Trong Văn phòng, các Viện nghiệp vụ và tương đương có các Phòng và tương
đương. Cơ cấu các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng, Viện nghiệp vụ và tương
đương được thực hiện theo Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
2. Cơ cấu lãnh đạo, quản lý:
a. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng, không quá 04 Phó Viện
trưởng;
b. Văn phòng, Viện nghiệp vụ và tương đương có cấp trưởng; cấp phó không
quá 03 người; cơ cấu lãnh đạo, quản lý cấp phòng thực hiện theo điểm b, khoản
2, Điều 3 Quy định này.
3. Cơ cấu công chức:
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên
các ngạch và tương đương, công chức khác.
Điều 5. Cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý
và công chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
1. Cơ cấu bộ máy làm việc:
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Ủy ban kiểm sát, Văn phòng tổng hợp, các
phòng nghiệp vụ và tương đương. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát của mỗi
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh không quá 09 người. Đối với Viện kiểm sát nhân
dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn
vị có số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát không quá 13 người.
Trên cơ sở số lượng biên chế đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao
cho các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì cơ cấu bộ máy của các đơn vị cụ thể
như sau:
a) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu không quá 08 phòng và
tương đương (31 đơn vị): Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên,
Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên
Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Bình
Phước, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đắk Nông, Phú Yên, Lai Châu, Bắc Kạn, Trà
Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang;
b) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu không quá 09 phòng và
tương đương (16 đơn vị): Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu,
Long An, Lâm Đồng, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ,
Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng;
c) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu không quá 10 phòng và
tương đương (08 đơn vị): Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định,
Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ;
d) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được cơ cấu không quá 11 phòng và
tương đương (06 đơn vị): Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai,
Hải Phòng;
e) Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội về Thành phố Hồ Chí Minh mỗi đơn
vị có không quá 12 phòng và tương đương.
2. Cơ cấu lãnh đạo, quản lý:
a) Cơ cấu mỗi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng và không quá
03 Phó Viện trưởng; Văn phòng tổng hợp có Chánh Văn phòng, 02 Phó Chánh Văn
phòng. Đối với Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh được cơ cấu Viện trưởng và không quá 04 Phó Viện
trưởng, Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng;
b) Cơ cấu lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 3 Quy định này; trường hợp phòng có từ
20 biên chế trở lên thì được cơ cấu Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng
phòng.
3. Cơ cấu công chức:
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên
viên các ngạch và tương đương, công chức khác.
Cơ cấu công chức của Văn phòng tổng hợp cụ thể như sau:
a) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có không quá 08 phòng, có các công
chức làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm gồm: Thống kê, tổng hợp, thi đua
(01 biên chế); công nghệ thông tin (01 biên chế); kế toán (02 biên chế); thủ
quỹ (01 biên chế); văn thư (01 biên chế); cơ yếu kiêm lưu trữ (01 biên chế).
b) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có không quá 09 phòng, có các công
chức làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm gồm: Thống kê, tổng hợp, thi đua
(06 biên chế); công nghệ thông tin (01 biên chế); kế toán (02 biên chế); thủ
quỹ (01 biên chế); văn thư (01 biên chế); cơ yếu kiêm lưu trữ (01 biên chế).
c) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có không quá 10 phòng, có các công
chức làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm gồm: Thống kê, tổng hợp, thi đua
(06 biên chế); công nghệ thông tin (01 biên chế); kế toán (03 biên chế); thủ
quỹ (01 biên chế); văn thư (01 biên chế); cơ yếu kiêm lưu trữ (01 biên chế).
d) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có không quá 11 phòng, có các công
chức làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm gồm: Thống kê, tổng hợp, thi đua
(07 biên chế); công nghệ thông tin (02 biên chế); kế toán (04 biên chế); thủ
quỹ (01 biên chế); văn thư, lưu trữ (02 biên chế); cơ yếu (01 biên chế).
e) Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện kiểm
sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có các công chức khác làm nhiệm vụ chuyên
trách hoặc kiêm nhiệm gồm: Thống kê, tổng hợp, thi đua (08 biên chế); công nghệ
thông tin (02 biên chế); kế toán (05 biên chế); thủ quỹ (01 biên chế); văn thư,
lưu trữ (02 biên chế); cơ yếu (01 biên chế).
Điều 6. Cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý
và công chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
1. Cơ cấu bộ máy làm việc:
a) Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có 03 bộ phận,
cụ thể như sau:
- Bộ phận Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm, giải quyết và kiểm sát
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (gọi tắt là: Bộ phận
Văn phòng tổng hợp);
- Bộ phận Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát
việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm án hình sự, kiểm sát việc tạm
giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (gọi tắt là: Bộ phận Thực hành quyền công
tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự);
- Bộ phận Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo
quy định của pháp luật; kiểm sát việc thi hành án dân sự, hành chính (gọi tắt
là: Bộ phận Kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính).
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có từ 30 biên chế trở lên và có số
lượng án hình sự khởi tố mới bình quân 03 năm gần nhất từ 500 vụ/năm trở lên
hoặc thụ lý, giải quyết số lượng vụ, việc dân sự, vụ án hành chính từ 3000
vụ/năm trở lên được thành lập 03 phòng, gồm:
- Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm, giải quyết và kiểm sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (gọi tắt là: Văn phòng tổng
hợp);
- Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm
sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm án hình sự, kiểm sát việc
tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (gọi tắt là: Phòng Thực hành quyền
công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự);
- Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn
nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy
định của pháp luật; kiểm sát việc thi hành án dân sự, hành chính (gọi tắt là:
Phòng Kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính).
2. Cơ cấu lãnh đạo, quản lý:
a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có đến 09 biên chế được cơ cấu Viện
trưởng và 01 Phó Viện trưởng;
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có từ 10 đến 19 biên chế được cơ cấu
Viện trưởng và không quá 02 Phó Viện trưởng;
c) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có từ 20 biên chế trở lên được cơ cấu
Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng;
d) Cơ cấu lãnh đạo, quản lý cấp phòng tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp
huyện được thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Quy định này.
3. Cơ cấu công chức:
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên
viên các ngạch; công chức chuyên môn nghiệp vụ, công chức chuyên trách hoặc kiêm
nhiệm làm kế toán, văn thư, lưu trữ và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân cấp huyện phân công.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Đối với những đơn vị do mới sáp nhập, có số lượng công chức giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý và ngạch công chức nhiều hơn so với quy định thì khi có người
nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành sẽ không bổ nhiệm mới; chậm nhất 60 tháng kể
từ ngày sáp nhập phải bố trí công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
và các ngạch công chức, viên chức đúng với cơ cấu như Quy định này.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy
định này.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không
phù hợp với Quy định này đều bị bãi bỏ./.