Quyết định 1829/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
31-10-2021
31-10-2021
Thủ tướng Chính phủ Số: 1829/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2021 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 24 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Báo cáo thẩm định số 70/BC-HĐTĐQH ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ Mục TIÊU
1. Quan điểm
- Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông; phát huy lợi thế là phương thức vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình; kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải khác, với hạ tầng giao thông địa phương và quốc tế.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thủy trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kết hợp với đầu tư cải tạo nâng cấp có lộ trình hợp lý, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là tại các vùng có tiềm năng, lợi thế như vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
- Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng luồng, tuyến đường thủy nội địa công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng, bến thủy nội địa, luồng chuyên dùng. Tiếp tục phát huy và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền về huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho địa phương.
- Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu đến năm 2030
Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể như sau:
- Về vận tải: khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.
- Về kết cấu hạ tầng: cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
b) Tầm nhìn đến năm 2050
Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics và là một trong những phương thức vận tải chiếm thị phần vận tải hàng hóa lớn.
II. QUY HOẠCH KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2030
1. Hành lang vận tải thủy
Quy hoạch 09 hành lang vận tải thủy gồm: 01 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 04 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 04 hành lang khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.
a) Hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang
Khối lượng vận tải khoảng 62,5 ÷ 70 triệu tấn; phục vụ nhu cầu vận tải của các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương có tuyến vận tải sông biển kết nối. Trong đó, riêng khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 11 tuyến vận tải chính và các sông khác có khả năng khai thác vận tải thủy kết nối trực tiếp với hành lang vận tải thủy ven biển; khối lượng vận tải khoảng 15 ÷ 18 triệu tấn.
b) Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội: khối lượng vận tải khoảng 93 ÷ 100 triệu tấn.
c) Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 60 ÷ 65 triệu tấn.
d) Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 21,5 ÷ 22,6 triệu tấn.
đ) Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai: khối lượng vận tải khoảng 27,8 ÷ 30,1 triệu tấn.
e) Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau: khối lượng vận tải khoảng 99 ÷ 105 triệu tấn.
g) Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang: khối lượng vận tải khoảng 55,2 ÷ 58,5 triệu tấn.
h) Hành lang vận tải thủy Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh: khối lượng vận tải khoảng 31,5 ÷ 35,5 triệu tấn.
i) Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu: khối lượng vận tải khoảng 12,7 ÷ 15,3 triệu tấn.
2. Tuyến vận tải chính
Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km) gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
(Chi tiết các tuyến vận tải chính và cấp kỹ thuật đường thủy nội địa tại Phụ lục I và II).
3. Cảng thủy nội địa
a) Quy hoạch cụm cảng
- Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, gồm: miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 08 cụm cảng, tổng công suất khoảng 09 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.
- Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách, gồm: miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.
(Chi tiết các cụm cảng hàng hóa và các cụm hành khách chính tại Phụ lục III và Phụ lục IV).
b) Quy hoạch chi tiết cảng thủy nội địa
Mỗi cụm cảng hàng hóa, hành khách gồm các cảng thủy nội địa chính và cảng thủy nội địa vệ tinh. Cỡ tàu quy hoạch cảng thủy nội địa là cỡ tàu đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch tuyến luồng đường thủy, trong quá trình triển khai, tùy theo điều kiện về hạ tầng luồng, thông số phương tiện, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cỡ tàu khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cảng chuyên dùng được quy hoạch phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.
(Chi tiết các cảng hàng hóa tại Phụ lục V).
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐỊA PHƯƠNG
1. Quy hoạch đường thủy nội địa địa phương thực hiện theo phương án phát triển mạng lưới giao thông tỉnh trong quy hoạch tỉnh được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch.
2. Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh được phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển không gian tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch này. Hạn chế phát triển và có lộ trình di dời bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa tại các khu vực nội đô ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị. Từng bước nâng cấp các bến thủy nội địa có đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch lên thành cảng thủy nội địa. Ưu tiên quy hoạch phát triển bến thủy nội địa để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên phục vụ vận tải thủy tại các vùng sâu, vùng xa.
IV. NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT VÀ MẶT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030
Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.908 ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 2.899 ha, khu vực miền Trung khoảng 296 ha, khu vực miền Nam khoảng 2.713 ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 8.765 ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 4.120 ha, khu vực miền Trung khoảng 405 ha, khu vực miền Nam khoảng 4.240 ha.
V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 157.533 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng).
VI. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
- Đầu tư cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính yếu bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ; ưu tiên khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Đầu tư các cảng thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, vận tải thủy nội địa theo hướng được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, phí.
- Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị và địa phương.
- Hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển hoạt động phương tiện vận tải sông biển (VR-SB) trên tuyến vận tải ven biển.
2. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
- Cân đối ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng thuộc các tuyến vận tải trọng yếu.
- Đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đặc biệt đối với cảng thủy nội địa.
3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường.
- Khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa và ứng dụng công nghệ mới trong đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quản lý hoạt động vận tải thủy nội địa; đẩy mạnh triển khai và hoàn thành việc số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Nghiên cứu mở rộng các hình thức đào tạo và áp dụng cơ chế đặc thù để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao.
- Mở rộng liên kết đào tạo với các tổ chức trong nước và quốc tế, các quốc gia có hệ thống đường thủy nội địa phát triển.
5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa qua biên giới; tạo thuận lợi tối đa, giảm thiểu thời gian làm thủ tục cấp phép, hải quan, biên phòng cửa khẩu trên các tuyến vận tải thủy qua biên giới.
- Hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế, các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt các nước có kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý và khai thác hệ thống đường thủy nội địa, từng bước tiếp cận xu thế phát triển đường thủy nội địa hiện đại.
6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
- Định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, đối thoại giữa cơ quan quản lý quy hoạch và doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong giám sát thực hiện quy hoạch.
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng và quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.
1. Bộ Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn theo quy định (nếu cần thiết); công bố quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
- Cung cấp thông tin về quy hoạch vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định.
- Triển khai xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất các giải pháp cần thiết để triển khai quy hoạch đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa để phù hợp điều kiện thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển thành luồng địa phương đối với các tuyến đường thủy đủ tiêu chí, điều kiện.
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hàng năm thực hiện quy hoạch.
2. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.
- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này; cập nhật nội dung quy hoạch tỉnh bảo đảm tuân thủ các định hướng phát triển giao thông địa phương theo quy hoạch này.
- Huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối với các cảng thủy nội địa.