Quyết định 1805/QĐ-BTP Ban hành Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
02-12-2021
02-12-2021
- Trang chủ
- Văn bản
- 1805/QĐ-BTP
- TẢI VỀ
- THUỘC TÍNH
Bộ Tư pháp Số: 1805/QĐ-BTP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021 |
Quyết định
BAN HÀNH QUY HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN SÂU VỀ PHÁP LUẬT CỦA BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;
Theo đề nghị
của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/hiện);
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Cổng thông tin điện tử BTP (để đăng tải);
- Lưu: VT, TCCB.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đặng Hoàng Oanh
BỘ TƯ PHÁP
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
|
QUY HOẠCH
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1805/QĐ-BTP ngày 02 tháng 12năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
____________________
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật (khoảng 15 đến 20 người) thuộc các lĩnh vực trọng tâm trong công tác của Bộ, Ngành Tư pháp, gồm các lĩnh vực pháp luật: hình sự; hành chính; tổ chức bộ máy; dân sự; kinh tế và thương mại; quốc tế, có khả năng nghiên cứu, phân tích, hoạch định và tổ chức thực thi chính sách lớn của đất nước về lĩnh vực do Bộ Tư pháp được giao quản lý, tham mưu; sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học, các kiến thức bổ trợ khác đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.
Sau khi được đào tạo, các công chức, viên chức trong Quy hoạch sẽ là đội ngũ nòng cốt trong thực hiện công tác xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật của Bộ Tư pháp.
1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025:
- Phấn đấu 100% công chức, viên chức trong quy hoạch được đào tạo ở trình độ tiến sỹ hoặc đào tạo sau tiến sỹ về đúng lĩnh vực được quy hoạch.
- 80% công chức, viên chức trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng để có thể sử dụng thông thạo ít nhất 01 ngoại ngữ.
- 100% công chức, viên chức trong quy hoạch được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng lĩnh vực quy hoạch do các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy; các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ.
b) Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030:
- Phấn đấu 100% công chức, viên chức trong quy hoạch có trình độ tiến sỹ.
- 100% công chức, viên chức trong quy hoạch có khả năng sử dụng thông thạo ít nhất 01 ngoại ngữ.
- Sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức trong quy hoạch vào công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật.
c) Mục tiêu đầu ra:
Công chức, viên chức được Quy hoạch, sau khi được đào tạo, bồi dưỡng cần đáp ứng các yêu cầu:
- Có khả năng nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên sâu, phân tích để đưa ra định hướng trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam.
- Có năng lực nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm nước ngoài về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và đề xuất áp dụng đối với Việt Nam.
- Có trình độ, năng lực, khả năng đề xuất, hoạch định và tổ chức thực thi chính sách pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
- Có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn để làm sáng tỏ và lý giải thỏa đáng các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
- Có khả năng sử dụng thông thạo ít nhất 01 ngoại ngữ.
2. Yêu cầu của Quy hoạch
- Quy hoạch phải có tính tiếp nối, kế thừa và phát triển các kết quả đã đạt được của việc triển khai thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-BTP ngày 09/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020.
- Việc quy hoạch phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ và khả thi từ khâu lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng, phân công, bố trí công việc; có cơ chế, chính sách đãi ngộ và tôn vinh hợp lý để giữ chân đội ngũ công chức, viên chức được quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính chuyên sâu, phân nhóm theo từng nhóm lĩnh vực pháp luật cụ thể.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng phải mang tính thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa và phù hợp với lĩnh vực chuyên sâu của công chức, viên chức được quy hoạch; có sự kết nối giữa việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng với đào tạo tại chỗ để ứng dụng các kiến thức đã học trong triển khai công việc.
II. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, SỐ LƯỢNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC QUY HOẠCH
1. Điều kiện, tiêu chuẩn
Công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được đưa vào Quy hoạch (không áp dụng cho công chức thi hành án các địa phương) cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt.
- Có trình độ thạc sỹ luật trở lên và trước đó tốt nghiệp cử nhân luật loại khá, giỏi trở lên; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đã có bằng thạc sỹ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp hoặc đã có bằng tiến sỹ và công chức, viên chức trong danh sách Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020.
- Có khả năng tự tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu nước ngoài phục vụ cho công tác chuyên môn; ưu tiên công chức, viên chức sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công tác chuyên môn.
- Có khả năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo tin học phục vụ công tác và nghiên cứu khoa học.
- Về độ tuổi: từ đủ 40 tuổi trở xuống đối với công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ; từ đủ 45 tuổi trở xuống đối với công chức, viên chức đã có trình độ tiến sỹ tính đến thời điểm được đưa vào Quy hoạch.
- Có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên môn từ đủ 5 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc); được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác và có ít nhất 01 bằng khen của Bộ trưởng trong lĩnh vực công tác pháp luật.
- Đáp ứng điều kiện có từ 01 bài viết trở lên về lĩnh vực pháp luật được đăng trên tạp chí quốc tế ISI hoặc Scopus hoặc 02 bài viết trở lên về lĩnh vực pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc đáp ứng đồng thời 02 trong số 03 điều kiện sau:
+ Tham gia xây dựng ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công tác mà công chức, viên chức đang đảm nhiệm.
+ Tham gia ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã được bảo vệ.
+ Tham gia viết ít nhất 01 giáo trình hoặc chủ trì/đồng tác giả 01 sách chuyên khảo về lĩnh vực pháp luật.
2. Số lượng quy hoạch
- Số lượng quy hoạch: 15 - 20 người.
- Lựa chọn 02 - 03 người/01 lĩnh vực, gồm các lĩnh vực pháp luật sau: hình sự; hành chính; tổ chức bộ máy; dân sự; kinh tế và thương mại; quốc tế; xử lý vi phạm hành chính.
III. NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CÁCH THỨC TUYỂN CHỌN
1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
Công chức, viên chức trong diện quy hoạch được ưu tiên chọn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong hoặc ngoài nước các kiến thức sau:
- Đào tạo ở trình độ tiến sỹ về lĩnh vực được quy hoạch.
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực quy hoạch.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ.
2. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng
- Chọn, cử công chức, viên chức trong quy hoạch chưa có trình độ tiến sỹ tham gia dự tuyển các khóa đào tạo tiến sỹ ở trong và ngoài nước.
- Chọn, cử công chức, viên chức trong quy hoạch đã có trình độ tiến sỹ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng sau tiến sỹ ở trong và ngoài nước theo định hướng đào tạo, bồi dưỡng tiến sỹ khoa học.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc chọn, cử công chức, viên chức trong quy hoạch tham gia các lớp bồi dưỡng, các khóa đào tạo chuyên sâu theo đúng lĩnh vực quy hoạch ở trong và ngoài nước.
- Tổ chức các lớp hoặc chọn, cử công chức, viên chức trong quy hoạch tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ do Bộ, Ngành tổ chức hoặc do các Trung tâm đào tạo ngoại ngữ có uy tín tổ chức.
- Chọn cử công chức, viên chức trong quy hoạch tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn bản, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ quan trọng khác theo phân công của Lãnh đạo Bộ.
- Chọn, cử công chức, viên chức trong quy hoạch đi làm việc tại các cơ quan, tổ chức thực hành về luật, xây dựng pháp luật ở trong và ngoài nước phù hợp với lĩnh vực chuyên sâu được quy hoạch theo hình thức vừa học vừa làm hoặc thực tập có trả lương.
- Tổ chức các Hội thảo, làm việc nhóm để chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức trong quy hoạch.
- Đào tạo tại chỗ gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị thông qua việc phân công công việc chuyên môn của đơn vị và của Bộ Tư pháp.
3. Cách thức tuyển chọn công chức, viên chức được đưa vào Quy hoạch và rà soát danh sách Quy hoạch
3.1. Hội đồng tư vấn tuyển chọn công chức, viên chức được đưa vào Quy hoạch
Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét, đánh giá và tuyển chọn công chức, viên chức đáp ứng đủ các điều kiện tham gia Quy hoạch trước khi báo cáo Bộ trưởng phê duyệt danh sách Quy hoạch.
Thành phần của Hội đồng tư vấn tuyển chọn gồm:
- Thứ trưởng của Bộ Tư pháp phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng - Chủ tịch Hội đồng.
- Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ - Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Đại diện một số đơn vị thuộc khối xây dựng pháp luật và khối nghiên cứu khoa học, giảng dạy là thành viên Hội đồng.
3.2. Quy trình tuyển chọn công chức, viên chức được đưa vào Quy hoạch
- Bước 1: Vụ Tổ chức cán bộ thông báo về nội dung Quy hoạch đến các đơn vị và đề nghị các đơn vị lựa chọn, đề xuất công chức, viên chức đủ điều kiện tham gia Quy hoạch.
- Bước 2: Thủ trưởng đơn vị lựa chọn trên cơ sở căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn của công chức, viên chức được đưa vào quy hoạch và trên cơ sở ý kiến tập thể cán bộ chủ chốt của đơn vị.
- Bước 3: Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách, hồ sơ công chức, viên chức do các đơn vị lựa chọn, đề xuất để báo cáo Hội đồng tư vấn và cho ý kiến đối với từng công chức, viên chức.
- Bước 4: Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp ý kiến của Hội đồng tư vấn và báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt danh sách Quy hoạch.
3.3. Rà soát danh sách Quy hoạch
Hàng năm, căn cứ vào Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Vụ Tổ chức cán bộ:
- Phối hợp với các đơn vị có công chức, viên chức trong danh sách Quy hoạch để đánh giá, rà soát và báo cáo Lãnh đạo Bộ đưa ra khỏi Quy hoạch đối với các công chức, viên chức không hoàn thành nghĩa vụ của công chức, viên chức trong Quy hoạch.
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để rà soát, báo cáo Hội đồng tư vấn và Lãnh đạo Bộ xem xét bổ sung các công chức, viên chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Quy hoạch. Việc bổ sung được thực hiện đến hết năm 2025 và số lượng bổ sung sẽ căn cứ vào số lượng công chức, viên chức bị đưa ra khỏi Quy hoạch.
IV. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC QUY HOẠCH
1. Quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức được quy hoạch
1.1. Quyền của công chức, viên chức được đưa vào Danh sách quy hoạch
- Công chức, viên chức đi học được đơn vị sử dụng và đơn vị quản lý công chức, viên chức bố trí thời gian và kinh phí theo quy định; được ưu tiên về thời gian và số lần được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
- Được tham gia các vào các đề tài, đề án khoa học, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng lĩnh vực chuyên sâu; tham gia biên soạn các tài liệu pháp luật về lĩnh vực chuyên sâu; giảng dạy các lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp theo đúng lĩnh vực chuyên sâu.
- Được ưu tiên xem xét trong công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, thi đua - khen thưởng và nâng lương trước hạn.
- Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục.
- Được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với nội dung đào tạo, bồi dưỡng.
- Được khen thưởng, biểu dương sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học và làm căn cứ xét khen thưởng khi tổng kết Quy hoạch.
- Được hưởng nguyên lương, phụ cấp đối với trường hợp đi học ở trong nước và được hưởng lương, các chế độ khác theo quy định của pháp luật hiện hành đối với trường hợp đi học ở nước ngoài.
1.2. Nghĩa vụ của công chức, viên chức được quy hoạch
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, của Bộ Tư pháp và của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước.
- Cam kết tham gia các khóa đào tạo trình độ tiến sỹ trong và ngoài nước trong thời gian từ năm 2022 đến 2025 (áp dụng với trường hợp công chức, viên chức trong Quy hoạch chưa có trình độ tiến sỹ).
- Sắp xếp thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo lựa chọn của Bộ Tư pháp.
- Tham gia các tổ biên tập, ban soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền và chủ động tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực chuyên sâu. Mỗi năm đáp ứng ít nhất 01 trong các yêu cầu sau:
+ Tham gia xây dựng 01 văn bản quy phạm pháp luật;
+ Tham gia 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở;
+ Tham gia viết ít nhất 01 giáo trình hoặc 01 sách chuyên khảo về lĩnh vực pháp luật;
+ Có ít nhất 01 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong hoặc ngoài nước;
+ Có ít nhất 02 bài nghiên cứu được đăng trên trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
- Có nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập đúng quy định về thời hạn, cấp học, ngành học và trình độ đào tạo... đã được Bộ cử đi học.
- Báo cáo tiến độ và kết quả học tập bằng văn bản về đơn vị sử dụng và đơn vị quản lý công chức theo quy định hiện hành.
- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
2. Quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng theo Quy hoạch
2.1. Quyền của công chức, viên chức
Công chức, viên chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng theo Quy hoạch thì được hưởng chính sách đặc thù của Bộ Tư pháp:
- Được bố trí công tác, tạo điều kiện về môi trường làm việc như: Sắp xếp vào các vị trí việc làm phù hợp với lĩnh vực chuyên sâu; được tiếp cận, khai thác thông tin, cung cấp các trang thiết bị để phục vụ việc nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp có thẩm quyền đánh giá là khả thi và mang lại hiệu quả thiết thực cho Bộ, ngành.
- Được xem xét, lựa chọn và đặc cách vào diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành và được ghi danh, tuyên dương khi có đóng góp lớn cho Bộ, ngành Tư pháp.
- Được tiếp tục ưu tiên đưa vào Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trong các giai đoạn tiếp theo. Công chức, viên chức trong Danh sách quy hoạch có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng ở các giai đoạn tiếp theo theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực; được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp đơn vị trở lên.
- Được ưu tiên xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật có liên quan.
2.2. Nghĩa vụ của công chức, viên chức
Công chức, viên chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng theo Quy hoạch thì có các nghĩa vụ sau:
- Tham gia nghiên cứu khoa học, công tác chuyên môn của Bộ, Ngành theo lĩnh vực chuyên sâu: Mỗi năm tham gia xây dựng ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên hoặc có ít nhất 01 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành về pháp luật hoặc 03 bài trên Trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
- Tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu của Bộ Tư pháp trong giai đoạn tiếp theo như: Tham gia giảng dạy, làm báo cáo viên, biên soạn tài liệu cho ít nhất 01 lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp theo đúng lĩnh vực chuyên sâu (trong trường hợp Bộ Tư pháp có các hoạt động này).
- Thực hiện nhiệm vụ làm người hướng dẫn, cố vấn cho các công chức, viên chức thuộc lĩnh vực chuyên sâu của mình trong quy hoạch đội ngũ chuyên sâu các giai đoạn tiếp theo.
- Chấp hành sự sắp xếp, phân công, bố trí công việc phù hợp với lĩnh vực pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổ chức thực hiện
1.1. Vụ Tổ chức cán bộ
- Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện có hiệu quả Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổng kết đánh giá việc thực hiện Quy hoạch vào năm 2025, báo cáo Lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo.
- Phổ biến Quy hoạch đến các đơn vị thuộc Bộ, nâng cao nhận thức của các đơn vị về vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc triển khai thực hiện Quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện theo yêu cầu, mục tiêu của Quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và hàng năm theo Quy hoạch này, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
- Tham mưu, báo cáo Bộ trưởng thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn phê duyệt Danh sách quy hoạch trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ lựa chọn danh sách đội ngũ công chức, viên chức có khả năng phát triển thành chuyên gia của Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng phê duyệt Danh sách quy hoạch. Hàng năm, trước 30/12, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch và đề xuất điều chỉnh, đưa ra khỏi Danh sách quy hoạch. Việc thực hiện quy trình đưa ra khỏi quy hoạch được thực hiện như quy trình đưa vào Quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hàng năm có tổng hợp về danh sách các văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án khoa học cần triển khai xây dựng trong năm để có sự tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ về việc phân công công chức, viên chức trẻ tham gia các tổ soạn thảo, ban biên tập theo đúng lĩnh vực chuyên sâu.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp theo từng giai đoạn, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
1.2. Cục Kế hoạch - Tài chính
Cục Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ bố trí đủ kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quy hoạch được phê duyệt.
1.3. Vụ Hợp tác quốc tế
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, sử dụng các nguồn kinh phí được tài trợ thông qua các đề án, dự án để hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp.
- Phối hợp tìm kiếm các cơ quan, tổ chức quốc tế và làm đầu mối liên hệ để hỗ trợ công chức, viên chức được Quy hoạch có thể sang học tập, làm việc theo hình thức thực tập có trả lương, vừa làm vừa học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.
1.4. Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
Căn cứ Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất Danh sách quy hoạch của đơn vị và nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và trên cơ sở danh sách Quy hoạch, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức trong danh sách Quy hoạch tham gia vào các tổ soạn thảo, ban biên tập các văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án phù hợp với lĩnh vực chuyên sâu của công chức, viên chức.
1.5. Các đơn vị có công chức, viên chức trong danh sách Quy hoạch
- Có trách nhiệm sắp xếp thời gian, công việc và tạo điều kiện cho công chức, viên chức của đơn vị tham gia các khóa đào tạo tiến sỹ ở trong và ngoài nước (trong trường hợp công chức, viên chức trong danh sách Quy hoạch của đơn vị chưa có trình độ tiến sỹ).
- Có trách nhiệm bố trí, sắp xếp thời gian, công việc để cử công chức, viên chức của đơn vị trong danh sách Quy hoạch tham gia các tổ soạn thảo, ban biên tập các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án khoa học đúng với lĩnh vực chuyên sâu của công chức, viên chức khi được các đơn vị chủ trì mới tham dự.
- Chọn cử công chức, viên chức của đơn vị trong danh sách Quy hoạch tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo đúng lĩnh vực chuyên sâu và do Lãnh đạo Bộ hoặc Vụ Tổ chức cán bộ phân công, chỉ định.
2. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Quy hoạch được đảm bảo từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các dự án tài trợ, nguồn đóng góp của các tổ chức cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; của học viên và các nguồn kinh phí khác.
Tệp tin văn bản
Mục lục
So sánh văn bản
...Đang xử lý dữ liệu...