Quyết định 177/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030
177/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
10-02-2022
10-02-2022
Thủ tướng Chính phủ Số: 177/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2022 |
Quyết định
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 16 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây viết tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm từ trung ương đến địa phương, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phấn đấu giảm ít nhất 10-15% các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn 2015 - 2020, nhất là các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái pháp luật, đốt, phá rừng.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo ít nhất 50% lực lượng quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ và trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng vào năm 2025; nâng cao năng lực dự báo và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, mất rừng; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời về mất rừng, cháy rừng.
3. Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ
a) Đào tạo, tập huấn
- Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thực thi pháp luật về lâm nghiệp; chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Nâng cao năng lực dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, mất rừng
- Xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống cháy rừng, có cơ chế huy động, hiệp đồng giữa các lực lượng (bộ đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ,...) để xử lý hiệu quả tình huống cháy rừng.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy rừng; đầu tư nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; nâng cấp hệ thống phát hiện sớm cháy rừng bằng việc ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý để chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng.
- Tổ chức nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
- Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ trung ương đến địa phương. Cải tạo, sửa chữa và xây dựng trụ sở làm việc của các Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm, Trạm bảo vệ rừng, ưu tiên các khu vực khó khăn, xung yếu.
- Tu sửa, xây dựng mới các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng: đường lâm nghiệp, đường băng cản lửa, kênh, mương, hồ, đập, bể chứa nước, trạm bơm, hệ thống cung cấp nước chữa cháy rừng; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; tháp quan trắc lửa rừng; hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biến chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng; công trình thủy lợi khép kín, cô lập vùng đất than bùn,...
2. Giải pháp chủ yếu
a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao năng lực về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho kiểm lâm và lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
b) Tuyên truyền, giáo dục
- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, giá trị của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Phối hợp trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng
Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành (bộ đội, công an, kiểm lâm,...) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng, địa phương chủ động bố trí nguồn lực và chỉ huy chữa cháy rừng; xây dựng phương án chữa cháy rừng có huy động nhiều lực lượng phương tiện tại khu vực có nguy cơ cảnh báo cháy cao, hàng năm tổ chức diễn tập, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.
d) Khoa học công nghệ
- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; định mức trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng; định mức kinh tế kỹ thuật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh làm giảm khối lượng vật liệu cháy dưới tán rừng trồng các loài cây có nguy cơ cháy cao.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám trong công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy rừng.
- Tổ chức nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
đ) Hợp tác quốc tế
- Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và với các nước thành viên trong khối ASEAN thực hiện Hiệp định chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy rừng, cháy đất gây ra.
- Hợp tác trao đổi kinh nghiệm; nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và dự án trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng.
e) Các dự án ưu tiên
Xây dựng, triển khai các dự án đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng hệ thống giám sát rừng tự động phát hiện cháy rừng và ứng dụng công nghệ cao trong giám sát rừng, phát hiện mất rừng, suy thoái rừng, tuần tra bảo vệ rừng; nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hệ thống phát hiện sớm cháy rừng.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, bao gồm: ngân sách nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, dự phòng ngân sách nhà nước - đối với các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước); các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn vốn khác từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan.
- Căn cứ vào các dự án, nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án, kế hoạch hàng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án tại địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật hiện hành.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra.
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành, triển khai thực hiện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có ý kiến về chuyên môn, kỹ thuật đối với các dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được đầu tư từ vốn ngân sách trung ương. Ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc Đề án.
- Hàng năm, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng của các bộ, ngành, địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật liên quan;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện Đề án.
3. Bộ Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, tổng hợp cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo các đơn vị quân đội, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và chính quyền địa phương ngăn chặn và xử lý các vụ phá rừng; chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
- Chỉ đạo các đơn vị quân đội, Bộ đội Biên phòng tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng ở khu vực biên giới, diện tích rừng được giao cho các đơn vị quân đội quản lý; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản qua biên giới.
- Chủ trì chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.
5. Bộ Công an
- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương cùng lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng tiến hành truy quét, ngăn chặn và xử lý các vụ phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các đơn vị có liên quan cùng với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức đào tạo tập huấn, huấn luyện kỹ năng chữa cháy rừng cho kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng; huấn luyện quản lý, sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cân đối, bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
-Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; định kỳ sơ kết, đánh giá hàng năm, 5 năm kết quả thực hiện, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo theo quy định.