Quyết định 1707/QĐ-BTP Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" tại Bộ Tư pháp năm 2020 và 2021
1707/QĐ-BTP
Quyết định
Còn hiệu lực
05-08-2020
05-08-2020
Bộ Tư pháp Số: 1707/QĐ-BTP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2020 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT” TẠI BỘ TƯ PHÁP NĂM 2020 VÀ 2021
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” tại Bộ Tư pháp năm 2020 và 2021.
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI
1. Quan điểm chỉ đạo
a) Bám sát mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả, khả thi.
b) Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
c) Giúp người dân và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa, xây dựng tập trung, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời, thường xuyên. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong công tác PBGDPL, phục vụ đắc lực việc xây dựng Chính phủ điện tử.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
- Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ do Bộ Tư pháp chủ trì theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019- 2021”; Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2021:
- Xây dựng, đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp Trang Thông tin điện tử PBGDPL của Bộ Tư pháp; từng bước thực hiện liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
- Lựa chọn tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL phù hợp để tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác này.
3. Phạm vi của Đề án
Đề án được triển khai tại Bộ Tư pháp để phục vụ công tác PBGDPL theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019.
II. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
1. Thiết lập Cổng Thông tin điện tử PBGDPL
a) Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện giải pháp thiết lập Cổng Thông tin điện tử PBGDPL (trong đó có ứng dụng PBGDPL trên thiết bị di động) đáp ứng nhu cầu quản lý, cung cấp thông tin, tương tác với cá nhân, tổ chức, sẵn sàng kết nối với các hệ thống có liên quan.
Thời gian hoàn thành: Năm 2020.
b) Đầu tư, bổ sung trang bị thiết bị hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc triển khai, vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL.
Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
c) Triển khai thí điểm, tổ chức vận hành, cập nhật Cổng Thông tin điện tử PBGDPL. Xây dựng và trình ban hành Quy chế cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu PBGDPL.
Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
2. Xây dựng các chương trình, tài liệu thông tin, PBGDPL mẫu trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL (hoặc Cổng Thông tin điện tử PBGDPL sau khi được thiết lập), các kênh thông tin điện tử khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp
Thời gian hoàn thành: Năm 2020, 2021.
3. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia; nghiên cứu xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; xây dựng kênh truyền hình pháp luật trực tuyến; triển khai thí điểm PBGDPL qua mạng xã hội (zalo, facebook...) và một số nhiệm vụ khác phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý Đề án.
Thời gian hoàn thành: Năm 2020, 2021.
III. YÊU CẦU NGHIỆP VỤ, KỸ THUẬT VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN XÂY DỰNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PBGDPL
1. Yêu cầu đối với Cổng thông tin điện tử PBGDPL (Hệ thống)
a) Hệ thống được xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về tính năng, chức năng của hệ thống cổng thông tin điện tử theo Công văn số 1654/BTTTT-UDCNTT ngày 27/5/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho các dự án dùng chung theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg và công văn 3386/BTTTT-UDCNTT bổ sung, điều chỉnh một số điểm tại công văn số 1654/BTTTT-UDCNTT, 1655/BTTTT-UDCNTT ngày 27/5/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư 24/2011/TT-BTTTT ngày 20/09/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc tạo lập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu đặc tả trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; và các tính năng, chức năng đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành, khai thác, tổng hợp thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
b) Cấu trúc thông tin trên Cổng tuân thủ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử; nội dung Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng thời bổ sung các chuyên mục, bài viết đặc thù về phổ biển giáo dục pháp luật theo các quy định hiện hành.
c) Cung cấp công cụ quản lý và thiết lập các Cổng/Trang thông tin PBGDPL hướng tới triển khai nhân rộng cho các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa có Cổng/Trang thông tin PBGDPL theo quy định; Thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý theo tùng cơ quan đơn vị, đến từng người dùng, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, linh hoạt, hiệu quả.
d) Thuận tiện, linh hoạt khi cần cải tiến, nâng cấp, mở rộng, điều chỉnh, bổ sung, tích hợp để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống;
đ) Sẵn sàng liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin với các Cổng/Trang thông tin PBGDPL của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; các ứng dụng, phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (Quản lý chương trình, kế hoạch, đề án PBGDPL; CSDL hội đồng phối hợp PBGDPL; CSDL Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật; CSDL Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; Công tác hòa giải ở cơ sở; Theo dõi nhiệm vụ PBGDPL; Thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo; Hợp tác quốc tế; Thống kê, báo cáo; ...), các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ quản lý, khai thác thông tin PBGDPL (Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; Thư viện ảnh, video; Thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; Đào tạo trực tuyến; Hỏi đáp trực tuyến; Pháp điển; CSDL quốc gia về pháp luật; Hỗ trợ pháp lý/Giao lưu pháp luật trực tuyến), các mạng xã hội (zalo, facebook), ứng dụng phổ biến giáo dục pháp luật trên thiết bị di động và các hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thông qua hình thức kết nối trực tiếp hoặc kết nối qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Bộ Tư pháp (LGSP).
e) Tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo các văn bản hiện hành.
g) Bảo đảm an ninh mạng theo quy định của Luật an ninh mạng và an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Có cơ chế bảo mật nhiều lớp, xác thực truy cập đa nhân tố, sử dụng các giải pháp mã hóa và chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.
h) Hệ thống được thiết kế mở về kiến trúc, trên nền tảng công nghệ hiện đại, tuân thủ và phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, hạ tầng kỹ thuật tại Bộ Tư pháp.
2. Giải pháp thiết lập Cổng thông tin điện tử PBGDPL
a) Nâng cấp từ Trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật
Việc nâng cấp từ Trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật sẽ kế thừa được về bố cục giao diện, dữ liệu và tính tương đồng với Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ pháp điển điện tử.
Mặt khác, việc nâng cấp nhằm giúp cho người dùng một giao diện nhất quán, tích hợp với Hệ thống đăng nhập một cửa để khai các tài nguyên (thông tin, dịch vụ, phần mềm). Thông qua công nghệ xây dựng, phát triển Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp sẽ dễ dàng thiết lập các Cổng/trang thông tin PBGDPL cho các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm tiết giảm chi phí và thời gian.
b) Các chức năng chính của Cổng thông tin điện tử PBGDPL
- Nhóm chức năng của phần mềm cổng lõi
Cung cấp cho người dùng một giao diện nhất quán, do chính người dùng lựa chọn; Khả năng đăng nhập hệ thống một lần duy nhất trước khi sử dụng tất cả các tài nguyên (thông tin, dịch vụ, phần mềm) được cung cấp hoặc được tích hợp trên Cổng và công cụ thiết lập các Cổng/trang thông tin PBGDPL cho các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mà không phải xây dựng lại các ứng dụng trên cổng.
+ Chức năng cá nhân hóa và tùy biến
Thiết lập giao diện phù hợp cho từng đối tượng người sử dụng. Hỗ trợ người sử dụng thay đổi màu sắc, giao diện nên, phông chữ hoặc chọn một mẫu hiển thị có sẵn.
+ Chức năng đăng nhập một lần, xác thực và phân quyền
Hỗ trợ người sử dụng đăng nhập một lần sau đó truy cập sử dụng các dịch vụ trên Cổng thông tin một cách thống nhất.
Sử dụng cơ chế phân quyền truy cập theo vai trò dựa trên quy trình biên tập thông tin của từng ứng dụng được cung cấp trên hệ thống.
+ Chức năng quản lý Cổng thông tin và trang thông tin
Quản lý nhiều cổng con hoạt động trong hệ thống và cung cấp công cụ cho phép việc tạo ra các cổng con cho các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa có Cổng/trang thông tin PBGDPL theo quy định.
+ Quản lý các trang và kênh thông tin, quản lý các module chức năng, thiết lập và quản lý menu của cổng.
- Nhóm chức năng quản lý thông tin, dữ liệu về PBGDPL
Cung cấp các thông tin đăng tải theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử; nội dung Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các thông tin, dữ liệu được đánh giá, phân loại, sắp xếp các theo các chủ đề, lĩnh vực, nội dung khác nhau, được hệ thống quản lý bởi các chức năng khác nhau phụ thuộc vào các thuộc tính của từng nhóm thông tin. Ngoài các chức năng giống Cổng thông tin của cơ quan nhà nước, Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật còn có các chức năng sau:
+ Chức năng quản lý thông tin trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Chức năng quản lý thông tin, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Chức năng quản lý bài viết lên các mạng xã hội
+ Chức năng quản lý thông tin, dữ liệu về hỏi đáp pháp luật
+ Chức năng quản lý thông tin, dữ liệu góp ý dự thảo văn bản
+ Chức năng quản lý thông tin, dữ liệu trưng cầu ý kiến
- Nhóm chức năng cung cấp dịch vụ tương tác PBGDPL
Hỗ trợ mô hình làm việc, trao đổi cộng tác nhằm tăng cường khả năng liên lạc, trao đổi thông tin trong nội bộ, hoặc giữa các tổ chức/công dân và các cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL, góp phần tăng hiệu quả sử dụng thông tin cũng như tăng năng suất xử lý công việc của các nhóm làm việc hoặc của cộng đồng.
Các dịch vụ điển hình như:
+ Trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho các Tổ chức chức phổ biến, giáo dục pháp luật và người dân có thể trao đổi, chia sẻ các thông tin mà người dân quan tâm và tìm hiểu.
+ Cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành viên thuộc các tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông qua đó để hiểu rõ hơn, thực hiện công tác tuyên truyền được tốt hơn.
+ Cung cấp các bài viết lên các mạng xã hội zalo, facebook,... thông qua đó người dân dễ dàng tiếp cận được.
+ Người dân cũng có thể góp ý trực tuyến đối với tổ chức, cá nhân và các cơ quan.
+ Người dân cũng có thể góp ý dự thảo văn bản, trưng cầu ý kiến.
- Nhóm chức năng tìm kiếm, khai thác thông tin
Tìm kiếm thông tin từng phần hoặc toàn bộ cổng thông tin, hỗ trợ tìm kiếm được nhiều định dạng văn bản (.doc, .xls, .ppt, .pdf.,...). Các nội dung tìm kiếm bao gồm: văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, văn bản điều hành, thông tin PBGDPL từ Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương,... và các thông tin khác liên quan.
- Nhóm chức năng quản trị hệ thống
Quản trị và thiết lập các tham số hệ thống
Quản lý và phân quyền người dùng tham gia Hệ thống
Nhật ký hệ thống
c) Giải pháp kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu
Cung cấp khả năng sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu như: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, CSDL quốc gia về pháp luật, CSDL hỏi đáp pháp luật,... thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Tư pháp để từ đó kết nối với NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông ra bên ngoài với các Bộ, Ngành, địa phương.
Các dịch vụ được cung cấp bao gồm: dịch vụ chia sẻ thông tin PBGDPL; Thu thập và xuất bản thông tin PBGDPL; Tích hợp các dịch vụ nền tảng; Tích hợp danh mục dùng chung; Tích hợp và liên kết cổng/trang thông tin điện tử của Bộ, Ngành, địa phương và các Tổ chức, đoàn thể.
d) Khai thác thông tin phổ biến giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng trên thiết bị di động
Xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động nhằm tăng cường khả năng tương tác với người dùng thông qua các thiết bị di động như chia sẻ thông tin qua mạng xã hội, góp ý dự thảo VBPL, thăm dò ý kiến, trao đổi, hỏi đáp pháp luật...
Ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dùng khai thác thông tin tự động được quản lý, cung cấp trên Cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật như tin tức, thông báo, văn bản quy phạm pháp luật, thông tin đa phương tiện...
3. Đề xuất hạ tầng kỹ thuật
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đã từng bước được trang bị, đảm bảo duy trì hoạt động cho các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, các cơ sở dữ liệu quốc gia/chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ như:
- Hệ thống thông tin đăng ký hộ tịch;
- Hệ thống phần mềm lý lịch tư pháp;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Các cơ sở dữ liệu và các phần mềm ứng dụng trong hệ thống Thi hành án dân sự;
- Hệ thống giao ban trực tuyến cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử pháp điển;
- Các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Các thiết bị máy chủ, thiết bị lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu điện tử đều đã được sử dụng với tần suất cao, hiệu năng luôn >80%. Do vậy, căn cứ nhu cầu khai thác, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, nội dung nêu trên của Cổng thông tin điện tử PBGDPL, đề xuất trang bị bổ sung những thiết bị tối thiểu để đảm bảo phục vụ việc cài đặt, vận hành Cổng thông tin điện tử Phổ biển giáo dục pháp luật như sau:
- 01 máy chủ ứng dụng;
- 01 máy chủ cơ sở dữ liệu;
- 01 Thiết bị (tủ đĩa) lưu trữ.
Các trang thiết bị khác như hệ thống mạng, hệ thống thiết bị bảo mật và các thiết bị khác sẽ được tận dụng để sử dụng chung tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ.
IV. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Khái toán như sau:
+ Cổng thông tin điện tử PBGDPL: 6,9 tỷ đồng;
+ Trang bị bổ sung Hạ tầng: 4,5 tỷ đồng;
+ Hoạt động chỉ đạo, điều hành và triển khai một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL: 3,6 tỷ đồng.
2. Hình thức thực hiện
Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ PBGDPL chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đúng quy định; định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện Đề án.
2. Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện thiết lập Cổng Thông tin điện tử PBGDPL, bổ sung trang bị thiết bị hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tiến độ, chất lượng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người sử dụng Cổng thông tin điện tử PBGDPL; báo cáo, đánh giá hiệu quả Cổng thông tin điện tử PBGDPL.
3. Cục Kế hoạch và Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí trong kinh phí ngân sách thường xuyên phân bổ cho Bộ Tư pháp theo quy định; hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Đề án bảo đảm đúng quy định hiện hành.
4. Văn phòng Bộ phối hợp với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.