KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC TẬP
HUẤN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG NÂNG CAO VỀ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
ĐẦU TƯ QUỐC TẾ CHO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC PHÁP LUẬT, PHÁP CHẾ Ở
TRUNG ƯƠNG, ĐỊA PHƯƠNG
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1704/QĐ-BTP ngày 12tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Việc tổ chức các lớp tập huấn
nhằm mục đích tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về pháp luật quốc
tế và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức
làm công tác pháp luật, pháp chế ở trung ương và địa phương theo Quyết định số
1960/QĐ-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng
kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập
quốc tế giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 1613/QĐ-BTP ngày 27/10/2021 của
Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức,
viên chức Bộ Tư pháp năm 2021.
Chương trình tập huấn bồi dưỡng
phải đảm bảo người tham gia bồi dưỡng lĩnh hội được các kiến thức, kỹ năng
chuyên sâu về pháp luật quốc tế, pháp luật đầu tư nước ngoài, cam kết đầu tư
quốc tế của Việt Nam và phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả tranh chấp đầu
tư quốc tế; trao đổi kinh nghiệm, góp phần tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác này của công chức, viên chức
làm công tác pháp luật, pháp chế và quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài của
các Bộ, ngành, địa phương.
II. NỘI DUNG
1. Khối lượng kiến thức
Chương trình tập huấn năm 2021
được tổ chức 02 lớp với thời lượng là 08 tiết/lớp, cụ thể như sau:
1.1.
Lớp tập huấn dành cho công chức, viên chức làm công tác pháp luật và pháp chế của các bộ,
ngành và cơ quan ở Trung ương
Chuyên đề 1: Tổng quan về định hướng,
chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp luật đầu tư và giải quyết tranh chấp
đầu tư quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay;
Chuyên đề 2: Cam kết quốc tế và quy
định mới về pháp luật đầu tư của Việt Nam: Những lưu ý đối với cơ quan nhà nước
ở trung ương trong việc xây dựng, thực hiện pháp luật nhằm phòng ngừa tranh
chấp đầu tư quốc tế;
Chuyên đề 3: Xu hướng cải cách về đầu
tư và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được đề xuất bởi Nhóm Công tác III
của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế thuộc Liên Hợp quốc (UNCITRAL) về cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp giữa
nhà nước - nhà đầu tư - Những lưu ý đối với cơ quan nhà nước ở trung ương trong
xây dựng pháp luật;
Chuyên đề 4: Các nguyên tắc về bảo hộ
đầu tư trong các hiệp định đầu tư/thương mại tự do thế hệ mới và một số lưu ý
đối với cơ quan nhà nước ở trung ương trong công tác xây dựng pháp luật.
Trong mỗi phần nội dung nêu trên
sẽ được phân bổ theo tỷ lệ 1/2 thời lượng lý thuyết và 1/2 thời lượng trao đổi, thực hành các bài tập tình huống
trên cơ sở phù hợp, thiết thực đối với công chức, viên chức làm công tác pháp
luật và pháp chế của cơ quan nhà nước ở trung ương.
1.2. Lớp tập huấn dành cho cho
công chức, viên chức làm công tác pháp luật và pháp chế của cơ quan
nhà nước ở địa phương
Phần I: Các chuyên đề
Chuyên đề 1: Tổng quan về định hướng,
chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp luật đầu tư và giải quyết tranh chấp
đầu tư quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay;
Chuyên đề 2: Cam kết quốc tế và quy
định mới về pháp luật đầu tư của Việt Nam: Những lưu ý đối với cơ quan nhà nước
ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật nhằm phòng ngừa tranh chấp đầu tư
quốc tế;
Chuyên đề 3: Các nguyên tắc bảo hộ
đầu tư trong các hiệp định đầu tư/thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là
thành viên và một số lưu ý đối với quan nhà nước ở địa phương trong việc thực
hiện pháp luật.
Phần II: Thực hành
Bài tập tình huống, trao đổi về thực tiễn phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư
từ thực tiễn của địa phương.
Trong mỗi phần nội dung nêu trên
sẽ được phân bổ theo tỷ lệ 1/2 thời lượng lý thuyết và 1/2 thời lượng trao đổi, thực hành các bài tập tình huống trên cơ sở phù hợp,
thiết thực đối với công chức, viên chức làm công tác pháp luật và pháp chế của
cơ quan nhà nước ở địa phương.
2. Thời lượng tập huấn
Thời gian tập huấn là 01 ngày
/lớp với các phần nội dung nêu trên.
3. Đối tượng và số lượng tham gia
tập huấn
Công chức, viên chức công tác
pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành và địa phương liên quan, số lượng học
viên tham gia tập huấn khoảng 80 người/lớp.
4. Hình thức tổ chức
Các lớp tập huấn được tổ chức
theo hình thức trực tuyến.
5. Giảng viên tham gia giảng dạy
Giảng viên tham gia truyền đạt
kiến thức, kỹ năng tại lớp tập huấn phải có kiến thức, kinh nghiệm về pháp luật
thương mại, đầu tư quốc tế hoặc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc
tế.
Trong quá trình chuẩn bị giảng
dạy, giảng viên phải chuẩn bị kỹ tài liệu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp; các nội
dung lý thuyết cần được chuẩn bị kèm theo bài tập tình huống phù hợp để thực
hành. Tùy vào đối tượng tham dự (lớp cho cán bộ trung ương hoặc địa phương),
giảng viên sẽ có điều chỉnh về nội dung, kiến thức phù hợp.
6. Thời gian, hình thức tổ chức
Lớp tập huấn được tổ chức vào
cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm 2021.
IV. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Pháp luật quốc tế
- Xây dựng nội dung chương trình,
biên soạn tài liệu tập huấn, điều phối giảng viên tham gia giảng dạy, tổ chức
và quản lý Lớp tập huấn;
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ
chức cán bộ trong công tác triệu tập cán bộ, công thức tham gia tập huấn và tổ
chức quản lý lớp tập huấn.
2. Cục Kế hoạch - Tài chính và
Văn phòng Bộ
Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn
phòng Bộ chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định dự toán và cấp kinh phí tổ chức
tập huấn; theo dõi, hướng dẫn Vụ Pháp luật quốc tế trong công tác thu, chi,
quyết toán tài chính theo đúng chế độ và quy định hiện hành.
3. Cục Công nghệ thông tin
Hỗ trợ kỹ thuật, cử cán bộ tham
dự để hướng dẫn, phối hợp với Vụ Pháp luật quốc tế tổ chức thành công lớp tập
huấn theo hình thức trực tuyến.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí tổ chức Lớp tập huấn
được cấp theo Quyết định số 1613/QĐ- BTP ngày 27/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư
pháp năm 2021.
- Việc thanh, quyết toán thực
hiện theo chế độ hiện hành./.