Quyết định 1629/QĐ-TTg Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
1629/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
14-11-2019
14-11-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 1629/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ
DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH THANH HÓA
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch 2017;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 198/TTr-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2019 và Tờ trình số 218/TTr-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2019 đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo thẩm định số 6674/BC-HĐTĐ ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và văn bản số 13552/UBND-THKH ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những nội dung sau:
I. TÊN QUY HOẠCH
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
II. PHẠM VI QUY HOẠCH
1. Phần lãnh thổ đất liền tỉnh Thanh Hóa rộng 11.114,6 km2:
a) Phía Bắc giáp các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Ninh Bình;
b) Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An;
c) Phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào;
d) Phía Đông giáp Biển Đông.
Có tọa độ địa lý: 19°18' đến 20°40' vĩ độ Bắc, 104°22' đến 106°05' kinh độ Đông.
2. Phần không gian biển:
Được xác định trên cơ sở: Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu vê địa giới hành chính” và các văn bản liên quan.
3. Thời kỳ lập quy hoạch:
a) Thời kỳ lập quy hoạch: 2021 - 2030.
b) Tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2045.
III. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC LẬP QUY HOẠCH
1. Việc lập “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước; tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
2. Phải phù hợp với khả năng huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của Tỉnh; xây dựng Thanh Hóa trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; phải chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
5. Việc lập quy hoạch phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
IV. MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng các chỉ tiêu chủ yếu theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm tính cụ thể, khả thi, thực tiễn và tiến độ thực hiện.
V. NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch:
a) Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
b) Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
c) Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
d) Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
2. Xác định nội dung Quy hoạch:
a) Phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Thanh Hóa:
- Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn, đánh giá môi truờng chiến lược.
- Về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, vị thế, vai trò của Tỉnh đối với khu vực Bắc Trung Bộ, vùng và quốc gia.
- Về các yếu tố, điều kiện của khu vực Bắc Trung Bộ, vùng, quốc gia, quốc tế; nguy cơ, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của Tỉnh.
- Về thực hiện các chiến lược, quy hoạch và các dự án có liên quan đến thời kỳ Quy hoạch trên địa bàn.
- Về những tồn tại, hạn chế; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và xác định các vấn đề cần giải quyết trong Quy hoạch.
b) Xác định và lựa chọn phương án phát triển, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội:
- Phương án phát triển của Tỉnh.
- Phương hướng phát triển các ngành quan trọng.
- Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội:
+ Phương án tổ chức không gian, kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng, phân vùng chức năng và phần bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
+ Phương án quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu vực, khu chức năng.
+ Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
+ Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
+ Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và các vùng huyện.
+ Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn.
+ Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn.
+ Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
+ Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
+ Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện.
+ Giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
c) Phương hướng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của Tỉnh:
- Xác định phương hướng phát triển các vùng liên huyện:
+ Vùng đô thị Thanh Hóa - Sầm Sơn;
+ Vùng công nghiệp - Khu kinh tế Nghi Sơn;
+ Vùng công nghiệp Bỉm Sơn -Thạch Thành;
+ Vùng công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng;
+ Vùng nông lâm nghiệp Tây Thanh Hóa;
+ Vùng không gian biển.
- Nghiên cứu xác định phương án phát triển các hành lang kinh tế của Tỉnh:
+ Hành lang Bắc - Nam (các quốc lộ 1A, 10, Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc - Nam);
+ Hành lang Đông - Tây (các quốc lộ 47, 45, 217, 15A).
- Nghiên cứu xác định các quan điểm, mục tiêu và phương án quy hoạch các đô thị trung tâm giữ vai trò là cực tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh bao gồm: Thành phố Thanh Hóa, thành phố sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn; các đô thị: Nghi Sơn, Thọ Xuân, Lam Sơn - Sao Vàng và Ngọc Lặc gắn với chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu phương án phát triển Cảng quốc tế Nghi Sơn kết nối với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và cả nước, nhất là các tỉnh vùng Tây Bắc, các tỉnh Nam sông Hồng và các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ.
VI. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về phương pháp lập Quy hoạch:
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
2. Các phương pháp lập Quy hoạch:
- Tích hợp quy hoạch;
- Tiếp cận từ thực địa;
- Điều tra, thu thập xử lý thông tin, dữ liệu;
- Phân tích, đánh giá và tổng hợp;
- So sánh đối chiếu, lồng ghép bản đồ với việc áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS);
- Thực chứng, ứng dụng từ các bài học thực tiễn;
- Dự báo phát triển và quy hoạch chiến lược;
- Xây dựng các kịch bản phát triển;
- Quy hoạch xây dựng các phương án phát triển và tối ưu hóa;
- Chuyên gia, hội nghị, hội thảo;
- Một số phương pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật và tính đặc thù của Tỉnh.
VII. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ:
a) Phần văn bản:
- Tờ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa;
- Báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa kèm theo các sơ đồ, bản đồ thu nhỏ;
- Các phụ lục và văn bản pháp lý liên quan;
- Các báo cáo đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của Tỉnh.
b) Bản đồ và sơ đồ phân tích:
- Hệ thống bản đồ in và số.
+ Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của Tỉnh.
+ Các bản đồ hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội.
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo mục đích sử dụng.
+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn.
+ Bản đồ phượng án tổ chức không gian và phân vùng chức năng.
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội.
+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất.
+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên.
+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.
+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện.
+ Các bản đồ chuyên đề, định hướng phát triển theo đặc thù của địa phương.
- Các sơ đồ nghiên cứu phân tích quy hoạch.
c) Cơ sở dữ liệu Quy hoạch (đĩa CD).
2. Chi phí lập Quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tiến độ lập Quy hoạch: Hoàn thành trong năm 2020.
a) Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017.
b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện lập Quy hoạch.