THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ ------------ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc --------------- |
KẾ HOẠCH
Triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật
lâm nghiêp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)
(Kèm theo QĐ số 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ)
------------
I. MỤC TIÊU
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế
hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản
trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) (sau đây gọi là Kế
hoạch) nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan,
quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực
hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.
II. NHỮNG
NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Để đạt được mục tiêu nêu trên,
trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương cần cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản
dưới đây:
1.
Tuyên truyền và công bố thông tin
a) Tăng cường
tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT cho
các đối tượng có liên quan (nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình trồng rừng,
các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề,
hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, các làng nghề, hợp tác xã, hộ kinh doanh
chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ và các tổ chức xã hội) thông qua các phương
tiện truyền thông, các chương trình phát thanh truyền hình, các trang thông tin
điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội
dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp
định VPA/FLEGT.
b) Chú trọng soạn
thảo các tài liệu tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực của các nhóm
đối tượng có liên quan trong và ngoài nước về các cam kết cụ thể của Hiệp định,
đảm bảo hiểu rõ, hiểu đúng về Hiệp định, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định
được đầy đủ và hiệu quả.
c) Thiết lập đầu
mối thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT, xây dựng dữ liệu điện
tử công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT và các
văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam
(VNTLAS).
d) Tổ chức thực
hiện công bố thông tin theo cam kết tại Phụ lục VIII về công bố thông tin của
Hiệp định VPA/FLEGT
nhằm đảm bảo việc thực thi Hiệp định được
minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.
2.
Hoàn thiện văn băn quy phạm pháp luật
a) Tổ chức thực
hiện các cam kết cùa Hiệp định VPA/FLEGT thông qua việc xây dựng
Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
b) Tiếp tục rà
soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và truy xuất nguồn
gốc gỗ; Quản lý xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, mua sắm công liên quan đến
gỗ và sản phẩm gỗ.
c) Định kỳ rà
soát, cập nhật và điều chỉnh các văn bản pháp luật của Việt Nam được dẫn chiếu
trong Phụ lục II và Phụ lục V của Hiệp định VPA/FLEGT, theo
cam kết tại Phụ lục IX của Hiệp định.
3.
Cải thiện hạ tầng kỹ thuật để vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam
a) Xây dựng và
vận hành phần mềm phân loại doanh nghiệp điện tử kết nối với cơ sở dữ liệu vi
phạm pháp luật lâm nghiệp và hệ thống cấp phép FLEGT điện
tử.
b) Xây dựng và
vận hành hệ thống cấp phép FLEGT điện tử kết nối với Hệ thống
Hải quan một cửa quốc gia Việt Nam (NSW) và Hệ
thống phân loại doanh nghiệp.
c) Xây dựng sổ
tay hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Hệ thống VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT.
d) Tăng cường đầu
tư cho nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc xác
định loài gỗ nhập khẩu (tên khoa học và tên thương mại), xây dựng hệ thống mã
vạch, mã số, xác minh và truy xuất nguồn gốc gỗ.
4.
Nâng cao năng lực thực thi Hiệp định VPA/FLEGT
a) Đánh giá năng
lực và xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, đặc biệt về Hệ thống VNTLAS cho các bên liên quan, bao
gồm: các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương (kiểm lâm, hải quan,
cơ quan cấp phép FLEGT),
các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, làng nghề,
hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung ứng của Hệ thống VNTLAS.
b) Chú trọng
soạn thảo tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng liên quan, bao
gồm: các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương (kiểm lâm, hải quan,
cơ quan cấp phép FLEGT),
các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, làng nghề,
hộ gia đình trồng rừng và chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, về các yêu cầu và
quy định của Hệ thống VNTLAS và cấp phép FLEGT.
c) Tổ chức đào
tạo, tập huấn cho các đối tượng liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT, bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và
địa phương, các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, làng nghề, hộ gia đình trồng rừng,
chế biến, xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ.
d) Tăng cường ứng
dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, triển khai các biện pháp
cải thiện, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ quản trị doanh
nghiệp.
5.
Quản lý, giám sát và đánh giá thực thi Hiệp định VPA/FLEGT
a) Thành lập Ủy
ban thực thi chung (JIC)
và tổ chức các cuộc họp và hoạt động định
kỳ của JIC nhằm thực thi các chức năng và nhiệm vụ theo quy định
tại Điều 18 và Phụ lục IX của Hiệp định VPA/FLEGT; Chuẩn
bị báo cáo thường niên của JIC.
b) Tăng cường
năng lực cho Cơ quan xác minh, Cơ quan cấp phép FLEGT, Văn
phòng thường trực Ban chỉ đạo về FLEGT và tổ công
tác kỹ thuật liên ngành (JEM) nhằm hỗ trợ JIC thực thi hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT; Củng cố các hoạt động của Nhóm nòng cốt đa bên về Hiệp
định VPA/FLEGT để tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong
quá trình thực thi Hiệp định.
c) Xây dựng
khung giám sát, đánh giá việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; Tổ
chức giám sát và đánh giá việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT theo cam kết tại Phụ lục VI về đánh giá độc lập và Phụ
lục VII về đánh giá tính sẵn sàng hệ thống VNTLAS của Hiệp định.
d) Thực hiện các
biện pháp khắc phụ những lỗi sẵn sàng của Hệ thống VNTLAS.
đ) Đánh giá tác động của Hiệp định VPA/FLEGT về kinh tế, xã hội và môi trường, xác định và thực hiện
các biện pháp giảm thiểu đối với các tác động tiêu cực.
e) Đánh giá tác
động của Hiệp định VPA/FLEGT
đối với thị trường xuất khẩu gỗ và sản
phẩm gỗ, đề xuất các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chế biến
gỗ xuất khẩu Việt Nam.
6.
Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu
a) Đẩy mạnh công
tác phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sử dụng nguyên
liệu hợp pháp; Xây dựng và quảng bá thương hiệu, Hệ thống VNTLAS, giấy phép FLEGT và chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam.
b) Rà soát, tiếp
tục hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật,
xuất xứ, bảo vệ môi trường...) phù hợp với Hiệp định
VPA/FLEGT và các cam kết quốc tế khác để hỗ trợ cho sự phát
triển của các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam, thị trường nội
địa và bảo vệ người tiêu dùng.
c) Xây dựng cơ
chế, chính sách phát triển làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh
doanh chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, các hộ gia đình trồng rừng
nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của Hiệp định VPA/FLEGT, tận dụng cơ hội và lợi ích từ Hiệp định VPA/FLEGT và phát triển bền vững.
d) Xây dựng các
Trung tâm chế biến gỗ nhập khẩu; Khu nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước có
quy mô lớn; Áp dụng thương mại điện tử cung ứng gỗ nguyên liệu gắn kết với cơ
sở chế biến, xuất khẩu.
7. Tăng
cường hợp tác khu vực và toàn cầu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và
thương mại lâm sản
a) Xây dựng, ký
kết, thực hiện hợp tác lâm nghiệp với các quốc gia láng giềng, khu vực ASEAN, thị trường chính nhằm thúc đẩy thực thi luật lâm
nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
b) Tăng cường hợp
tác quốc tế về lĩnh vực Hải quan với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng
liên lạc tình báo khu vực châu Á- Thái Bình Dương (RILO) của Tổ chức Hải quan
thế giới (WCO) để kịp thời trao đổi thông tin, phát hiện, ngăn chặn,
phối hợp xác minh, xử lý các hành vi gian lận xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
c) Đàm phán và ký
kết các hiệp định công nhận lẫn nhau về gỗ hợp pháp với các quốc gia khác, tập
trung vào các quốc gia là thị trường nhập khẩu quan trọng mặt hàng gỗ và sản
phẩm gỗ Việt Nam như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc; Áp dụng Bộ Quy tắc ứng
xử tự nguyện của ASEAN
về gỗ hợp pháp và hướng dẫn quốc gia về
gỗ hợp pháp của khối các nền kinh tế APEC.
d) Xây dựng và
thực hiện các chương trình, dự án hợp tác khu vực và quốc tế để tận dụng, tranh
thủ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở
những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch này và căn cứ chức năng, nhiệm
vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện của bộ, ngành, địa
phương mình, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 01 tháng 03
năm 2020 để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ
đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Chính
phủ; định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, gửi báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình
thực hiện và kiến nghị các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện
hiệu quả và đồng bộ.
3. Giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, thực hiện nhiệm vụ là Đồng chủ tịch Ủy ban thực thi
chung (JIC) cùng với EU; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ
theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, tổ chức đại diện
doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch này.
4. Kinh phí thực
hiện Kế hoạch này được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các
nguồn tài chính hợp pháp khác. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xây dựng và bố trí
nguồn ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch này.
5.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung
những nội dung cụ thể của Kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương chủ động báo cáo
Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình
Dũng