Quyết định 1616/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Bắc giai đoạn đến hết năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
1616/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
14-12-2023
14-12-2023
Thủ tướng Chính phủ Số: 1616/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2023 |
Quyết định
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC GIAI ĐOẠN ĐẾN HẾT NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII;
Căn cứ Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, số 91/2015/NĐ-CP và số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 -2025”;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025;
Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Bắc giai đoạn đến hết năm 2025 với các nội dung chính như sau:
I. Mục TIÊU
1. Xây dựng Tổng công ty là doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế về chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lương thực, nông sản của Việt Nam, duy trì vị trí là một trong 03 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gạo.
2. Tiêu thụ lương thực, muối, nông sản hàng hóa với số lượng lớn, xuất khẩu lương thực, góp phần nâng cao giá trị thương mại các mặt hàng nông sản của Việt Nam; tham gia nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia và điều tiết kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bình ổn giá lương thực trong nước.
3. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, bảo toàn và phát triển vốn.
4. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN ĐẾN HẾT NĂM 2025
1. Ngành nghề kinh doanh
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc ban hành kèm theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ và văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế của cấp có thẩm quyền (nếu có).
2. Đổi mới quản trị doanh nghiệp
a) Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:
- Hoàn thiện thể chế quản lý;
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành;
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán;
- Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương;
- Phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tổng công ty; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin và chuyển đổi số;
- Tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
b) Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp
Tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp tiên tiến phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
3. Xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp
- Tăng cường quản trị dòng tiền, vốn bằng tiền đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thường xuyên cập nhật tình hình cân đối dòng tiền, nguồn vốn trong trung hạn và dài hạn để đưa ra các dự báo, biện pháp ứng phó kịp thời;
- Quản trị các khoản đầu tư đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển của Tổng công ty, nhận diện được các cơ hội và rủi ro, có các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả đầu tư;
- Rà soát các nghĩa vụ tài chính dự kiến sẽ phát sinh đối với Tổng công ty trong quá trình thực hiện các dự án, thỏa thuận cam kết để có kế hoạch chủ động về phương án xử lý nguồn tài chính, bảo đảm an toàn tài chính doanh nghiệp;
- Tham gia nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia và điều tiết kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bình ổn giá lương thực trong nước.
4. Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý
a) Phương án cơ cấu lại nhân sự
- Tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc; thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp lao động tại cơ quan Tổng công ty phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới;
- Chỉ đạo các đơn vị thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển và yêu cầu sản xuất kinh do sinh. Kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.
b) Phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý
- Hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành tại Công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên để có cấu trúc và quy mô phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của Tổng công ty;
- Tập trung các đầu mối, giảm trung gian trong việc xử lý, giải quyết công việc cũng như ra quyết định. Phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận, tránh chồng chéo trong công việc của các Ban, Văn phòng;
- Xác định đặt mục tiêu hiệu quả trong xử lý, giải quyết công việc lên hàng đầu.
5. Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.
- Thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá để đổi mới, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất kinh doanh và thị trường hoặc để tuân thủ các tiêu chuẩn yêu cầu theo quy định của pháp luật;
- Đầu tư trang thiết bị và công nghệ nhằm tăng cường năng lực chế biến lúa gạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ trong công nghệ thông tin vào quản lý.
6. Kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của Tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025:
a) Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc tiếp tục duy trì mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025; giữ nguyên các chi nhánh hiện có.
b) Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên:
- Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Phương Đông;
+ Công ty cổ phần Muối Việt Nam;
+ Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên;
+ Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh;
+ Công ty cổ phần Lương thực Thanh Hóa;
+ Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh.
- Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty thoái vốn, bảo đảm tỷ lệ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên:
+ Công ty cổ phần Lương thực Đông Bắc;
+ Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái;
+ Công ty cổ phần Lương thực Hà Giang.
c) Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty nắm giữ từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ:
- Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ:
+ Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng;
+ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Hà Nội;
+ Công ty cổ phần Xây dựng và chế biến Lương thực Vĩnh Hà;
+ Công ty cổ phần Lương thực Sơn La;
+ Công ty cổ phần Lương thực Sông Hồng;
+ Công ty cổ phần Lương thực Bình Trị Thiên.
- Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty thoái vốn, bảo đảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ:
+ Công ty cổ phần Bột mỳ Vinafood1;
+ Công ty cổ phần Lương thực Lương Yên;
d) Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất Bột mỳ Vimaflour;
- Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo;
- Công ty cổ phần Lương thực Hưng Yên;
- Công ty cổ phần Vinafood1 Hải Dương.
đ) Danh mục doanh nghiệp Tổng công ty thực hiện thoái toàn bộ 100% vốn góp của Tổng công ty:
- Công ty cổ phần Phân phối Bán lẻ VNF1;
- Công ty cổ phần Lương thực Hà Sơn Bình;
- Công ty cổ phần Lương thực Hà Bắc;
- Công ty cổ phần Lương thực Nam Định;
- Công ty cổ phần Lương thực tỉnh Điện Biên;
- Công ty cổ phần Lương thực Tuyên Quang;
- Công ty cổ phần chế biến Muối và Nông sản miền Trung;
- Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung;
- Công ty cổ phần kinh doanh Bao bì Lương thực;
- Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam;
- Công ty cổ phần chế biến kinh doanh Lương thực thực phẩm Hà Nội;
- Công ty cổ phần Lương thực Lào Cai;
- Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định;
- Công ty cổ phần Visalco.
e) Về sắp xếp vốn góp của Tổng công ty Lương thực miền Bắc tại Dự án số 3 Lương Yên: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Bắc căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa (theo giai đoạn) để chủ động xây dựng, thực hiện phương án thoái vốn của Tổng công ty tại Dự án số 3 Lương Yên theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.
7. Giải pháp
a) Phát triển thị trường
- Tăng cường nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường và xúc tiến thương mại để có chiến lược, giải pháp về thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trong từng giai đoạn; xây dựng chiến lược phát triển riêng biệt cho từng thị trường xuất khẩu;
- Phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác có tiềm năng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu;
- Tiếp tục phát triển thị trường trong nước, tăng cường hoạt động nhập khẩu nông sản, nguyên liệu thức ăn gia súc, phân bón, lúa mỳ, các nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng đủ, đóng góp vào hiệu quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp thành viên và Tổng công ty.
b) Hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ
- Rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các quy chế, quy định quản lý nội bộ theo quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn;
- Xây dựng hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiệm cận “mô hình quản trị tốt” của OECD theo thông lệ quốc tế.
c) Giải pháp về tài chính, vốn, tài sản của Tổng công ty
- Có kế hoạch tài chính chi tiết nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng tiền, cân đối linh hoạt cơ cấu vốn vay ngoại tệ, VND để có lãi suất huy động vốn phù hợp, giảm thiểu rủi ro và chi phí tài chính;
- Tăng cường công tác quản lý tài chính tại các đơn vị thành viên; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xử lý nợ của khách hàng Cuba theo phương án được duyệt; từng bước cải thiện cơ cấu nợ, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ quá hạn theo đúng quy định; hạn chế tối đa phát sinh các khoản nợ phải thu khó đòi;
- Thực hiện đầu tư ra ngoài doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả, phù hợp với ngành nghề chính, phục vụ chiến lược phát triển của Tổng công ty theo quy định pháp luật. Tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản, thực phẩm có giá trị gia tăng cao, lúa gạo chất lượng cao nhằm tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến;
- Rà soát các nguồn lực hiện có, xây dựng phương án khai thác các cơ sở vật chất, chú trọng các lĩnh vực giống, bảo quản, phân phối, hạ tầng, kho bãi phụ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính, đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực được giao, bảo toàn phát triển vốn, tạo điều kiện giải quyết việc làm và ổn định đời sống người lao động.
d) Giải pháp về lao động: Bố trí đủ số lượng người quản lý theo quy định; sắp xếp, điều chỉnh các đầu mối quản lý và xác định các vị trí, chức danh phù hợp đảm bảo tinh gọn, không trùng lắp và có sự kết nối giữa các bộ phận chuyên môn đơn vị phụ thuộc, hạn chế các khâu, tổ chức trung gian. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch lao động giai đoạn đến hết năm 2025; xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng để đảm bảo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Thực hiện chính sách lương, thưởng và cơ chế đãi ngộ phù hợp, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
đ) Quản lý sử dụng có hiệu quả các cơ sở nhà, đất: Hoàn thành sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty theo quy định của pháp luật; xác lập hồ sơ pháp lý đối với các cơ sở nhà đất đang quản lý, sử dụng, triển khai phương án sử dụng của từng cơ sở nhà đất phù hợp với quy hoạch, có hiệu quả và theo đúng quy định.
e) Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến, chú trọng công nghệ chế biến sản phẩm cao cấp; triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số, kinh tế xanh theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty nhằm nâng cao biên lợi nhuận từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong Tổng công ty.
g) Phát triển vùng nguyên liệu:
- Tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu để cung ứng gạo đặc sản cho thị trường, tập trung vào các thương hiệu gạo được ưa chuộng như Mười Hương, Lúa tôm ST 25, Tám Gò Công, Tám Sóc Trăng. Áp dụng các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGap, SRP...; tiếp tục đảm bảo các tiêu chuẩn HACCP trong hoạt động chế biến tại nhà máy; đăng ký mã QR, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
- Tiếp tục mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu muối chất lượng cao khép kín từ nước biển để làm muối thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu vào các quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như Mỹ, Nhật Bản nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm của Tổng công ty.
h) Nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức Đảng: Tiếp tục phát huy vai trò và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại Tổng công ty. Đổi mới mô hình tổ chức Đảng bộ Tổng công ty Lương thực miền Bắc phù hợp với Quy định số 60-QĐ/TW ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Ban Bí thư về tổ chức Đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước.
8. Lộ trình thực hiện
- Tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, thoái vốn tại các đơn vị thành viên.
- Đến hết năm 2025: Phấn đấu có mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có năng lực thu mua, chế biến lương thực, nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và Tổng công ty Lương thực miền Bắc căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
a) Chỉ đạo Tổng công ty thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra các nội dung báo cáo, đề xuất. Kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh; trong trường hợp cần thiết điều chỉnh các nội dung tại Đề án do không thực hiện được theo Quyết định này do điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quyết định này phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, có văn bản chỉ đạo;
b) Đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Thực hiện các nội dung có liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
2. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hướng dẫn Tổng công ty Lương thực miền Bắc xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục 1 phần III Điều này.
3. Hội đồng thành viên Tổng công ty có trách nhiệm
a) Trong quý IV năm 2023, tổ chức phổ biến, quán triệt các quan điểm, mục tiêu và các nội dung Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 trong toàn Tổng công ty nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình triển khai thực hiện;
b) Xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với Đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt; phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình cơ cấu lại;
c) Theo thẩm quyền, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Bắc giai đoạn đến hết năm 2025; thực hiện sắp xếp, thoái vốn các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và Quyết định này; Việc xây dựng, phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn tại từng doanh nghiệp thuộc danh mục thoái vốn tại điểm 6 Mục II Điều 1 thực hiện theo quy định hiện hành.
d) Chỉ đạo đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án, công trình được giao;
đ) Tập trung thực hiện cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp, tài chính, nhân sự theo các nội dung nêu trên;
e) Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh các nội dung tại Đề án không thực hiện được theo Quyết định này do điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quyết định này phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, xử lý;
g) Định kỳ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án này và các nội dung theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022.
4. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.