BỘ TƯ PHÁP ____________ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
KẾ HOẠCH
Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới công
tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 -2025 ban hành kèm theo Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ
(kèm theo Quyết định số 1534/QĐ-BTP ngày 03 tháng 7 năm
2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
_____________________
Đề
án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án đổi
mới). Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã phát huy vai trò trong việc nâng cao chất
lượng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý, định hướng nhiệm vụ trọng tâm công
tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc và góp phần nâng cao chất lượng vụ
việc trợ giúp pháp lý.
Ngày
20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, một số nhiệm
vụ, giải pháp quan trọng của Đề án đổi mới đã được thể chế tại Luật Trợ giúp
pháp lý. Mô hình tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp
pháp lý hiện nay được thực hiện theo Luật Trợ giúp pháp lý.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình triển khai
Đề án đổi mới từ ngày 01/6/2015 đến 30/5/2020; đánh giá những kết quả đạt được
(kết quả thực hiện vụ việc, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao năng
lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, những thay đổi trong chất lượng vụ
việc trợ giúp pháp lý, thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý...) và nhận
diện những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện Đề án đổi mới; làm
rõ tính phù hợp, khả thi của các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.
b) Xác định những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của
công tác trợ giúp pháp lý thời gian tới, từ đó đề xuất việc điều chỉnh các mục
tiêu của Đề án đổi mới bảo đảm phù hợp với việc triển khai việc thực hiện Luật
Trợ giúp pháp lý năm 2017 (nếu cần thiết).
2. Yêu cầu
a) Việc sơ kết cần tiến hành nghiêm túc, toàn diện ở
các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; hình thức sơ kết phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan.
b) Nội dung sơ kết phải bám sát nội dung, mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đổi mới, phản ánh đúng thực tế khách quan, có
phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá
trình triển khai và đề xuất, kiến nghị cụ thể.
II. PHẠM VI, NỘI DUNG SƠ KẾT
1. Phạm vi sơ kết
Sơ
kết Đề án đổi mới được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, kết quả thực hiện
được đánh giá từ ngày 01/6/2015 đến hết ngày 30/6/2020.
2. Nội dung sơ kết
a)
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án đổi mới tại các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành, tổ chức liên quan và trong toàn quốc,
những kết quả đạt được theo từng nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án (chia thành 02
giai đoạn: từ 01/6/2015 - 31/12/2017 và 01/01/2018 - 30/6/2020);
- Việc chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch
triển khai Đề án đổi mới, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án
đổi mới; tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế;
- Về hoạt động trợ giúp pháp lý: thực hiện các vụ việc
trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng (về số lượng và chất
lượng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng so với giai đoạn trước khi thực hiện
Đề án đổi mới và với giai đoạn Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực);
việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng;
- Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Chi
nhánh, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (đánh giá kết quả rà soát, chất lượng hoạt
động so với giai đoạn trước khi ban hành Đề án đổi mới);
- Công tác bộ máy, biên chế của Trung tâm (đánh giá số
lượng và chất lượng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trước và sau khi thực
hiện Đề án đổi mới;
- Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện trợ
giúp pháp lý, đánh giá về số lượng và kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp
lý của các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ
giúp pháp lý;
- Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý;
- Kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý.
b) Đánh giá tác động của việc thực hiện Đề án đổi mới
đối với công tác trợ giúp pháp lý...;
c) Những bất cập, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong
thực tế triển khai thực hiện Đề án đổi mới (tập trung phân tích những khó khăn,
hạn chế tại thời điểm hiện nay);
d) Đề xuất việc tiếp tục triển khai Đề án phù hợp với
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tổ chức sơ kết trong
phạm vi Bộ, ngành
- Đề nghị các Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Ủy ban dân tộc), Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia
Việt Nam báo cáo về việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới trong phạm vi nhiệm
vụ được giao (theo đề cương báo cáo gửi kèm).
- Thời gian thực hiện: Các Bộ, ngành có liên quan gửi
báo cáo cho Bộ Tư pháp trước ngày 30/7/2020.
2. Tổ chức sơ kết ở địa
phương
- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành
tham mưu cách thức tiến hành sơ kết (tổ chức hội nghị sơ kết hoặc sơ kết bằng
văn bản) Đề án đổi mới của địa phương. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét và ký (theo đề cương báo cáo gửi kèm).
- Thời gian thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 30/7/2020.
3. Xây dựng Báo cáo sơ
kết Đề án đổi mới trình Thủ tướng Chính phủ
Báo
cáo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành có liên quan và
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quá trình theo dõi,
đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới tại địa phương của Bộ Tư pháp.
- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp
lý).
- Cơ quan phối hợp: các đơn vị chức năng của Bộ Nội
vụ, Bộ Tài chính, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán
bộ).
- Thời hạn hoàn thành: tháng 11/2020
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thực hiện
a) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng báo cáo và gửi về Bộ Tư pháp đúng tiến
độ;
b) Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn
đốc việc sơ kết của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
c) Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì, phối hợp với Văn phòng
Bộ, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp tổ chức
thực hiện Kế hoạch này.
2. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí sơ kết Đề án đổi mới của các Bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bảo đảm từ kinh phí
của Bộ, ngành, địa phương mình.
b) Kinh phí để tổ chức thực hiện sơ kết Đề án đổi mới
đối với các hoạt động thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp lấy từ nguồn kinh phí
thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (giao không tự chủ tài chính)
ngân sách nhà nước cấp cho Cục Trợ giúp pháp lý.