Quyết định 1457/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện"
1457/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
25-10-2019
25-10-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 1457/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN: “RÀ SOÁT VÀ HOÀN THIỆN CÁC CHÍNH SÁCH VỀ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THỦY IỢI THỦY ĐIỆN”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10290/TTr-BNN-KTHT ngày 28 tháng 12 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án: Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện (sau đây viết tắt là Đề án), với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
a) Thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo ổn định đời sống cho người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu các vấn đề đang tồn tại, hạn chế và sẽ tiếp tục diễn ra; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện.
b) Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phải di dời, tái định cư đi nơi khác khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện và các bên có liên quan khi thực hiện các công trình thủy lợi, thủy điện;
c) Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng chính sách cũng như thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện chính sách về di dân, tái định cư theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch.
2. Mục tiêu
a) Rà soát, đánh giá thực trạng các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân tái định cư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp người dân tái định cư tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nguồn nước và vệ sinh, thông tin) tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tiếp nhận tái định cư.
b) Phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan để xử lý cấc vấn đề liên quan.
II. NHIỆM VỤ
1. Rà soát, hoàn thiện chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện
a) Nội dung
- Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các dự án thủy lợi, thủy điện (riêng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư chỉ nghiên cứu áp dụng đối với các dự án thủy lợi, thủy điện đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau năm 2006), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm hỗ trợ người dân tái định cư ổn định đời sống và phát triển sản xuất tại nơi ở mới.
- Điều tra, khảo sát, tổng hợp các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sau tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện để hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện phù hợp với thực tiễn.
b) Thời gian hoàn thành: năm 2020.
1. Thực hiện Chính sách an sinh xã hội giúp người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản:
Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều áp dụng đối với các hộ dân tái định cư là hộ nghèo, cụ thể như sau:
a) Chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo
- Đối với thành viên hộ tái định cư là hộ nghèo đa chiều thiếu hụt ít nhất 01 chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em) được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập.
- Đối với thành viên hộ tái định cư là hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ cận nghèo.
b) Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế:
Nội dung: Thực hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017.
c) Chính sách hỗ trợ về nhà ở:
Rà soát việc thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
d) Chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt
Đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về nguồn nước sinh hoạt thì được hưởng như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
đ) Hỗ trợ về vệ sinh (nhà tiêu hợp vệ sinh)
Đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về vệ sinh thì được hỗ trợ như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.
e) Chính sách hỗ trợ về thông tin
Đối với hộ nghèo đa chiều là hộ tái định cư thiếu hụt chỉ số về thông tin thì được hưởng như đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ thông tin theo quy định tại Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tích hợp các chính sách hỗ trợ về thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
g) Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác
- Các chính sách hiện hành khác: Hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với hộ cận nghèo.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ pháp lý và các chính sách khác đối với hộ nghèo là dân tộc thiểu số, vùng miền núi, huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
- Đối với chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: thực hiện theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban dân tộc và các bộ, ngành khác có liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế và vệ sinh (nhà tiêu hợp vệ sinh).
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp).
4. Bộ Lao động - Thựơng binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp.
5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về thông tin.
7. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt.
8. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan cân đối bố trí kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ và các chính sách thuộc Đề án này.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách thuộc Đề án này.
10. Các bộ, ngành chủ trì quản lý chính sách thuộc Đề án này, theo chức năng, nhiệm vụ rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, bảo đảm người dân tái định cư tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.
11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách thuộc Đề án này, nghiên cứu, xây dựng chính sách giảm nghèo tại địa phương; xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp với địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về di dân, tái định cư, giảm nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giảm nghèo.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.