Quyết định 142/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án cung ứng dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2018-2020
142/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
31-01-2019
31-01-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 142/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CUNG ỨNG CÁC DỊCH VỤ TRUYỀN HÌNH TUYÊN TRUYỀN VỀ ĐỐI NGOẠI; VỀ PHÒNG, CHỐNG, GIẢM NHẸ THIÊN TAI, HIỂM HỌA PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG; VỀ NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2018 – 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;
Căn cứ Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1209/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 97/KL-TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2018 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Thực hiện thông tin tuyên truyền thông qua các chương trình truyền hình nhằm:
a) Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo cầu nối thông tin từ trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế;
b) Nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống an toàn, giảm thiểu các nguy cơ về hiểm họa cho cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu;
c) Nâng cao nhận thức, của nhân dân ở các vùng nông thôn về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình..., góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Dịch vụ truyền hình đối ngoại:
Xây dựng dịch vụ truyền hình đối ngoại trên 01 kênh truyền hình chuyên biệt phục vụ kiều bào nhằm:
- Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông điệp từ Việt Nam ra thế giới và gắn kết người Việt trên khắp thế giới;
- Tạo cầu nối giữa kiều bào và người Việt trong nước, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, kêu gọi người Việt trên khắp thế giới trở về cống hiến, xây dựng đất nước giàu - đẹp - văn minh;
- Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu các vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam góp phần nâng cao vị thế Việt Nam, tăng cường hội nhập, giao lưu, hợp tác văn hóa, kinh tế quốc tế, đồng thời thu hút khách du lịch...;
b) Dịch vụ truyền hình phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng:
Xây dựng dịch vụ truyền hình phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng trên 01 kênh truyền hình chuyên biệt nhằm:
- Cung cấp kịp thời và chính xác các tin tức thời sự để giúp người dân và cơ quan quản lý phòng, chống có hiệu quả thiên tai, giảm thiểu hậu quả đối với đời sống kinh tế - xã hội;
- Nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng của tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, hiểm họa, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh;
- Nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng để xây dựng môi trường sống và làm việc an toàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
c) Dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn:
Xây dựng dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn trên 01 kênh truyền hình chuyên biệt nhằm:
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thúc đẩy và giám sát việc thực thi các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đóng góp thông tin phản hồi từ thực tiễn, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất hiệu quả, tôn vinh gương nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo, góp phần khuyến khích, động viên và nhân rộng những điển hình sản xuất nông nghiệp sạch, hiệu quả, bền vững;
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;
- Tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt, thuần phong mỹ tục ở nông thôn, đóng góp vào mục tiêu xây dựng và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
II. NHIỆM VỤ
1. Sản xuất và biên tập, biên dịch nội dung
a) Dịch vụ truyền hình đối ngoại:
- Cập nhật những thông tin chính thức về tình hình Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; các thông tin cơ bản về tình hình đời sống nhân dân trong nước; thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và hoạt động đối ngoại của Nhà nước nói chung;
- Cung cấp thông tin tổng quan đa chiều về đất nước, con người Việt Nam thông qua những người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam;
- Cung cấp thông tin chuyên đề đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước của cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài và của bạn bè quốc tế quan tâm đến Việt Nam; kêu gọi, khuyến khích bà con kiều bào trở về đầu tư xây dựng quê hương, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
b) Dịch vụ truyền hình phòng, chống thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng:
- Thông tin tổng hợp về các vấn đề môi trường, giao thông, thời tiết, thực phẩm, y tế, sức khỏe, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
- Cung cấp kinh nghiệm, kỹ năng, giáo dục tri thức liên quan đến phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Thông tin chuyên đề theo thể loại phù hợp với các nội dung về môi trường, thiên nhiên, sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng; các vấn đề về môi trường, giao thông, phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người và những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Giao lưu, phỏng vấn, tổng hợp tình hình chính sách, hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, hiểm họa trên toàn thế giới.
c) Dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn:
- Thông tin, phản ánh kịp thời quá trình xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền phổ biến đầy đủ, đa chiều về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững;
- Tuyên truyền về chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, kết nối các mô hình sản xuất sạch, các hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở các địa phương;
- Thông tin, phản ánh kịp thời về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đến nông dân, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ kỹ thuật của các nông hộ, xã viên, phổ biến và nhân rộng những mô hình sản xuất sạch, hiệu quả, bền vững;
- Thông tin, tuyên truyền về những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam và nông sản giá trị cao của các địa phương trong cả nước, sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế;
- Thông tin, phản ánh kịp thời những biến chuyển trong đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân vùng nông thôn, góp phần cung cấp thông tin phản hồi đến các cơ quan quản lý, đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn;
2. Truyền dẫn, phát sóng các chương trình đến các địa bàn mục tiêu và đối tượng thụ hưởng
a) Thực hiện phát sóng trên phạm vi cả nước thông qua các hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình;
b) Tổ chức phân phối nội dung trực tuyến trên mạng Internet, mạng xã hội và các hạ tầng trực tuyến;
c) Đối với truyền dẫn, phát sóng ra nước ngoài của dịch vụ truyền hình đối ngoại:
- Thực hiện truyền dẫn ra nước ngoài theo phương thức truyền dẫn qua vệ tinh và qua Internet;
- Tại địa bàn mục tiêu: Căn cứ điều kiện thực tế của từng địa bàn để triển khai phương thức phát sóng phù hợp, gồm: Truyền hình mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình IPTV, truyền hình Internet, trao đổi chương trình (trong đó bao gồm cả thuê kênh truyền hình để phát sóng tại một số địa bàn trọng điểm) đảm bảo đến năm 2020 dịch vụ truyền hình đối ngoại được đưa vào được hệ thống truyền dẫn, phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ tại 25 - 30 địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại.
3. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả dịch vụ.
III. THỜI GIAN, QUY MÔ THỰC HIỆN
1. Thời gian cung ứng dịch vụ: Từ năm 2018 đến năm 2020.
2. Quy mô dịch vụ
a) Dịch vụ truyền hình đối ngoại: Hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.364 giờ, cả giai đoạn là 4.092 giờ;
b) Dịch vụ truyền hình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng: Hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.365 giờ, cả giai đoạn là 4.096 giờ;
c) Dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn: Hàng năm trung bình sản xuất và phát sóng các chương trình với thời lượng sản xuất mới là 1.268 giờ, cả giai đoạn là 3.804 giờ.
3. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ:
- Dịch vụ truyền hình đối ngoại: Sản xuất mới chương trình (bình quân 03 giờ/ngày); biên tập, khai thác lại các chương trình (bình quân 01 giờ/ngày); truyền dẫn, phát sóng ra nước ngoài bằng vệ tinh; thuê kênh tại địa bàn trọng điểm; hỗ trợ khảo sát, kết nối, đánh giá, nghiệm thu phát sóng dịch vụ và kinh phí dự phòng;
- Dịch vụ truyền hình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng: Sản xuất mới các chương trình truyền hình (bình quân 3,66 giờ/ngày);
- Dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn: Sản xuất mới các chương trình truyền hình (bình quân 3,5 giờ/ngày).
Các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông thôn đã thực hiện năm 2018 phù hợp với nội dung, nhiệm vụ của Đề án được thanh toán từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
b) Kinh phí huy động từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị cung ứng dịch vụ và của các tổ chức, cá nhân để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm:
- Mua bản quyền các chương trình biên tập, khai thác;
- Chi phí sản xuất mới các chương trình không được ngân sách nhà nước hỗ trợ;
- Chi phí truyền dẫn, phát sóng trong nước;
- Chi phí tổ chức phân phối nội dung dịch vụ trên môi trường trực tuyến (trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội...);
- Chi phí quản lý chung.
c) Sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án khác (nếu có) để lồng ghép nội dung thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đài Tiếng nói Việt Nam
Là cơ quan chủ trì Đề án có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án;
b) Quyết định phương thức tổ chức thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật;
c) Sử dụng kinh phí được giao hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Đề án và nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án khác để lồng ghép nội dung thực hiện các nhiệm vụ của Đề án;
d) Chỉ đạo đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai thực hiện theo đúng nội dung, kế hoạch (hoặc hợp đồng) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về truyền hình đối với các dịch vụ truyền hình thuộc Đề án;
b) Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam kiểm tra, giám sát việc cung cấp các dịch vụ truyền hình thuộc Đề án.
3. Các Bộ: Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, định hướng nội dung tuyên truyền các chương trình dịch vụ truyền hình thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc cung cấp thông tin và phối hợp sản xuất chương trình.
4. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bố trí kinh phí cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
5. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
a) Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, định hướng nội dung tuyên truyền các chương trình của dịch vụ truyền hình nông nghiệp - nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc cung cấp thông tin và phối hợp sản xuất chương trình;
c) Cung cấp các chương trình truyền hình nông nghiệp - nông thôn do Đề án thực hiện cho các cấp Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tại các địa phương để tăng cường hiệu quả thông tin tuyên truyền của Đề án.
6. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
- Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, định hướng nội dung tuyên truyền các chương trình của dịch vụ truyền hình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa, phục vụ cộng đồng;
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc cung cấp thông tin và phối hợp sản xuất chương trình.
7. Các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình tại nước sở tại;
- Tuyên truyền, phổ biến dịch vụ truyền hình đối ngoại đến cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại.