KẾ HOẠCH
PHÁT ĐỘNG
PHONG TRÀO THI ĐUA 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022 “CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 74 NĂM TRUYỀN THỐNG
THI ĐUA YÊU NƯỚC 11/6/1948 - 11/6/2022, 77 NĂM QUỐC KHÁNH 02/9/1945 - 02/9/2022
VÀ TRUYỀN THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN 13/9/1945 - 13/9/2022”
(Kèm theo Quyết định số 141/QĐ-TANDTC ngày 31/5/2022 của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao)
Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa
án ngày 16/6/2020; Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về
tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về công bố bản án, quyết định trên
Cổng thông tin điện tử của Tòa án; Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017
của Tòa án nhân dân tối cao về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo
yêu cầu cải cách tư pháp;
Căn cứ Chỉ thị số 01/2022/CT-CA ngày
10/01/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ
trọng tâm công tác Tòa án năm 2022; Kế hoạch số 524/KH-TANDTC-TĐKT ngày
25/11/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện công tác thi đua, khen
thưởng năm 2022;
Tòa án nhân dân tối cao ban hành kế hoạch
phát động phong trào thi đua 6 tháng cuối năm 2022 (từ ngày 01/6/2022 đến ngày
30/9/2022) “chào mừng Kỷ niệm 74 năm truyền thống Thi đua yêu nước 11/6/1948 -
11/6/2022, 77 năm Quốc khánh 02/9/1945 - 02/9/2022 và truyền thông Tòa án nhân
dân 13/9/1945 - 13/9/2022”. Cụ thể như sau.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa
trực tuyến; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tổ
chức phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin
điện tử của Tòa án, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ công
tác năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư
pháp và công tác Tòa án.
b) Đề cao tinh thần thi đua ái quốc, tiếp
tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích sáng tạo, phát huy sáng
kiến, thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng mọi
mặt công tác Tòa án nhân dân.
c) Tổ chức phong trào thi đua với nội
dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần
đoàn kết, sáng tạo, động viên, lôi cuốn đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án và
các đối tượng có liên quan tích cực, hăng hái tham gia phong trào thi đua, khắc
phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần
hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân.
2. Yêu cầu:
a) Phong trào thi đua phải được triển khai
sâu rộng, đồng bộ đến các đơn vị cơ sở, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với
các sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, Kỷ niệm 74 năm
truyền thống Thi đua yêu
nước, 77 năm Quốc khánh và truyền thống Tòa án nhân dân.
b) Việc thực hiện phong trào thi đua đặc
biệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị
trong hệ thống Tòa án nhân dân phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi
đua, bảo đảm phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong cơ quan,
đơn vị, các tổ chức đoàn thể trực thuộc với nội dung, hình thức phong phú,
thiết thực, có tiêu chí, chỉ tiêu thi đua rõ ràng, cụ thể, phù hợp với các quy
định của pháp luật, Tòa án nhân dân và đặc điểm tình hình thực tế, chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
c) Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ
chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, vận động đoàn
viên, hội viên tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua, đề cao trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong các cơ
quan, đơn vị Tòa án nhân dân.
d) Việc tổ chức thực hiện phong trào thi
đua phải thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đánh giá kết
quả đạt được, phát hiện những mô hình mới, nhân tố mới, cách làm hay để bồi
dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các sáng
kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua; đồng thời rút kinh nghiệm đối
với những đơn vị làm chưa tốt, chưa hiệu quả. Kết quả triển khai, tổ chức thực
hiện phong trào thi đua đặc biệt là một trong những nội dung quan trọng để đánh
giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân, bình xét thành tích thi
đua và xem xét, khen thưởng. Tập trung khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức
không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai,
công bằng, có tác dụng giáo dục, nêu gương.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THI ĐUA
1. Đối tượng thi đua
a) Tập thể:
- Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân
cấp tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương; các Tòa án
quân sự; Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án các cấp.
- Các đơn vị trực thuộc: Tòa án nhân dân
cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự Trung ương,
Tòa án quân sự cấp quân khu và tương đương.
b) Cá nhân:
- Thẩm phán, Công chức, Hội thẩm nhân dân
trong các Tòa án nhân dân;
- Thẩm phán, Chiến sĩ, Hội thẩm quân nhân
trong các Tòa án quân sự;
- Hòa giải viên trong Trung tâm hòa giải,
đối thoại tại Tòa án các cấp.
2. Nội dung thi đua
Các đơn vị, cá nhân Tòa án nhân dân tổ
chức, hưởng ứng, triển khai phong trào thi đua với chủ đề, nội dung phù hợp,
tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi
đua, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được
giao. Thi đua thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của
Đảng, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp và công tác Tòa
án. Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả các giải
pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng mọi mặt công tác. Tập trung
trọng tâm vào các nội dung thi đua chủ yếu sau:
a) Thi đua lập thành tích cao nhất trong
công tác hòa giải, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và
các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về công tác hòa
giải, đối thoại tại Tòa án;
b) Thi đua lập thành tích cao nhất trong
công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15
ngày 12/11/2021 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số
05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 12/11/2021 của Tòa án nhân dân tối
cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp
về tổ chức phiên tòa trực tuyến;
c) Thi đua lập thành tích cao nhất trong
công tác công bố bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án theo Nghị quyết số
03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
về công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
d) Thi đua lập thành tích cao nhất trong
công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày
30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo
yêu cầu cải cách tư pháp.
III. TIÊU CHÍ THI ĐUA; HÌNH THỨC, TRÌNH
TỰ, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chí thi đua
- Các đơn vị, cá nhân Tòa án nhân dân thi
đua lập thành tích xuất sắc (tiêu biểu nhất) trong công tác chuyên môn, đặc
biệt là nhiệm vụ: triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nghị
quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về công bố bản án, quyết định và Hướng dẫn của
Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
- Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động, sáng tạo, linh hoạt
áp dụng đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng toàn
diện các mặt công tác chuyên môn, phấn đấu hoàn thành đạt và
vượt các chỉ tiêu công tác đã được Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao giao.
- Các tổ chức đoàn thể trong các Tòa án
nhân dân đồng hành cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua, hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Các cơ quan, đơn vị báo chí, tuyên
truyền của Tòa án nhân dân thực hiện tốt công tác truyền thông; tuyên truyền
thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân
tối cao về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, xét xử trực tuyến, tổ chức
phiên tòa rút kinh nghiệm và công bố bản án, quyết định có hiệu lực trên cổng
thông tin điện tử của Tòa án, bảo đảm chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần
cổ vũ, động viên, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội đối với Tòa án nhân dân
trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.
2. Hình thức, trình tự, tiêu chuẩn khen
thưởng
a) Hình thức khen thưởng
- “Giấy khen” của Chánh án Tòa án các cấp;
- “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao;
- “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ.
b) Trình tự khen thưởng
- Các đơn vị Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa
án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án quân sự các cấp thực
hiện việc xét tặng thưởng “Giấy khen” theo thẩm quyền đối với những tập thể, cá
nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Đồng thời, lựa chọn tập
thể, cá nhân xuất sắc (tiêu biểu nhất) đề cử thông qua Cụm thi đua (mỗi Cụm thi
đua được giới thiệu tối đa 01 tập thể, 01 cá nhân (Tòa án nhân dân cấp cao, cấp
tỉnh và tương đương) và 01 tập thể, 01 cá nhân (Trung tâm Hòa giải, đối thoại
tại Tòa án các cấp; Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương) đề nghị tặng
“Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Tòa án nhân dân sẽ lựa chọn 02 tập thể, 02 cá nhân (Tòa án nhân dân;
Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án các cấp) có thành tích cao nhất, đề
nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ tặng
thưởng “Bằng khen” theo thẩm quyền.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng thực
hiện theo quy định chung của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số
91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC
ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
c) Tiêu chuẩn khen thưởng
* Tiêu chuẩn chung: Tập thể, cá nhân hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nói chung; đồng thời, vượt chỉ tiêu cao nhất
nhiệm vụ của Tòa án nhân dân về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức phiên
tòa trực tuyến; phiên tòa rút kinh nghiệm và công bố bản án, quyết định trên
cổng thông tin điện tử của Tòa án.
* Tiêu chuẩn về lĩnh vực công tác cụ thể:
- Triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại
Tòa án: Tập thể, cá nhân vượt chỉ tiêu (cao nhất) theo quy định tại Chỉ thị số
02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo
Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Triển khai công tác xét xử phiên tòa
trực tuyến: Tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nói chung;
đồng thời, vượt chỉ tiêu cao nhất nhiệm vụ của Tòa án nhân dân về tổ chức phiên
tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội;
Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 12/11/2021
của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ
Quốc phòng, Bộ Tư pháp.
- Tiếp tục triển khai công tác công bố bản
án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật: Tập thể, cá nhân hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ được giao nói chung; đồng thời, vượt chỉ tiêu cao nhất về
chất lượng công bố 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có đủ điều
kiện công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định tại Nghị
quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao.
- Tiếp tục triển khai công tác tổ chức
phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp: Tập thể, cá nhân hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nói chung; đồng thời, vượt chỉ tiêu cao nhất
(số lượng, chất lượng) tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo quy định tại
Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ kết quả, mức độ thành tích đạt được
cụ thể trong các mặt công tác để xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu
biểu xuất sắc theo đúng quy định chung của pháp luật về thi đua, khen thưởng và
của Tòa án nhân dân tối cao.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối
cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương; Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình phổ
biến, quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua; căn cứ vào Kế
hoạch này và đặc điểm tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ
động xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp phù hợp tổ chức triển khai thực hiện có
hiệu quả phong trào thi đua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nội dung, chất lượng.
Tổ chức tổng kết phong trào thi đua (cùng dịp tổng kết công tác thi đua, khen
thưởng năm 2022 của Tòa án nhân dân); bình xét khen thưởng, báo cáo kết quả và
hồ sơ đề nghị khen thưởng về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Thi đua-Khen
thưởng) để tổng hợp, đánh giá, thẩm định, đề xuất khen thưởng.
2. Vụ Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân
tối cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, theo
dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tình hình,
kết quả thực hiện; thẩm định hồ sơ, đề xuất khen thưởng, báo cáo Hội đồng Thi
đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân, Ban Cán sự đảng và Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao xem xét, quyết định.
3. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân,
Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên
truyền về phong trào thi đua; mở các chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng
thích hợp phát sóng, đưa tin về phong trào thi đua, các tập thể, cá nhân đạt
thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, các mô hình mới, cách làm hay,
điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi
trong hệ thống Tòa án nhân dân.
4. Kinh phí tổ chức thực hiện phong trào
thi đua và kinh phí khen thưởng được trích từ Quỹ thi đua, khen thưởng của cơ
quan, đơn vị được cấp hàng năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Thi đua-Khen
thưởng) để tổng hợp, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải
quyết./.