QUY
CHẾ
QUY
ĐỊNH VỀ NGHI THỨC TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
TRONG TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Kèm theo Quyết định số
139/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 19/5/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc tổ chức nghi thức trao tặng, đón nhận danh
hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong Tòa án nhân dân; đối với các Tòa án
quân sự thực hiện phù hợp với quy định của Bộ Quốc phòng.
2. Đối tượng áp dụng là các tập thể, cá nhân trong và ngoài Tòa án nhân dân
khi trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Điều 2. Yêu cầu của việc tổ chức nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Việc tổ chức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen
thưởng phải bảo đảm thống nhất, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô
trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân được
khen thưởng, tạo sức lan tỏa trong Tòa án nhân dân và xã hội.
2. Việc tổ chức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen
thưởng phải mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng;
gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện công tác chuyên môn của
Tòa án nhân dân.
Chương 2
YÊU CẦU, TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH NGHI
THỨC CÔNG BỐ, TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 3. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng quy định tại Luật Thi đua,
khen thưởng và Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân
dân được công bố, trao tặng, đón nhận theo quy định tại Quy chế này gồm:
a) Khen thưởng cấp Nhà nước;
b) Khen thưởng của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương;
c) Khen thưởng của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tòa án quân sự quân khu;
d) Khen thưởng của bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương...
2. Các hình thức tôn vinh, biểu dương không tổ chức trao tặng theo Quy chế
này.
Điều 4. Yêu cầu của việc tiến hành lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi
đua, hình thức khen thưởng
1. Người điều hành buổi lễ là lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo của đơn vị
chủ trì, tổ chức buổi lễ.
2. Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức
khen thưởng. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất
nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của Tòa án nhân dân,
của địa phương, của đơn vị hoặc hội nghị triển khai công tác theo chương trình
cụ thể (trừ trường hợp trao tặng hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất
sắc đột xuất và khen thưởng đối ngoại).
3. Chỉ công bố, trao tặng và đón nhận một lần đối với mỗi quyết định khen thưởng. Không
tổ chức diễu hành hoặc đón rước từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm
khác.
4. Đại diện lãnh đạo hoặc tập thể lãnh đạo và cá nhân được khen thưởng trực
tiếp đón nhận quyết định khen thưởng, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
của tập thể và cá nhân. Trường hợp truy tặng, đại diện gia đình của người được
truy tặng nhận thay.
5. Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng từ thứ bậc cao đến
thứ bậc thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập
thể trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.
6. Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen
thưởng người không có nhiệm vụ không tặng hoa, có mặt trên lễ đài (theo quy
định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định số 145).
Điều 5. Trình tự tiến hành
1. Thông báo chương trình.
2. Lễ Chào cờ, hát Quốc ca.
3. Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng.
4. Trình bày diễn văn hoặc báo cáo: Chỉ “kính thưa họ tên và chức danh”
Lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn
vị.
5. Công bố và trao tặng khen thưởng.
6. Phát biểu ý kiến của lãnh đạo cấp trên hoặc đại diện khách mời.
7. Phát biểu đáp từ cảm ơn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức.
8. Kết thúc.
Điều 6. Nghi thức công bố, trao tặng và đón nhận khen thưởng
1. Công bố quyết định khen thưởng:
a) Đại diện lãnh đạo của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng hoặc của
đơn vị tổ chức buổi lễ công bố quyết định khen thưởng;
b) Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước:
- Trước khi công bố quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, người công bố
mời Đội cờ truyền thống (nếu có), đại diện lãnh đạo (tập thể lãnh đạo) hoặc cá
nhân được khen thưởng lên lễ đài để nghe công bố
quyết định khen thưởng;
- Công bố quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước.
c) Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ; của Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao; của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
và khen thưởng khác:
- Công bố quyết định khen thưởng;
- Sau khi công bố xong quyết định khen thưởng, người công bố mời đại diện
lãnh đạo (tập thể lãnh đạo) hoặc cá nhân được khen thưởng lên lễ đài để đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
2. Trao danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:
a) Người trao là đại diện các lãnh đạo tham dự buổi lễ; người trao đứng ở
vị trí trung tâm của lễ đài;
b) Cấp nào khen thưởng thì lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo cấp đó trao.
- Trường hợp lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo cấp khen thưởng không tham dự
buổi lễ thì lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo ngang cấp hoặc cấp dưới (được ủy
quyền) trực tiếp trao.
- Trường hợp số lượng khen thưởng nhiều thì lựa chọn khen thưởng cao để trao.
c) Trao tặng cho tập thể:
- Trao tặng Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu thi
đua, hình thức khen thưởng):
+ Theo thứ tự gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) trước; sau đó
trao Bằng và trao Cờ Anh hùng (đối với tập thể được đón nhận danh hiệu Anh
hùng);
+ Đối với tập thể
có Cờ truyền thống: Người trao gắn Huân chương (hoặc Huy
chương, Huy hiệu) lên góc cao Cờ truyền thống; sau khi gắn xong, người trao đứng nghiêm cúi chào Cờ. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu)
trên Cờ truyền thống được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp;
+ Đối với tập thể
không có Cờ truyền thống: Người trao tặng sẽ trao Bằng đã
gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) ở góc cao bên phải của Bằng.
- Trao tặng khen thưởng khác: Người trao tặng sẽ trao Bằng.
d) Trao tặng cho cá nhân:
- Trao tặng Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo hình thức khen
thưởng): Người trao gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) lên phía trái
ngực áo người đón nhận, sau đó trao Bằng. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy
chương, Huy hiệu) trên ngực áo được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp;
- Trao tặng khen thưởng khác: Người trao tặng sẽ trao Bằng.
đ) Truy tặng:
- Truy tặng Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo hình thức khen
thưởng): Người trao tặng sẽ trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương,
Huy hiệu) ở góc cao bên phải cho đại diện gia đình cá nhân được truy tặng.
- Truy tặng khen thưởng khác: Người trao tặng sẽ trao Bằng cho đại diện gia
đình cá nhân được truy tặng.
3. Đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:
a) Đón nhận các hình thức khen thưởng do Chủ tịch nước ký quyết định: Người
đón nhận khen thưởng đứng nghiêm theo hàng ngang tại vị trí trung tâm trên lễ
đài nghe công bố quyết định khen thưởng.
b) Đón nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Thủ tướng
Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương ký quyết định: Người đón nhận khen thưởng được
mời lên vị trí trung tâm của lễ đài để đón nhận;
c) Trường hợp số lượng người đón nhận khen thưởng nhiều có thể chia làm
nhiều đợt hoặc sắp xếp cụ thể sẽ do cơ quan, đơn vị tổ chức buổi lễ quyết định.
d) Khi đón nhận Bằng hoặc Cờ, người đón nhận khen thưởng nâng Bằng hoặc Cờ
cao ngang ngực, giữ nguyên tư thế cho đến khi rời khỏi lễ đài;
đ) Trong trường hợp cần thiết, đại diện tập thể (hoặc cá nhân) được khen thưởng phát biểu ý kiến sau khi đón nhận khen
thưởng.
4. Người phục vụ nghi thức trao (người đưa các hiện vật khen thưởng tại
buổi Lễ cho người trao)
a) Mặc trang phục Tòa án nhân dân (Tòa án quân sự) thống nhất và phù hợp
với chương trình buổi lễ; Không quay lưng về phía người dự; Đứng phía sau, bên phải người trao khi đưa Huân chương (hoặc Huy chương, Huy
hiệu, Bằng, Cờ kèm theo danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng) cho người
trao;
b) Đặt Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu, Bằng kèm theo danh hiệu thi
đua, hình thức khen thưởng) trong khay phủ vải đỏ; đưa Cờ bằng hai tay cho
người trao; Bằng phải được lồng trong khung.
5. Sử dụng nhạc hành tiến khi trao thưởng.
6. Đối với tập thể, cá nhân nước ngoài, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án
nhân dân hoặc đơn vị tổ chức buổi lễ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức thực hiện nghi thức công bố, trao tặng, đón nhận hình thức
khen thưởng cho tập thể, cá nhân nước ngoài theo quy định tại Quy chế này và
phù hợp với điều kiện thực tế.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Giám đốc Học viện
Tòa án; Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm tổ chức
quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
quyết định./.