Quyết định 1296/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư"
1296/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
24-08-2020
24-08-2020
Thủ tướng Chính phủ Số: 1296/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2020 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ CÔNG BỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM TRÊN NỀN TẢNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ”
Căn
cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn
cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định
về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Căn
cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 9005-CV/VPTW
ngày 09 tháng 3 năm 2019 của Văn phòng Trung ương Đảng về Việc thực hiện Đề án
nghiên cứu, tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ
thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Xét đề nghị của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các
Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Tờ trình số 195/TTr-UBTQ ngày 22 tháng 7
năm 2020; ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 3151/BTTTT-THH
ngày 17tháng 8 năm 2020,
Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (sau đây gọi là Chương trình) với các nội dung sau:
1. Mục tiêu của Chương trình
a) Mục tiêu chung: Xây dựng hệ thống tư liệu, kho dữ liệu số và công bố các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ, nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.
b) Mục tiêu cụ thể
- Công bố 500 công trình, đầu sách truyền thống (sách in) tuyển chọn từ kho tài liệu các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật trong giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1945.
- Công bố 100 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.
- Công bố 2.000 đầu mục dữ liệu số về các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật dưới dạng văn bản, hiện vật đom chiếc, các tác phẩm phi văn bản và tác phẩm dạng khối.
- Xây dựng 50 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đặc sắc trong đời sống xã hội.
- Tạo lập Hệ thống phần mềm để lưu trữ, quản lý các sản phẩm của Chương trình (sách 3D, dữ liệu số, phim tài liệu), phục vụ tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu số về văn học nghệ thuật Việt Nam.
2. Nhiệm vụ của Chương trình
Nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm để tổng hợp, xây dựng hệ thống tư liệu, cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam, trên cơ sở kế thừa các tư liệu, sản phẩm đã công bố trước đây và nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu dân tộc học, nhân học, văn hóa học, sử học, cụ thể như sau:
a) Nghiên cứu, sưu tầm, kế thừa các sản phẩm đã công bố để tuyển chọn, tổng hợp và xuất bản các công trình, đầu sách về văn học, nghệ thuật Việt Nam dưới dạng sách in, sách 3D đáp ứng nhu cầu tiếp cận, thưởng thức, nghiên cứu, tra cứu của công chúng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng học tập văn hóa, nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục.
b) Biên soạn các sách 3D về các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu bảo đảm trực quan sinh động; số hóa chi tiết các tư liệu, giá trị hiện vật có kết hợp với thuyết minh.
c) Xây dựng kho dữ liệu số các tác phẩm văn học nghệ thuật dưới dạng văn bản, hiện vật đơn chiếc, băng âm thanh, phim, ký âm, bản in dập; các tác phẩm phi văn bản như văn bia, mộc bản, tác phẩm hội họa, phim, băng âm thanh; các tác phẩm dạng khối như các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, kiến trúc, nghệ thuật...
d) Sản xuất phim tài liệu, phim chuyên đề về tác giả gắn liền với tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
đ) Tạo lập Hệ thống phần mềm quản lý, khai thác các sản phẩm số hóa của Chương trình, kho dữ liệu số các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam; chuẩn định dạng phổ thông để thuận tiện cho việc khai thác trên nền tảng số và các ứng dụng khác; kết nối, chia sẽ cơ sở dữ liệu và tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia.
e) Thu thập phiên bản số, tiến tới số hóa từ gốc các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị khi ra đời và đưa vào nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa.
3. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình
- Các Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố; các cơ quan phục vụ đối ngoại; các cơ quan nghiên cứu; các Hội, chi hội văn học nghệ thuật địa phương; tủ sách bộ đội biên phòng, hải đảo; các cơ sở giáo dục; tổ chức Đoàn, Đội, Hội học sinh, sinh viên; hệ thống thư viện tỉnh, thành phố; các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
- Cung cấp quyền, truy cập, khai thác kho dữ liệu các sản phẩm đã được số hóa của Chương trình cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
4. Thời gian và kinh phí thực hiện Chương trình
a) Thời gian thực hiện Chương trình: 05 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.
b) Kinh phí thực hiện Chương trình: Ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa Trung ương hằng năm; dự toán giao cho Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức thực hiện.
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định, quyết định phê duyệt tổng dự toán của Chương trình và dự toán phân bổ hằng năm để thực hiện Chương trình.
2. Bộ Tài chính căn cứ tổng dự toán Chương trình được phê duyệt và tiến độ thực hiện, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trình các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và theo các chế độ tài chính hiện hành.
3. Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam
a) Tổ chức thực hiện Chương trình theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung chuyên môn, sản phẩm của Chương trình.
b) Thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Hội đồng thẩm định nội dung các sản phẩm của Chương trình.
c) Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình được sử dụng con dấu và tài khoản của Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam để giao dịch và thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình và Hội đồng thẩm định do Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam quy định.
d) Báo cáo kết quả thực hiện, đánh giá và kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết giữa kỳ; báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình vào năm 2025 và đề xuất cho các giai đoạn tiếp theo.