Quyết định 1290/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
1290/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
24-08-2020
24-08-2020
Thủ tướng Chính phủ Số: 1290/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2020 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HANG CON MOONG VÀ CÁC DI TÍCH PHỤ CẬN, HUYỆN THẠCH THÀNH, TỈNH THANH HÓA
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ
quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự
án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tại Tờ trình số 129/TTr-BVHTTDL ngày 13 tháng 7 năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung sau đây:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới quy hoạch
a) Quy mô quy hoạch: Tổng diện tích quy hoạch là 977,568 ha; gồm:
- Khu vực bảo vệ của di tích, có diện tích là 499,818 ha (theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).
- Khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích (trên cơ sở tích hợp với phần đất dành cho phát triển khu du lịch sinh thái và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của xã Thành Minh và xã Thành Yên), có diện tích 477,750 ha.
b) Phạm vi quy hoạch: Bao gồm phần đất thuộc địa phận xã Thành Yên và xã Thành Minh, cụ thể như sau:
- Phần đất thuộc địa phận xã Thành Yên, có diện tích 776,098 ha; ranh giới được xác định như sau: Phía Đông giáp huyện Yên Thủy (Ninh Bình); phía Nam giáp xã Thành Vinh; phía Tây giáp xã Thạch Cẩm; phía Bắc giáp xã Thạch Lâm.
- Phần đất thuộc địa phận xã Thành Minh, có diện tích 201,470 ha; ranh giới được xác định như sau: Phía Đông giáp thôn Luông; phía Nam giáp đường liên thôn; phía Tây giáp đường quy hoạch nông thôn mới; phía Bắc giáp thôn Mục Long.
2. Mục tiêu Quy hoạch
a) Mục tiêu dài hạn
- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận với các minh chứng xác thực cho diễn tiến văn hóa của người Việt cổ.
- Khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa; giữ gìn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường.
- Phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
b) Mục tiêu ngắn hạn
- Nhận diện giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận; bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với bản sắc văn hóa địa phương.
- Xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
- Kết nối di tích với các khu vực cảnh quan sinh thái của Vườn quốc gia Cúc Phương, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, có chất lượng và sức cạnh tranh.
- Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và khu vực vùng đệm phù hợp với đồ án Quy hoạch được phê duyệt và các đồ án quy hoạch khác có liên quan.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Phân vùng chức năng
a) Vùng bảo vệ di tích, diện tích 499,818 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 395,657 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 104,161 ha.
Khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích cụ thể nhu sau:
- Hang Con Moong, diện tích 483,986 ha; trong đó: Diện tích khu vục bảo vệ I là 388,195 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 95,791 ha.
- Hang Lai, diện tích 2,352 ha; trong đó: Diện tích khu vực bảo vệ I là 1,159 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 1,193 ha.
- Hang Diêm, diện tích 4,137 ha; trong đó: Diện tích khu vực bảo vệ I là 1,988 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 2,149 ha.
- Hang và mái đá Mộc Long, diện tích 2,490 ha; trong đó: Diện tích khu vực bảo vệ I là 1,948 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 0,542 ha.
- Hang Lý Chùn: Diện tích khu vực bảo vệ I là 0,282 ha.
- Hang Bố Giáo: Diện tích khu vực bảo vệ I là 1,131 ha.
- Thành đất đắp núi Đầu Voi: Diện tích khu vực bảo vệ I là 0,954 ha.
Cụm di tích hang Lý Chùn, hang Bố Giáo và thành đất đắp núi Đầu Voi có chung khu vực bảo vệ II, diện tích là 4,486 ha.
b) Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch, có diện tích là 477,75 ha. Bao gồm: Khu vực phát huy giá trị di tích (trung tâm văn hóa lễ hội, khu quản lý đón tiếp, dịch vụ du lịch...); khu du lịch sinh thái, hạ tầng kỹ thuật, rừng bao quanh di tích, mặt nước, làng xóm...
2. Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan vùng bảo vệ di tích
a) Định hướng quy hoạch:
Quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo đối với từng điểm di tích trên cơ sở: Bảo đảm tôn trọng tối đa tính nguyên gốc về các giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực di tích; tái hiện tính đặc trưng của di tích là hang động gắn với rừng nguyên sinh bao quanh và suối; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cúc Phương; bảo quản các hố khai quật khảo cổ hiện có. Thực hiện thám sát và khai quật bổ sung trước khi triển khai hoạt động xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có thể có các di chỉ.
b) Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích (bao gồm: Hang Con Moong, hang Lai, hang Diêm, hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, thành đất đắp núi Đầu Voi và hang và mái đá Mộc Long).
- Đối với không gian cảnh quan bên ngoài hang:
Về cảnh quan chung: Phục hồi cảnh quan rừng nguyên sinh, nhất là khu vực xung quanh các hang; tái hiện không gian người xưa sinh sống; xây dựng đập tràn ngăn suối để giữ nước (đối với hang có suối nước gần kề).
Về quy hoạch các công trình phát huy giá trị di tích trong không gian rừng nguyên sinh bao quanh các hang: Quy hoạch các tuyến đường tham quan, bố trí các trạm dừng chân trên các tuyến tham quan với hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan và điều kiện môi trường.
- Đối với không gian trong hang: Bảo tồn và tôn tạo các hố trưng bày khảo cổ tại chỗ. Lắp đặt hệ thống thu gom nước mạch trong hang, hệ thống cầu đáy kính.
Tại hang Lý Chùn và hang Bố Giáo: Bổ sung một số hạng mục trưng bày, tư liệu minh họa quá trình sinh hoạt của cư dân Việt cổ (bằng chất liệu phù hợp điều kiện môi trường).
c) Quy hoạch phát triển không gian các khu phát huy giá trị di tích
- Nguyên tắc chung: Bố cục không gian tự do, đường nét quy hoạch tự nhiên; hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hoà với không gian cảnh quan bản địa và di tích hang động; chiều cao công trình không quá 9 m; khuyết khích sử dụng hình thức kiến trúc trên cơ sở khai thác nhà sàn truyền thống dân tộc Mường.
- Quy hoạch 04 khu vực phát huy giá trị di tích, bao gồm:
+ Khu Trung tâm văn hóa - lễ hội Con Moong (diện tích 2,72 ha): Vị trí bên ngoài khu bảo vệ di tích hang Con Moong.
+ Khu Trung tâm điều hành - đón tiếp (diện tích 4,01ha) đặt tại phía hồ Vũng Sú và Khu Trung tâm đón tiếp phụ (diện tích 0,59 ha) đặt tại xã Thành Minh, gần khu vực hang đá Mộc Long.
+ Khu du lịch sinh thái hồ Vũng Sú (diện tích 57,81 ha): Khai thác vùng cảnh quan thiên nhiên đẹp với ruộng lúa, hồ, thác nước, rừng, núi để phát triển một số loại hình vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời. Xây dựng nhà nghỉ kiểu truyền thống địa phương, các công trình phụ trợ.
+ Khu du lịch sinh thái Hồ Bỉnh Công (diện tích 64,96 ha): Là khu vực có diện tích mặt nước lớn, phát triển các loại hình vui chơi giải trí ngoài trời và thể thao nước. Xây dựng nhà nghỉ dưới tán rừng, nhà trên cây với hình thức kiến trúc mô phỏng, hòa lẫn với cảnh quan thiên nhiên của khu vực.
d) Quy hoạch điều chỉnh đất đai các khu chức năng hiện có trong vùng di tích
- Khu vực làng xóm tại xã Thành Minh (diện tích 9,38 ha): Cải tạo cơ sở hạ tầng, chỉnh trang không gian cảnh quan; bảo tồn cấu trúc truyền thống nhà ở hiện có của người dân. Điều chỉnh mật độ xây dựng phù hợp với phân bố dân cư vùng núi. Phát triển loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay).
- Không gian mặt nước (diện tích 93,70 ha):
+ Đối với không gian mặt nước hồ Vũng Sú và hồ Bỉnh Công (diện tích khoảng 88,52 ha): Bảo vệ nguyên trạng, nghiêm cấm mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến không gian mặt nước.
+ Đối với hệ thống suối chảy qua hang Lai, hang Con Moong, hang Diêm: Nghiên cứu, có phương án phù hợp duy trì mực nước và dòng chảy.
+ Khu vực Đập nước Minh Công (diện tích 2,52 ha): Giữ nguyên trạng.
- Khu nghĩa địa (gần hang Lai), có diện tích 2,15 ha: Giữ nguyên trạng, không mở rộng; trong tương lai có kế hoạch di chuyển về khu nghĩa trang tập trung của xã.
3. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Về xây dựng tuyến, điểm du lịch: Hang Con Moong và các di tích vùng phụ cận là hạt nhân trong phát triển du lịch của huyện Thạch Thành; hình thành các tuyến du lịch như sau:
- Tuyến tham quan nội vùng: Khu du lịch cộng đồng Thành Lâm - hang Cong Moong; Chiến Khu Ngọc Trạo - Đền Phố Cát - hang Cong Moong; Thác Voi - hang Cong Moong - Thác Mây.
- Tuyến du lịch liên huyện: Kết nối khu vực di tích hang Cong Moong và phụ cận với các điểm du lịch thành phố Thanh Hóa, Lăng Miếu Triệu Tường, thành Nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Thủy (theo tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45 và đường Hồ Chí Minh).
- Tuyến du lịch liên tỉnh: Kết nối các điểm di tích văn hóa - lịch sử khu vực hang Con Moong và phụ cận (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) với các điểm di tích trong Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) kết hợp phát triển du lịch sinh thái với du lịch tìm hiểu lịch sử, khảo cổ và văn hóa tộc người.
b) Về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
- Tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa sẵn có của khu vực, gồm: Tham quan di tích khảo cổ học; du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa.
- Nâng cao nhận thức của người dân và các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm du lịch, xác định chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố cạnh tranh then chốt. Cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các sản phẩm du lịch mới phát triển.
c) Về xây dựng cơ sở vật chất du lịch, phát triển nguồn nhân lực
- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch bảo đảm chất lượng, đồng bộ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Thực hiện đa dạng hóa hệ thống cơ sở lưu trú, gồm: Khách sạn, nhà nghỉ, mạng lưới cơ sở lưu trú tại nhà dân (homestays)... Phát triển thêm các hình thức lưu trú có tính dân tộc, địa phương nhằm tạo nên sự khác biệt.
- Tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch của địa phương; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di tích và phát triển du lịch.
4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông
- Giao thông đối ngoại: Chỉnh trang, cải tạo nâng cấp các tuyến đường chính kết nối tới các điểm di tích; quy hoạch hai bên đường bổ sung cây thân gỗ lớn tạo bóng mát.
- Giao thông đối nội: Chỉnh trang các tuyến đường đối nội dẫn tới ranh giới khu vực bảo vệ di tích, thuận tiện cho giao thông 2 chiều. Trong khu vực bảo vệ di tích, sử dụng hệ thống cầu cạn tự nhiên.
- Giao thông tĩnh: Quy hoạch bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tập trung tại Khu trung tâm lễ hội Con Moong và xã Thành Minh nhằm hạn chế tối đa các phương tiện cơ giới lớn tiếp cận gần di tích.
b) Chuẩn bị kỹ thuật:
Tận dụng tối đa hiện trạng địa hình tự nhiên. Hạn chế san lấp và đào đắp lớn. Việc thiết kế san nền và cao độ thiết kế bảo đảm bảo đảm tiêu, thoát nhanh, không ảnh hưởng đến khu vực di tích;
c) Về cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường
- Cấp nước: Đối với các di tích gần khu vực dân cư, sử dụng nguồn cấp nước chung của khu dân cư. Đối với các di tích ở xa, sử dụng nguồn nước giếng khoan phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cứu hỏa.
- Thoát nước: Nước mưa được thu gom bằng hệ thống rãnh thoát nước ngầm trước khi thoát ra hệ thống thoát nước chung của xã. Nước thải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả vào môi trường.
- Chất thải rắn được phân loại tại nguồn, xử lý tại khu xử lý chất thải rắn của huyện. Bố trí hệ thống thu gom chất thải rắn tại các khu vực tập trung đông người.
d) Cấp điện và thông tin liên lạc
- Hệ thống cấp điện chiếu sáng và điện sinh hoạt được thiết kế đi ngầm đến từng công trình, bảo đảm an toàn, mỹ quan môi trường của khu di tích.
- Hệ thống thông tin liên lạc: Bảo đảm đấu nối hệ thống cáp thông tin liên lạc trong khu vực với tuyến cáp quốc gia hiện có.
5. Xác định các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư:
a) Các nhóm dự án thành phần
- Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích (Nhóm dự án DA01): Bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích (nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng bên trong các di tích, tổ chức trưng bày, bia biển giới thiệu di tích, tôn tạo cảnh quan).
- Nhóm dự án bảo vệ và phát triển rừng (Nhóm dự án DA02): Trong phạm vi bảo vệ di tích, trồng bổ sung các loài thực vật trong danh sách thực vật rừng Cúc Phương. Đối với phạm vi ngoài di tích và trong ranh giới Vườn quốc gia Cúc Phương theo định hướng và quản lý của Vườn.
- Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch (Nhóm dự án DA03): Các công trình kiến trúc phụ trợ, quảng trường, cảnh quan; Xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp giữa du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử với du lịch văn hóa cộng đồng...
- Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm tuyến đường nối hang Con Moong với vườn Quốc gia Cúc Phương (Nhóm dự án DA04): Cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tới di tích và các tuyến đường liên huyện, tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
b) Thời gian thực hiện Quy hoạch: Từ năm 2021 đến năm 2030.
- Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025: Triển khai Nhóm dự án: DA01 và DA02.
- Giai đoạn 2 từ 2026 - 2030: Tiếp tục thực hiện nhóm dự án DA01 và DA02 còn dang dở và triển khai thực hiện các nhóm dự án còn lại.
Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn, phát triển, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của trung ương, địa phương.
c) Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành;
- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã có di tích liên quan trong phạm vi Quy hoạch này);
- Vốn sự nghiệp dành cho các công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị không gian sống...;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác: Thu từ hoạt động du lịch; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý quy hoạch: Quản lý theo phân vùng quy hoạch và theo Quy hoạch được phê duyệt (chi tiết trong Hồ sơ quy hoạch tổng thể được duyệt). Các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành khác có liên quan trong phạm vi quy hoạch cần thực hiện theo Quy hoạch này.
b) Giải pháp về bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách: Kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý di tích và quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn, thẩm quyền thuộc cấp huyện. Ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm ưu tiên đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch.
c) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng
- Nâng cao vai trò của người dân trong khu vực di sản, chủ thể và đồng thời cũng là cũng là khách thể quản lý, trong các quyết sách về quản lý và giám sát việc thực hiện quy hoạch.
- Phát huy mối liên kết giữa người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý có liên quan tạo sự thống nhất trong việc tổ chức triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của địa phương.
d) Giải pháp đầu tư
- Sớm đầu từ phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, bảo đảm phát huy có hiệu quả giá trị các điểm di tích và môi trường cảnh quan sinh thái của khu vực. Lựa chọn ưu tiên đầu tư một số công trình điểm nhấn quan trọng tại dự án phát triển du lịch lịch sử - văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích, di sản để hình thành loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách.
- Kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm du lịch tại khu di tích nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư tổng thể cho khu di tích.
- Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư vào khu vực: vốn đầu tư vào bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử hàng năm được tập trung cho nhiệm vụ chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan và phù hợp được triển khai trên địa bàn, như: chương trình phát triển giao thông nông thôn gắn với phát triển hạ tầng du lịch; chương trình về bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích, di chỉ khảo cổ học, tài nguyên và môi trường du lịch; chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
đ) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực bảo vệ và quản lý di tích
- Hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di sản. Hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp địa phương.
- Khuyến khích phát triển nông nghiệp để bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững. Thực hiện các chương trình giáo dục tuyên truyền về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động nông nghiệp bền vững như một nguồn tài nguyên tái tạo, làm phong phú các loại hình du lịch cho khu vực di tích.
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
a) Công bố công khai Quy hoạch; tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích theo hồ sơ quy hoạch được duyệt.
b) Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Xây dựng lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư thành phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phưong.
c) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Quản lý hoạt động bảo tồn và xây dựng theo Điều lệ quản lý Quy hoạch được duyệt.
d) Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu, khai quật khảo cổ học bổ sung để xác định, hoàn chỉnh các cứ liệu khoa học cho việc lập, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối và nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở đồ án Quy hoạch được phê duyệt.
đ) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch.
e) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đô thị trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn các dự án thành phần liên quan đến di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia thuộc nội dung Quy hoạch được duyệt. Giám sát, kiểm tra tiến độ việc triển khai thực hiện Quy hoạch, bảo đảm thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra và đúng kế hoạch được phê duyệt.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhóm dự án thành phần liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia thuộc nội dung Quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm tiến độ cấp vốn phù hợp với kế hoạch được duyệt, quy định của Luật ngân sách nhà nước.
4. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch vào Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
5. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để triển khai thực hiện quy hoạch.