Quyết định 1220/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
1220/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
18-10-2024
18-10-2024
Thủ tướng Chính phủ Số: 1220/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2024 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA, KIỂM TRA THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CHO CÔNG CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2025 - 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ, quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số 66/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025 - 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm xây dựng Đề án
- Phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
- Xây dựng đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc có chuyên môn sâu về nhiều lĩnh vực, nhất là quản lý nhà nước về công tác dân tộc; từng bước đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.
2. Mục tiêu Đề án
a) Mục tiêu chung
Nâng cao, cập nhật kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc từ trung ương đến địa phương trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xây dựng và biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
- Đến năm 2030, 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
- Đến năm 2030, 100% các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được đẩy mạnh hoạt động về chuyển đổi số; hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc.
3. Đối tượng của Đề án
Đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (bao gồm Thanh tra và một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; Thanh tra và các phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc cấp tỉnh; phòng Dân tộc cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
4. Phạm vi, thời gian thực hiện Đề án
- Phạm vi thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện tại Thanh tra và một số vụ, đơn vị có chức năng kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc; Thanh tra và các phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc cấp tỉnh; phòng Dân tộc cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Thời gian thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030.
5. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách
- Rà soát, tham mưu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, các điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra có tính chất đặc thù trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
- Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ, giải đáp những vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định quản lý về công tác dân tộc còn bất cập; đồng thời chia sẻ kỹ năng, bài học kinh nghiệm rút ra trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc.
b) Nhóm nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
- Rà soát, xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
- Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
c) Nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc
- Xây dựng phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi, quản lý về kết quả thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
- Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu, khai thác số liệu về thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc.
d) Nhóm nhiệm vụ về tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác dân tộc
- Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
- Ưu tiên, đảm bảo kinh phí hoạt động thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
6. Kinh phí
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức thực hiện
a) Ủy ban Dân tộc
- Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc các cấp.
- Đề xuất điều chỉnh nội dung, phương án thực hiện Đề án trong trường hợp cần thiết hoặc chủ trì xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đề án.
- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại khoản 5 Điều này.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Đề án.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các hoạt động thuộc Đề án để triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan khác.
c) Bộ Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Phối hợp với các cơ quan theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án.
- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để phối hợp thực hiện Đề án.
- Giao cho Ban Dân tộc cấp tỉnh làm cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại khoản 5 Điều này.
đ) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan khác trong phạm vi, quyền hạn của mình và theo nhiệm vụ được phân công phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.