THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ LAO ĐỘNG
- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO
ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ĐẠI DỊCH COVID-19 TỪ QUỸ BẢO
HIỂM THẤT NGHIỆP
(Ban hành
kèm theo Quyết định số 1220/QĐ-LĐTBXH ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Phần I.
DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC)
Stt | Tên TTHC | Lĩnh vực | Cơ quan thực hiện |
Thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện |
1 | Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ
kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp | Việc làm | Cơ quan bảo hiểm xã hội |
2 | Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp | Việc làm | Cơ quan bảo hiểm xã hội |
3 | Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh
hưởng bởi đại dịch COVID-19 | Việc làm | Cơ quan bảo hiểm xã hội |
Phần 2.
NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện
1. Thủ tục“Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đang
tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”
1.1. Trình tự thực hiện
Bước 1: Trong thời gian từ ngày Quyết định
số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là
Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg) có hiệu lực thi hành đến hết ngày 20 tháng 10 năm
2021, cơ quan bảo hiểm xã hội lập danh sách người lao động đang tham gia bảo
hiểm thất nghiệp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số
28/2021/QĐ-TTg) gửi người sử dụng lao động và công khai thông tin danh sách
người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của cơ
quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được danh sách do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi đến, người sử dụng
lao động công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ để
người lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có); lập và gửi danh
sách người lao động có thông tin đúng, đủ và người lao động tự nguyện không
nhận hỗ trợ (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số
28/2021/QĐ-TTg) đến cơ quan bảo hiểm xã hội.
Người sử dụng lao động lập danh sách thông
tin của người lao động cần điều chỉnh (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm
theo Quyết định số 28/2021/QĐ- TTg, nếu có), gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội,
kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định pháp luật, chậm
nhất đến hết ngày 10 tháng 11 năm 2021.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn
20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do
người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho
người lao động. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người
lao động.
Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1.2. Cách thức thực hiện
Thực hiện theo một trong các hình thức
sau:
- Trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công
Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc các tổ chức cung
cấp dịch vụ I-VAN hoặc ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID).
- Qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội
cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ
- Thành phần hồ sơ:
+ Danh sách người lao động có thông tin
đúng, đủ và người lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Mẫu số 02 tại Phụ
lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
+ Danh sách người lao động đề nghị điều
chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết
định số 28/2021/QĐ-TTg.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
1.4. Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc đối với danh sách theo
Mẫu số 02 và 20 ngày đối với danh sách theo Mẫu số 03.
1.5. Đối tượng thực hiện
Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất
nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (trừ các trường hợp người lao
động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; người lao động đang làm việc tại đơn vị sự
nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định
tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định
cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật
hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).
1.6. Cơ quan giải quyết: Cơ quan bảo hiểm xã hội.
1.7. Kết quả thực hiện: Hỗ trợ bằng tiền mặt. Trường hợp không
giải quyết, cơ quan bảo hiểm xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1.8. Phí, lệ phí: Không.
1.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
Mẫu số 02: Danh sách người lao động có
thông tin đúng, đủ đề nghị hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Mẫu số 03: Danh sách người lao động đề
nghị điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
1.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện
Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện
sau được hỗ trợ bằng tiền:
- Người lao động có thời gian đóng bảo
hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 nhưng chưa được tính
hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ
đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 chưa có
quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng bảo hiểm thất
nghiệp chưa hưởng làm căn cứ để xác định mức hỗ trợ của người lao động là tổng
thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng tại thời điểm ngày 30 tháng 9
năm 2021.
1.11. Căn cứ pháp lý
- Luật Việc làm;
- Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày
24/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao
động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo
hiểm thất nghiệp;
- Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày
01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Thủ tục “Hỗ
trợ bằng tiền cho người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết
dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”
2.1. Trình tự thực hiện
Bước 1: Người lao động đề nghị cơ quan bảo
hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ
(theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg),
thời hạn nộp đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội
chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày
31 tháng 12 năm 2021. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của
người lao động.
Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2.2. Cách thức thực hiện
Thực hiện theo một trong các hình thức
sau:
- Trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công
Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc các tổ chức cung
cấp dịch vụ I-VAN hoặc ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID).
- Qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội
cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
2.3. Thành phần, số lượng hồ sơ
- Thành phần hồ sơ: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 04 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
2.4. Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc.
2.5. Đối tượng thực hiện
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm
thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng
thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời
gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc
làm, không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng.
Sau ngày 30 tháng 11 năm 2021, người lao
động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa nhận được hỗ trợ
thì người lao động thực hiện theo quy định đối với người lao động đã dừng tham
gia bảo hiểm thất nghiệp.
2.6. Cơ quan giải quyết: Cơ quan bảo hiểm xã hội.
2.7. Kết quả thực hiện: Hỗ trợ bằng tiền. Trường hợp không giải
quyết, cơ quan bảo hiểm xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2.8. Phí, lệ phí: Không.
2.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
Mẫu số 04: Đề nghị hưởng hỗ trợ theo Quyết
định số 28/2021/QĐ-TTg
2.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện
Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện
sau thì được hỗ trợ bằng tiền:
- Người lao động có thời gian đóng bảo
hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm (không
bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng).
- Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm
thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng
thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021.
2.11. Căn cứ pháp lý
- Luật Việc làm;
- Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày
24/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao
động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo
hiểm thất nghiệp;
- Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021
của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ
người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
3. Thủ tục “Giảm
mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại
dịch COVID-19”
3.1. Trình tự thực hiện
Bước 1: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
đối tượng giảm đóng gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị đang tham gia bảo
hiểm thất nghiệp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự
nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính.
Bước 2: Hằng tháng, trong thời gian từ
ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã
hội thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao
động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của
người sử dụng lao động.
3.2. Cách thức thực hiện
Thực hiện theo một trong các hình thức
sau:
- Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Nộp trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã
hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
3.3. Thành phần, số lượng hồ sơ
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
đối tượng được giảm đóng:
Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền
về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo quy định tại
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ
chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật
hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Số lượng hồ sơ: 01 bản.
3.4. Thời hạn giải quyết: 12 tháng, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021
đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.
3.5. Đối tượng thực hiện
Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà
nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày
21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị
sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của
đơn vị sự nghiệp công lập.
3.6. Cơ quan giải quyết: Cơ quan bảo hiểm xã hội.
3.7. Kết quả thực hiện: Giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền
lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm
thất nghiệp.
3.8. Phí, lệ phí: Không.
3.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không
3.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện
- Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách
nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP
ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn
vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính
của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước
ngày 01 tháng 10 năm 2021.
3.11. Căn cứ pháp lý
- Luật Việc làm;
- Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng
6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập.
- Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày
07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19.