Quyết định 1200/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
14-10-2023
14-10-2023
Thủ tướng Chính phủ Số: 1200/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2023 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CỬA KHẨU TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - CAMPUCHIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao tại Tờ trình số 4975/TTr-BNG-UBBG ngày 04 tháng 10 năm 2023 về việc đề nghị phê duyệt các Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch cửa khẩu) với những nội dung chủ yếu như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Đối tượng quy hoạch
Cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ.
2. Phạm vi quy hoạch
Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
3. Thời kỳ quy hoạch
Thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. QUAN ĐIỂM, Mục TIÊU QUY HOẠCH
1. Quan điểm quy hoạch
- Phù hợp với pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Việt Nam và Campuchia; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua cửa khẩu.
- Cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với các quy hoạch cấp trên, trong đó gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan.
- Tham khảo kế hoạch và lộ trình phát triển cửa khẩu của Campuchia; bảo đảm hình thành các cặp cửa khẩu đối xứng qua biên giới, tạo sự đồng bộ, tương thích (song phương) ngay từ giai đoạn quy hoạch; qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia.
- Quy hoạch cửa khẩu được xây dựng theo hướng đa dạng hoá nhiều loại hình, nhiều cấp độ; bảo đảm phù hợp, tương thích với từng giai đoạn phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và cả nước.
- Phân bố cửa khẩu hợp lý, có trọng điểm, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, bảo vệ và giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường và hệ sinh thái ở khu vực biên giới; đồng thời, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
- Quy hoạch cửa khẩu cần gắn với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng có liên quan, nhất là kết nối giao thông biên giới giữa Việt Nam và nước láng giềng. Việc bố trí cửa khẩu cần bảo đảm tính liên ngành, liên vùng; bảo đảm tính liên kết về ngành nghề, lĩnh vực và không gian địa lý (chiều ngang và chiều dọc, kết nối và tương hỗ).
- Hiện đại hoá và tiêu chuẩn hoá tổ chức quản lý hoạt động cửa khẩu: đầu tư phương tiện, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động tại cửa khẩu.
- Định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới cần gắn với các trục và hành lang kinh tế, nhất là 14 hành lang kinh tế nội địa, 08 hành lang kinh tế đối ngoại chính của quốc gia; đồng thời gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn dọc biên giới.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Mục tiêu chung
- Hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa.
- Làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp Quy hoạch cửa khẩu.
- Chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
- Tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Campuchia và qua Campuchia sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Về quy mô số lượng, loại hình và phân bố:
Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có 60 cửa khẩu, trong đó có 20 cửa khẩu quốc tế, 14 cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ. Tất cả các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia đều có cửa khẩu kết nối với Campuchia.
- Về giao thông kết nối các cửa khẩu:
+ Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa, kết nối với cửa khẩu bên kia biên giới và trong khu vực cửa khẩu đạt tiêu chuẩn như quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
+ Ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đến các cửa khẩu quan trọng, nhất là từ các cửa khẩu quốc tế trọng điểm đến các trung tâm kinh tế, các cảng biển, cảng cạn và thủy nội địa và trục vận tải khác... phù hợp với các Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, cụ thể:
. Đường bộ: Nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc đến cửa khẩu: Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk), Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp), Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
. Đường sắt: Từng bước xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Campuchia thông qua tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Dĩ An - Lộc Ninh qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước).
. Đường thủy nội địa: Đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông đường thủy kết nối với Campuchia trên sông Tiền, sông Hậu.
- Về cơ sở hạ tầng cửa khẩu:
Đầu tư có định hướng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ nhằm hình thành hệ thống cửa khẩu xanh, sạch với mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn từng loại hình cửa khẩu quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; từng bước hướng tới xây dựng hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh phù hợp với khả năng của ta và thỏa thuận với nước láng giềng. Tại từng cửa khẩu, quy hoạch các khu chức năng một cách hài hoà, hợp lý; bảo đảm phù hợp với địa hình tự nhiên, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái ở khu vực biên giới.
- Hình thành các khu vực cửa khẩu biên giới có hoạt động thương mại, logistics, du lịch và dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam và Campuchia.
c) Tầm nhìn đến năm 2050
- Về quy mô số lượng, loại hình và phân bố:
Đến năm 2050, dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có 68 cửa khẩu, trong đó có 26 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ.
- Về giao thông kết nối các cửa khẩu:
+ Hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa, kết nối với cửa khẩu bên kia biên giới và trong khu vực cửa khẩu đạt đầy đủ hoặc cao hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
+ Tiếp tục hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối liên vùng (các tuyến cao tốc, quốc lộ), tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Bavet - Phnom Penh, tuyến đường sắt kết nối với Campuchia thông qua tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Dĩ An - Lộc Ninh qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước).
- về cơ sở hạ tầng cửa khẩu: Các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tương đương với tiêu chuẩn đầu tư phát triển cửa khẩu của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển hệ thống cửa khẩu “xanh, sạch, số và thông minh” trên cả nước.
- Xây dựng hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia văn minh, hiện đại, là các điểm then chốt hình thành các vành đai kinh tế biên giới; các cửa khẩu có thể chế và phương thức quản trị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
III. QUY HOẠCH CỬA KHẨU TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - CAMPUCHIA
1. Về quy mô số lượng, loại hình và phân bố
a) Thời kỳ 2021 - 2030: Mở, nâng cấp 09 cửa khẩu quốc tế, 08 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ. Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có 60 cửa khẩu, trong đó có 20 cửa khẩu quốc tế, 14 cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ. Cụ thể:
- Mở, nâng cấp 09 cặp cửa khẩu quốc tế, gồm:
(1) Đắk Peur (Đắk Nông) - Nam Lear (Mondulkiri);
(2) Hoa Lư (Bình Phước) - Trapeang Sre (Kratie) (đường sắt);
(3) Khu vực X16 (Bình Phước) - Khu vực X16 (Tboung Khmum);
(4) Chàng Riệc (Tây Ninh) - Dar (Tboung Khmum);
(5) Mỹ Quý Tây (Long An) - Sam Raong (Svay Rieng);
(6) Thường Phước (Đồng Tháp) - Kaoh Roka (Prey Veng) (đường bộ);
(7) Dinh Bà (Đồng Tháp) - Banteay Chakrei (Prey Veng) (đường sông);
(8) Khánh Bình (An Giang) - Chrey Thum (Kandal) (đường bộ, đường sông);
(9) Giang Thành (Kiên Giang) - Ton Hon (Kampot).
- Nâng cấp 08 cặp cửa khẩu chính, gồm:
(1) Trạm kiểm soát biên phòng K3 (Gia Lai) - Đồn Cảnh sát biên phòng 603 (Ratanakiri);
(2) Trạm kiểm soát biên phòng Phà 6 (Gia Lai) - Đồn Cảnh sát biên phòng 707 (Ratanakiri);
(3) Trạm kiểm soát biên phòng Phà 8 (Gia Lai) - Đồn Cảnh sát biên phòng 507 (Ratanakiri);
(4) Đắk Ruê (Đắk Lắk) - Chi Miết (Mondulkiri) (công bố khai trương);
(5) Tân Tiến (Bình Phước) - Chay Khleang (Kratie);
(6) Mộc Rá (Đồng Tháp) - Kaoh Sampov (Prey Veng);
(7) Bắc Đai (An Giang) - Bak Dai (Takeo);
(8) Nha Sáp (Kiên Giang) - Rus Xây Pi Cum (Takeo).
- Mở 10 cặp cửa khẩu phụ, gồm:
(1) Đắk Kôi (Kon Tum) - Kon Tuyneak (Ratanakiri);
(2) Hồ Le (Kon Tum) - Đồn Cảnh sát biên phòng 505 (Ratanakiri);
(3) Đắk Ơ (Bình Phước) - Senmonorum (Mondulkiri);
(4) Hòa Hiệp (Tây Ninh) - Khse Dek (Svay Rieng);
(5) Khánh Hưng (Long An) - Croxang Ch’rum (Svay Rieng);
(6) Hưng Điền A (Long An) - Sre Barang (Svay Rieng);
(7) Vĩnh Gia (An Giang) - Ta Ou (Takeo);
(8) Vĩnh Ngươn (An Giang) - Kampong Krasang (Takeo);
(9) Khánh An (An Giang) - Prek Chrey (Kandal);
(10) Khu vực mốc 314 (Kiên Giang) - Khu vực mốc 314 (Kampot).
b) Tầm nhìn đến năm 2050: Mở, nâng cấp 06 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính và 07 cửa khẩu phụ. Dự kiến, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có 68 cửa khẩu, trong đó có 26 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ.
- Mở, nâng cấp 06 cặp cửa khẩu quốc tế, gồm:
(1) Trạm kiểm soát biên phòng Phà 6 (Gia Lai) - Đồn Cảnh sát biên phòng 707 (Ratanakiri);
(2) Đắk Ruê (Đắk Lắk) - Chi Miết (Mondulkiri);
(3) Bu Prăng (Đắk Nông) - Dak Dam (Mondulkiri);
(4) Hoàng Diệu (Bình Phước) - Lapakhe (Mondulkiri);
(5) Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Rieng) (đường sắt);
(6) Mộc Rá (Đồng Tháp) - Kaoh Sampov (Prey Veng).
- Nâng cấp 11 cặp cửa khẩu chính, gồm:
(1) Đắk Kôi (Kon Tum) - Kon Tuyneak (Ratanakiri);
(2) Hồ Le (Kon Tum) - Đồn Cảnh sát biên phòng 505 (Ratanakiri);
(3) Đắk Ơ (Bình Phước) - Senmonorum (Mondulkiri);
(4) Tống Lê Chân (Tây Ninh) - Satum (Tboung Khmum);
(5) Vạc Sa (Tây Ninh) - Phum Soty (Tboung Khmum);
(6) Hòa Hiệp (Tây Ninh) - Khse Dek (Svay Rieng);
(7) Bình Phú (Đồng Tháp) - Toul Khlot (Prey Veng);
(8) Thông Bình (Đồng Tháp) - Peam Tia (Prey Veng);
(9) Sở Thượng (Ba Nguyên) (Đồng Tháp) - Kaoh Sampov (Prey Veng);
(10) Vĩnh Gia (An Giang) - Ta Ou (Takeo);
(11) Vĩnh Ngươn (An Giang) - Kampong Krasang (Takeo).
- Mở 07 cặp cửa khẩu phụ, gồm:
(1) Gò Nổi (Tây Ninh) - Com Pook Tusk (Svay Rieng);
(2) Vạt Lài (An Giang) - Prek Sbov (Kandal);
(3) Vàm Hàng (Kiên Giang) - On Long Pring (Kampot);
(4) Rạch Gỗ (Kiên Giang) - Đơm Sơ Sngâu (Kampot);
(5) Chợ Đình (Kiên Giang) - Thnot Choong Srong (Kampot);
(6) Đầm Chít (Kiên Giang) - Prey Tum Lê (Kampot);
(7) Sa Kỳ (Kiên Giang) - Cok Com Bô (Kampot).
(Quy hoạch chi tiết cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục I và Danh sách cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục II).
2. Định hướng đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động cửa khẩu
- Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa, kết nối với cửa khẩu bên kia biên giới và giao thông trong khu vực cửa khẩu đạt tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn như quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
- Khi xây dựng quy hoạch khu vực cửa khẩu cần bố trí khu vực nhà làm việc liên hợp của các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu, khu vực dành cho kho, bãi phục vụ công tác tập kết, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới; bố trí vị trí đất trong khu vực cửa khẩu để đảm bảo điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan như địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu để đáp ứng công tác quản lý nhà nước về hải quan và đảm bảo thuận lợi thương mại; bố trí các vị trí lắp đặt trang thiết bị của cơ quan xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh và thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
- Trang thiết bị tại các cửa khẩu cần được nâng cấp đồng bộ, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, thông thoáng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
(Quy hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hoá trang thiết bị kỹ thuật cho các cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia theo phân kỳ đầu tư đến năm 2050 tại Phụ lục III).
IV. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Về cơ chế, chính sách
a) Hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về cửa khẩu
- Quy chế phối hợp tổ chức quản lý, điều hành cửa khẩu;
- Quy chế kiểm tra, kiểm soát qua lại cửa khẩu biên giới;
- Quy định về tiêu chuẩn xây dựng và mô hình kiến trúc của các công trình cho từng loại hình cửa khẩu.
b) Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu
Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chuyên ngành về quản lý hoạt động cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu.
c) Hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển thương mại, du lịch qua cửa khẩu biên giới
Rà soát toàn bộ cơ chế, chính sách để sớm phát hiện, tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc; đồng thời trong thời gian tới cần xây dựng những quy định, quy chế hoạt động riêng về thương mại và xuất nhập khẩu cho các địa phương biên giới, nhằm khuyến khích, hỗ trợ vùng biên giới phát huy hết khả năng, tiềm năng và lợi thế sẵn có.
d) Hoàn thiện hệ thống chính sách về khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện cho hoạt động giao lưu kinh tế qua cửa khẩu
Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách xã hội khác... để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu, các chợ biên giới, trung tâm thương mại, tạo điều kiện gắn kết giữa các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động thương mại, giao lưu kinh tế.
đ) Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế tại khu vực cửa khẩu
Rà soát, bổ sung cơ chế ưu đãi trên cơ sở vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với địa bàn khu vực biên giới và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
e) Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu
- Giải pháp quan trọng để giải quyết nhu cầu vốn đầu tư là đẩy mạnh huy động các nguồn lực, đặc biệt phải huy động nội lực đầu tư của khối tư nhân (chủ yếu thông qua các dự án theo hình thức đối tác công tư). Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chuẩn bị các điều kiện để có thể phát hành cổ phiếu và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ khối tư nhân trong cả nước.
- Nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kêu gọi hỗ trợ đầu tư.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư và tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kêu gọi hỗ trợ đầu tư.
2. Về nguồn lực thực hiện
- Nguồn vốn trung ương tập trung đầu tư cho việc nâng cấp hai loại hình cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, đầu tư xây dựng các công trình chưa hoàn thành; nâng cấp đường giao thông dẫn đến khu vực cửa khẩu khi có đủ nguồn vốn.
- Nguồn vốn địa phương tập trung đầu tư cho các công trình và đường dẫn đến các cửa khẩu phụ.
- Thu hút thành công và bền vững sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia, cũng như cộng đồng xã hội vào các hạng mục đầu tư nhằm phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới; đẩy mạnh các hình thức huy động vốn theo phương thức xã hội hoá như thu hút vốn từ nguồn ODA, hợp tác công tư, đặc biệt thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu; ban hành chính sách ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài.
3. Về nhân lực
Các cơ quan từ trung ương đến địa phương tham gia triển khai Quy hoạch cửa khẩu và các lực lượng quản lý nhà nước tại cửa khẩu cần:
- Áp dụng các hình thức tổ chức lao động hợp lý, bố trí nhân sự một cách khoa học, đảm bảo việc sử dụng lao động đúng mục đích, tránh sự chồng chéo, dư thừa lao động.
- Thực hiện tốt công tác tuyển dụng và bồi dưỡng lao động; sau khi tuyển dụng được lao động cần có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn qua từng giai đoạn để đáp ứng công việc được giao, phù hợp với tình hình thực tế.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm soát cửa khẩu có trình độ chuyên môn cao; sức khỏe đảm bảo; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ cửa khẩu nhằm làm tốt công tác thủ tục và xử lý các tình huống khi làm việc với khách nước ngoài; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác cửa khẩu và đối ngoại cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu.
4. Về môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ
- Việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường sẽ được lập theo từng đề án, dự án xây dựng cửa khẩu, được tích hợp vào bản quy hoạch hoặc đề án phát triển của mỗi cửa khẩu, phù hợp với dự báo về lưu lượng qua lại, điều kiện thực tế tại mỗi khu vực cửa khẩu và nguồn lực có thể bố trí.
- Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới.
- Tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư và khai thác hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý cửa khẩu, bảo vệ môi trường khi triển khai sâu, rộng hoạt động của cửa khẩu.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
5. Về liên kết vùng
- Chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối cửa khẩu với các vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, các vùng động lực, hệ thống các cảng biển, cảng cạn và thủy nội địa và trục vận tải khác...; chú trọng đến sự kết nối giữa các cửa khẩu và các khu công nghiệp để tận dụng tối đa năng lực sản xuất, thông quan hàng hóa.
- Tập trung nguồn lực đầu tư cho các cửa khẩu nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm (khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang).
6. Về giáo dục, tuyên truyền
- Mở rộng liên kết đào tạo với các tổ chức, các quốc gia có hệ thống cửa khẩu biên giới phát triển; đào tạo trong nước kết hợp với nước ngoài về công nghệ, kinh nghiệm quản lý; kết hợp đào tạo tại chỗ và đào tạo tại các trường, viện, kết hợp đào tạo của doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục.
- Tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới đất liền kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
7. Về hợp tác quốc tế
- Tăng cường phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng hiệu quả hoạt động của cửa khẩu biên giới, tham gia tích cực vào các liên kết tiểu vùng, vùng và khu vực.
- Thực hiện hiệu quả các điều ước song phương và đa phương (trong đó có sự tham gia của Việt Nam và Campuchia) liên quan đến cửa khẩu biên giới đất liền, đặc biệt là trong kết nối hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa hai nước cũng như sang nước thứ ba.
- Chủ động, tích cực hợp tác với phía Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia.
8. Về tổ chức thực hiện Quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai Quy hoạch cửa khẩu bằng hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.
- Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện Quy hoạch giữa trung ương và địa phương; phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các vấn đề liên ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của Quy hoạch cửa khẩu.
1. Bộ Ngoại giao:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia tổ chức công bố và thực hiện Quy hoạch cửa khẩu theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và quy định liên quan của pháp luật về quy hoạch.
- Đánh giá việc thực hiện Quy hoạch cửa khẩu; rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong trường hợp cần thiết để phù hợp với yêu cầu phát triển, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
- Tổ chức nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực phụ trách để phát triển hệ thống cửa khẩu.
2. Bộ Quốc phòng:
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia trong triển khai Quy hoạch, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.
3. Bộ Công an:
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới.
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực cửa khẩu.
4. Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia trong triển khai Quy hoạch cửa khẩu theo quy định của pháp luật; bảo đảm ngân sách cho các hoạt động triển khai Quy hoạch.
- Chỉ đạo lực lượng Hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo cơ quan kiểm dịch động, thực vật thực hiện chức năng kiểm dịch các sản phẩm từ động, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới.
- Hướng dẫn, đôn đốc các lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện kiểm dịch động, thực vật tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.
6. Bộ Y tế:
- Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm trang thiết bị cho cơ quan kiểm dịch y tế thực hiện chức năng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu biên giới.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.
7. Bộ Công Thương:
- Thực hiện quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu biên giới.
- Xây dựng chính sách thương mại biên giới hàng năm và từng thời kỳ theo quy định của pháp luật quản lý ngoại thương.
- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia đối với việc chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu biên giới.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.
8. Bộ Xây dựng:
- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn xây dựng, mô hình kiến trúc của từng loại hình cửa khẩu, xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với công trình Quốc môn và Nhà kiểm soát liên hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
- Thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong khu vực cửa khẩu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối ngân sách đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực cửa khẩu.
10. Bộ Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia thực hiện kết nối giao thông cửa khẩu phía Việt Nam với cửa khẩu phía Campuchia.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định về hoạt động xuất nhập cảnh của phương tiện vận tải, các quy định về tạo thuận lợi cho phương tiện qua lại theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
11. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có kế hoạch sử dụng đất dành cho các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc xem xét, đánh giá tác động môi trường đối với việc xác định phạm vi khu vực cửa khẩu.
12. Các bộ, ngành liên quan khác:
Phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện Quy hoạch cửa khẩu.
13. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia:
- Rà soát, tích hợp nội dung Quy hoạch cửa khẩu vào các quy hoạch liên quan của địa phương mình để tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch các cấp.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết định đầu tư các dự án khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu và hoàn thành trong thời gian không quá 36 tháng sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về mở, nâng cấp cửa khẩu; bố trí nhân lực, trang thiết bị theo các tiêu chuẩn của loại hình cửa khẩu tương ứng quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
- Bố trí nguồn ngân sách trong công tác xác định, điều chỉnh phạm vi khu vực cửa khẩu; cắm các loại biển báo, biển chỉ dẫn tại khu vực cửa khẩu.
- Ưu tiên bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư xây dựng khu vực cửa khẩu; tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị với các tỉnh biên giới Campuchia, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.
- Chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu và Ban Quản lý cửa khẩu thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động tại cửa khẩu theo quy định tại Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.