PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI”, MÃ SỐ: KX.05/21-30
(Kèm theo Quyết định số: 1030/QĐ-BKHCN ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. Mục tiêu
Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo đồng bộ, dân chủ, khả thi, giải phóng tiềm năng và tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể bao gồm:
1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về thể chế, về cấu trúc, loại hình thể chế, mối quan hệ tương tác giữa các loại hình thể chế, giữa thể chế và phát triển làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nhận diện đầy đủ những yếu tố mới tác động đến việc hoàn thiện thể chế phát triển.
2. Tổng kết và đánh giá tổng thể, cụ thể thực trạng hệ thống thể chế hiện hành, phát hiện những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thể chế hiện hành, các điểm nghẽn về thiết kế hệ thống thể chế và tổ chức thực hiện thể chế làm suy giảm động lực phát triển đất nước.
3. Luận giải và đề xuất hệ thống quan điểm, phương hướng, giải pháp (nhất là giải pháp có tính đột phá) đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kiến tạo phát triển, giải phóng mọi tiềm năng xã hội, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
II. Nội dung
I. Nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn về thể chế, đề xuất chủ trương, giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế kiến tạo phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045:
- Những vấn đề lý luận về thể chế phát triển và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước.
- Những vấn đề lý luận về mối liên hệ giữa thể chế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các yếu tố quy định và ảnh hưởng đến chất lượng thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
- Những mô hình thể chế điển hình trên thế giới, kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm thế giới về xây dựng và thực hiện thể chế phát triển.
- Hình thành bộ tiêu chí đánh giá, đo lường mức độ hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả của thể chế phát triển.
2. Tổng kết và đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống thể chế hiện hành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; xác định những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thể chế hiện hành, phát hiện các điểm nghẽn trong hệ thống thể chế, trong tổ chức thực hiện thể chế làm suy giảm động lực phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước:
- Tổng kết và đánh giá thực trạng thể chế nhà nước trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
- Tổng kết và đánh giá thực trạng thể chế dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội.
- Tổng kết và đánh giá thực trạng thể chế về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tổng kết và đánh giá thực trạng thể chế về quản lý và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.
- Tổng kết và đánh giá thực trạng thể chế về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lao động và an sinh xã hội.
- Nhận diện một cách đầy đủ và có hệ thống những vấn đề đặt ra cần giải quyết để xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.
- Nghiên cứu một số mô hình thể chế tiêu biểu của Việt Nam.
3. Nghiên cứu, đề xuất quan điểm, phương hướng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội đồng bộ, dân chủ, hội nhập, pháp quyền, giải phóng tiềm năng xã hội, mang tính kiến tạo phát triển đáp ứng các yêu cầu:
- Phát huy ưu việt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng thể chế nhà nước dân chủ, hiện đại, kiến tạo phát triển, hiệu lực, hiệu quả.
- Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn và hạnh phúc.
- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập.
- Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, con người, khoa học - công nghệ với tầm nhìn chiến lược để tạo sự phát triển đột phá, toàn diện, nhanh và bền vững đất nước.
III. Dự kiến sản phẩm
1. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Chương trình về cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
2. Báo cáo chuyển giao kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước về giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế chính trị - kinh tế xã hội đồng bộ, dân chủ, hội nhập, pháp quyền, giải phóng tiềm năng xã hội, mang tính kiến tạo phát triển để tham khảo áp dụng vào hoạt động hoạch định chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật tạo sự phát triển đột phá, toàn diện, nhanh, bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Báo cáo khoa học của nhiệm vụ chuyển giao đến các tổ chức khoa học và công nghệ (viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, v.v...) để làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.
4. Ấn phẩm khoa học công bố kết quả nghiên cứu mới của nhiệm vụ, bao gồm: bài tạp chí; sách khoa học xuất bản trong nước và quốc tế; kỷ yếu, báo cáo tại hội thảo/hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.
IV. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học
1. Đáp ứng yêu cầu theo đề xuất đặt hàng của cơ quan Đảng và Nhà nước để giải quyết vấn đề cụ thể đặt ra từ thực tiễn; bảo đảm có tính mới về khoa học; khả thi thực hiện chuyển giao và ứng dụng để phục vụ xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực.
2. Luận giải, cập nhật được thành tựu nghiên cứu có liên quan ở trong và ngoài nước về việc kiến tạo thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá, toàn diện, nhanh, bền vững đất nước; xác định rõ vấn đề thực tiễn có liên quan về việc kiến tạo thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá, toàn diện, nhanh, bền vững đất nước đặt ra ở Việt Nam hiện nay; đề xuất quan điểm, phương hướng, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.
V. Chỉ tiêu đánh giá
1. Về ứng dụng vào thực tiễn:
- Ít nhất 20% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến cơ quan của Đảng phục vụ xây dựng các dự thảo văn kiện của Đảng.
- Ít nhất 40% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến các cơ quan của Nhà nước để xây dựng, hoàn thiện thể chế cụ thể (cơ chế, chính sách, pháp luật) về lĩnh vực tương ứng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
2. Về trình độ khoa học:
- 100% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư nhà nước.
- Ít nhất 20% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín.
- Ít nhất 50% nhiệm vụ có kết quả được xuất bản thành sách khoa học.
3. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:
100% nhiệm vụ góp phần đào tạo đại học và sau đại học./.