Quyết định 100/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc
100/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
19-01-2019
19-01-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 100/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (sau đây viết tắt là Đề án) với nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
a) Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc.
b) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
c) Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.
d) Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2020:
- Rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.
- Xây dựng, ban hành tối thiểu 05 tiêu chuẩn quốc gia, 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng.
- Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
- Xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
b) Giai đoạn đến năm 2025:
- Hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.
- Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.
- Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
c) Giai đoạn đến năm 2030:
- Hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Các quy định, hướng dẫn việc đăng ký sử dụng mã truy vết đảm bảo khả năng định danh đơn nhất cho đối tượng truy xuất, tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc thù như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
- Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy định của các tổ chức quốc tế để xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu hướng dẫn chung về truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng như: đơn vị cung ứng, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng.
- Ban hành tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; thống nhất, chuẩn hóa hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để truy xuất nguồn gốc; cách thức quản lý việc áp dụng; mã truy vết; thông tin truy xuất nguồn gốc: thông tin về cơ sở sản xuất, chế biến; thông tin về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu; thông tin về an toàn, vệ sinh và chất lượng; yêu cầu, trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để truy xuất nguồn gốc, cũng như các bên liên quan.
2. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước
- Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng thẻ truy xuất nguồn gốc. Chuẩn hóa, minh bạch hóa thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.
- Xây dựng, triển khai hoạt động chứng nhận sự phù hợp đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc.
- Hàng năm tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
- Tổ chức triển khai thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan liên quan và theo nhu cầu của doanh nghiệp.
3. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc
- Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.
4. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc
- Hợp tác với các đối tác nước ngoài, tổ chức mã số mã vạch quốc tế để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, công nhận hệ thống và thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam với sự tham gia của các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
5. Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia
- Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở kết nối thông tin với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống quốc tế được công nhận.
- Các bộ, cơ quan tự xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên cơ sở chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước được sử dụng để: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới; thiết lập, nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
- Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc, chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án; xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng các văn bản, quy định pháp luật về quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; xây dựng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan.
c) Chủ trì hướng dẫn các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
d) Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức sơ kết và tổng kết tình hình thực hiện Đề án.
đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai Đề án.
2. Các bộ, cơ quan liên quan:
a) Xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền, bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, hoàn thành trước năm 2025.
b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền.
c) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện: rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định, pháp luật về quản lý truy xuất nguồn gốc, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về nhóm sản phẩm bắt buộc truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc và thời gian tối thiểu đảm bảo lưu trữ dữ liệu truy xuất nguồn gốc.
d) Xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền.
đ) Tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đến các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để tham gia thực hiện.
e) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án.
3. Các địa phương
a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn.
b) Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan quản lý, giám sát việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại địa phương.