Nghị quyết 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 do Quốc hội ban hành
89/2023/QH15
Nghị quyết
Còn hiệu lực
02-06-2023
17-07-2023
Chính phủ Số: 89/2023/QH15 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 2 tháng 6 năm 2023 |
Nghị quyết
CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14;
Sau khi xem xét Tờ trình số 476/TTr-UBTVQH15 ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Báo cáo số 490/BC-UBTVQH15 ngày 31 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023;
Quốc hội tán thành với đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện chương trình xây dựng pháp luật như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, đề cao trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa; đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoàn thành toàn bộ chương trình lập pháp đề ra, bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Những kết quả tích cực đạt được trong công tác lập pháp đã góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khẩn trương khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Điều 2. Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 như sau:
1. Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
2. Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án sau đây:
a) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;
b) Luật Đường bộ;
c) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
d) Luật Thủ đô (sửa đổi);
đ) Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi);
e) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;
3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Điều 3. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
1. Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024):
a) Trình Quốc hội thông qua 09 luật, 01 nghị quyết:
1. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);
2. Luật Lưu trữ (sửa đổi);
3. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;
4. Luật Đường bộ;
5. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
6. Luật Thủ đô (sửa đổi);
7. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi);
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp);
9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;
10. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
b) Trình Quốc hội cho ý kiến 09 dự án luật:
1. Luật Công chứng (sửa đổi);
2. Luật Công đoàn (sửa đổi);
3. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi);
4. Luật Địa chất và khoáng sản;
5. Luật Phòng không nhân dân;
6. Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn;
7. Luật Tư pháp người chưa thành niên;
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;
9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
2. Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024):
a) Trình Quốc hội thông qua 09 luật:
1. Luật Công chứng (sửa đổi);
2. Luật Công đoàn (sửa đổi);
3. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi);
4. Luật Địa chất và khoáng sản;
5. Luật Phòng không nhân dân;
6. Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn;
7. Luật Tư pháp người chưa thành niên;
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;
9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
b) Trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án luật:
1. Luật Chuyển đổi giới tính;
2. Luật Việc làm (sửa đổi).
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trong quy trình xây dựng pháp luật đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, cần triển khai kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp hoặc kéo dài thời gian họp thường lệ của Quốc hội, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, cho ý kiến, thông qua được nhiều luật, nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nhiệm vụ bổ sung (nếu có), bảo đảm tiến độ, chất lượng; đối với những nội dung được xác định có bất cập, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết thì khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản theo quy định, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết ban hành, tính khả thi của Chương trình, cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tuân thủ các yêu cầu trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất; bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.
4. Bộ Tư pháp phát huy tốt hơn nữa vai trò thẩm định, lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, tham mưu, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm chất lượng, đầy đủ theo đúng quy định; thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan đầu mối giúp Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp.
5. Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về những nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo để bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
6. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường năng lực và đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật; chủ động phối hợp chặt chẽ từ sớm với cơ quan chủ trì soạn thảo, đổi mới công tác tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến, nắm bắt thực tiễn để nâng cao chất lượng, tính phản biện trong thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tăng cường đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực phụ trách; chủ động phối hợp rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sơ hở, sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.
7. Tổng Thư ký Quốc hội kịp thời tổ chức tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết; phối hợp đề xuất các nội dung lớn, quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau trong các dự án, dự thảo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, xin ý kiến đại biểu Quốc hội; cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án, dự thảo.
Viện Nghiên cứu lập pháp phát huy vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách và thông tin lập pháp; tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong các khâu của quy trình xây dựng pháp luật.
8. Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; tổ chức thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, góp phần hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết.
9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát huy vai trò, tích cực tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, căn cứ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 02 tháng 6 năm 2023.