Nghị quyết 42/2021/QH15 Về kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
42/2021/QH15
Nghị quyết
Còn hiệu lực
13-11-2021
13-11-2021
QUỐC HỘI Nghị quyết số: 42/2021/QH15 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2021 |
NGHỊ QUYẾT
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2021;
Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Sau 16 ngày làm việc gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được đông đảo cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
1. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định các nội dung sau đây:
1.1. Thông qua 02 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
1.2. Thông qua 12 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025; 04 nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
1.3. Cho ý kiến 05 dự án luật: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Sau khi xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019 - 2020; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác ngành kiểm sát; công tác của các tòa án năm 2021 và một số báo cáo khác, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021.
2.1. Công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn; công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn là khâu yếu, có lúc chưa kịp thời, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, còn chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ lập pháp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết trong năm 2022 và kiến nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục và xử lý dứt điểm tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ năm 2019 và 2020, phấn đấu không để xảy ra tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022.
2.2. Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp; một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như: hiếp dâm trẻ em, gây rối trật tự công cộng...; vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi; việc lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội gây mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, tín dụng đen,… diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi; công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được khắc phục triệt để. Quốc hội yêu cầu:
- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đạt các chỉ tiêu đã được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; đẩy nhanh tiến độ việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
- Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ giải quyết đã được Nghị quyết của Quốc hội giao.
2.3. Ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tổng hợp đầy đủ gửi đến Quốc hội, là cơ sở để các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện chất vấn, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động dân nguyện được các cơ quan chú trọng, nâng cao hiệu quả; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Quốc hội đề nghị:
- Các cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện tiếp công dân trực tuyến phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trung ương tập trung khắc phục các tồn tại, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận trong quá trình giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022). Trong đó, rà soát, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của cử tri bảo đảm đúng quy định và kịp thời báo cáo với cử tri; tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quản lý phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
2.4. Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra. Công tác kiểm soát thu, chi bảo hiểm y tế được tăng cường. Tuy nhiên, một số tồn tại từ nhiều năm trước của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được giải quyết; còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 ở các tuyến vẫn còn mất cân đối, nhất là tuyến cơ sở và địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 còn những hạn chế, vướng mắc. Có nơi còn chưa có sự thống nhất giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quốc hội yêu cầu Chính phủ:
- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 để trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Đánh giá, rà soát những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các khu vực II, III được chuyển lên khu vực I.
- Giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia nhằm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi.
- Ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác giám định bảo hiểm y tế; sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó bao gồm việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh COVID-19; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
2.5. Việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 về cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu đề ra và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định về bảo hiểm xã hội chưa đi vào cuộc sống; có những vướng mắc, bất cập, hạn chế đã được chỉ ra nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn chưa cao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm; còn tình trạng lạm dụng, trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng hơn so với năm trước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan:
- Khẩn trương trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan.
- Khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm kịp thời chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội; thực hiện các chính sách, giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia, nhất là đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội.
- Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Sớm tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nghiên cứu đề xuất quy định thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội hợp lý trong tình hình mới.
3. Trong công tác phòng, chống dịch COVID -19, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình; các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cơ bản được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, kịp thời. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm căn cứ cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số nghị quyết có quy định khác với quy định của luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục, phát triển kinh tế. Chính phủ đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, sự tích cực ủng hộ, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ t rang và cán bộ cơ sở đã cống hiến hết mình, xung kích vào tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả quan trọng, dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vắc xin đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng cho thấy tình hình dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Công tác triển khai, phối hợp thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thời gian qua có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc; tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất, không theo kịp diễn biến của tình hình thực tế. Vì vậy, cần đánh giá sâu sắc công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương:
3.1. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn. Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.
3.2. Tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID -19 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vắc xin và thuốc điều trị bệnh COVID-19.
3.3. Nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch mới nổi.
3.4. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19.
3.5. Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
4. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định; giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ; Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2021.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |