Nghị quyết 203/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
05-03-2020
Chính phủ Số: 203/NQ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2020 |
Nghị quyết
Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Căn cứ
Nghị quyết số 36-NQ/TW
ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ
tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ
Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại
Tờ trình số 26/TTr-BTNMT ngày 29 tháng 05 năm 2019,
Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những nội dung chủ yếu sau đây:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đối với Kế
hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Cụ thể hóa các quan điểm, mục
tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị
quyết số 36-NQ/TW; xác định các
nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và
địa phương có liên quan.
2. Đối với Kế hoạch 5 năm đến năm 2025
Xác định rõ các nhiệm vụ trọng
tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển
khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Phân công cụ thể cơ quan chủ
trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và
khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu
tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.
Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm
đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế
hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
1. Yêu cầu
chung
Quán triệt sâu sắc, nhận thức
đầy đủ và toàn diện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế
hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ.
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và
bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương
hiệu biển Việt Nam; tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý
các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử
dụng nguồn lực, phù họp với bối cảnh quốc tế và trong nước.
Bảo đảm thực thi đầy đủ các
quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc
tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
2. Yêu cầu cụ
thể
Triển khai đồng bộ các giải
pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nêu tại Nghị
quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở xem
xét một cách khách quan, toàn diện năng lực triển khai, điều kiện thực hiện của
từng bộ, ngành, địa phương.
Đa dạng hóa, huy động và sử
dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư
nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh
tế biển.
Bảo đảm tích hợp, lồng ghép,
không trùng lặp, liên tục và kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước của
các nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Xác định một số nhiệm vụ
cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.
B. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP
I. KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ĐẾN
NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Về quản
trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ
- Định kỳ rà
soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về biển, hải đảo
theo hướng ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình
tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát huy văn minh sinh thái biển, nâng cao
năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế, hiệu quả đầu tư công của các
ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; khuyến khích sự tham gia của các
thành phần kinh tế trong phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với chuẩn
mực quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước
của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm
1982. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ
môi trường biển và hải đảo.
- Tiếp tục
kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng
hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội
ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp,
hiện đại. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và
cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua các cơ chế, công
cụ điều phối cụ thể. Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các
đảo, quần đảo, bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi và vùng ven biển.
- Định kỳ hằng
năm đánh giá chỉ số tổng hợp quản trị biển và hải đảo của các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở tăng cường quản
lý tổng họp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Định kỳ 05 năm hai
lần thực hiện chỉ số đánh giá tổng hợp thực hiện các mục tiêu và nội dung trong
Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở
đó có giải pháp, phương án phù hợp để nâng cao hiệu quả quản trị biển và đại
dương, quản lý vùng bờ. Định kỳ 5 năm thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá toàn
diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW
và đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.
2. Về phát
triển kinh tế biển, ven biển
a) Du lịch và
dịch vụ biển
- Đầu tư phát
triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn
trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến
khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành
các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua
sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa
học, du lịch cộng đồng.
- Thí điểm
phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ
biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm,
thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học,
phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc săc của các vùng,
miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế. Tổ chức các lễ hội tôn vinh văn
hóa biển, ẩm thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến các
vùng biển, đảo của Việt Nam song song với việc khơi dậy lòng yêu nước của người
dân.
- Xây dựng cơ
chế, chính sách thuận lợi để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham
gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách
ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh
thái biển, đảo, các tuyến du lịch ra đảo xa. Xây dựng cơ chế, chính sách phát
triển dịch vụ cứu hộ, cứu nạn; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề
nghiệp và cộng đông dân cư trong phát triển du lịch và dịch vụ biển.
b) Kinh tế
hàng hải
- Phát triển
hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước
nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo cơ sở vật chất
kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt
động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hình thành những
đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu
kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển.
- Nghiên cứu,
điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong Quy
hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
- Phát triển đội tàu vận tải biển theo hướng
hiện đại với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô
nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh để chủ động hội
nhập trong khu vực và thế giới.
- Phát triển
đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất
lượng dịch vụ logistics để giảm
chi phí logistics, kết nối hiệu
quả hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao,
góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
c) Khai thác
dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác
- Tiếp tục tìm
kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu
xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí.
- Nâng cao
hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với
chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường,
bảo tồn đa dạng sinh học biển.
- Tập trung
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho
chuỗi hoạt động dầu khí, khoáng sản; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển,
trao đổi và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dầu khí, khoáng sản.
d) Nuôi trồng
và khai thác hải sản
- Tập trung
phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hoá,
hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
- Ưu tiên
chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản,
các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy
mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công
nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
điều chỉnh số lượng tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác phù hợp với khả năng
cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản trên từng vùng biển hiệu quả, bền
vững. Hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá, công tác đảm bảo an toàn cho người
và tàu cá, công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác với các công nghệ tiên tiến
nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo
của Tổ quốc và phù hợp với quy định quốc tế.
- Tiếp tục
hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công
nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao
hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu
thụ.
- Xây dựng và
vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản họp
lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi
trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần
bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
- Xây dựng hải
đảo thành trạm cung cấp, tiếp tế nhu yếu phẩm, hậu cần khai thác thủy sản, bến
bãi neo đậu trong trường hợp có bão biển, cung cấp các nguồn năng lượng và sơ
chế hải sản cho tàu cá đánh bắt xa bờ.
đ) Công nghiệp ven biển
- Ưu tiên
phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công
nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn.
- Phát triển
hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo,
công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.
- Đảm bảo mục
tiêu, định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển phù hợp với điều kiện,
tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích của địa
phương, của vùng với lợi ích của quốc gia.
- Đổi mới đồng
bộ về cơ chế, chính sách tạo bứt phá trong phát triển bền vững công nghiệp ven
biển, bảo đảm giải quyết tốt đồng thời các vấn đề về môi trường, xã hội, nâng
cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và phát triển cơ sở hạ
tầng xã hội.
e) Năng lượng
tái tạo và các ngành kinh tế biển mới
-Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ
ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết
kế, chế tạo và sản xuất thiết bị.
- Quan tâm
phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học
biển như rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ
biển...
- Hỗ trợ đầu
tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm
điển hình sử dụng năng lượng tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới,
thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh,
cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành
kinh tế biển mới.
g) Phát triển các vùng biển
- Vùng biển và
ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): Tiếp tục xây dựng khu vực Quảng
Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển; Quảng Ninh trở thành trung
tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực
và thế giới; Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế,
trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; phát triển chế biến thủy
sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng.
- Vùng biển và
ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận): Phát triển
các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các
khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch;
phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản,
dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.
- Vùng biển và
ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): Phát triển
cảng biển container quốc tế, dịch
vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác,
chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí; Bà Rịa -
Vũng Tàu trở thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ, phát
triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ.
- Vùng biển và
ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): Xây dựng phát triển Phú
Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế;
phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi
trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các
trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
h) Phát triển kết cấu hạ tầng
biển và ven biển
- Đầu tư cải
tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn sóng, chắn cát, kè chỉnh trị trên một số tuyến
luồng hàng hải bảo đảm ổn định khai thác luồng.
- Đầu tư xây
dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng,
miền, địa phương trong nước và quốc tế phục vụ phát triển bền vững kinh tế
biển.
- Xây dựng và
thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển
hạ tầng cho kinh tế biển, ven biển.
3. Về nâng
cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với
biển
- Bổ sung và
xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông
tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo.
- Bảo đảm cho
người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng
dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân; thực hiện đầy
đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển; tiếp tục thống
kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả
nước hằng năm.
- Xây dựng,
hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven
biển, bao gồm: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế và nguồn kinh
phí hoạt động.
- Duy trì,
phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian
văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn
hoá đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
- Phổ biến nền
tảng kiến thức khoa học về các hệ sinh thái biển và hải đảo; thường xuyên thực
hiện các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng
của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
- Triển khai
thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại
dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,
phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp
học.
- Xây dựng cơ
chế đồng bộ trong việc quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, bảo đảm quyền tiếp cận
của người dân với biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
4. Về khoa
học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển
- Đổi mới,
sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh
nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển.
- Hình thành
các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công
nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển
sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có.
- Đào tạo
nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học,
nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự
nghiệp biển đảo của Nước nhà.
- Đẩy mạnh hợp
tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để
phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng
dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng,
chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thúc đẩy và
tham gia tích cực các hoạt động quốc tế hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về
khoa học biển vì sự phát triển bền vững.
5. Về môi
trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Tiếp tục rà
soát, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ
thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo.
- Hoàn chỉnh
việc tích hợp, số hoá cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo của các bộ, ngành, địa
phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo
đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông
tin, cơ sở dữ liệu biển, hải đảo của các bộ, ngành, địa phương.
- Đầu tư,
củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý
chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường
và thực hiện việc thu gom, xử lý.
- Triển khai
thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô
thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm theo hướng bền
vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước
biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Xây dựng và
thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu
khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn
biển.
- Bảo đảm cơ
chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa
dạng sinh học biển; xây dựng và thực hiện quy chế trao đổi thông tin và phối
hợp xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và
các tổ chức quốc tế.
- Triển khai
thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết hệ thống các khu bảo tồn
biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết
yếu và hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; xây dựng và thực hiện
cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong
và xung quanh khu bảo tồn biển.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án,
dự án, nhiệm vụ phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ
biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
- Đầu tư xây
dựng trung tâm cứu hộ động vật biển tại một số khu bảo tồn biển.
- Đầu tư xây
dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
- Nâng cấp hệ
thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần; phòng, chống biển xâm
thực, xói sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; hoàn thiện chính sách tài
chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai.
- Đầu tư, đưa vào hoạt động ít nhất một vệ
tinh chuyên dụng, phục vụ việc giám sát thiên tai, môi trường biển, biến đổi
khí hậu, nước biển dâng; xây dựng, củng cố lực lượng, hệ thống trang thiết bị
quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự
cố môi trường, hoá chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải
nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Kết nối, trao đổi, chia
sẻ, cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường sinh thái biển
với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước khác, tổ chức
quốc tế có liên quan.
6. Bảo đảm
quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế
- Phát huy sức
mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vùng
trời, các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
- Xây dựng lực
lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển
và Bộ đội Biển phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư,
dân quân tự vệ biển... bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ
chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt
động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai,
cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống
trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển thông qua hoạt động
kinh tế - quốc phòng.
- Củng cố vững
chắc thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vùng biển,
đảo. Tăng cường năng lực ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh
truyền thống và phi truyền thống khu vục biển.
- Xây dựng lực
lượng công an khu vực ven biển và hải đảo vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho
bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo, góp phần
quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động
kinh tế khu vực biển, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về
biển, đảo để chống phá, gây mất ổn định chính trị và trật tự, kỷ cương, an
toàn, lành mạnh tại vùng ven biển, hải đảo.
- Đầu tư trang
thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp
luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo
vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân
và các hoạt động kinh tế khu vực biển.
- Đẩy mạnh
việc tổ chức sản xuất và khai thác biển; khuyến khích nhân dân ra đảo định cư
lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa, vừa phát triển kinh tế vừa làm nhiệm
vụ bảo vệ biển, đảo; tiếp tục xây dựng các khu kinh tế quốc phòng tại các đảo,
quần đảo.
II. KẾ HOẠCH 5 NẲM ĐẾN NĂM 2025
1. Về quản trị biển và đại
dương, quản lý vùng bờ
- Kiện toàn hệ
thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung
ương đến địa phương bảo đảm hiện đại, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng
lực, chuyên môn cao. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung
ương với địa phương về công tác biển, đảo. Kiện toàn cơ quan điều phối liên
ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế
biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ
quan thường trực, giúp việc cơ quan điều phối; thành lập Văn phòng thường trực
tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Tăng cường năng lực cho Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước
tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.
- Kiện toàn
cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến luợc phát triển
bền vững kinh tế biển ở các địa phương có biển do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh là người đứng đầu và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước
tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi
cục biển và hải đảo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
- Xác định
phạm vi, ranh giới quản lý biển giữa các địa phương có biển, bảo đảm công tác
quản lý nhà nước về biển, đảo có hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng lấn, tranh chấp
trên biển.
- Rà soát,
đánh giá tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo. Sơ kết
việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển
và hải đảo; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án
luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản
lý các hải đảo; xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác
về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển;
xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về phát triển bền vững kinh tế
biển, bộ tiêu chí và chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế.
- Rà soát,
điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan
đến biển bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW;
trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài
nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Tăng cường
nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công
tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo phục vụ
phát triển bền vững kinh tế biển.
- Tổng kết,
đánh giá việc thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và
bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quản lý
tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng và ban
hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển
và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quản lý tổng hợp
vùng bờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Xây dựng và
đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép
nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển nhằm nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên,
bảo vệ môi trường biển.
- Định kỳ 05
năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nhằm
đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW,
đồng thời huy động sự hợp tác và các nguồn lực phục vụ phát triển bền
vững kinh tế biển.
- Nghiên cứu
xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển Việt
Nam với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và các đối
tác quốc tế; nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển
bền vững kinh tế biển.
- Xây dựng và
thí điểm triển khai mô hình quản trị biển thông minh, tiên tiến ứng dụng công
nghệ hiện đại tại một số đô thị lớn ven biển và các hải đảo, bao gồm: Hải
Phòng, Đà Nằng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau; xây dựng hệ thống truyền
dữ liệu, thông tin liên lạc trên nền tảng công nghệ tiên tiến thông minh phục
vụ cho các hải đảo.
- Đa dạng hoá
hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối
của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tri thức về biển và hải đảo tới
nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Xây dựng và
tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông về biển và hải đảo đến năm 2030.
2. Về phát
triển kinh tế biển, ven biển
a) Du lịch và
dịch vụ biển
- Tiếp tục
thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ
về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của
Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
trong đó tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển phù hợp với yêu cầu của
Nghị quyết số 36-NQ/TW.
- Rà soát, xây
dựng và ban hành các chính sách ưu đãi cho công tác quy hoạch, đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú
cho người nước ngoài ở Việt Nam để tạo sự phát triển đột phá cho du lịch và
dịch vụ biển; sửa đổi, bổ sung danh mục ưu đãi đầu tư bao gồm các dự án du lịch
tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển bền vững du lịch tại
các vùng ven biển và hải đảo.
- Hoàn thiện
bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu
chuẩn, quy chuẩn quốc gia về du lịch theo hướng hội nhập, hướng đến tiêu chuẩn
cao của khu vực và quốc tế.
- Xây dựng và
phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại một số tỉnh Quảng
Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Thí điểm phát triển du lịch sinh thái tại một số
đảo xa bờ.
b) Kinh tế
hàng hải
- Tập trung
xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải
Phòng (Lạch Huyện), Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung;
các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp luyện kim, lọc hoá dầu, trung
tâm nhiệt điện sử dụng than. Đối với cảng cửa ngõ quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu
(khu bến cảng Cái Mép), bố trí vốn đầu tư nâng cấp hạ thấp cao độ đáy luồng vào
bến cảng Cái Mép để có thể đón các tàu lớn trọng tải đến 200.000 tấn (18.000
TEU). Đồng thời, cải tạo nâng cấp các cảng đầu mối hiện có; xây dựng có trọng
điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn. Phát triển cảng tại các huyện
đảo với quy mô phù hợp để tiếp nhận hàng hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã
hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Đầu tư nâng
cấp, nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; lắp đặt, bảo trì hệ thống báo
hiệu; đầu tư xây mới, bảo trì các đèn biển, nhà trạm... bao gồm các quần đảo và
các đảo tiền tiêu thuộc chủ quyền của Việt Nam.
- Tiếp tục
phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát
triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng
hoá xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, vận tải than phục vụ nhà
máy nhiệt điện, vận tải dầu thô phục vụ nhà máy lọc dầu, ga, khí hoá lỏng, xi
măng... Tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn khai thác tuyến vận tải
hành khách ven biển, từ đất liền ra đảo. Tiếp tục phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ
trợ vận tải biển, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
- Nâng cao thị
phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển tuyến vận tải hành khách
ven biển, hải đảo. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể
chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành
chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực
khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đội tàu biển.
- Phát triển
dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu
quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; góp phần giảm
chi phí, nâng cao sản lượng vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các
cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn
vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa; tăng cường hợp
tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển nước ngoài để thu hút
nguồn hàng thông qua cảng biển Việt Nam.
c) Khai thác
dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác
- Nghiên cứu,
tìm kiếm, thăm dò, tận thăm dò dầu khí các bể trầm tích có tiềm năng đang khai
thác, bao gồm bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng và Malay - Thổ Chu.
- Đẩy mạnh tìm
kiếm, thăm dò các bể nước sâu xa bờ; nghiên cứu, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (băng cháy,
khí than, khí sét, dầu trong sét...).
- Gắn việc
tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài
nguyên, khoáng sản đáy biển, đặc biệt là các khoáng sản có giá trị cao, có ý
nghĩa chiến lược.
- Áp dụng, cập
nhật công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối
sản phẩm dầu, khí và các khoáng sản biển khác, bảo đảm hiệu quả cao, nâng cao
hệ số thu hồi dầu khí, đặc biệt là các mỏ nhỏ, mỏ cận biển và tiết kiệm các
nguồn lực khác, bảo vệ tốt tài nguyên sinh thái.
- Rà soát, sửa
đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời xây
dựng cơ chế, chính sách thuận lợi và khuyến khích phục vụ công tác tìm kiếm,
thăm dò và khai thác hiệu quả, an toàn dầu khí, khoáng sản theo từng giai đoạn.
d) Nuôi trồng
và khai thác hải sản
- Chuyển đổi
từ các mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công
nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường; chuyển
dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ, nơi có hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm,
nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm và dễ chồng lấn với các hoạt động
kinh tế khác ra vùng lộng và vùng khơi.
- Xây dựng và
vận hành các mô hình nơi cư trú nhân tạo cho các loài sinh vật biển, mô hình
nhà màng công nghệ cao có độ bền chịu biến đổi khí hậu biển, đảo và tận dụng
các sản phẩm của các giải pháp xử lý môi trường, xử lý phụ phẩm thủy sản để
nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân trên các hải
đảo, góp phần bảo vệ quốc phòng và an ninh trên các vùng biển, đảo. Ứng dụng
công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng phục vụ khai thác thủy sản nhằm nâng cao
hiệu quả sản xuất và thân thiện môi trường.
- Xây dựng,
ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ
sở hạ tầng thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển như khai thác thủy sản,
nuôi biển, các công trình trên các vùng hải đảo và các ngư trường trọng điểm;
khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là
hình thức hợp tác công tư trong các lĩnh vực thủy sản như nuôi trồng, khai
thác, chế biến, bảo quản, xuất khẩu hải sản, hiện đại hóa hệ thống hậu cần nghề
cá.
- Tiếp tục xây
dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là trên các đảo
quan trọng nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hiệu quả trên các vùng biển xa bờ; xây
dựng và vận hành 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 trung tâm nghề cá lớn
gắn với các ngư trường trọng điểm.
- Điều tra,
đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản làm cơ sở
quy hoạch, tổ chức sản xuất và quản lý đối với khai thác hải sản; nghiên cứu,
áp dụng các phương pháp, ngư cụ, thiết bị khai thác tiên tiến, công nghệ bảo
quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả.
- Thành lập,
hỗ trợ một số doanh nghiệp nòng cốt khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản ở
vùng biển xa bờ và viễn dương.
đ) Công nghiệp ven biển
- Đẩy mạnh thu
hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự
án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.
- Ưu tiên phát
triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng
giá trị.
- Điều chỉnh
quy hoạch các ngành công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có nguy cơ gây
ô nhiễm môi trường và gia tăng phát thải khí nhà kính.
- Huy động các
nguồn lực ngoài ngân sách trung ương và có cơ chế, chính sách phù hợp cho đầu
tư phát triển công nghiệp ven biển.
e) Năng lượng
tái tạo và các ngành kinh tế biển mới
- Ưu tiên đầu
tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo
đảm quốc phòng, an ninh.
- Xây dựng cơ
chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước
phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng biển mới và tái tạo trên cơ sở đôi
bên cùng có lợi.
- Thúc đẩy đầu
tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo
khác trên các vùng biển và hải đảo.
- Phát triển
các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình
Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau.
g) Phát triển các vùng biển
- Tập trung
phát triển du lịch và dịch vụ biển tại vùng có tiềm năng, lợi thế tại một số
địa phương ven biển.
- Xây dựng mô
hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mô
hình hệ sinh thái bền vững cho các biển, hải đảo tại các vùng biển và ven biển
Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
- Xây dựng quy
trình sản xuất khép kín dựa trên công nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến,
xử lý các sản phẩm ngành thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
thích ứng với biến đổi khí hậu ở các hải đảo làm nền tảng cho sự phát triển kinh
tế biển và hải đảo bên vững.
h) Phát triển kết cấu hạ tầng
biển và ven biển
- Đẩy mạnh đầu
tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến luồng hàng hải quan trọng: Hòn Gai - Cái Lân,
Nghi Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Ba Ngòi, Cái Mép - Thị Vải, Trần Đề; cải
tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn sóng, chắn cát, kè chỉnh trị tại một số cửa
biển.
- Xây dựng
cắc đèn biển, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại đặc biệt về năng lượng, y
tế, nước ngọt, ... khu vực quần đảo Trường Sa.
- Tiếp tục xây
dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch.
- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cảng biển, bến
neo đậu, cầu cảng tại các vũng, vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc
biệt là hạ tầng cầu cảng tại một số đảo như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Trường Sa,
Thổ Chu... để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển.
- Ưu tiên bố
trí nguồn lực nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhằm đảm bảo kết
nối, phát triển hệ thống đô thị ven biển, đảo và quần đảo của Việt Nam theo
hướng bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
- Đầu tư xây
dựng hệ thống hạ tầng về nước sạch và thủy lợi cấp, tiêu thoát nước cho phát
triển các ngành kinh tế, sinh hoạt, du lịch, dịch vụ tại các vùng ven biển, các
đảo có người sinh sống.
3. Về nâng
cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển
- Xây dựng các
giải thưởng về biển và đại dương nhằm khuyến khích các tố chức, cá nhân trong
nước và quốc tế tham gia các hoạt động về biển và hải đảo.
- Thống kê,
đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả nước
hằng năm.
- Rà soát,
đánh giá hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội tại các đảo có người dân sinh
sống; bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện,
nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục trên các đảo có người dân sinh
sống còn thiếu hoặc chưa có.
- Ban hành bộ
tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; 100% các xã đảo độc lập có trạm y tế
xã đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 70% bệnh viện, trung tâm y tế
huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng
2 và được trang bị hệ thống trợ giúp y tế từ xa; đầu tư cho 04 trung tâm cấp
cứu 115 đủ khả năng phối hợsp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 06 bệnh
viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới
01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế
cho 1-2 tàu cảnh sát biển; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy
đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.
- Nâng cao
điều kiện làm việc và nhận thức về an toàn, an ninh hàng hải cho người đi biển
và ngư dân.
- Đánh giá
hiện trạng thiết chế văn hoá và xây dựng các giải pháp nhằm duy trì thiết chế
văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm bộ máy tổ chức, nhân sự,
quy chế, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí hoạt động.
- Phục hồi,
nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm văn hóa biển đặc trưng tại các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có biển, trước hết là tại Quảng Ninh, Hải
Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang.
- Biển soạn và
đưa vào chương trình giáo dục các tài liệu về biển, đại dương, kỹ năng sinh
tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho
học sinh, sinh viên; giáo dục nâng cao nhận thức về biển, đại dương cho cộng
đồng dân cư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Rà soát,
đánh giá việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có biển.
4. Về khoa
học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển
- Xây dựng
Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo theo hướng
thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên
tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn
thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển; nghiên cứu gắn
với điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển liên quan tới phóng xạ, năng
lượng nguyên tử.
- Triển khai
có hiệu quả Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học
biển đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4
năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai
các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương
có biển; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển gắn
với doanh nghiệp.
- Tập trung
đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao.
5. Về môi
trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Ưu tiên xây
dựng và triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi
trường biển và hải đảo đến năm 2030.
- Đầu tư nâng
cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia; triển khai việc tích hợp và số hoá cơ
sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ
liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo đảm việc nhập, cập
nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
biển, đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang và thành phố Hải
Phòng.
- Đầu tư, củng
cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất
thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường tại
các địa phương có biển; xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và
tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các
hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà
Mau, thành phố Hải Phòng, ...
- Triển khai
thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô
thị ven biển theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh
với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung,
đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tại các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có biển ở Trung Bộ và Nam Bộ.
- Xây dựng và
thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến
năm 2030.
- Tiếp tục
hoàn thiện công tác thiết lập các khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg; thành lập ban quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng
16 khu bảo tồn biển thuộc hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam hoạt động hiệu
quả; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế
bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.
- Mở rộng phạm
vi điều tra, thu thập số liệu về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế
- xã hội tại các vùng biển, ven biển, ven đảo; hoàn thiện dữ liệu các khu vực
có tiềm năng làm cơ sở đề xuất thành lập mới các khu bảo tồn biển.
- Điều tra bổ
sung làm cơ sở đề xuất điều chỉnh mở rộng diện tích, các phân khu chức năng của
khu bảo tồn biển đã được thành lập.
- Phối hợp
với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ,
giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực trong công tác bảo
tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế; nghiên
cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc
gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.
- Tiếp tục
hoàn thiện các ban quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng của 16 khu bảo tồn biển đã
được phê duyệt trong quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam; xây dựng và
thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư
tại các khu bảo tồn biển Cát Bà, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Phú Quốc.
- Thực hiện
các chương trình, đề án, dự án phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô,
thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven
biển toàn quốc, trong đó ưu tiên các khu vực có tốc độ suy thoái nhanh.
- Thực hiện
các dự án về đánh giá tính bền vững của các hệ thống tự nhiên, văn hóa sinh
thái cho phát triển bền vững kinh tế biển.
- Thực hiện
đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước
biển dâng tại các thành phố Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Bạc Liêu, Phú Quốc.
- Thực hiện
đầu tư, nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần khu
vực Hải Phòng, Hội An; phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt,
xâm nhập mặn; hoàn thiện chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai tại
khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Tổ chức
nghiên cứu, thực hiện đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị hệ
thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường
biển, ứng phó có hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường biển, gắn với
bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
6. Bảo đảm
quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế
- Nắm chắc
tình hình thế giới, khu vực, trong nước, tình hình Biển Đông liên quan việc
thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; kịp
thời tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo
đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam.
- Tăng cường
bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an
ninh mạng, an ninh môi trường phục vụ triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu
quả các chủ trương, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển bền
vững kinh tế biển của Đảng, Nhà nước.
- Giải quyết
ổn định các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ khiếu
kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo, không để
hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự an toàn ở các vùng biển và ven biển.
- Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại các vùng ven biển,
hải đảo và các khu vực có hoạt động kinh tế biển, nhất là trong quản lý cư trú,
quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh
doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
- Hoàn thiện
tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật khu vực
biển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh phục vụ bảo vệ chủ
quyền, bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh theo
hướng lưỡng dụng, đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự vùng biển,
đảo.
- Chủ động,
tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác tại các diễn đàn
quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương.
- Phối hợp
với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên
Biển Đông (DOC), thúc đẩy việc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực
chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên
hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
- Thực hiện
nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà
Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu thúc đẩy tham gia các điều ước quốc tế về các
lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; thúc
đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu
rác thải nhựa đại dương. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác
thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
- Tiếp tục đẩy
mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tố chức quốc tế
để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công
nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên
tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Duy trì,
thúc đẩy các cơ chế đàm phán, đối thoại giải quyết tranh chấp trên biển với các
nước liên quan nhằm tăng cường đối thoại, hòa bình, giải quyết các tranh chấp
trên biển và tạo điều kiện để mở rộng hợp tác biển.
- Tăng cường hợp
tác, tham gia tích cực, hiệu quả tại các tổ chức chuyên môn quốc tế và khu vực
về biển nhằm tăng cường năng lực chuyên môn, khoa học - kỹ thuật, đồng thời góp
phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của ta.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC
BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Ủy ban chỉ
đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai Nghị
quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện
Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo
Chính phủ.
2. Bộ Tài
nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan giúp Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển
bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo dõi,
đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc
thực hiện Nghị quyết này; định kỳ 05 năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển
bền vững kinh tế biển Việt Nam để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải
pháp đã đề ra từ diễn đàn lần trước và thảo luận, đề xuất các định hướng chiến
lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Ủy
ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
3. Các bộ,
ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ,
ngành, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể và đề xuất sửa đổi,
bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ
và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.
4. Bộ Ngoại
giao thực hiện tốt công tác biển giới, lãnh thổ quốc gia trên biển; chủ trì,
điều phối công tác thông tin đối ngoại, điều ước, thỏa thuận quốc tế, dự báo
chiến lược các vấn đề quốc tế liên quan đến chính sách phát triển các vùng biển
Việt Nam; đẩy mạnh việc tham gia hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế
liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp tục triển khai các đề án
và tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển với các nước láng giềng,
xây dựng các đề án bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam và tham gia các
điều ước quốc tế về biển.
5. Bộ Quốc
phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện
tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và hải đảo; xây
dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện
đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; không ngừng củng cố, tăng cường
thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo; bảo đảm năng lực xử lý
tốt các tình huống, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài
phán và lợi ích quốc gia trên biển; kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hòa
bình, ổn định và trật tự pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền
vững kinh tế biển.
6. Bộ Công an
chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá;
làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động
kinh tế khu vực ven biển, hải đảo.
7. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan có liên quan xác định các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư từ ngân
sách nhà nước, nhiệm vụ thu hút các nguồn vốn khác trong và ngoài nước; ưu tiên
và kịp thời bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, phát huy hiệu quả
các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết này; nghiên cứu xây dựng cơ chế,
chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện các
nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
8. Bộ Tài
chính trình các cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí chi thường xuyên của
ngân sách trung ương để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết này cho
các bộ, cơ quan trung ương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước.
9. Bộ Nội vụ
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiện toàn tổ chức bộ máy ở
trung ương và địa phương có biển về quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về
biển và hải đảo theo Nghị quyết này.
10. Bộ Khoa
học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ,
ngành, địa phương có liên quan xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp
quốc gia về biển và hải đảo; Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
định hướng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
trong bối cảnh các thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển và triển khai
các hoạt động khoa học và công nghệ khác, bảo đảm khoa học và công nghệ thực sự
là khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
11. Bộ Giáo
dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh, và Xã hội chủ động phối hợp với
các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai, các đề án, dự án, nhiệm vụ
về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao,
cùng với khoa học và công nghệ làm khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
12. Bộ Thông
tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài
nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng các đề
án, dự án, nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của nhân dân,
kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước về biển và hải đảo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của
nước ta trên Biển Đông, về tiềm năng, lợi thế và sự nghiệp phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam.
13. Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06
tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực
hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn; khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy các
tuyến du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ.
14. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017;
chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy sản
phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch chuyên ngành để phát triển thủy sản, chỉ
đạo đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; thực hiện phòng, chống thiên tai
từ biển; xây dựng các chính sách về nuôi trồng và khai thác thủy sản, bảo tồn
biển; bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển,
ven đảo để đóng góp vào phát triển kinh tế biển, ven biển.
15. Bộ Xây
dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị ven biển,
khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển
mạnh; thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các
đô thị ven biển, hải đảo.
16. Bộ Giao
thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành
hoặc trình có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chính
sách, văn bản về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ,
đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không phục vụ phát triển kinh
tế biển; tham mưu đề xuất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát
triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về hợp
tác công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.
17. Bộ Công
Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính
sách về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng
tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành công
nghiệp ven biển có trọng tâm, trọng điểm và thân thiện với môi trường.
18. Các bộ,
ngành ngoài các nhiệm vụ cụ thể nêu trên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương:
- Căn cứ nhiệm
vụ được giao tại Nghị quyết này và chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Kế
hoạch thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình và ban hành trong quý I năm
2020; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến mạnh
mẽ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực
hiện và trước tháng 12 hằng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
- Các bộ, cơ
quan trung ương có trách nhiệm bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển và kinh phí
chi thường xuyên để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công theo Nghị
quyết này trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước.
- Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân chủ động bố trí ngân sách địa phương để
thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được giao theo phân cấp ngân sách hiện hành.
- Chủ trì rà
soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự
án, nhiệm vụ liên quan đến biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý nhà nước được
giao, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số
36-NQ/TW và Nghị quyết này, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020 làm cơ sở
để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phối hợp với
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng Quy
hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững
tài nguyên vùng bờ và Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo phương pháp tích hợp, đa ngành.
- Tiếp tục
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những năm trước đây còn hiệu lực
thi hành thuộc phạm vi điều chỉnh trên các vùng biển, ven biển và các hải đảo;
đồng thời triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ trong Nghị quyết này
(Phụ lục kèm theo).
II. Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban
của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của
Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc
gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các
Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc