Nghị quyết 143/NQ-CP Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
04-10-2020
04-10-2020
Chính phủ Số: 143/NQ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2020 |
Nghị quyết
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy
hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy
hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số
751/2019/UBTVQH14, ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số
điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ
ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng5
năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy
hoạch;
Theo đề nghị của Hội đồng Quy hoạch quốc
gia tại Tờ trình số 4596/TTr-HĐQHQG ngày 17 tháng 7 năm 2020.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch
a) Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là quy hoạch tổng thể quốc gia).
b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Ranh giới quy hoạch: Toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nuớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Mục tiêu, Quan điểm và nguyên tắc lập quy hoạch
a) Mục tiêu lập quy hoạch
- Là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.
- Đề xuất các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.
b) Quan điểm và nguyên tắc lập quy hoạch
- Bảo đảm tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch.
- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.
- Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
- Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
3. Phương pháp tiếp cận và yêu cầu đối với phương pháp lập quy hoạch
a) Yêu cầu chung
- Lập quy hoạch tổng thể quốc gia dựa trên phương pháp tiếp cận tổng thể, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành nhằm bảo đảm tính liên ngành, liên lãnh thổ để đạt được mục tiêu phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững.
- Nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện thông qua việc tích hợp nội dung các hợp phần quy hoạch, lựa chọn ưu tiên không gian phát triển mang tính tổng thể trong từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực huy động, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
b) Phương pháp tiếp cận lập quy hoạch
Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện dựa trên các phương pháp tiếp cận sau:
- Tiếp cận từ tiềm năng, lợi thế để xác định mục tiêu, định hướng phát triển.
- Tiếp cận từ cân đối tổng thể.
- Tiếp cận liên ngành, liên vùng.
- Tiếp cận đa chiều từ trên xuống, từ dưới lên có tham gia của nhiều bên.
- Tiếp cận theo nguyên tắc thị trường.
- Tiếp cận từ xu thế hội nhập quốc tế.
c) Yêu cầu đối với phương pháp lập quy hoạch
- Làm rõ các phương pháp, công cụ được sử dụng trong quá trình lập quy hoạch (loại phương pháp, công cụ; cách thức và nội dung áp dụng của từng phương pháp).
- Các phương pháp, công cụ cần cung cấp những căn cứ, luận chứng khoa học cho việc đánh giá thực trạng, đối sánh với quốc tế, dự báo bối cảnh, xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
- Các phương pháp, công cụ được áp dụng cần có cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá được các nhân tố phát triển trong mối quan hệ với các nhân tố khác, bảo đảm tính khách quan trong nghiên cứu. Hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong quy hoạch cần mang tính tổng hợp, phản ánh được bản chất các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
- Phương pháp lập quy hoạch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, tôn trọng và bảo đảm tính thị trường của các hoạt động kinh tế - xã hội.
- Các phương pháp lập quy hoạch liên quan đến xử lý tổng hợp các phương án phát triển cần được xem xét trên nguyên tắc hiệu quả của toàn bộ hệ thống dựa trên đánh giá được chi phí và lợi ích của các phương án phát triển.
- Các phương pháp lập quy hoạch cần bảo đảm tính lôgic, chặt chẽ và thống nhất.
- Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
- Các phương pháp cơ bản được sử dụng trong quá trình lập quy hoạch bao gồm:
+ Phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, phân loại, thống kê, xử lý thông tin;
+ Phương pháp dự báo, xây dựng phương án phát triển;
+ Phương pháp tích hợp quy hoạch;
+ Phương pháp sơ đồ, bản đồ, sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS);
+ Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp so sánh, tổng hợp;
+ Phương pháp chuyên gia, hội nghị, hội thảo;
+ Các phương pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
4. Nội dung chính của quy hoạch
Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm:
a) Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định và đo lường được tác động của các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia.
b) Dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định được các xu thế có ảnh hưởng hay tác động trực tiếp, gián tiếp đến định hướng và không gian phát triển của quốc gia.
c) Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển:
- Quan điểm về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
- Quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi truờng;
- Xây dựng mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về phát triển quốc gia.
d) Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội: Xác định các vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác sử dụng; định hướng phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.
đ) Định hướng phát triển không gian biển.
e) Định hướng sử dụng đất quốc gia.
g) Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời.
h) Định hướng phân vùng và liên kết vùng.
i) Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
k) Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia.
l) Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.
m) Định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia.
n) Định hướng bảo vệ môi trường.
o) Định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
p) Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.
q) Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
5. Hợp phần quy hoạch: Xây dựng 42 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia (theo Phụ lục đính kèm).
6. Thời hạn lập quy hoạch: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
7. Thành phần, số lượng và quy cách hồ sơ quy hoạch
a) Thành phần hồ sơ quy hoạch
- Sản phẩm báo cáo quy hoạch:
+ Dự thảo văn bản trình thẩm định quy hoạch;
+ Dự thảo văn bản của Chính phủ trình phê duyệt quy hoạch;
+ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thông qua quy hoạch;
+ Các tài liệu liên quan khác;
+ Báo cáo thuyết minh tổng hợp kèm theo danh mục bản đồ khổ A3;
+ Báo cáo tóm tắt quy hoạch: Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đủ thông tin, thể hiện được các nội dung chính của Báo cáo tổng hợp quy hoạch;
+ Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch;
+ Cơ sở dữ liệu quy hoạch tổng thể quốc gia được lưu trong đĩa CD phải đảm bảo theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
- Sản phẩm báo cáo hợp phần quy hoạch:
+ Báo cáo thuyết minh tổng hợp kèm theo danh mục bản đồ khổ A3;
+ Báo cáo tóm tắt hợp phần quy hoạch;
+ Cơ sở dữ liệu các hợp phần quy hoạch;
+ Báo cáo thẩm định hợp phần quy hoạch.
- Danh mục bản đồ:
+ Sản phẩm bản đồ: Bao gồm 13 bản đồ theo quy định tại Mục I, Phụ lục I Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ;
+ Sản phẩm bản đồ có lưới chiếu sử dụng Hệ tọa độ VN-2000 theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Tỷ lệ bản đồ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ;
+ Các sản phẩm bản đồ giao nộp phải được đóng gói, chuẩn hóa về định dạng GIS (Mapinfo, Arcgis) làm cơ sở để tích hợp vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các đối tượng không gian phải có thông tin mô tả cho đối tượng, tùy theo từng đối tượng cụ thể sẽ có các trường thông tin thuộc tính khác nhau. Chất lượng phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản trong biên tập, trình bày, in ấn bản đồ;
+ Đối với bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch của các hợp phần quy hoạch phải đảm bảo theo yêu cầu và mục đích của các nội dung được xác định tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
b) Số lượng và quy cách hồ sơ quy hoạch:
- Số lượng hồ sơ: Đáp ứng yêu cầu về số lượng trình Hội đồng quy hoạch quốc gia, trình Hội đồng thẩm định, trình Chính phủ và trình Quốc hội.
- Quy cách hồ sơ quy hoạch: Đáp ứng yêu cầu theo quy định về thành phần hồ sơ quy hoạch.
8. Chi phí lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
1. Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Nghị quyết này, Hội đồng quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương việc lựa chọn đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;
b) Triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
c) Xây dựng, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
d) Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu các hợp phần quy hoạch bảo đảm yêu cầu tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch có trách nhiệm đề xuất đơn vị tư vấn chuyên ngành phối hợp với đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia để triển khai lập các hợp phần quy hoạch; tổ chức thẩm định nội dung các hợp phần theo quy định của pháp luật về quy hoạch, gửi nội dung các hợp phần đã được thẩm định về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia; chủ động cập nhật thông tin về nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia để điều chỉnh, bể sung mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
2. Hội đồng quy hoạch quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.