QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC ĐOÀN CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN CỦA
QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VÀ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIẾNG NGƯỜI TỪ TRẦN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 1177/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2020
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi,
đối tượng được tổ chức đoàn viếng
1. Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí
thư quản lý.
2. Cán bộ thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội
quản lý.
3. Đại biểu Quốc hội các khóa (trừ trường
hợp bị bãi nhiệm, bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án; hoặc cho thôi
làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do đã bị thi hành kỷ luật; hoặc đã bị kỷ
luật từ hình thức cách chức trở lên).
4. Thân nhân của cán bộ, đại biểu Quốc hội
từ trần (gồm: Bố, mẹ đẻ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ
chồng; vợ hoặc chồng).
Điều 2. Nguyên
tắc tổ chức đoàn viếng
1. Việc tổ chức đoàn viếng đối với người
từ trần (sau đây gọi là Đoàn viếng) phải trang trọng, phù hợp với truyền thống
văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, tiết kiệm, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.
2. Những người giữ nhiều chức vụ thì căn
cứ vào chức vụ cao nhất; những chức vụ nêu trong Nghị quyết này là chức vụ khi
cán bộ từ trần (đối với cán bộ đương chức) hoặc chức vụ cao nhất trong quá
trình công tác (đối với cán bộ nguyên chức).
Chương II
TỔ CHỨC ĐOÀN VIẾNG
Điều 3. Đoàn của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam viếng người từ trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức
vụ sau đây:
1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
2. Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí
thư; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Đại tướng Quân đội, Công an.
Trường hợp đồng chí Chủ tịch Quốc hội
không đến viếng được thì gửi vòng hoa viếng.
Điều 4. Đoàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội viếng người từ trần là
cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây:
1. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy
ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
3. Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
4. Thượng tướng Quân đội, Công an.
Trường hợp đồng chí Chủ tịch Quốc hội
không đến viếng được thì gửi vòng hoa viếng.
Điều 5. Chủ tịch Quốc hội viếng hoặc gửi vòng hoa viếng người từ
trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ và thân nhân của các
cán bộ đương chức, nguyên chức giữ các chức vụ sau đây:
1. Chủ tịch Quốc hội viếng hoặc gửi vòng
hoa viếng đối với:
a) Trưởng Ban đảng của Trung ương, Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; người
đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
b) Thân nhân của các chức danh quy định
tại Điều 3, Điều 4 và điểm a, Khoản 1 Điều này.
c) Các trường hợp khác do Chủ tịch Quốc
hội quyết định.
2. Chủ tịch Quốc hội gửi vòng hoa viếng
đối với:
a) Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ
nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách ở Hội đồng
Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
b) Phó Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội.
c) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
d) Thân nhân của các đối tượng quy định
tại điểm a, b, c khoản này.
Điều 6. Các cơ quan của Quốc hội viếng người từ trần là cán bộ đương
chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây:
1. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc
hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy
ban của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc
hội.
3. Ủy viên thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy viên
thuộc Ủy ban của Quốc hội các khóa thuộc cơ quan mình (bao gồm đại biểu Quốc
hội chuyên trách và kiêm nhiệm).
4. Phó Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
5. Tổ chức đoàn viếng đối với thân nhân
của các thành viên là đại biểu Quốc hội đương nhiệm và thân nhân của đại biểu
Quốc hội chuyên trách các khóa thuộc cơ quan mình.
6. Các trường hợp khác do Thường trực Hội
đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội quyết định việc tổ chức Đoàn
viếng.
7. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc
hội gửi vòng hoa của Chủ tịch Quốc hội viếng người từ trần là đại biểu Quốc hội
chuyên trách và thân nhân của đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc cơ quan mình
quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Quy định này.
Điều 7. Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội viếng người từ
trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây:
1. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc
hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan
thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý các
đồng chí Lãnh đạo Quốc hội.
3. Thân nhân các trường hợp quy định tại
khoản 1, 2 của Điều này.
4. Các trường hợp khác do Thủ trưởng cơ
quan quyết định.
5. Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội gửi vòng hoa của Chủ tịch Quốc hội viếng người từ trần là các đối tượng
thuộc cơ quan mình và thân nhân của họ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của
Quy định này.
Điều 8. Đoàn của Văn phòng Quốc hội viếng người từ trần là cán bộ
đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây:
1. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc
hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trợ lý các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; cấp phó các cơ
quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Thân nhân của các trường hợp quy định
tại khoản 1, 2 Điều này.
4. Các trường hợp khác do Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội quyết định.
5. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm gửi
vòng hoa của Chủ tịch Quốc hội viếng người từ trần quy định tại các khoản 1
Điều 5 và các đối tượng thuộc cơ quan mình và thân nhân của họ quy định tại
điểm c khoản 2 Điều 5 của Quy định này.
Điều 9. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
viếng người từ trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau
đây:
1. Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu
Quốc hội địa phương; đại biểu Quốc hội đang sinh sống tại địa phương.
2. Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy
trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh thuộc địa phương mình.
3. Thân nhân của đại biểu Quốc hội đương
nhiệm; thân nhân của đại biểu Quốc hội chuyên trách các khóa thuộc Đoàn đại
biểu Quốc hội địa phương.
4. Các trường hợp khác do Trưởng đoàn, Phó
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương quyết định.
5. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương giúp các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội viếng người từ trần là đại biểu Quốc
hội mà trước khi từ trần đang sinh sống ở địa phương trong trường hợp được các
cơ quan đó ủy quyền.
Điều 10. Hình thức
viếng
1. Về hình thức viếng:
Việc tổ chức đoàn viếng hoặc gửi vòng hoa
viếng hoặc gửi điện chia buồn đến gia đình của các trường hợp quy định tại các
điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 của Quy định này do Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Hội
đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội quyết định.
2. Về hoa viếng:
a) Đối với Lễ tang Cấp cao mà người từ
trần là cán bộ đang giữ chức hoặc nguyên giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội: Văn phòng Quốc hội chuẩn bị 01 vòng hoa viếng của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội; không đặt hoa viếng riêng của từng đồng chí Lãnh đạo Quốc hội và cá
nhân các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
b) Đối với người từ trần là cán bộ thuộc
diện quản lý của Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang công tác tại
các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng
Quốc hội: Các cơ quan, đơn vị nơi người từ trần đã và đang công tác phối hợp
với Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị vòng hoa viếng người từ trần.
c) Đối với lễ viếng quy định tại Điều 3,
Điều 4 và khoản 1 Điều 5 của Quy định này do Văn phòng Quốc hội chuẩn bị.
d) Đối với lễ viếng đại biểu Quốc hội
chuyên trách, thân nhân của đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đối tượng
được Chủ tịch Quốc hội gửi vòng hoa viếng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của
Quy định này do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chuẩn bị.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
1. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về tổ chức Đoàn viếng đối với người từ trần không phải là
đại biểu Quốc hội quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5 của Quy định này (trừ
khoản 2 Điều 5).
2. Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc
hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Chủ
tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức Đoàn viếng đối với người từ
trần là đại biểu Quốc hội quy định tại các Điều 3, 4, 5 (trừ khoản 2 Điều 5 của
Quy định này); phối hợp tổ chức lễ tang đối với người từ trần là đại biểu Quốc
hội chuyên trách các khóa quy định tại Điều 3 của Quy định này.
3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc
hội, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Văn
phòng Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức
Đoàn viếng và tổ chức lễ tang đối với người từ trần là đại biểu Quốc hội chuyên
trách các khóa ở Trung ương quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Quy định
này thuộc cơ quan, đơn vị mình (trừ các chức danh quy định tại khoản 4 Điều 4).
4. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức Đoàn viếng đối với các đối tượng
quy định tại Điều 9 của Quy định này, đồng thời thông báo về Ban Công tác đại
biểu (qua Vụ Công tác đại biểu) để theo dõi, tổng hợp.
5. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm quy
định về tổ chức phục vụ lễ tang và phục vụ đoàn viếng khi có người từ trần;
hướng dẫn về kinh phí phục vụ lễ tang, kinh phí tổ chức đoàn viếng.
Điều 12. Hiệu lực
thi hành
1. Việc tổ chức lễ tang thực hiện theo
Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức
lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
2. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký
và thay thế Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 752/2005/NQ-UBTVQH11 ngày
04/3/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức đoàn viếng của Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội viếng người từ trần.
Điều 13. Trách
nhiệm thi hành
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,
các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quy
định này.