Nghị định 78/2023/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước
07-11-2023
22-12-2023
Chính phủ Số: 78/2023/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 7 tháng 11 năm 2023 |
Nghị định
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 32/2017/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 26 tháng 5 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 3 như sau:
“7. “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ” là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:
a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;
b) Gia hạn nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước
1. Trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các nội dung gồm:
a) Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm thực hiện, dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau;
b) Khả năng huy động vốn và cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước;
c) Kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau;
d) Giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.
2. Trước ngày 31 tháng 8 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam rà soát, hoàn thiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng.
3. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tổng mức tăng trưởng tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.”
3. Sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 6 như sau:
“3. Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.
4. Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.”
4. Sửa đổi khoản 6 Điều 6 như sau:
“6. Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”
6. Bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 7 như sau:
“4. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn quy định tại khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể gửi Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Khách hàng vay vốn, dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại khoản 4 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định về điều kiện cho vay của Nghị định này, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn; không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;
b) Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ hoặc để thực hiện các chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại khoản 4 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức tín dụng khác để cùng cho vay dự án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc đã phát hành thư mời cùng cho vay tới ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 30 ngày làm việc nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia cùng cho vay;
b) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
c) Đảm bảo giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng không vượt quá bốn lần vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.
7. Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính:
Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan gửi Bộ Tài chính bao gồm:
a) Văn bản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan;
b) Văn bản chứng minh Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đáp ứng điều kiện tại khoản 6 Điều này;
c) Văn bản thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khách hàng và dự án vay vốn của khách hàng;
d) Văn bản đề nghị được cấp tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam của khách hàng (bản sao được cấp từ bản gốc hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam);
đ) Hồ sơ pháp lý liên quan đến khách hàng đề nghị cấp tín dụng (bản sao được cấp từ bản SOC hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập do cấp có thẩm quyền ban hành (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính), báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liền trước năm đề nghị và các tài liệu liên quan khác chứng minh khách hàng đã đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều này;
e) Hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án đề nghị cấp tín dụng (bản sao được cấp từ bản gốc hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản phê duyệt, chấp thuận dự án của cấp có thẩm quyền và các tài liệu có liên quan khác (nếu có);
g) Báo cáo về tình hình quan hệ tín dụng và nhu cầu cấp tín dụng vượt giới hạn của một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan.
8. Hồ sơ Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ bao gồm Tờ trình của Bộ Tài chính kèm theo các tài liệu sau:
a) Văn bản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan;
b) Văn bản tham gia ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nếu có liên quan;
c) Văn bản giải trình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng (nếu có);
d) Các tài liệu có liên quan khác (nếu có).
9. Trình tự thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn:
a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 7 Điều này trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật - pháp lý của dự án và khách hàng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Trong trường hợp hồ sơ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam các điều kiện mà khách hàng, dự án và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa đáp ứng được;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị mình gửi Bộ Tài chính. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Tài chính nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng có văn bản gửi Bộ Tài chính giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoặc ý kiến giải trình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam biết, thực hiện.”
7. Sửa đổi Điều 8 như sau:
“Điều 8. Thời hạn cho vay
Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Lãi suất cho vay
1. Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
2. Trình tự quyết định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước:
a) Trước ngày 25 tháng 01 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính cung cấp số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ để Bộ Tài chính cung cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
b) Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại điểm a khoản này, Bộ Tài chính có văn bản chuyển cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp;
c) Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính tại điểm b khoản này, căn cứ nguyên tắc xác định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
d) Trường hợp trong năm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước có biến động lớn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm đề nghị để Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này được áp dụng cho toàn bộ dư nợ trong hạn và các khoản giải ngân mới của các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký kết kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023.
4. Đối với toàn bộ số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn của từng khoản nợ vay:
a) Lãi suất quá hạn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn;
b) Lãi suất cho vay trong hạn tại điểm a khoản này được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Bảo đảm tiền vay
1. Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác có liên quan. Đối với từng dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, thỏa thuận với khách hàng để quyết định và chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khách hàng thực hiện thủ tục bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác có liên quan.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác có liên quan.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay
1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể như sau:
a) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi;
b) Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
2. Căn cứ tình hình tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khả năng trả nợ của khách hàng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”
11. Bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 như sau:
“Điều 15a. Trích lập dự phòng rủi ro
1. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng ký kết kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại, được tính vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được sử dụng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ vay theo các hợp đồng này.
2. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký trước ngày 22 tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).”
12. Sửa đổi Điều 17 như sau:
“Điều 17. Xử lý rủi ro tín dụng
1. Nguyên tắc xử lý rủi ro tín dụng:
a) Việc xử lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đầy đủ điều kiện, hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật;
b) Việc xử lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải gắn trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng vay vốn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cho vay, thu hồi và xử lý nợ vay;
c) Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro.
2. Thẩm quyền xử lý rủi ro tín dụng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.”
13. Sửa đổi khoản 3 Điều 19 như sau:
“3. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tổng mức tăng trưởng tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước hằng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.”
14. Sửa đổi khoản 1 Điều 20 như sau:
“1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tổng mức tăng trưởng tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước hằng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.”
15. Bổ sung khoản 6 Điều 21 như sau:
“6. Định kỳ trước ngày 25 tháng 01 hằng năm, có văn bản gửi Bộ Tài chính cung cấp số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ để Bộ Tài chính cung cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam làm căn cứ quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.”
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 6 Điều 23 như sau:
“3. Quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
6. Kiểm tra, giám sát khách hàng trong việc sử dụng vốn vay để đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; trường hợp khách hàng có nợ xấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và/hoặc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân vốn vay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá khả năng tài chính để trả nợ của khách hàng để xem xét, quyết định việc tiếp tục giải ngân cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định này.”
17. Bổ sung khoản 5 Điều 25 như sau:
“5. Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật.”
1. Thay thế Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
2. Thay thế các cụm từ “đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính” bằng cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính” tại điểm a khoản 2 Điều 1 và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Bỏ cụm từ “trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
4. Bãi bỏ khoản 5 Điều 2, khoản 8 Điều 3, khoản 2 Điều 5, khoản 7 và khoản 8 Điều 6, khoản 2 và khoản 3 Điều 20, Điều 29 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với các hợp đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký.
2. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với toàn bộ dư nợ và các khoản giải ngân còn lại (nếu có) của các hợp đồng tín dụng này trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan thỏa thuận thống nhất áp dụng một trong các quy định về thời hạn cho vay tại khoản 7 Điều 1, lãi suất cho vay tại khoản 8 Điều 1 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này, theo nguyên tắc Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá và chịu trách nhiệm về khả năng, phương án trả nợ của khách hàng;
b) Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan không có thỏa thuận thống nhất việc áp dụng các quy định tại điểm a khoản này thì tiếp tục thực hiện theo các cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký và được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, phí quản lý; riêng lãi suất đối với các khoản giải ngân còn lại kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này theo từng lần giải ngân.
3. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư, hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và xóa số nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả đã phát sinh chưa thu đến thời điểm dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 12 năm 2023.
2. Quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính cung cấp số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ để Bộ Tài chính cung cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
b) Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại điểm a khoản này, Bộ Tài chính có văn bản chuyển cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp;
c) Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính tại điểm b khoản này, căn cứ nguyên tắc xác định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.