Nghị định 67/2019/NĐ-CP Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
31-07-2019
15-09-2019
Chính phủ Số: 67/2019/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2019 |
Nghị định
QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH, MỨC
THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Căn
cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn
cứ Luật khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn
cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn
cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Theo
đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính
phủ ban hành Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền
khai thác khoáng sản.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết về:
1. Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
2. Phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
1. Các cơ quan nhà nước liên quan đến xác định, thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
2. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong Nghị định này, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là một phần hoặc toàn bộ trữ lượng khoáng sản trong khu vực đã thăm dò, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.
MỨC THU, PHƯƠNG PHÁP TÍNH TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Điều 4. Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Đối với từng nhóm, loại khoáng sản được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau:
T = Q x G x K1 x K2 x R
Trong đó:
T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;
Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này; đơn vị tính là m3; tấn; kg và các đơn vị khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản;
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trị giá đơn vị khoáng sản nguyên khai, sau khai thác, được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;
K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác được quy định: Khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1= 1,0;
K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định về pháp luật đầu tư: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, K2= 0,9; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, K2= 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2= 1,0;
R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).
1. Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng còn lại tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Cụ thể được xác định như sau:
a) Trường hợp trữ lượng ghi trong giấy phép khai thác là trữ lượng địa chất: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng khai thác đã được tính quy đổi thành trữ lượng địa chất. Quy đổi trữ lượng đã khai thác ra trữ lượng địa chất được thực hiện bằng cách lấy trữ lượng đã khai thác chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
b) Trường hợp trong giấy phép khai thác không ghi trữ lượng địa chất và chỉ ghi trữ lượng khai thác: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác, nhưng không vượt quá trữ lượng khoáng sản được phê duyệt;
c) Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi tài nguyên được phép khai thác hoặc ghi công suất khai thác năm và thời hạn khai thác: lấy công suất khai thác năm nhân (x) với thời gian tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày hết hạn của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
d) Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi khối lượng sản phẩm hàng hóa (ví dụ số lượng viên gạch, ngói hoặc các trường hợp khác) và thời gian thực hiện: Lấy mức tiêu hao nguyên liệu/đơn vị sản phẩm trong dự án đầu tư nhân (x) với khối lượng hàng hóa sản xuất trong năm, nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
đ) Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên: Lấy lưu lượng nước m3/ngày-đêm theo giấy phép khai thác nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của giấy phép, thời gian khai thác trong 01 năm được tính là 365 ngày;
e) Cơ sở tính toán trữ lượng đã khai thác cho các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này được thống kê theo báo cáo nộp thuế tài nguyên và các chứng từ, tài liệu hợp pháp liên quan hàng năm của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo phù hợp với bản đồ hiện trạng khai thác mỏ.
2. Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Luật khoáng sản có hiệu lực và trước ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định tương tự điểm a, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này; trong đó trữ lượng đã khai thác bằng không (0).
3. Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, nằm trong diện tích, ranh giới theo chiều sâu của khu vực thiết kế khai thác khoáng sản và được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản.
4. Đối với các giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản không bắt buộc phải tiến hành thăm dò, quy định tại Điều 65 Luật khoáng sản hoặc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản hoặc thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng sản lượng khai thác thực tế chia (:) cho 0,9 (không phẩy chín).
5. Đối với các dự án khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, đá ốp lát, trường hợp trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ thì trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác được tính bằng công suất theo quy hoạch hoặc theo Dự án đầu tư dã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhân (x) với thời gian khai thác tối đa 30 năm.
6. Đối với trường hợp gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng trữ lượng theo giấy phép đã cấp trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác tính theo quyết toán thuế tài nguyên và phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Trường hợp sau khi gia hạn, nếu trữ lượng còn lại theo thực tế lớn hơn trữ lượng đã tính tiền theo giấy phép cũ thì tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
7. Đối với quặng apatit loại III trong kho lưu, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng thể tích quặng trong kho nhân (x) với thể trọng quặng của từng kho lưu.
1. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (G) được tính theo công thức sau:
G = Gtn x Kqđ
Trong đó:
a) G là giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;
b) Gtn là giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành; đơn vị tính là đồng/đơn vị sản phẩm tài nguyên;
c) Kqđ là hệ số quy đổi.
2. Hệ số quy đổi (Kqđ) được quy định như sau:
a) Hệ số quy đổi khác 1 (Kqđ ≠ 1) khi giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành không quy định mức giá đối với khoáng sản nguyên khai (khoáng sản sau khai thác) hoặc ban hành mức giá đối với khoáng sản nguyên khai nhưng có đơn vị tính (thứ nguyên) không cùng đơn vị tính với đơn vị trữ lượng khoáng sản được cấp phép;
b) Hệ số quy đổi bằng 1 (Kqđ = 1) khi giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có mức giá đối với khoáng sản nguyên khai hoặc ban hành có mức giá theo quặng kim loại tương ứng với trữ lượng khoáng sản được cấp là quặng kim loại.
3. Phương pháp xác định hệ số quy đổi (Kqđ) đối với nhóm khoáng sản kim loại và nhóm khoáng sản không kim loại thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra, tổ chức tính, thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Việc thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện đồng thời trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản.
Trong quá trình thẩm định, trường hợp chưa có giá tính thuế tài nguyên hoặc giá tính thuế tài nguyên ban hành chưa phù hợp với loại khoáng sản đề nghị cấp phép khai thác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng mức giá trung bình đối với khoáng sản sau khai thác được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành để tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
3. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh gửi văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác và thông báo cho tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản.
4. Khi nhận được văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chậm nhất là 10 ngày làm việc, Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gửi tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản.
1. Thu một lần bằng 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp sau:
a) Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thời gian khai thác đến 05 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 01 (một) tỷ đồng;
b) Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thời gian khai thác đến 03 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 500 (năm trăm) triệu đồng.
2. Thu nhiều lần đối với các trường hợp không thuộc khoản 1 Điều này, cách thu được quy định như sau:
a) Lần đầu thu với số tiền được tính bằng 30% tổng số tiền chia cho nửa thời hạn khai thác, theo công thức sau:
Tlđ = T : (X : 2) x 30%
b) Từ lần thứ hai thu bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trừ (-) đi số tiền thu lần đầu và chia đều cho số năm phải nộp còn lại và hoàn thành việc thu vào nửa đầu thời hạn cấp phép, theo công thức sau:
Thn = (T - Tlđ) : [(X : 2) - 1]
Trong đó:
- T: tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
- Tlđ: số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp lần đầu;
- Thn: số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp từ lần thứ hai;
- X: thời hạn khai thác ghi trên Giấy phép khai thác.
3. Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định trong các trường hợp như sau:
a) Lần đầu chậm nhất là 90 ngày, tính từ ngày nhận được thông báo của Cục Thuế địa phương và trước khi nhận Giấy phép khai thác;
b) Từ lần thứ hai vào năm tiếp theo được chia làm 2 kỳ:
- Kỳ thứ nhất: thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 31 tháng 5.
- Kỳ thứ 2: thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 31 tháng 10.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp một lần tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho cả năm thì thời hạn chậm nhất là ngày 31 tháng 5 trong năm;
c) Trường hợp phải tạm dừng khai thác khoáng sản do yêu cầu hoặc được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thời điểm nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh trong kỳ (nếu có) được lùi bằng thời gian phải tạm dừng khai thác khoáng sản, nhưng không vượt quá thời gian khai thác còn lại của giấy phép. Tổ chức, cá nhân thuộc những trường hợp này sẽ phải tiếp tục thực hiện việc nộp số tiền phát sinh trong kỳ sau 30 ngày kể từ ngày bắt đầu được hoạt động khai thác trở lại và không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng khai thác khoáng sản.
4. Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp thu hồi khoáng sản không phải thăm dò ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét lòng sông, cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét đường thủy nội địa, vùng nước cảng được thu hàng năm theo tờ khai quyết toán thuế tài nguyên cuối năm, nộp một lần chậm nhất vào 31 tháng 5 của năm kế tiếp.
5. Việc thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Nghị định này.
Trường hợp đang tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì sau khi có quyết định phê duyệt chính thức, tiền chậm nộp chỉ tính đối với phần thu tiền bổ sung và được tính là sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo thu phần tiền bổ sung.
6. Sau khi nhận được giấy chứng nhận đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản gửi 01 bản sao y bản chính cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đối với giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cho Sở Tài nguyên và Môi trường đối với giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, giám sát.
1. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xem xét, điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi về trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản:
- Giảm trữ lượng do trả lại Giấy phép khai thác hoặc do trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;
- Tăng thêm trữ lượng huy động đưa vào thiết kế khai thác do thăm dò nâng cấp hoặc bổ sung trữ lượng đã được phê duyệt nhưng chưa huy động vào thiết kế khai thác;
- Tăng trữ lượng do trữ lượng khai thác thực tế lớn hơn trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong ranh giới khu vực cấp phép khai thác. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản lượng khai thác thực tế và khai báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản.
b) Thay đổi về giá tính thuế tài nguyên (Gn) thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp từ lần tiếp theo trở đi phải nhân với tỷ số chênh lệch giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể theo công thức sau:
Tn = Thn x Gn: G
Trong đó:
Tn - Tiền nộp lần thứ n; đồng Việt Nam.
Thn - Tiền nộp hàng năm quy định tại Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng Việt Nam,
Gn - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm thông báo nộp tiền lần thứ n; đồng/đơn vị trữ lượng.
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu phê duyệt; đồng/đơn vị trữ lượng.
c) Thay đổi về mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Rn) thì cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản sẽ điều chỉnh số tiền, tính từ kỳ thông báo của năm tiếp theo, cụ thể theo công thức sau:
Tn = Thn x Rn : R.
Trong đó:
Tn - Tiền nộp lần thứ n; đồng Việt Nam.
Thn - Tiền nộp hàng năm quy định tại Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng Việt Nam.
Rn - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm thông báo nộp tiền lần thứ n; %.
R là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu phê duyệt; %.
2. Trường hợp khi thực hiện điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nếu số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước lớn hơn tổng số tiền phải nộp sau khi điều chỉnh thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp thừa sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định bằng, văn bản và chuyển đến Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khai thác khoáng sản làm chứng từ để giải quyết theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác trả lại toàn bộ mỏ hoặc trả lại một phần diện tích khu vực được phép khai thác, khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản tiếp nhận hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền cấp phép phải có văn bản gửi tới các cơ quan nhà nước liên quan để giám sát, kiểm tra đã hoàn thành số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính đến thời điểm tiếp nhận hồ sơ; sau khi có kết quả kiểm tra phải có văn bản thông báo đến Cục Thuế địa phương và tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại về tạm thời dừng việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp của các kỳ tiếp theo cho đến khi có Quyết định đóng cửa mỏ, Quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
4. Trường hợp trả lại toàn bộ mỏ, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do tổ chức, cá nhân đã nộp đối với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, nhưng chưa tiến hành khai thác hoặc khai thác chưa hết sản lượng theo tiến độ nộp tiền cấp phép khai thác thì số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được xem xét, hoàn trả theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 58 Luật khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cơ quan cấp phép theo thẩm quyền có trách nhiệm ban hành Quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chuyển đến Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khai thác khoáng sản trực tiếp quản lý làm căn cứ giải quyết.
6. Đối với các trường hợp hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản có trách nhiệm ban hành Quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, xác định số tiền nộp thừa, chuyển đến Cục Thuế địa phương giải quyết hồ sơ hoàn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
7. Trường hợp không được hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:
a) Số tiền nộp lần đầu đối với trường hợp trả lại giấy phép khai thác (toàn bộ trữ lượng mỏ) hoặc một phần diện tích khu vực khai thác (tương ứng một phần trữ lượng);
b) Tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, thời hạn khai thác theo giấy phép đã hết nhưng chưa khai thác hết trữ lượng, phần trữ lượng còn lại ưu tiên để gia hạn khai thác, trường hợp không đủ điều kiện để gia hạn thì số tiền đã nộp nhà nước không trả lại;
c) Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 58 Luật khoáng sản, không được hoàn trả số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp tính đến thời điểm bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.
Đối với trường hợp này, cơ quan theo thẩm quyền cấp phép chủ trì tính và thẩm định lại số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp và thông báo cho Cục Thuế địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
1. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xem xét gia hạn khi vướng mắc giải phóng mặt bằng thuê đất và các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật quản lý thuế.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một phần hoặc toàn bộ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp.
3. Đối với các trường hợp quy định khoản 1 Điều này là số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp, tiền phạt của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn nợ tính đến thời điểm:
a) Xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, nhưng tối đa không quá trị giá vật chất bị thiệt hại trừ phần được bồi thường do cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân bắt đầu ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không vượt quá chi phí thực hiện di dời và thiệt hại do phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ra, các khoản chi phí liên quan phát sinh trong thời gian do tạm dừng khai thác.
4. Trong thời gian được gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, không tính tiền chậm nộp đối với số tiền được gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn nộp tiền, tổ chức, cá nhân phải nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi hết thời hạn gia hạn sẽ bị tính tiền chậm nộp và bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
5. Thời gian gia hạn; thẩm quyền gia hạn; hồ sơ gia hạn; xử lý hồ sơ gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp, tiền phạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
1. Việc quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; ưu tiên sử dụng để bảo đảm cho hoạt động điều tra, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường nhưng không vượt quá 10%.
2. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.
3. Việc tổ chức xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong phạm vi dự toán chi ngân sách giao cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường theo phân cấp hiện hành quy định tại Luật ngân sách nhà nước.
4. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp xác định bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp phân bổ cho số năm khai thác. Điều kiện xác định khoản chi được trừ thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm:
a) Chủ trì tính, điều chỉnh, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Gửi văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và văn bản xác định số tiền phải nộp từ lần thứ hai trước ngày 01 tháng 3 hàng năm cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác;.
c) Kiểm tra, giám sát hệ phương pháp kỹ thuật, khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc trong quá trình thi công theo Giấy phép thăm dò thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo tin cậy xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
d) Đôn đốc, kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các địa phương;
đ) Hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên toàn quốc; tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì tính, điều chỉnh, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Gửi văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và văn bản xác định số tiền phải nộp từ lần thứ hai trước ngày 01 tháng 3 hàng năm cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác;
c) Kiểm tra, giám sát hệ phương pháp kỹ thuật, khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc trong quá trình thi công theo Giấy phép thăm dò thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo tin cậy xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
d) Hàng năm chủ trì, phối hợp với Cục Thuế địa phương tổng hợp số liệu về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Cục Thuế địa phương nơi có các khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác chịu trách nhiệm:
a) Thực hiện thông báo nộp tiền gửi tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này; quản lý, đôn đốc thu, nộp và xử lý chậm nộp tiền, thực hiện xử lý vi phạm hành chính về khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
b) Thu thập hồ sơ, xem xét, giải quyết hồ sơ gia hạn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân được giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn cấp tỉnh, hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật quản lý thuế;
c) Cung cấp thông tin liên quan đến nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền cấp phép biết, theo dõi;
d) Tổng hợp, hạch toán, báo cáo số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo chế độ hiện hành.
1. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản nộp tiền đúng thời hạn theo thông báo của Cục Thuế địa phương.
2. Trong quá trình khai thác, tổ chức, cá nhân có thể đề nghị thay đổi giảm số lần nộp và tăng số tiền phải nộp cho các lần còn lại. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh giảm số lần phải nộp và tăng số tiền phải nộp từng lần thì phải có văn bản đề nghị theo Mẫu số 03 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi cơ quan cấp phép khai thác.
3. Trường hợp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước không đúng hạn theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định này, thì ngoài số tiền phải nộp theo thông báo, còn phải nộp tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4. Trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính đến thời điểm chuyển nhượng.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định đã được ban hành. Trường hợp có sự điều chỉnh Giấy phép khai thác thì Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được áp dụng theo quy định của Nghị định này.
2. Đối với các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực chưa phê duyệt tiền cấp quyền thì việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của Nghị định này. Trường hợp các thông số tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng theo quy định Nghị định này làm cho tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cao hơn khi áp dụng theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP.
3. Đối với những trường hợp đang tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khi giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đang có hiệu lực và đúng quy định về giá khoáng sản nguyên khai để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì được áp dụng chính thức, thay thế giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tạm thu trước đây.
1. Hiệu lực thi hành:
a) Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2019;
b) Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Chấm dứt hiệu lực các nội dung quy định liên quan tại: khoản 6 Điều 2 và Điều 69 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.