Nghị định 48/2016/NĐ-CP Nghị định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
48/2016/NĐ-CP
Nghị định
Còn hiệu lực
27-05-2016
07-06-2016
15-07-2016
Chính phủ Số: 48/2016/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2016 |
Nghị định
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ CỦA VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
1. Giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm; tổ chức phục vụ việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch điều hành công việc chung của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ với Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động đối ngoại.
3. Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của các Ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng báo cáo công tác; tham mưu, phục vụ Ban của Hội đồng nhân dân thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
5. Tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động giám sát; khảo sát, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát.
6. Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, công dân gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cơ quan, tổ chức, công dân.
7. Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và gửi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết.
8. Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật, dự án Pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành.
9. Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc: Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện.
10. Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp; giúp Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thẩm tra các văn bản do Ủy ban nhân dân trình giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
11. Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức các cuộc họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
12. Tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giữ mối liên hệ công tác với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương.
13. Được ký văn bản thông báo ý kiến, kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; được quyền đề nghị hoặc yêu cầu các đơn vị cùng cấp, cấp dưới phối hợp thực hiện nhiệm vụ; được quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu cho Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động theo quy định.
14. Tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm; tổ chức thực hiện dự toán; quản lý kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
15. Giúp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Bảo đảm điều kiện hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
16. Quản lý cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác hành chính, lưu trữ, bảo vệ và lễ tân của cơ quan, của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
17. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện việc quản lý công chức, người lao động của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao theo quy định của pháp luật.
1. Chánh Văn phòng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Phó Chánh Văn phòng do Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và đề nghị của Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có không quá 02 Phó Chánh Văn phòng.
2. Chánh Văn phòng là người đứng đầu Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quản lý, điều hành công việc chung của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng; phối hợp với người đứng đầu các Ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để giải quyết những công việc có liên quan.
3. Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chánh Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chánh Văn phòng vắng mặt, một Phó Chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Văn phòng.
1. Cơ cấu tổ chức Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm 02 phòng, cụ thể như sau:
a) Phòng Tổng hợp;
b) Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.
2. Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
3. Phòng thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng theo quy định của pháp luật về bổ nhiệm công chức. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng ngoài nhiệm vụ quản lý, phải đảm nhiệm công việc chuyên môn.
Biên chế công chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trong tổng biên chế công chức của địa phương được cơ quan có thẩm quyền giao.
Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ở địa phương để phối hợp phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
1. Chế độ làm việc của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.
2. Căn cứ các quy định của pháp luật, Chánh Văn phòng ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế theo quy định.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nằm trong kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, công chức đang giữ chức vụ Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng, nếu không được bổ nhiệm theo cơ cấu tổ chức mới quy định tại Nghị định này thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong thời gian 06 tháng. Sau đó, công chức được bố trí, phân công làm công việc gì thì hưởng lương theo công việc đó. Trường hợp có thời gian công tác còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng cho đến khi nghỉ hưu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2016.
1. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.