Nghị định 39/2024/NĐ-CP Quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
39/2024/NĐ-CP
Nghị định
Còn hiệu lực
16-04-2024
01-06-2024
Chính phủ Số: 39/2024/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2024 |
Nghị định
QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO VÀ DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị định này quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong các Danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Danh mục của quốc gia).
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhận diện di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động xác định tên gọi, loại hình, chủ thể, không gian, thời gian, sức sống, hiện trạng, đặc điểm, giá trị của di sản và các yếu tố tác động tới di sản văn hóa phi vật thể.
2. Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động tìm hiểu về hình thức biểu đạt, các đặc điểm lịch sử, quá trình sáng tạo, tái tạo và chức năng xã hội, văn hóa, kinh tế của một di sản văn hóa phi vật thể cụ thể cùng các hình thức truyền dạy, các đặc điểm lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản đó.
3. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thu thập, đánh giá, nhận diện và thể hiện thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể một cách có hệ thống.
4. Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động ghi, thu lại di sản văn hóa phi vật thể ở tình trạng hiện tại trong trạng thái khác nhau và thu thập các tài liệu liên quan nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể phục vụ lưu giữ lâu dài, tra cứu, phục hồi, giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
5. Cộng đồng chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (còn gọi là cộng đồng chủ thể) là tập hợp những cá nhân cùng cư trú tại một khu vực địa lý, có đặc tính chung về văn hoá, xã hội, cùng thừa nhận một hay nhiều di sản văn hóa phi vật thể là bản sắc; phân biệt với cộng đồng khác.
6. Người thực hành di sản văn hóa phi vật thể là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, người tích cực tái tạo, trao truyền, truyền tải, sáng tạo và định hình văn hóa trong cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng, bằng cách thực hiện, duy trì các thực hành xã hội dựa trên kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
7. Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là người thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể.
8. Thực hành di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thể hiện các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, nhóm, cá nhân chủ thể nhằm duy trì sức sống, bảo đảm tính liên tục, nội dung, quy trình thực hành, các yếu tố cấu thành, nguyên tắc, bản chất tự nhiên và giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
9. Biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể là những biểu hiện cụ thể bằng ngôn ngữ, hành động, cử chỉ, sản phẩm, được cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân tạo ra trong quá trình thực hành nhằm truyền tải nội dung, thông tin, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
10. Truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động của nghệ nhân, người thực hành gồm hướng dẫn, truyền đạt, chỉ bảo cho thế hệ kế cận những kỹ năng, kỹ thuật, tri thức, biểu đạt văn hóa và nội dung liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể của họ thông qua thực hành hoặc đào tạo có chủ đích.
11. Tính liên tục của di sản văn hóa phi vật thể là trạng thái di sản văn hóa phi vật thể được thường xuyên thực hành, sáng tạo, lưu truyền và tái tạo bởi cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân chủ thể di sản đó.
12. Không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể là nơi di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng chủ thể sáng tạo, thể hiện, duy trì và lưu truyền với đầy đủ ý nghĩa, bản chất và giá trị.
13. Sức sống của di sản văn hóa phi vật thể là khả năng để di sản tiếp tục tồn tại và trao truyền trong cộng đồng chủ thể với đầy đủ các yếu tố cấu thành, quy trình thực hành, nội dung, bản chất tự nhiên và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
14. Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền là di sản mà khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền của di sản trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa nghiêm trọng, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất.
15. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, gìn giữ, phát huy, thực hành, truyền dạy, giáo dục trong hoặc ngoài nhà trường cũng như việc phục hồi các khía cạnh khác nhau của di sản.
16. Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động dựa trên bản chất tự nhiên và giá trị của di sản nhằm tái tạo, củng cố các thực hành, giữ gìn các yếu tố, biểu đạt của di sản đang bị biến đổi hoặc đe dọa biến mất cần được bảo vệ để di sản văn hóa phi vật thể tồn tại lâu dài và phát triển.
17. Các Danh sách của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là các Danh sách của UNESCO) gồm: Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (sau đây gọi là các Danh sách đại diện), Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (sau đây gọi là các Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp), Danh sách các thực hành tốt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là các Danh sách các thực hành tốt).
Điều 4. Nguyên tắc trong thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể:
a) Cộng đồng chủ thể phải đảm bảo duy trì tính liên tục trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể đúng với giá trị, bản chất và chức năng của di sản; giảm nguy cơ mai một, thất truyền;
b) Bảo đảm gìn giữ giá trị của di sản với các hình thức thể hiện, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật và không gian thực hành liên quan; không đưa những yếu tố không phù hợp vào di sản;
c) Bảo đảm bao quát quy trình thực hành, nội dung, hoạt động, các yếu tố cấu thành của di sản với sự tham gia của cộng đồng chủ thể vào thực hành di sản;
d) Không phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản;
đ) Không lợi dụng thực hành di sản và danh hiệu của di sản để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi, hoạt động trái pháp luật;
e) Bảo đảm tôn trọng và bảo vệ giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, tính thiêng của nghi lễ và không gian thực hành của di sản văn hóa phi vật thể.
2. Nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
a) Bảo đảm quyền và nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng chủ thể;
b) Bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường;
c) Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau;
d) Bảo đảm tôn trọng quyền của các cộng đồng chủ thể trong việc quyết định những yếu tố cần được bảo vệ và phát huy của di sản văn hóa phi vật thể và hình thức, mức độ cần được bảo vệ, phát huy;
đ) Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội;
e) Ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Nguyên tắc trong sử dụng và khai thác di sản văn hóa phi vật thể ngoài hoạt động thực hành
Việc sử dụng và khai thác di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm tuân thủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Công ước 2003) và các nguyên tắc sau:
1. Không lợi dụng việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, truyền dạy di sản, cộng đồng chủ thể di sản và danh hiệu của di sản để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi, hoạt động trái pháp luật.
2. Không lợi dụng di sản để thực hiện các hành vi, hoạt động phân biệt đối xử, kỳ thị văn hóa, dân tộc, vùng miền.
3. Không xâm phạm, xúc phạm, xuyên tạc nội dung, ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
4. Không can thiệp làm thay đổi, sai lệch tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, bí quyết trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
5. Không tạo sự ganh đua, tranh chấp, mâu thuẫn và xung đột văn hóa giữa các cộng đồng, nhóm và cá nhân.
6. Không ngăn cản cộng đồng chủ thể thực hành di sản, tiếp cận không gian và đồ vật trong thực hành di sản, hưởng lợi từ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
7. Không lợi dụng hoạt động bảo vệ, phát huy để đi ngược lại quyền sáng tạo, thực hành và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản.
QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO VÀ DANH Mục CỦA QUỐC GIA
Điều 6. Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể
1. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản sau đây:
a) Tiếng nói chữ viết gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua ngôn ngữ, ký tự để truyền đạt thông tin, trao truyền kiến thức, ký ức và các giá trị văn hóa, xã hội của cộng đồng;
b) Ngữ văn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện bằng những tác phẩm do cộng đồng sáng tạo, thực hành gồm các câu chuyện, truyền thuyết, giai thoại, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tiếu lâm, ca dao, tục ngữ và các bài hát dân ca, hò vè, câu đố và những biểu đạt văn hóa tương đồng khác được truyền miệng qua nhiều thế hệ, phản ánh văn hóa, tập quán, tín ngưỡng và nhận thức của cộng đồng nhằm phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng;
c) Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua các hình thức diễn xướng do cộng đồng sáng tạo và thực hành gồm âm nhạc, hát, múa, trò diễn và các hình thức trình diễn khác, xuất phát từ đời sống văn hóa, tâm linh, lao động sản xuất của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thể hiện và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng;
d) Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng thực hành thông qua các hoạt động thường xuyên mang tính nghi lễ, cách thức thể hiện niềm tin hoặc mong muốn của cá nhân, cộng đồng gắn với các sự kiện quan trọng, nhận thức về thế giới, lịch sử và ký ức;
đ) Lễ hội truyền thống gồm tập hợp nhiều biểu đạt văn hóa mang tính nghi lễ do cộng đồng sáng tạo, thực hành; được cộng đồng thực hành theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan để thực hiện các chức năng: nhận thức về tự nhiên và xã hội, giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi ứng xử, giao tiếp giữa con người với tự nhiên và với con người, giải trí cộng đồng và bảo đảm tính kế tục của lịch sử;
e) Nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của nghệ nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng;
g) Tri thức dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng được hình thành từ mối quan hệ qua lại trong lịch sử giữa cộng đồng với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội để thích ứng, tồn tại và thể hiện thông qua các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng xử linh hoạt, hài hòa với tự nhiên và xã hội.
2. Nội dung kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm:
a) Nhận diện và xác định tên gọi của di sản;
b) Nhận diện và xác định loại hình di sản;
c) Xác định địa danh, phạm vi phân bố của di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì xác định cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn;
d) Nhận diện và xác định chủ thể di sản:
Đối với chủ thể di sản là một cá nhân: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản.
Đối với chủ thể di sản là cộng đồng, nhóm người: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản của những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó.
đ) Nhận diện quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể; các hình thức biểu hiện, biểu đạt, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
e) Nhận diện và xác định hiện trạng thực hành di sản, khả năng duy trì, các yếu tố tác động tới sự tồn tại của di sản, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể;
g) Nhận diện, xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;
h) Đề xuất biện pháp bảo vệ;
i) Lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác;
k) Các quy định khác của pháp luật liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể.
3. Thời gian kiểm kê được thực hiện như sau:
a) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện: 06 (sáu) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
b) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp: 04 (bốn) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
c) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia: 03 (ba) năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.
Điều 7. Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
1. Các cá nhân, cộng đồng chủ thể duy trì hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài cộng đồng nhằm củng cố số lượng, chất lượng thực hành di sản văn hóa phi vật thể của nghệ nhân, người thực hành, người am hiểu.
2. Các hình thức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể gồm:
a) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và các biểu đạt văn hóa cho thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể thông qua thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
b) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và biểu đạt văn hóa cho cộng đồng khác thông qua đào tạo có chủ đích.
3. Chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng tạo điều kiện hỗ trợ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục của quốc gia và di sản có nguy cơ mai một, thất truyền.
Điều 8. Tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và trong Danh mục của quốc gia
1. Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Liên hoan) là hoạt động bảo vệ di sản được cam kết trong hồ sơ trình UNESCO, bao gồm: tổ chức thực hành, trình diễn của cộng đồng chủ thể; trưng bày, triển lãm, giới thiệu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, giáo dục, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể.
2. Thẩm quyền tổ chức Liên hoan:
a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc tổ chức Liên hoan quy mô từ 02 (hai) đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, quốc gia và quốc tế tại Việt Nam;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc tổ chức Liên hoan trên địa bàn.
3. Liên hoan được tổ chức theo quy mô và định kỳ như sau:
a) Liên hoan tất cả các loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở quy mô quốc gia, quốc tế tại Việt Nam theo định kỳ 03 (ba) năm một lần;
b) Liên hoan từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy mô quốc gia ở trong nước do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo định kỳ 01 (một) năm một lần;
c) Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể có phạm vi 02 (hai) tỉnh, thành phố trở lên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có di sản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định khi có sự thống nhất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại để tổ chức luân phiên 02 (hai) năm một lần;
d) Liên hoan một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi 01 (một) tỉnh, thành phố do cơ quan chức năng về di sản văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
4. Trưng bày và giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức như sau:
a) Trưng bày và giới thiệu dài hạn, ngắn hạn về di sản tại các bảo tàng; tổ chức giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể gắn với thông tin, tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày bảo tàng trong phạm vi bảo tàng do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện;
b) Trưng bày và giới thiệu, triển lãm lưu động trong và ngoài nước ở quy mô quốc gia, quốc tế; tổ chức giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể gắn với thông tin, tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày bảo tàng phạm vi quốc gia ở trong và ngoài nước do cơ quan chức năng về di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, phối hợp thực hiện hoặc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có di sản thực hiện theo đề nghị của Chủ tịnh Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 9. Thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
Việc thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục của quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và pháp luật khác liên quan.
Điều 10. Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể
1. Nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể gồm: nghiên cứu, nhận diện về các biểu đạt, giá trị, chủ thể, hiện trạng, quá trình trao truyền, thực hành, sáng tạo, tái sáng tạo, chức năng xã hội, yếu tố tác động, biện pháp bảo vệ và các nội dung khác nhằm làm sâu sắc hơn về di sản và về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống.
2. Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý di sản trên địa bàn. Các cá nhân thực hiện việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiên cứu của mình.
3. Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, thông báo rộng rãi cho chủ thể di sản và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
4. Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Điều 11. Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể
1. Nội dung tư liệu hóa về di sản văn hóa phi vật thể gồm: các bài bản, biểu đạt và thực hành, những thông tin về chủ thể, hiện vật, không gian văn hóa liên quan, những thông tin khác về di sản.
2. Mục tiêu của việc tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, trưng bày, triển lãm, giáo dục, lưu giữ lâu dài và phục hồi di sản.
3. Hình thức tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể gồm: ghi chép trên giấy, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, số hóa hoặc các hình thức khác về thông tin, tài liệu, hiện vật, không gian thực hành của di sản.
4. Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý về di sản văn hóa; chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình triển khai. Các cá nhân thực hiện việc tư liệu hóa di sản phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình triển khai.
5. Sản phẩm và báo cáo về tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
6. Sản phẩm và báo cáo về tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Điều 12. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền
1. Di sản văn hóa phi vật thể được xác định là có nguy cơ mai một, thất truyền khi có một hoặc một số các tiêu chí sau đây:
a) Sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể;
b) Sự suy giảm và biến đổi nghiêm trọng những các biểu đạt văn hóa, các bài bản, công cụ, hiện vật và đồ tạo tác liên quan;
c) Sự biến đổi, thu hẹp thậm chí biến mất các không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
d) Sự thay đổi điều kiện thực hành và hình thức thực hành di sản do biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa dẫn đến biến đổi ý nghĩa và chức năng xã hội của di sản văn hóa phi vật thể;
2. Căn cứ xác định di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền thuộc Danh mục kiểm kê hàng năm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Căn cứ các tiêu chí quy định tại Công ước 2003 đối với di sản đăng ký vào Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp;
b) Căn cứ kết quả kiểm kê thực trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể so với thời điểm được UNESCO ghi danh hoặc đưa vào Danh mục của quốc gia;
c) Căn cứ đề xuất của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng về di sản văn hóa triển khai ngay lập tức các biện pháp, nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp gồm:
a) Tư liệu hóa các biểu đạt, thực hành và các bài bản của di sản văn hóa phi vật thể;
b) Phục hồi không gian thực hành di sản và môi trường liên quan;
c) Phục hồi các tập tục, biểu đạt và các thực hành;
d) Hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy;
đ) Hỗ trợ các cá nhân trong cộng đồng theo học;
e) Hỗ trợ cộng đồng trang bị, chế tác công cụ, đồ tạo tác liên quan;
g) Hỗ trợ cộng đồng chủ thể thực hành và duy trì thực hành;
h) Các biện pháp bảo vệ khác theo đề xuất của cộng đồng, đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này và phù hợp từng loại hình di sản;
i) Xây dựng, tổ chức thực hiện đề án và có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp;
k) Có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được kịp thời hướng dẫn, phối hợp thực hiện; đề nghị UNESCO hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
4. Kinh phí bảo vệ khẩn cấp di sản có nguy cơ mai một, thất truyền thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.
Điều 13. Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể
1. Nhiệm vụ phục hồi gồm: phục hồi các biểu đạt, tập tục, thực hành, đồ vật, không gian thực hành và môi trường liên quan của di sản văn hóa phi vật thể.
2. Việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này và:
a) Việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể phải được lập thành Đề án, nhiệm vụ trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
b) Có sự tham gia, đồng thuận rộng rãi của chủ thể di sản và cơ quan quản lý về di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Tư liệu hóa quá trình phục hồi di sản;
d) Gửi báo cáo kết quả, sản phẩm tư liệu hóa cho cơ quan quản lý về di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
3. Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án phục hồi di sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí nguồn lực bảo đảm di sản được duy trì thực hành và phát huy trong đời sống.
Điều 14. Phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản phải được lập thành Đề án, nhiệm vụ trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
2. Các loại đề án gồm:
a) Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO;
b) Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia;
c) Đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp.
3. Nội dung cơ bản của đề án gồm:
a) Sự cần thiết xây dựng đề án;
b) Quy định pháp lý trong nước và quốc tế có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
c) Mô tả về một hoặc nhiều di sản thuộc phạm vi, đối tượng của đề án; cá nhân, cộng đồng chủ thể di sản; giá trị của di sản;
d) Hiện trạng thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
đ) Các vấn đề, yếu tố, nguy cơ tác động tới thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
e) Phân tích, đánh giá tác động của đề án đến hiện trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
g) Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động triển khai;
h) Lộ trình, thời gian triển khai;
i) Kinh phí triển khai; tên, nội dung các dự án thành phần (nếu có);
k) Trách nhiệm (của cơ quan, tổ chức, cá nhân) tổ chức thực hiện;
l) Đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
4. Đề án được xây dựng 05 (năm) năm một lần, tầm nhìn 10 (mười) năm.
5. Đề án được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện theo lộ trình triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo hiện trạng của di sản để bảo đảm sự phù hợp, khả thi.
Điều 15. Trách nhiệm xây dựng, trình tự, hồ sơ và thẩm quyền phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Trách nhiệm xây dựng đề án:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Đề án trên địa bàn;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng đề án theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tổ chức thỏa thuận về đề án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề nghị; có văn bản gửi cơ quan tổ chức có liên quan để lấy ý kiến khoa học hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng chủ thể trong trường hợp cần thiết;
Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề nghị.
Quyết định lựa chọn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng đề án trên cơ sở đồng thuận của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan trong trường hợp phạm vi đề án từ 02 (hai) đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng và triển khai đề án.
2. Thẩm quyền phê duyệt đề án:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO sau khi có ý kiến của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc đồng phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn sau khi có thỏa thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt đề án do Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng sau khi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đề án được triển khai, ý kiến chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng liên quan.
3. Hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận đề án, bao gồm:
a) Văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thỏa thuận đề án;
b) Dự thảo đề án;
c) Báo cáo thực trạng của di sản;
d) Biên bản họp xin ý kiến đồng thuận rộng rãi của cộng đồng chủ thể di sản trên địa bàn thực hiện đề án;
đ) Các tài liệu liên quan khác để tham khảo, làm minh chứng cho các nội dung nêu tại đề án thuận lợi cho việc phê duyệt, thỏa thuận.
4. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, bao gồm:
a) Tờ trình của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án;
b) Dự thảo đề án;
c) Báo cáo thực trạng của di sản;
d) Ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ý kiến của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
đ) Biên bản họp xin ý kiến đồng thuận rộng rãi của cộng đồng chủ thể di sản trên địa bàn thực hiện đề án;
e) Các tài liệu liên quan khác để tham khảo, làm minh chứng cho các nội dung nêu tại đề án hỗ trợ cho việc phê duyệt đề án.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức sơ kết, đánh giá lại sau 02 (hai) năm triển khai đề án, xem xét điều chỉnh (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai phù hợp với thực tiễn; có Báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muộn nhất 03 (ba) tháng sau khi tổng kết đề án.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bao gồm:
1. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực.
2. Tổ chức liên hoan, giao lưu, triển lãm, trưng bày và giới thiệu về di sản.
3. Đẩy mạnh việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, tư liệu hóa, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
4. Xây dựng các báo cáo, hồ sơ đa quốc gia.
5. Tiếp nhận, kêu gọi hỗ trợ quốc tế.
6. Phổ biến Công ước 2003.
7. Tham gia các kỳ họp, ứng cử, tham gia vào Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước 2003 và các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan khác.
Điều 17. Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia bao gồm:
a) Hàng năm, Nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan căn cứ quy định hiện hành về phân cấp ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án khẩn cấp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO VÀ DANH Mục CỦA QUỐC GIA
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động xây dựng hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia trình UNESCO.
2. Công bố cam kết hành động quốc gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Lễ đón bằng của UNESCO, bao gồm các nội dung:
a) Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể;
b) Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản;
c) Tăng cường các hình thức, nội dung giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học;
d) Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
đ) Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản;
3. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện; chủ trương, chính sách của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo đúng cam kết, nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước 2003; xây dựng và nộp báo cáo quốc gia; giải quyết khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn hoạt động kiểm kê, truyền dạy, giáo dục và tổ chức liên hoan di sản văn hóa phi vật thể.
6. Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể.
7. Chỉ đạo, quản lý các hoạt động áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
8. Tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn; quản lý và thi hành pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể.
9. Khen thưởng cá nhân, cộng đồng và tổ chức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo thẩm quyền.
10. Tổ chức và quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
11. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Chủ trì, điều phối thông tin về các nội dung theo yêu cầu của UNESCO; gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước 2003.
2. Đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Công ước 2003.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Nghị định.
2. Phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án theo thẩm quyền; bố trí kinh phí và các nguồn vốn dành cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, tránh thất thoát và theo quy định của pháp luật.
3. Chủ động xác định danh mục các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền trên địa bàn; chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo vệ di sản.
4. Chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xây dựng các báo cáo, chương trình giáo dục, đào tạo giúp nâng cao năng lực và nhận thức về di sản văn hoá phi vật thể.
5. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá phi vật thể.
6. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những vướng mắc về chế độ, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể.
7. Chỉ đạo và tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO.
8. Chỉ đạo, quản lý hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, thành phố.
9. Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này.
10. Khen thưởng cá nhân, tổ chức trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo thẩm quyền.
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Trách nhiệm của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
1. Tư vấn những vấn đề khoa học liên quan đến việc lập và triển khai Chương trình hành động quốc gia, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết quốc tế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO.
Điều 23. Trách nhiệm của cộng đồng và cá nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách của UNESCO và Danh mục của Quốc gia.
1. Tham gia công tác kiểm kê, thực hành, truyền dạy, nghiên cứu, tư liệu hóa, phục hồi, hướng dẫn thực hành và truyền thông về giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài cộng đồng.
2. Tham gia vào quá trình xây dựng hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể đề cử vào các Danh sách của UNESCO.
3. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hoá và Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể mà Việt Nam là thành viên.
Điều 24. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác
Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng chủ thể của di sản và cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, kiểm tra tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.