Nghị định 37/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân
37/2021/NĐ-CP
Nghị định
Còn hiệu lực
29-03-2021
14-05-2021
Chính phủ Số: 37/2021/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2021 |
Nghị định
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 137/2015/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2015 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân
1. Sửa đổi, bổ sung điểm e, điểm h khoản 2 Điều 3 như sau:
“e) Lưu trữ, sao lưu dự phòng, đồng bộ hệ thống, phục hồi dữ liệu; bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong Cơ sở dữ liệu;
h) Vận hành, hiệu chỉnh, bảo trì, bảo dưỡng Cơ sở dữ liệu”.
2. Sửa đổi điểm b khoản 2 và bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 4 như sau:
“b) Trường hợp thông tin về công dân được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì khi thu thập thông tin về công dân, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan hoặc công dân để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin;
c) Các thông tin về công dân đã được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được lưu trữ đầy đủ, thể hiện được quá trình lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 5 như sau:
“4. Công an cấp huyện có trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân cư trú tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ sổ sách quản lý về cư trú; tàng thư hồ sơ hộ khẩu; cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch; từ việc giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; từ thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú của công dân trong trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã.
5. Công an cấp xã có trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân cư trú trên địa bàn quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ việc giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú của công dân; cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch, sổ sách quản lý về cư trú. Trường hợp các thông tin, giấy tờ, tài liệu nêu trên về công dân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân qua Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:
“3. Thủ trưởng cơ quan quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin trước khi chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quyết định việc chỉnh sửa thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về việc chỉnh sửa đó”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 như sau:
“4. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chi được từ chối hoặc ngừng cho cơ quan kết nối, chia sẻ thông tin khi cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và các trường hợp sau:
a) Văn bản đề nghị kết nối, chia sẻ thông tin không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc khai thác, sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu;
b) Văn bản đề nghị kết nối, chia sẻ thông tin không xác định rõ phạm vi, mục đích khai thác, sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu;
c) Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
d) Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại Điều 7 Nghị định này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.
2. Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
3. Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
4. Các tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin
Công dân thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an.
3. Khai thác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh
a) Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng dẫn về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Công an;
b) Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định này thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo hướng dẫn của Bộ Công an;
c) Người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản này. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì cung cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh
1. Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính, năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập lại.
4. Cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân đã được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân để cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 18 Nghị định này”.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 14 tháng 5 năm 2021.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.