Nghị định 24/2011/NĐ-CP Sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao
24/2011/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực
05-04-2011
19-04-2011
20-05-2011
Chính phủ Số: 24/2011/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2011 |
Nghị định
SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2009/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - KINH DOANH - CHUYỂN GIAO, HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - CHUYỂN GIAO - KINH DOANH, HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - CHUYỂN GIAO
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật
Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây
dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Lĩnh vực đầu tư
1. Chính phủ khuyến khích thực hiện các Dự án xây dựng và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc Dự án cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành, quản lý các công trình hiện có trong các lĩnh vực sau đây:
a) Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ;
b) Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt;
c) Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông;
d) Hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải;
đ) Nhà máy điện, đường dây tải điện;
e) Các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
g) Các công trình kết cấu hạ tầng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với các công trình nêu tại điểm g khoản 1 Điều này, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.”
2. Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Chi phí lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, kể cả chi phí liên quan đến việc chuẩn bị Dự án khác được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác (nếu có).”
3. Sửa đổi khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Đề xuất dự án gồm những nội dung quy định đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo pháp luật về xây dựng và những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 và các điểm a, b khoản 3 Điều 12 Nghị định này.”
4. Sửa đổi Điều 12 như sau:
“Điều 12. Lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở cho việc lập cơ sở mời thầu và tổ chức đàm phán Hợp đồng dự án với Nhà đầu tư.
2. Ngoài những nội dung được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BOT và Dự án BTO phải bao gồm những nội dung sau:
a) Phân tích sự cần thiết và những lợi thế của việc thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO so với các hình thức đầu tư khác;
b) Xác định hàng hóa, dịch vụ và giá, phí dự kiến thu từ việc khai thác Công trình dự án;
c) Xác định thời gian xây dựng, khai thác và phương thức tổ chức quản lý, kinh doanh Công trình dự án;
d) Xác định các điều kiện, phương thức chuyển giao và tiếp nhận Công trình dự án phù hợp với quy định tại Chương VI Nghị định này;
đ) Đề xuất áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo lãnh của Chính phủ (nếu có) phù hợp với quy định tại Chương VII Nghị định này.
3. Ngoài những nội dung được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BT phải bao gồm những nội dung sau:
a) Những nội dung thích hợp quy định tại các điểm a, d, đ khoản 2 Điều này;
b) Điều kiện thanh toán bằng tiền hoặc điều kiện thực hiện Dự án khác.
4. Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thuộc các Nhóm A, B và C.”
5. Trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bảo lãnh Chính phủ đối với Dự án hoặc sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ thực hiện Dự án.”
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2011.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.