Nghị định 170/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007
170/2013/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực
13-11-2013
03-12-2013
01-01-2014
Chính phủ Số: 170/2013/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2013 |
Nghị định
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2007/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ VỀ CHỮ KÝ SỐ VÀ DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 106/2011/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2007/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 2007
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
1. Bổ sung các khoản 18, 19, 20 và 21 vào sau Khoản 17 Điều 3 như sau:
"18. Chứng thư số, chữ ký số nước ngoài được công nhận là chứng thư số, chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận, cấp.
19. Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam là chứng thư số chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng.
20. Chữ ký số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam là chữ ký số được tạo ra bởi cặp khóa tương ứng với chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam.
21. Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế là chứng thư số nước ngoài của thuê bao nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có hiệu lực trên các thông điệp dữ liệu gửi tới đối tác là cơ quan, tổ chức Việt Nam."
2. Bổ sung các điểm g, h, i và k vào sau Điểm e Khoản 1 Điều 6 như sau:
"g) Thực hiện quản lý thuê bao, chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam;
h) Ban hành quy định về xác thực chéo giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;
i) Kiểm tra và quản lý thông tin các hoạt động sử dụng chứng thư số nuớc ngoài được chấp nhận tại Việt Nam;
k) Kiểm tra và quản lý thông tin về các hoạt động có chấp nhận chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế."
3. Sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 4 vào sau Khoản 3 Điều 8 như sau:
"3. Chữ ký số và chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
4. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp nhưng với giới hạn về phạm vi sử dụng theo quy định tại Khoản 4 Điều 52a Nghị định này."
4. Thay thế Điều 52 như sau:
"Điều 52. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy công nhận thì chữ ký số và chứng thư số do tổ chức này cấp được công nhận.
2. Tổ chức được cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Quốc gia mà tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đó đăng ký hoạt động có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia;
b) Thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia mà tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài đăng ký hoạt động;
c) Đáp ứng Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc các tiêu chuẩn quốc tế về chữ ký số được Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình thẩm tra hồ sơ xác định có độ an toàn thông tin tương đương;
d) Có văn phòng đại diện tại Việt Nam."
5. Bổ sung Điều 52a và Điều 52b vào sau Điều 52 như sau:
"Điều 52a. Chấp nhận chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam
1. Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam khi thuê bao được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng chứng thư số đó.
2. Thời hạn giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam không quá 5 năm.
3. Đối tượng được xin cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam bao gồm:
a) Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
4. Phạm vi sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam:
a) Các giao dịch thuộc phạm vi hoạt động, kinh doanh của các đối tượng thuộc quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Các giao dịch điện tử đặc thù do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Điều 52b. Điều kiện sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận
1. Thuê bao sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam:
a) Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 52a Nghị định này và có thông tin về thuê bao tại một trong các văn bản sau đây xác thực thông tin trên chứng thư số:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Trường hợp được ủy quyền, phải có ủy quyền, cho phép hợp pháp sử dụng chứng thư số và thông tin về thuê bao được cấp chứng thư số phải phù hợp với thông tin trong văn bản ủy quyền, cho phép.
b) Đối với chứng thư số máy chủ, thuê bao sở hữu phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này và thông tin sở hữu tên miền, thông tin máy chủ, địa chỉ mạng công cộng gán cho máy chủ phải phù hợp với thông tin trên chứng thư số.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài có chứng thư số được chấp nhận tại Việt Nam:
a) Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 52;
b) Được doanh nghiệp kiểm toán chứng nhận hoạt động nghiệp vụ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế có uy tín về dịch vụ chứng thực chữ ký số.
3. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài có chứng thư số được chấp nhận trong giao dịch quốc tế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 52 và Điểm b Khoản 2 Điều này.
Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn, chịu trách nhiệm về việc chấp nhận chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế và gửi chứng thư số đó tới Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý."
6. Bổ sung Điều 53a vào sau Điều 53 như sau:
"Điều 53a. Hồ sơ cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam được lập thành 06 bộ (02 bộ chính và 04 bộ sao), mỗi bộ hồ sơ chính gồm có:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam của thuê bao.
2. Các văn bản giải trình, chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 52b Nghị định này.
3. Kế hoạch sử dụng chứng thư số nước ngoài, trong đó bao gồm các giao dịch điện tử và đối tượng được giao dịch có sử dụng chứng thư số nước ngoài được đề nghị chấp nhận tại Việt Nam.
4. Bản sao hợp lệ hợp đồng và các điều khoản cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số giữa thuê bao và tổ chức cấp chứng thư số được thuê bao đề nghị chấp nhận tại Việt Nam.
5. Bản cam kết của thuê bao chịu trách nhiệm về độ tin cậy của chứng thư số được đề nghị chấp nhận tại Việt Nam.
6. Bản cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số."
7. Điều 54 được sửa đổi như sau:
"Điều 54. Thẩm tra hồ sơ và cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài
Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì xem xét và quyết định cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện và bị từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do."
8. Bổ sung các điều 54a, 54b và 54c vào sau Điều 54 như sau:
"Điều 54a. Thẩm tra hồ sơ và cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam
Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì xem xét và quyết định cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện và bị từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Điều 54b. Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam
1. Các trường hợp cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép
a) Việc cấp mới giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Giấy phép hết hạn và thuê bao muốn tiếp tục sử dụng chứng thư số nước ngoài; hoặc thuê bao muốn sử dụng chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài khác;
b) Việc cấp lại giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu hủy dưới các hình thức khác;
c) Việc thay đổi nội dung giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Thuê bao có nhu cầu thay đổi nội dung giấy phép; hoặc thuê bao muốn sử dụng chứng thư số khác của cùng tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; hoặc chứng thư số của thuê bao hết hiệu lực.
2. Hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép
a) Trường hợp cấp mới giấy phép, hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép được quy định tại Điều 53a Nghị định này;
b) Trường hợp cấp lại giấy phép, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép được lập thành 06 bộ (02 bộ chính và 04 bộ sao), mỗi bộ hồ sơ chính gồm có: Giấy đề nghị trong đó nêu lý do xin cấp lại giấy phép; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với thuê bao là doanh nghiệp nước ngoài; hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam đối với thuê bao là tổ chức nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài; báo cáo tình hình sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; và chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam đang sử dụng;
c) Trường hợp thay đổi nội dung giấy phép, hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung giấy phép được lập thành 06 bộ (02 bộ chính và 04 bộ sao), mỗi bộ hồ sơ chính gồm có: Giấy đề nghị trong đó nêu lý do và chi tiết đề nghị thay đổi nội dung giấy phép; bản sao hợp lệ giấy phép đang có hiệu lực; báo cáo tình hình sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; các tài liệu cần thiết cho việc giải trình đề nghị thay đổi; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam đang sử dụng và chứng thư số nước ngoài mới trong trường hợp thuê bao muốn sử dụng chứng thư số khác của cùng tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
3. Thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép
a) Trường hợp cấp mới giấy phép, quy trình thẩm tra hồ sơ và cấp giấy phép được quy định tại Điều 54a;
b) Trường hợp cấp lại hoặc thay đổi nội dung giấy phép, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì xem xét và quyết định cấp bản sao giấy phép có sao y bản chính trong trường hợp cấp lại giấy phép; hoặc giấy phép mới trong trường hợp thay đổi nội dung giấy phép. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện và bị từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Điều 54c. Trách nhiệm về sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam
Thuê bao được cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
1. Sử dụng chứng thư số theo đúng phạm vi được ghi trong giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam.
2. Báo cáo khi có sự cố hoặc theo yêu cầu về tình hình sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam với Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
4. Cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan an ninh những thông tin cần thiết nhằm phục vụ công tác bảo đảm an ninh thông tin, điều tra phòng, chống tội phạm theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật về tố tụng.
5. Có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp do pháp luật về tình trạng khẩn cấp quy định hoặc để bảo đảm an ninh quốc gia."
9. Bổ sung Khoản 5 và Khoản 6 vào sau Khoản 4 Điều 57 như sau:
"5. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia công bố và cập nhật trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài có chứng thư số đã được chấp nhận tại Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài có chứng thư số đã được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
6. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia duy trì hệ thống kỹ thuật để quản lý danh sách chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam và trong giao dịch quốc tế, thông tin về các thuê bao được cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam và các thông tin cần thiết khác phục vụ công tác quản lý nhà nước và sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận."
10. Thay thế Điều 58 như sau:
"1. Tranh chấp giữa các bên trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng giữa các bên và quy định pháp luật liên quan.
2. Tranh chấp giữa các bên trong việc sử dụng chứng thư số nước ngoài được công nhận được giải quyết trên cơ sở điều ước quốc tế có quy định về chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia, hợp đồng giữa các bên, giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài và quy định pháp luật liên quan.
3. Tranh chấp giữa các bên trong việc sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam được giải quyết trên cơ sở điều ước quốc tế có quy định về chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia, hợp đồng giữa các bên, giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam, cam kết của thuê bao chịu trách nhiệm về độ tin cậy của chứng thư số được đề nghị chấp nhận tại Việt Nam và quy định pháp luật liên quan."
1. Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Chủ trì, phối hợp với bộ ngành liên quan trong việc quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm: Cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng, công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài, cấp phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và các hoạt động cần thiết khác."
2. Khoản 17 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 53. Hồ sơ cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài
Hồ sơ đề nghị cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được lập thành 06 bộ (02 bộ chính và 04 bộ sao), mỗi bộ hồ sơ chính gồm có:
1. Đơn đề nghị cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài.
2. Các văn bản chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định này."
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.