Nghị định 160/2016/NĐ-CP Về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển
160/2016/NĐ-CP
Nghị định
Còn hiệu lực
29-11-2016
01-07-2017
Chính phủ Số: 160/2016/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2016 |
Nghị định
VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN, KINH DOANH DỊCH VỤ ĐẠI LÝ TÀU BIỂN VÀ DỊCH VỤ LAI DẮT TÀU BIỂN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25
tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11
năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11năm 2014;
Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11
năm 2012;
Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm
2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định về điều kiện
kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam.
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh vận tải biển là việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý.
2. Vận tải biển quốc tế là việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển nước ngoài hoặc giữa các cảng biển nước ngoài.
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN
Điều 4. Điều kiện kinh doanh vận tải biển
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây viết tắt là doanh nghiệp).
2. Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định này.
1. Điều kiện về tổ chức bộ máy
a) Có bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (ISM Code);
b) Có bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code);
c) Có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển;
d) Có bộ phận thực hiện công tác pháp chế.
2. Điều kiện về tài chính: Phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên; mức bảo lãnh tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
3. Điều kiện về tàu thuyền: Phải có tối thiểu 01 tàu biển; nếu tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
4. Điều kiện về nhân lực
a) Người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
b) Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế;
c) Người phụ trách bộ phận thực hiện công tác pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật;
d) Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
1. Điều kiện về tổ chức bộ máy: Có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển.
2. Điều kiện về tài chính: Phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên; mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng Việt Nam.
3. Điều kiện về tàu thuyền: Phải có tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
4. Điều kiện về nhân lực
a) Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế;
b) Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
1. Tổ chức nước ngoài tham gia vận tải nội địa bằng tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp liên doanh theo quy định, trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
2. Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc tàu biển được đăng ký tại Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số thuyền viên nước ngoài không được vượt quá 1/3 định biên của tàu biển; đồng thời, thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu biển đó phải là công dân Việt Nam.
3. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo quy định tại Nghị định này.
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bao gồm:
a) Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản;
b) Danh sách các chức danh kèm theo hồ sơ của từng chức danh và bằng, chứng chỉ liên quan của các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Nghị định này: 01 bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu;
c) Văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 5 hoặc khoản 2 Điều 6 của Nghị định này: 01 bản chính;
d) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển: 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu.
2. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.
3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ, cấp giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp.
4. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển và trả kết quả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển, Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển được cấp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển được cấp lại trong các trường hợp sau:
a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bị mất, bị rách nát hoặc bị hư hỏng;
b) Có sự thay đổi các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển.
2. Trình tự, thủ tục cấp lại
a) Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bị mất, bị rách nát hoặc bị hư hỏng:
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển gửi Cục Hàng hải Việt Nam 01 Tờ khai đề nghị cấp lại theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ hồ sơ lưu trữ để cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển cho doanh nghiệp.
b) Trường hợp có thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận:
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển gửi Cục Hàng hải Việt Nam 01 Tờ khai đề nghị cấp lại theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và các tài liệu liên quan đến việc thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện thủ tục cấp lại như đối với trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 của Nghị định này.
3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin liên quan đến việc đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển.
4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển được cấp lại phải ghi rõ việc hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển đã được cấp trước đó.
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải biển đến mức độ phải thu hồi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
b) Theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định thu hồi và thông báo cho các cơ quan liên quan biết, công bố thông tin doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ ĐẠI LÝ TÀU BIỂN
Điều 11. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
1. Có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ đại lý tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.
2. Có người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.
3. Nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ LAI DẮT TÀU BIỂN
Điều 13. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
2. Có tối thiểu 01 tàu lai dắt; tàu lai dắt phải là tàu thuyền Việt Nam và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
1. Có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.
2. Có người chuyên trách thực hiện công tác pháp chế đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.
3. Thuyền viên làm việc trên tàu lai dắt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu lai dắt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
1. Tổ chức nước ngoài chỉ được sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam khi tàu lai dắt mang cờ quốc tịch Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Định kỳ hàng năm, Bộ Giao thông vận tải thông báo về năng lực đội tàu lai dắt mang cờ quốc tịch Việt Nam.
2. Tàu lai dắt mang cờ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
3. Thuyền viên làm việc trên tàu lai dắt phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
4. Tổ chức nước ngoài phải có hợp đồng lai dắt với bên thuê lai dắt của Việt Nam.
5. Tổ chức nước ngoài phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp lai dắt Việt Nam được ủy quyền tại Việt Nam.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Hướng dẫn và thực hiện các quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này.
1. Hoạt động đúng mục đích, nội dung ghi trong giấy chứng nhận đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển của doanh nghiệp mình khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.
1. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hoạt động theo thời hạn của Giấy phép, hết thời hạn của giấy phép đó phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo quy định tại Nghị định này.
2. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển thì chậm nhất đến ngày 01 tháng 7 năm 2019 phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo quy định tại Nghị định này.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hoạt động; kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, các doanh nghiệp này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển quy định tại Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
2. Bãi bỏ Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.