Nghị định 153/2024/NĐ-CP Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
21-11-2024
05-01-2025
Chính phủ Số: 153/2024/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2024 |
Nghị định
QUY ĐỊNH PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHÍ THẢI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị định này quy định về đối tượng chịu phí và người nộp phí; tổ chức thu phí; phương pháp tính phí, mức thu phí, kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
1. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
2. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải quy định tại Điều 4 Nghị định này.
3. Các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Điều 3. Đối tượng chịu phí và người nộp phí
1. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (sau đây gọi chung là cơ sở xả khí thải).
Cơ sở xả khí thải theo quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu);
b) Cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết);
c) Cơ sở lọc, hoá dầu;
d) Cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
đ) Cơ sở sản xuất than cốc, sản xuất khí than;
e) Nhà máy nhiệt điện;
g) Cơ sở sản xuất xi măng;
h) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp không thuộc các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này.
2. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.
2. Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.
PHƯƠNG PHÁP TÍNH PHÍ, MỨC THU PHÍ, KÊ KHAI, THẨM ĐỊNH TỜ KHAI VÀ NỘP PHÍ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ
1. Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó:
a) F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm).
b) f là phí cố định quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này (quý hoặc năm).
c) C là phí biến đổi, tính theo quý.
Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.
Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau:
Ci = Ci (Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)
Số phí biến đổi của từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) được xác định như sau:
Ci (chất gây ô nhiễm có trong khí thải) |
= |
Lưu lượng khí thải phát sinh tại dòng khí thải thứ i (Nm3/giờ) |
x |
Thời gian xả khí thải tại dòng khí thải thứ i (giờ) |
x |
Nồng độ chất gây ô nhiễm có trong khí thải tại dòng khí thải thứ i (mg/Nm3) |
x |
10-9 |
x |
Mức thu phí của chất gây ô nhiễm (đồng/tấn) |
Trong đó:
Thời gian xả khí thải tại dòng khí thải thứ i là tổng thời gian xả khí thải trong kỳ tính phí tại dòng khí thải thứ i theo khai báo của người nộp phí.
Lưu lượng khí thải và nồng độ từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải phát sinh trong kỳ nộp phí được xác định như sau:
Đối với cơ sở xả khí thải thực hiện quan trắc định kỳ: Lưu lượng khí thải được xác định theo lưu lượng ghi trong giấy phép môi trường; nồng độ từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải được xác định căn cứ vào số liệu quan trắc định kỳ 03 tháng/lần theo quy định tại Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở xả khí thải có tần suất quan trắc định kỳ 06 tháng/lần theo quy định tại Điều 98 Nghị định số: 08/2022/NĐ-CP thì việc kê khai, tính phí của quý không thực hiện quan trắc căn cứ số liệu quan trắc của kỳ quan trắc liền trước.
Đối với cơ sở xả khí thải thực hiện quan trắc tự động, liên tục: Lưu lượng khí thải và nồng độ từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải được xác định theo giá trị trung bình của các kết quả đo (theo đặc tính kỹ thuật của từng loại thiết bị).
2. Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động, liên tục hoặc quan trắc định kỳ theo giấy phép môi trường (sau đây gọi là đối tượng phải quan trắc khí thải): Số phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp là tổng số phí phải nộp (F) được xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải: Số phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp là mức thu phí cố định (f) quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
1. Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải
Mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.
Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng). Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.
2. Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải
a) Mức thu phí cố định (f) thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau:
Số thứ tự |
Chất gây ô nhiễm môi trường |
Mức thu phí |
1 |
Bụi |
800 |
2 |
NOx (gồm NO2 và NO) |
800 |
3 |
SOx |
700 |
4 |
CO |
500 |
c) Tại mỗi dòng khí thải của cơ sở xả khí thải, nồng độ một chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải có giá trị trung bình (tính trong kỳ nộp phí) thấp hơn 30% so với nồng độ chất đó được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương (nếu có): Mức thu phí biến đổi đối với chất đó bằng 75% số phí phải nộp tính theo công thức xác định số phí biến đổi của từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong dòng khí thải quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
d) Tại mỗi dòng khí thải của cơ sở xả khí thải, nồng độ một chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải có giá trị trung bình (tính trong kỳ nộp phí) thấp hơn từ 30% trở lên so với nồng độ chất đó được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương (nếu có): Mức thu phí biến đổi đối với chất đó bằng 50% số phí phải nộp tính theo công thức xác định số phí biến đổi của từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong dòng khí thải quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
Căn cứ để xác định mức thu phí quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này là kết quả quan trắc khí thải (tự động, liên tục hoặc định kỳ) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương về nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải (nếu có).
Điều 7. Kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí
1. Người nộp phí
a) Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải thực hiện kê khai và nộp phí theo quý như sau:
Hằng quý, chậm nhất là ngày 20 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, người nộp phí thực hiện lập Tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (sau đây gọi chung là Tờ khai phí) theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, nộp Tờ khai phí trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử trong trường hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép và đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, văn bản điện tử và nộp phí cho tổ chức thu phí; nộp số phí phải nộp theo Thông báo của tổ chức thu phí (nếu có).
b) Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải thực hiện kê khai và nộp phí như sau:
Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành: Người nộp phí lập Tờ khai phí theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, nộp Tờ khai phí trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử trong trường hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép và đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, văn bản điện tử và nộp phí cho tổ chức thu phí chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo của tháng bắt đầu đi vào hoạt động. Số phí phải nộp được tính cho thời gian từ tháng tiếp theo của tháng bắt đầu đi vào hoạt động đến hết năm dương lịch (hết ngày 31 tháng 12 của năm bắt đầu hoạt động). Từ năm tiếp theo, người nộp phí nộp phí một lần cho cả năm, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hằng năm.
Trường hợp cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Người nộp phí lập Tờ khai phí theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, nộp Tờ khai phí trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử trong trường hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép và đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, văn bản điện tử và nộp phí cho tổ chức thu phí chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành, số phí phải nộp được tính cho thời gian từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành đến hết năm dương lịch. Từ năm tiếp theo, người nộp phí nộp phí một lần cho cả năm, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hằng năm.
c) Đối với trường hợp cơ sở xả khí thải giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì phải hoàn thành nghĩa vụ phí theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
d) Người nộp phí thực hiện nộp phí (gồm cả tiền chậm nộp phí - nếu có) cho tổ chức thu phí theo một trong các hình thức sau:
Nộp phí theo hình thức không dùng tiền mặt vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng.
Nộp phí vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
Nộp phí qua tài khoản của cơ quan, tổ chức nhận tiền khác với tổ chức thu phí (áp dụng đối với trường hợp thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính). Trong thời hạn 24 giờ tính từ thời điểm nhận được tiền phí, cơ quan, tổ chức nhận tiền phải chuyển toàn bộ số tiền phí thu được vào tài khoản chuyển thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng hoặc chuyển toàn bộ số tiền phí thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
2. Tổ chức thu phí
a) Thẩm định Tờ khai phí
Thời hạn thẩm định: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Tờ khai phí của cơ sở xả khí thải, tổ chức thu phí thực hiện thẩm định Tờ khai phí.
Căn cứ thẩm định Tờ khai phí là: Số liệu kê khai của người nộp phí; kết quả đo đạc của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; kết quả kiểm tra, thanh tra gần nhất. Trường hợp có nhiều số liệu thì sử dụng kết quả quan trắc gần nhất của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong kỳ nộp phí.
Trường hợp số phí phải nộp theo kết quả thẩm định khác với số phí người nộp phí đã kê khai, nộp thì tổ chức thu phí ban hành Thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi người nộp phí, chậm nhất trong 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thẩm định. Trường hợp số phí phải nộp thấp hơn số phí đã kê khai, nộp thì người nộp phí thực hiện bù trừ số phí nộp thừa vào số phí phải nộp của kỳ sau theo quy định. Trường hợp số phí phải nộp cao hơn số phí đã kê khai, nộp thì người nộp phí phải nộp bổ sung số phí còn thiếu cho tổ chức thu phí.
b) Chậm nhất ngày 25 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được (bao gồm cả số tiền phí thu qua tài khoản chuyên thu phí, tiền chậm nộp phí (nếu có) và tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí) của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước của tổ chức thu phí.
Hằng quý, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, tổ chức thu phí thực hiện kê khai số tiền phí thu được theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Nộp theo Chương của tổ chức thu phí, Mục 2600 - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Tiểu mục 2618 - Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải của Mục lục ngân sách nhà nước.
Tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại các tổ chức tín dụng: Nộp theo Chương của tổ chức thu phí, Mục 4900 - Các khoản thu khác, Tiểu mục 4949 - Các khoản thu khác của Mục lục ngân sách nhà nước, cùng số tiền phí phải nộp trong tháng phát sinh.
Hằng năm, chậm nhất là ngày 31 tháng 3, tổ chức thu phí thực hiện quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của năm trước với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
3. Đối với các cơ sở xả khí thải thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (thuộc diện bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật)
Người nộp phí lập Tờ khai phí nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử trong trường hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép và đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, văn bản điện tử cho Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng (hoặc cơ quan được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giao tiếp nhận Tờ khai phí) theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận Tờ khai phí của cơ sở xả khí thải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giao tiếp nhận Tờ khai phí thực hiện thẩm định Tờ khai phí và gửi Kết quả thẩm định Tờ khai phí theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi cơ sở xả khí thải hoạt động, đồng thời gửi cho cơ sở xả khí thải để thực hiện nộp phí theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, quản lý thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải này.
4. Đối với cơ sở xả khí thải không nộp phí theo đúng quy định thì phải nộp đủ số phí phải nộp và tiền chậm nộp phí theo quy định, số phí còn phải nộp được xác định như sau:
a) Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải thì số phí còn phải nộp được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
b) Đối với cơ sở xả khí thải thực hiện quan trắc khí thải định kỳ, số phí phải nộp được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này. Lưu lượng khí thải được xác định theo lưu lượng ghi trong giấy phép môi trường, thời gian xả khí thải được xác định bằng (=) tổng số ngày trong thời gian chưa nộp phí nhân (x) 24 (giờ); nồng độ từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải được xác định căn cứ vào số liệu quan trắc môi trường trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; trường hợp cơ sở xả khí thải không nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm thì lấy kết quả quan trắc của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại thời điểm kê khai, nộp số phí còn phải nộp của người nộp phí.
Điều 8. Quản lý và sử dụng phí
1. Tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.
2. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 25% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP; nộp 75% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn về hoạt động quan trắc khí thải, xác định lưu lượng khí thải, nồng độ chất thải gây ô nhiễm chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
b) Tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (nếu có) gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định.
b) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường (tổ chức thu phí) có trách nhiệm:
a) Thẩm định Tờ khai phí, ban hành Thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, tính tiền chậm nộp phí theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (nếu có); quản lý thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; phân loại đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi, đăng tải Danh sách các cơ sở xả khí thải thuộc diện nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải trên Cổng thông tin điện tử của tổ chức thu phí; đôn đốc người nộp phí thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo đúng quy định.
b) Hằng năm, lập dự toán, quyết toán thu, chi phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật về ngân sách nhà nước.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải tại địa phương, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung về mức thu, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (nếu có) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản thu phí (nếu có).
4. Cơ quan thuế thực hiện quản lý về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đối với tổ chức thu phí theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.
2. Việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này không là căn cứ xác nhận việc xả thải hợp pháp của cơ sở xả khí thải. Cơ sở xả khí thải vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.