Nghị định 152/2024/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi tại Nghị định 33/2020/NĐ-CP
152/2024/NĐ-CP
Nghị định
Chưa áp dụng
15-11-2024
01-01-2025
Chính phủ Số: 152/2024/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024 |
Nghị định
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 62/2015/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2015 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 33/2020/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014; Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022; Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 4 như sau:
“b) Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo hoặc phải thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; đương sự bị tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc các trở ngại khách quan khác theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự.”;
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì Chấp hành viên chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan nếu đương sự yêu cầu.
Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào văn bản thỏa thuận.”.
3. Bổ sung khoản 7 Điều 9 như sau:
“7. Khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có thể xác minh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật. Kết quả xác minh là một trong những căn cứ để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:
“1. Việc thông báo về thi hành án theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42 của Luật Thi hành án dân sự được thực hiện lần đầu. Trường hợp người được thông báo đồng ý thì từ lần thông báo thứ hai trở đi, cơ quan thi hành án dân sự có thể thực hiện thông báo qua VNeID hoặc Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Nếu người được thông báo không đồng ý về hình thức thông báo từ lần thứ hai trở đi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thông báo theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau:
a) Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo;
b) Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.”.
5. Bổ sung khoản 5, 6, 7, 8 Điều 13 như sau:
“5. Việc xử lý chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán được thực hiện như sau:
a) Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán gửi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây được viết tắt là VSDC) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.
Quyết định phong tỏa chứng khoán gồm những nội dung sau: nội dung yêu cầu phong tỏa chứng khoán; họ và tên, số và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với cá nhân; tên, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với pháp nhân; mã chứng khoán và số lượng chứng khoán đề nghị phong tỏa.
b) Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán, đương sự được thỏa thuận về việc bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự về việc thỏa thuận đó.
Hết thời hạn trên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với số chứng khoán đã nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, VSDC phải thực hiện việc chuyển chứng khoán. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển chứng khoán, Chấp hành viên thực hiện việc bán theo thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên thực hiện bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án thì ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện việc bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
6. Việc xử lý chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không bán được theo quy định tại khoản 5 Điều này, Chấp hành viên thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự; ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Sau khi bán chứng khoán, cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản yêu cầu VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người mua theo quy định của pháp luật.
7. Việc xử lý chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Khi ra quyết định kê biên, Chấp hành viên đồng thời ban hành văn bản thông báo về việc kê biên tài sản đó cho doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.
8. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì Chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch đối với tài sản đó để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.”.
6. Bổ sung khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Việc ra quyết định chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự phải trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Khi thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án cũ, ra quyết định thi hành án mới tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao và phần quyền chưa được chuyển giao (nếu có).”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 3, 4 Điều 27 như sau:
“1. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì Chấp hành viên lựa chọn theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.
3. Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại.
Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Trường hợp người mua được tài sản đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ quy định của pháp luật hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày người mua được tài sản đấu giá nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
4. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức tiền gửi kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi từ tiền gửi phát sinh trong thời hạn giao tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều này được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; phần lãi từ tiền gửi phát sinh ngoài thời hạn giao tài sản quy định tại khoản 3 Điều này thuộc về người mua tài sản. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án, người có tài sản hoặc người đang quản lý tài sản thi hành án phải chịu mọi chi phí cưỡng chế theo quy định tại Điều 73 của Luật Thi hành án dân sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật.”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 như sau:
“2. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật mà không thu hồi được Giấy chứng nhận thì thực hiện như sau:
a) Cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật Đất đai đối với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu hoặc tổ chức đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai quy định tại khoản 2 Điều 136 của Luật Đất đai đối với Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
b) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a khoản 2 Điều này quyết định thu hồi, hủy Giấy chứng nhận đã cấp. Việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.”.
9. Bổ sung khoản 6 Điều 38 như sau:
“6. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định này, pháp luật khác có liên quan để xác định thời gian trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng và thời gian này không tính vào thời hạn khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự.”.
10. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 43 như sau:
“e) Chi phí khi đang hoặc đã tổ chức cưỡng chế xong nhưng phải đình chỉ theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự.”.
11. Bổ sung khoản 7 Điều 49 như sau:
“7. Trường hợp thanh toán tiền khi xử lý tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự có nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho những người đã yêu cầu theo tỷ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo hình thức tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo cho những người chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án trong bản án, quyết định đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác (nếu có) tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả cho người có tài sản bị kê biên, xử lý.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 56 như sau:
“2. Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển Chấp hành viên; quy định nội dung, hình thức, trình tự thủ tục thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.
Nội dung, hình thức thi, xét nâng ngạch từ Chấp hành viên sơ cấp lên Chấp hành viên trung cấp, từ Chấp hành viên trung cấp lên Chấp hành viên cao cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch Chấp hành viên sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.”.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 66 như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch Thẩm tra viên sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.”.
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 69 như sau:
“1. Việc bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên; nội dung, hình thức thi, xét nâng ngạch từ Thẩm tra viên thi hành án lên Thẩm tra viên chính thi hành án, từ Thẩm tra viên chính thi hành án lên Thẩm tra viên cao cấp thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về thi hành án dân sự.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 71 như sau:
“1. Thư ký thi hành án là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm giúp Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự hoặc giúp Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo quy định của pháp luật.
Việc bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch Thư ký thi hành án; nội dung, hình thức thi, xét nâng ngạch từ Thư ký trung cấp lên Thư ký thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch Thư ký thi hành án sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.”.
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 78 như sau:
“2. Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp được xếp lương công chức nhóm 1 của loại A1, A2 và A3 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
Thư ký thi hành án xếp lương công chức loại A1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Thư ký trung cấp thi hành án xếp lương công chức loại A0 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.”.
17. Bổ sung khoản 4 Điều 83 như sau:
“4. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị và tình hình thực tế vùng miền, Bộ Tư pháp quyết định việc cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu thi hành án dân sự phù hợp với quy định của pháp luật.”.
Điều 2. Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
1. Đối với việc thi hành án mà tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực chưa thực hiện trình tự, thủ tục về thi hành án theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) thì thực hiện theo quy định của Nghị định này.
2. Đối với việc thi hành án đã thực hiện trình tự, thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì không phải thực hiện lại các trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định này.
3. Đối với việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa được thi hành tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng đã thực hiện một số trình tự, thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì không phải thực hiện lại các thủ tục đó theo quy định của Nghị định này. Các trình tự, thủ tục thi hành án khác thực hiện theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp có mâu thuẫn với các thủ tục thi hành án đã thực hiện theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì áp dụng các quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để thực hiện các thủ tục thi hành án đó.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
2. Bãi bỏ Mục 3 điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thi hành Nghị định này; quy định về việc xử lý Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thi hành án dân sự.