Nghị định 108/NQ-CP Về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
108/NQ-CP
Nghị định
Còn hiệu lực
17-07-2020
17-07-2020
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/NQ-CP | Hà Nội, ngày 17tháng 7 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH
TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2019/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm
việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP
ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công
trình;
Căn cứ Nghị quyết số
84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp
tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư
công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
QUYẾT NGHỊ:
Ngày 14 tháng 8 năm 2019
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây
dựng công trình và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 để thay thế cho Nghị định số 32/2015/NĐ-CP. Nghị định số
68/2019/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới, có tính đột phá về cơ chế quản lý hiệu
quả, để đảm bảo công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện công
khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ theo thị trường; góp phần nâng cao hiệu quả
sử dụng vốn đầu tư, phòng chống thất thoát trong đầu tư xây dựng. Nghị định này
cũng là một nội dung quan trọng trong tổng thể Đề án “Hoàn thiện hệ thống định
mức và giá xây dựng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
2038/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2017.
Qua hơn 9 tháng triển
khai, việc thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả bước
đầu: đã ban hành đầy đủ Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định; đã rà soát, cập
nhật, bổ sung và ban hành hơn 16.000 định mức dự toán để áp dụng chung; đã có
43 tỉnh, thành phố đã xây dựng, công bố đơn giá nhân công; 20 tỉnh còn lại đều
đã có văn bản hướng dẫn xử lý chuyển tiếp và đang khẩn trương tổ chức khảo sát,
xây dựng đơn giá nhân công để công bố trên địa bàn; đang tiếp tục rà soát, ban
hành các định mức xây dựng chuyên ngành.
Tuy nhiên, còn một số khó
khăn, vướng mắc trong quá trình xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng
theo các quy định mới của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP làm ảnh hưởng đến tiến độ
thực hiện một số dự án, công trình xây dựng, nhất là một số công trình xây dựng
chuyên ngành.
Nguyên nhân chủ yếu do:
(1) Một số bộ, địa phương chưa tập trung chỉ đạo, chưa dành nguồn lực thực hiện
kịp thời, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao như: Chưa hoàn thành việc rà soát
các định mức cho công tác xây dựng chuyên ngành, đặc thù đã công bố trước đây
để ban hành theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP; (2) Một số địa phương
chưa hoàn thành việc điều tra, khảo sát để xác định, công bố đơn giá nhân công,
giá ca máy và thiết bị thi công trên thị trường, công tác điều tra, khảo sát
cũng phải tạm dừng thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để kịp thời tháo gỡ một
số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP,
góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư
công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng
bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, không trái với các
nguyên tắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP,
Chính phủ quyết nghị:
1. Các bộ quản lý xây
dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo, thực hiện
nghiêm túc các quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, hệ thống công cụ về định
mức và giá xây dựng và các Thông tư hướng dẫn Nghị định đã được ban hành; tổ
chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ đã được
phân công, phân cấp tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, đáp ứng nhu cầu thực tiễn:
a) Hoàn thành việc rà
soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 cho các
công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc
hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành);
b) Thực hiện công bố đơn
giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định số
68/2019/NĐ-CP trước ngày 30 tháng 9 năm 2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư
xây dựng. Trong thời gian chưa kịp thực hiện khảo sát, lấy số liệu, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh ban hành hướng dẫn việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và
thiết bị thi công trên cơ sở dữ liệu hiện có theo các Thông tư hướng dẫn thực
hiện Nghị định;
2. Việc chuyển tiếp áp
dụng định mức xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù chưa ban hành
(ngoài hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành); đơn giá nhân công, giá ca
máy và thiết bị thi công tại các địa phương chưa có hướng dẫn, công bố theo quy
định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, một số nội dung được thực hiện như sau:
a) Đối với việc áp dụng
định mức xây dựng của các công việc chuyên ngành, đặc thù (ngoài các công việc
thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành):
Người quyết định đầu tư,
Chủ đầu tư và các chủ thể liên quan được tham khảo, vận dụng, áp dụng cơ sở dữ
liệu hiện có về hệ thống định mức đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công
bố trước thời điểm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực hoặc tham khảo, vận
dụng, sử dụng định mức của các công trình, dự án tương tự đã thực hiện làm cơ
sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc tham khảo, vận dụng, áp dụng
định mức phải bảo đảm không cao hơn định mức được tham khảo, vận dụng, áp dụng.
b) Đối với việc áp dụng
đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công tại các địa phương chưa có
hướng dẫn, công bố:
Người quyết định đầu tư,
Chủ đầu tư và các chủ thể liên quan được tham khảo, vận dụng, áp dụng hướng dẫn
về đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công hiện có trên địa bàn nơi
xây dựng công trình trước thời điểm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực để
xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc tham khảo, vận dụng, áp dụng
đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công phải bảo đảm không cao hơn
đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được tham khảo, vận dụng, áp
dụng.
3. Việc cập nhật dự toán
xây dựng, giá gói thầu xây dựng theo định mức xây dựng cho các công việc chuyên
ngành, đặc thù sau khi được ban hành; đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị
thi công sau khi được hướng dẫn, công bố theo quy định tại Nghị định số
68/2019/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổng mức
đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt: Người quyết định
đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan xác định dự toán xây dựng theo
đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố; định mức công
tác chuyên ngành, đặc thù được ban hành; không phải cập nhật lại tổng mức đầu
tư đã được thẩm định hoặc phê duyệt.
b) Trường hợp dự toán xây
dựng (bao gồm cả dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu) đã được cơ quan
có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt và chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ
yêu cầu: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan xác
định, cập nhật giá gói thầu xây dựng theo đơn giá nhân công, giá ca máy và
thiết bị thi công được công bố; theo định mức công tác chuyên ngành, đặc thù
được ban hành; không phải cập nhật lại dự toán xây dựng đã được thẩm định hoặc
phê duyệt.
c) Trường hợp đã phát
hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng chưa đóng thầu: Người quyết định đầu
tư xem xét, quyết định việc cập nhật giá gói thầu theo định mức của các công
tác xây dựng chuyên ngành, đặc thù, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị
thi công, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu và thời gian
cần thiết để thực hiện việc cập nhật các định mức được ban hành, đơn giá nhân
công, giá ca máy và thiết bị thi công được công bố trước khi đóng thầu.
d) Trường hợp đã đóng
thầu: Thực hiện theo nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ
sơ đề xuất; không phải cập nhật lại giá gói thầu đã được phê duyệt.
đ) Trường hợp cập nhật dự
toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng theo hướng dẫn tại điểm a, b khoản này làm
vượt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng đã phê duyệt, thì việc thẩm định, phê
duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.
4. Về thẩm quyền thẩm
định, phê duyệt chi phí khảo sát:
Trường hợp cần thiết,
Người quyết định đầu tư có thể ủy quyền để Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt chi
phí khảo sát nhằm rút gọn thủ tục, trên cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự
án.
5. Đối với các nội dung
về phạm vi thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt chi phí các công việc chuẩn bị dự án để
lập báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm cả Báo cáo kinh tế - kỹ thuật), thiết
kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công:
Giao Bộ Xây dựng hướng
dẫn thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo cắt giảm những thủ tục không cần thiết,
tạo thuận lợi tối đa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết này.
b) Các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Người quyết định đầu tư, các Chủ đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
phân công, phân cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết
này.
c) Bộ Xây dựng chịu trách
nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời báo cáo
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện
Nghị quyết./
| TM. CHÍNH PHỦ |