Công văn 764/TCHQ-TXNK Về việc phân loại hàng hóa, chính sách thuế, điều kiện, thủ tục đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
764/TCHQ-TXNK
Công văn
Không xác định
08-02-2021
08-02-2021
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 764/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 08tháng 02 năm 2021 |
Kính gửi: Công ty TNHH ONEBOX.
(E40, Đường C3, Khu Phố 4, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP. Hồ ChíMinh)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số
10/2020/WTN-HC ngày 08/12/2020 của Công ty TNHH ONEBOX (Công ty) đề nghị được
hướng dẫn về mã số, chính sách thuế, điều kiện, thủ tục đối với hàng hóa nhập
khẩu là máy đọc RFID UHF -Trạm cố định, máy đọc RFID UHF cầm tay và chip đọc
thẻ RFID UHF; hàng hóa xuất khẩu là Tổ yến. Qua xem xét, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc phân loại hàng hóa
- Đối với hàng hóa dự kiến nhập khẩu, đề
nghị Công ty thực hiện thủ tục xác định trước mã số (XĐTMS) và hồ sơ XĐTMS quy
định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày
20/4/2018 của Bộ Tài chính gồm:
“1. Hồ sơ, mẫu hàng hóa xác định trước mã số
a) Đơn đề nghị xác định trước mã số theo
mẫu số01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông
tư này;
b) Tài liệu kỹ thuật do tổ chức,
cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cung cấp (bản phân tích thành
phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa): 01 bản chụp;
c) Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu,
nhập khẩu (nếu có)”.
- Trường hợp hàng hóa Công ty đã nhập khẩu và có vướng mắc về
phân loại đề nghị Công ty liên hệ Chi cục hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.
- Đối với mặt hàng Tổ yến, để xác định mã số
hàng hóa Công ty có thể tham khảo nhóm 04.10 “Sản phẩm ăn được gốc động vật,
chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác”, mã số 0410.00.10 "- Tổ yến" tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt
Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài
chính.
2. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Mặt hàng nhập khẩu là máy đọc RFID UHF,
máy đọc thẻ RFID UHF cầm tay, chíp đọc thẻ RFID UHF theo loại hình nhập kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế
nhập khẩu. Trường hợp hàng
hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ
thực hiện đối xử tối huệ quốc trong
quan hệ thương mại với Việt Nam thì thuế suất thuế nhập khẩu tương ứng với mã
hàng quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 của Bộ Tài Chính.
- Mặt hàng xuất khẩu là tổ yến xuất khẩu
theo loại hình xuất kinh doanh, không được định danh chi tiết tại Biểu thuế
xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Do vậy, doanh nghiệp
khai mã hàng của hàng hóa xuất khẩu tương ứng với mã hàng quy định tại Biểu
thuế nhập khẩu ưu đãi và không phải khai thuế suất trên tờ khai hàng hóa xuất
khẩu theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.
3. Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá
trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 quy định đối tượng chịu thuế: Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá
trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều
9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định
hàng hóa xuất khẩu có thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%, bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu
ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở
ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa
chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở
ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất
khẩu theo quy định của pháp luật:
+
Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của
pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các
hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+
Hàng hóa xuất khẩu tại cho theo quy định của pháp luật.
+
Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở
nước ngoài.
Căn cứ các quy định nêu trên, mặt hàng
nhập khẩu là máy đọc RFID UHF, máy đọc thẻ RFID UHF cầm tay, chíp đọc thẻ RFID UHF theo loại hình nhập kinh doanh
thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng tại khâu nhập khẩu; mặt hàng xuất khẩu là tổ yến xuất
khẩu theo loại hình xuất kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
4. Về quy định quản lý chuyên ngành liên quan đến hàng hóa
nhập khẩu là máy đọc RFID UHF –Trạm cố định, máy đọc RFID UHF cầm tay và chip
đọc thẻ RFID UHF:
- Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì hàng hóa nêu trên không thuộc Danh
mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
- Trường hợp xác định hàng hóa thuộc Danh
mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép theo quy định
tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2013 (được sửa
đổi, bổ sung tại Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018) thì khi nhập khẩu doanh nghiệp phải có Giấy phép nhập
khẩu sản phẩm mật mã dân sự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định
tại khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015.
- Trường hợp xác định hàng hóa thuộc Danh
mục sản phẩm, hàng hóa có khả
năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông
theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/5/2020 thì thực hiện
kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định
số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số
74/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018), Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 01/10/2011 (được sửa đổi, bổ sung tại các
Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT và số 10/2020/TT-BTTTTT).
5. Về quy định quản lý chuyên ngành liên quan đến hàng hóa
xuất khẩu là tổ yến:
- Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày
29/10/2018 ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền
quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổ yến thuộc Danh mục
động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.
- Tuy nhiên, theo quy định tại Điều
23 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 về việc kiểm tra nhà nước đối
với thực phẩm xuất khẩu thì:
“1. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thẩm
quyền kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm
xuất khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý tại các Điều 62, 63 và Điều 64 của Luật an toàn thực phẩm khi có yêu
cầu của nước nhập khẩu.
2.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra đối với lô hàng
thực phẩm xuất khẩu gồm nhiều mặt hàng thuộc
thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên.”
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên đối chiếu thực tế hàng hóa để
thực hiện.
Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty
TNHH ONEBOX được biết./
| TL.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |