Công văn 1477/VPCP-KGVX Về việc phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và CTCT năm 2021 của UBQG PCAIDSMTMD
09-03-2021
09-03-2021
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1477/VPCP-KGVX | Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2021 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Năm 2020, trong khi phải tập trung chỉ đạo
và thực thi quyết liệt các giải pháp phòng chống đại dịch Covid-19, Chính phủ vẫn
tiếp tục quan tâm chỉ đạo với sự hưởng ứng tích cực và vào cuộc nghiêm túc của
các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy,
mại dâm đã đạt được những kết quả tích cực, quan trọng.
Hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông
phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm được đa dạng hóa với các nội dung phù
hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng. Các lực lượng chức năng đã phối hợp,
khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn, từng bước làm chuyển
biến tình hình ở một số “điểm nóng” về ma túy; công tác thụ lý, giải quyết, xét
xử các vụ án về ma túy đạt tỷ lệ cao; công tác kiểm soát và quản lý các loại
tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần đã có nhiều chuyển biến tích cực;
một số mô hình thí điểm mới được triển khai mang lại cách tiếp cận mới trong
công tác cai nghiện ma túy. Các tụ điểm mại dâm nơi công cộng đã giảm đáng kể;
mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm được duy trì và nhân
rộng. Một số địa phương đã quan tâm, đầu tư, lồng ghép và tổ chức thực hiện
nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm với các chương trình kinh tế xã
hội tại địa phương... qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch
hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác
phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
phần lớn trong số 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đang sinh sống
tại cộng đồng, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. Cơ sở vật
chất, trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp; đội ngũ cán bộ
làm công tác này còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản; việc hỗ trợ vốn vay
giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai còn
nhiều khó khăn. Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên
giới vẫn phức tạp. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam
tiếp tục tăng nhanh; một số địa bàn ở vùng sâu, vùng xa tiềm ẩn nhiều nguy cơ
lây nhiễm HIV do người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống
HIV/AIDS. Nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm
chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng,
chống AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia
yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đề cao trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, huy
động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình
công tác năm 2021 như sau:
1. Về công tác tuyên
truyền:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền
hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng kết,
đánh giá việc thực hiện Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm (ban hành kèm theo Quyết định số
2140/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2017); xây dựng Đề án phối hợp truyền
thông giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền
hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ
quan báo chí quan tâm bố trí kinh phí và thời lượng, thời điểm tuyên truyền
phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường các tin, bài, đa dạng
hóa các sản phẩm truyền thông với các nội dung, hình thức phù hợp với từng loại
đối tượng; tập trung vào các khu vực, địa bàn phức tạp, các nhóm nguy cơ cao.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và internet, các doanh nghiệp cung ứng
dịch vụ bưu chính tích cực tham gia tuyên truyền về phòng,
chống AIDS, ma túy, mại dâm; lồng ghép việc tuyên truyền qua các hoạt
động bưu chính tại các tỉnh miền núi, tỉnh giáp biên giới...
2. Về phòng, chống
HIV/AIDS:
- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban
hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng,
chống nhiễm Vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
(HIV/AIDS).
- Đa dạng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm
nguy cơ cao.
- Phấn đấu điều trị ARV cho 160.000 bệnh
nhân, bảo đảm tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức
chế trên 95%. Tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV
từ nguồn Bảo hiểm y tế.
- Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; triển
khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày.
- Tổ chức triển khai các hoạt động nhân
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng
chống AIDS.
3. Về phòng, chống ma
túy:
- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban
hành các văn bản hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) sau khi được Quốc
hội thông qua. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp
lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác phòng, chống ma túy.
- Tổng kết Chương trình phòng, chống ma
túy đến năm 2020 và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở lồng ghép các đề án, dự
án, nội dung liên quan, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tận dụng và phát huy tổng
thể các nguồn lực trong quá trình thực hiện.
- Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về
phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch và
gia đình. Chú trọng công tác dự phòng nghiện ma túy và can thiệp phòng ngừa cho
thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Xây dựng, phát hành tài liệu và tổ chức
tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh
viên.
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính
tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên
các tuyến, địa bàn trọng điểm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma
túy trên các tuyến biên giới. Đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn,
các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức sử
dụng trái phép chất ma túy.
- Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính,
Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các loại
tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không
để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
nghiên cứu, đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma túy; đánh giá việc triển
khai thí điểm các mô hình hỗ trợ cai nghiện; nâng cao năng lực cho cán bộ làm
công tác cai nghiện ma túy.
4. Về phòng, chống mại
dâm
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra,
đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy
định của pháp luật hiện hành; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ
công tác liên ngành phòng, chống mại dâm, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp;
thí điểm tổ chức các hoạt động, các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, các
chương trình can thiệp, giảm hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đối với người
bán dâm phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên
cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016
- 2020, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống
mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Tiếp
tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Phòng, chống mại dâm, báo cáo
cơ quan có thẩm quyền. Đánh giá và nhân rộng các mô hình tốt về can thiệp giảm
hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của
người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội.
5. Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, bố trí ngân sách cho
công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; xác định rõ trách nhiệm người đứng
đầu, có cơ chế đánh giá, xem xét trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý để tình
hình phức tạp; có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham
gia công tác tuyên truyền, giáo dục, cai nghiện ma túy; tăng cường quản lý, kịp
thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán, tổ chức sử dụng ma
túy; bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tại
các cơ sở cai nghiện trên địa bàn.
6. Hội đồng nhân dân
các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật
Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm;
việc bố trí nhân lực và ngân sách ở địa phương để thực hiện công tác phòng,
chống AIDS, ma túy, mại dâm.
7. Các Bộ, cơ quan,
địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn
lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác
năm 2021 của Ủy ban Quốc gia; báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Chính phủ
trước ngày 31 tháng 12 năm 2021.
8. Văn phòng Chính phủ
chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế
và các cơ quan, địa phương liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời báo
cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
và Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia./.
| KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |