Chỉ thị 02/CT-BYT Về công tác quốc phòng, an ninh trong ngành y tế năm 2021
02/CT-BYT
Chỉ thị
Còn hiệu lực
23-02-2021
23-02-2021
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-BYT | Hà Nội, ngày 23tháng 02năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG NGÀNH Y TẾ
NĂM 2021
Trong năm 2020, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó
lường. Tuy hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, thiên
tai dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành vấn đề nghiêm
trọng trên quy mô toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 lan rộng trong phạm vi toàn
Thế giới, đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến phát triển kinh tế, tình hình
chính trị, an ninh thế giới, trong đó có Việt Nam. Khu vực Đông
Nam Á là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều yếu
tố gây mất ổn định, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo tại khu vực Biển Đông đặt các ngành, các cấp, trong đó có Ngành Y tế cần phải tăng
cường xây dựng lực lượng và nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, thực hiện
tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Ở trong nước, thời tiết khắc nghiệt, nắng, nóng
kéo dài, tình hình mưa bão, lũ lụt xảy ra ở nhiều địa phương; đặc
biệt là lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ở khu vực miền Trung
trong tháng 10, 11/2020 đã gây thiệt hại rất lớn về
người, cơ sở vật chất, tài sản nhân dân và cả các cơ sở y tế gây khó khăn cho công tác
khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai công tác quốc phòng, an ninh của các đơn vị.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh
Trung ương, toàn ngành y tế đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao; đã phối hợp với Bộ Quốc
phòng, các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc nhiệm vụ của
ngành y tế.
Năm 2021, tình hình thế
giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trên cả lĩnh
lực kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình chính trị, an
ninh của đất nước. Tình hình dịch bệnh
vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập
vào nước ta là rất lớn. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh chúng ta tiếp tục triển khai
thực hiện Luật Quốc phòng (2018), bước đầu triển
khai Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi, 2019), Luật về lực
lượng dự bị động viên (2019)... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Ngành y tế phải sẵn sàng ứng phó với
các nguy cơ dịch bệnh, thiên tai thảm họa, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường... ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ chuyên môn và công tác
quốc phòng, an ninh của ngành Y tế.
Để toàn Ngành y tế thực hiện tốt công tác quốc phòng, an
ninh năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục, các
đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế (Trưởng Ban quân dân y) các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi quyền hạn được giao, triển khai
thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo các
cơ quan, đơn vị cần quán triệt và nâng cao nhận thức quan điểm chỉ đạo của Đảng
về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: củng cố quốc phòng, giữ vững an
ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân,
trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.
2. Chủ động phối hợp với cơ quan
quân sự, cơ quan công an tại địa phương:
2.1. Kiện toàn Ban chỉ huy quân sự, Ban chỉ đạo
phòng chống khủng bố, lực lượng tự vệ; xây dựng Kế hoạch và kiện toàn các
phương án bảo vệ cơ quan, đơn vị; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm y tế khu vực phòng thủ;
kế hoạch bảo đảm y tế năm đầu chiến tranh (Kế
hoạch “B”); xây dựng kế hoạch diễn tập y tế trong
khu vực phòng thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
2.2. Thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối
hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an địa
phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo quy định; thường
xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên về tình hình chính trị trong
nước, thủ đoạn, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị,
đối tượng chống đối nhằm
nâng cao ý thức cảnh giác, lập trường tư tưởng cho
cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị,
các văn bản
hướng dẫn về công tác bảo đảm an ninh,
trật tự trong tình hình mới; triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 07-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ về việc Ban hành
Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số
51-NQ/TW của
Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế số 03/QC-BCA-BYT
ngày 26/ 9/2013 về việc phối hợp về công tác đảm bảo an ninh,
trật tự trong lĩnh vực y tế.
2.3. Rà soát, tạo nguồn, sắp xếp
lực lượng quân nhân dự bị vào đơn vị y tế dự bị động viên theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 02/10/2020 của
Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về xây
dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong
thăng quân hàm và các chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị đã sắp xếp trong các đơn vị dự bị động viên theo quy định.
2.4. Tổ chức huấn luyện, từng bước trang bị các trang thiết bị chuyên dụng cho các tổ, đội huy động ngành y tế
theo Nghị
định số 129/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014
về giao chỉ tiêu huy động ngành Y tế khi có
chiến tranh và tình trạng khẩn cấp; bảo đảm sẵn sàng huy động trong mọi tình huống.
2.5. Đối với các Trường Đại học Y-Dược trên toàn quốc tổ chức rà soát, báo cáo
thực trạng số sinh viên đang học tại trường; cụ
thể: Họ tên, tuổi, nam/nữ, quê quán, chuyên ngành học, năm học; số sinh viên đã
qua đào tạo sỹ quan dự bị hằng năm; báo cáo về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước
ngày 30/6 và 31/12 để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ về khả năng huy động ngành y tế cho
các tình huống khẩn cấp về y tế.
2.6. Xây dựng các phương án bảo vệ, di dời các cơ sở y tế trong các tình huống
thiên tai, thảm họa, phòng chống khủng bố và chiến tranh, theo phương châm “4 tại chỗ” và phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị.
2.7. Tổ chức tốt việc khám tuyển
nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và tuyển sinh
vào các trường quân sự, công an theo quy định. Chủ trì,
phối hợp với Bộ Quốc phòng điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Thông tư số
16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng
về việc quy định việc khám sức khỏe thực hiện Nghĩa vụ quân
sự.
2.8. Tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức
triển khai Nghị định số 118/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về công tác kết hợp quân dân y và Thông tư số
34/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ Y tế quy định về tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh quân dân y và tổ chức chỉ đạo hoạt động kết hợp quân dân y.
2.9. Các địa phương ven biển tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực, củng cố các cơ sở y tế khu vực ven biển, bãi ngang, các huyện đảo, xã đảo; tiếp tục triển khai biện pháp thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển y tế
biển, đảo theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày
07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; duy trì, bảo quản, sử dụng có hiệu quả
“ngân hàng máu sống”, nguồn điện, máy sản xuất ôxy đã được trang bị cho các huyện đảo.
3. Ban chỉ huy quân sự Bộ Y tế
phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các địa phương có liên quan khẩn trương
triển khai thực hiện Quyết định số 1998/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng
Chính phủ, bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng thời hạn theo quy định.
4. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc
phòng, các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch: đặc biệt
là dịch Covid -19; kiên quyết không để lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là
Ngành y tế; góp phần tích cực vào công tác ổn định an ninh, chính trị thực hiện
thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ.
5. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo
thường xuyên, báo cáo đột xuất; chế độ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật
về công tác quốc phòng, an ninh và công tác kết hợp quân dân y.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục dân số, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm khẩn
trương triển khai thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |