Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT Quản lý chất thải y tế
31-12-2015
01-04-2016
Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Y tế Số: 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
Thông tư liên tịch
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Căn
cứ Luật Bảo
vệ môi trường năm 2014;
Căn
cứ Nghị định số38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn
cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số21/2013/NĐ-CP ngày
04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
nguyên và Môi
trường;
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch quy định về quản lý chất thải y tế,
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết Khoản 6, Khoản 7 Điều 49 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
2. Thông tư này không điều chỉnh về quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động mai táng, hỏa táng và chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế. Việc quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động mai táng, hỏa táng thực hiện theo quy định về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng. Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế thực hiện theo quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải y tế trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải y tế là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế.
2. Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
3. Quản lý chất thải y tế là quá trình giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện.
4. Giảm thiểu chất thải y tế là các hoạt động làm hạn chế tối đa sự phát thải chất thải y tế.
5. Thu gom chất thải y tế là quá trình tập hợp chất thải y tế từ nơi phát sinh và vận chuyển về khu vực lưu giữ, xử lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế.
6. Vận chuyển chất thải y tế là quá trình chuyên chở chất thải y tế từ nơi lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế đến nơi lưu giữ, xử lý chất thải của cơ sở xử lý chất thải y tế cho cụm cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế.
7. Cơ sở y tế bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ phòng khám bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ kính thuốc; cơ sở dịch vụ làm răng giả; bệnh xá; y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức); cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu có thực hiện các xét nghiệm về y học.
QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
PHÂN ĐỊNH, PHÂN LOẠI, THU GOM, LƯU GIỮ, GIẢM THIỂU, TÁI CHẾ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI VÀ CHẤT THẢI Y TẾ THÔNG THƯỜNG
Điều 4. Phân định chất thải y tế
1. Chất thải lây nhiễm bao gồm:
a) Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác;
b) Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly;
c) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm: Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên theo quy định tại Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;
d) Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm.
2. Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm:
a) Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại;
b) Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất;
c) Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng;
d) Chất hàn răng amalgam thải bỏ;
đ) Chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT).
3. Chất thải y tế thông thường bao gồm:
a) Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người và chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế;
b) Chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế không thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại hoặc thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại;
c) Sản phẩm thải lỏng không nguy hại.
4. Danh mục và mã chất thải y tế nguy hại bao gồm:
a) Danh mục và mã chất thải nguy hại quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT được quy định cụ thể cho chất thải y tế nguy hại tại Phụ lục số 01 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Danh mục chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số 01 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Bao bì (túi), dụng cụ (thùng, hộp, can), thiết bị lưu chứa chất thải y tế thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và Khoản 7 Điều này. Bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải có biểu tượng theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ sở y tế không phải thực hiện các quy định có liên quan về bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
2. Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm và có kích thước phù hợp với lượng chất thải lưu chứa.
3. Màu sắc của bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế quy định như sau:
a) Màu vàng đối với bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm;
b) Màu đen đối với bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại không lây nhiễm;
c) Màu xanh đối với bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế thông thường;
d) Màu trắng đối với bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải tái chế.
4. Bao bì, dụng cụ đựng chất thải y tế sử dụng phương pháp đốt không làm bằng nhựa PVC.
5. Thùng, hộp đựng chất thải có nắp đóng, mở thuận tiện trong quá trình sử dụng.
6. Ngoài các quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thùng, hộp đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng.
7. Thùng, hộp đựng chất thải có thể tái sử dụng theo đúng mục đích lưu chứa sau khi đã được làm sạch và để khô.
1. Nguyên tắc phân loại chất thải y tế:
a) Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;
b) Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;
c) Khi chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
2. Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải:
a) Mỗi khoa, phòng, bộ phận phải bố trí vị trí để đặt các bao bì, dụng cụ phân loại chất thải y tế;
b) Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải y tế phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
3. Phân loại chất thải y tế:
a) Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: Đựng trong thùng hoặc hộp có màu vàng;
b) Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
c) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
d) Chất thải giải phẫu: Đựng trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
đ) Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng rắn: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu đen;
e) Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: Đựng trong các dụng cụ có nắp đậy kín;
g) Chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu xanh;
h) Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu trắng.
1. Thu gom chất thải lây nhiễm:
a) Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;
b) Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom;
c) Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế;
d) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;
đ) Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 01 (một) lần/ngày;
e) Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.
2. Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm:
a) Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;
b) Thu gom chất hàn răng amalgam thải và thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng có chứa thủy ngân: Chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.
3. Thu gom chất thải y tế thông thường: Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.
1. Cơ sở y tế bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế và bệnh viện phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Cơ sở y tế không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế thực hiện thống nhất theo quy định của Thông tư này và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải;
b) Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật;
d) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng phải có nắp đậy kín để chống bay hơi và tràn đổ chất thải.
3. Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
4. Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.
5. Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được lưu giữ riêng.
6. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:
a) Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín;
b) Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.
7. Cơ sở y tế thực hiện các quy định có liên quan đến lưu giữ, khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư này và không phải thực hiện các quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
Cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Lắp đặt, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên vật liệu phù hợp, bảo đảm hạn chế phát sinh chất thải y tế.
2. Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.
3. Quản lý và sử dụng vật tư hợp lý và hiệu quả.
1. Chỉ được phép tái chế chất thải y tế thông thường và chất thải quy định tại Khoản 3 Điều này.
2. Không được sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải y tế để sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.
3. Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải y tế thông thường.
4. Ngoài các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, khi chuyển giao chất thải quy định tại Khoản 3 Điều này để phục vụ mục đích tái chế, cơ sở y tế phải thực hiện các quy định sau:
a) Bao bì lưu chứa chất thải phải được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Ghi đầy đủ thông tin vào Sổ bàn giao chất thải phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Điều 11. Vận chuyển chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế
1. Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở xử lý cho cụm phải thực hiện bằng các hình thức sau:
a) Cơ sở y tế trong cụm thuê đơn vị bên ngoài có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm. Đối với chủ xử lý chất thải nguy hại, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại tham gia vận chuyển chất thải y tế trong cụm nhưng nằm ngoài phạm vi của giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép trước khi thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;
b) Cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị khác không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm phải đáp ứng các quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều này và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt tại kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
2. Phương tiện vận chuyển: Cơ sở y tế, đơn vị được thuê vận chuyển chất thải y tế nguy hại sử dụng xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng để vận chuyển hoặc sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm nhưng phải đáp ứng yêu cầu tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
3. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển;
b) Có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải;
c) Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải.
4. Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển.
5. Trong quá trình vận chuyển chất thải y tế từ cơ sở y tế về cơ sở xử lý chất thải y tế cho cụm, khi xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Vận chuyển chất thải nguy hại không lây nhiễm: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
2. Vận chuyển chất thải lây nhiễm: thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này và phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các bao bì, dụng cụ kín, bảo đảm không bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển;
b) Thùng của phương tiện chuyên dụng để vận chuyển chất thải lây nhiễm là loại thùng kín hoặc thùng được bảo ôn;
c) Đối với các khu vực không sử dụng được phương tiện vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển chất thải y tế nguy hại, được sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác nhưng phải đáp ứng các quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 11 Thông tư này và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
3. Vận chuyển chất thải y tế thông thường thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải thông thường.
1. Chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
2. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
3. Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế;
b) Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);
c) Tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.
4. Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1. Nước thải y tế phải quản lý, xử lý theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.
2. Sản phẩm thải lỏng được thải cùng nước thải thì gọi chung là nước thải y tế.
1. Thiết bị xử lý chất thải y tế phải được vận hành thường xuyên.
2. Thiết bị xử lý chất thải y tế phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký vận hành thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ HỒ SƠ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Tần suất báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được lập 01 lần/năm, tính từ 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12.
2. Hình thức báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được gửi về cơ quan nhận báo cáo bằng văn bản giấy hoặc bản điện tử hoặc phần mềm báo cáo.
3. Nội dung và trình tự báo cáo:
a) Cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 (A) ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo và không phải thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;
b) Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 (B) ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo;
c) Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
1. Hồ sơ liên quan đến các thủ tục môi trường bao gồm một hoặc một số văn bản, tài liệu sau đây:
a) Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận kèm theo kế hoạch bảo vệ môi trường;
c) Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường kèm theo báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường;
d) Giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường kèm theo cam kết bảo vệ môi trường;
đ) Giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường kèm theo bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường;
e) Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết kèm theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
g) Giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản kèm theo đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
h) Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước hoặc Đề án xả nước thải vào nguồn nước kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
i) Các văn bản, tài liệu khác về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Hồ sơ liên quan đến quản lý chất thải y tế bao gồm:
a) Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại;
b) Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại hoặc chứng từ chất thải nguy hại (trong trường hợp không thuộc Khoản 4 Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT);
c) Sổ theo dõi chất thải y tế; sổ theo dõi và sổ bàn giao chất thải y tế lây nhiễm đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phục vụ mục đích tái chế; báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế định kỳ, đột xuất;
d) Sổ nhật ký vận hành thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải y tế và cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế).
3. Báo cáo quan trắc, giám sát chất lượng môi trường định kỳ.
4. Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại; chứng từ chất thải nguy hại; các biên bản thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; sổ nhật ký vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế được lưu trữ với thời hạn 05 (năm) năm.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN
Điều 18. Trách nhiệm Bộ Y tế
1. Hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo liên tục về quản lý chất thải y tế để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
3. Chỉ đạo các trường đào tạo y lồng ghép nội dung về quản lý chất thải y tế vào chương trình đào tạo chính quy của trường.
4. Đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho Sở Y tế, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này.
1. Hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế.
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Xem xét, phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Bố trí kinh phí đầu tư và vận hành công trình xử lý chất thải y tế trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn quản lý;
b) Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý;
c) Phối hợp với các đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý về việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền việc thực hiện Thông tư này và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế theo quy định của pháp luật.
1. Hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.
4. Đầu mối tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
5. Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Nội dung kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT được quy định chi tiết tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tổng hợp, báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
4. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ Y TẾ
Điều 23. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế
1. Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật liên quan khác.
2. Phân công 01 lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở.
3. Lập và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này (trừ trường hợp cơ sở y tế tự thực hiện xử lý chất thải y tế).
4. Khi chuyển giao chất thải y tế nguy hại không phải thực hiện trách nhiệm sử dụng chứng từ chất thải nguy hại mỗi lần chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT nhưng phải thực hiện các trách nhiệm sau đây:
a) Đối với cơ sở y tế thuê đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để xử lý chất thải, định kỳ hàng tháng xuất 01 bộ chứng từ chất thải nguy hại cho lượng chất thải y tế nguy hại đã chuyển giao trong tháng theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;
b) Đối với cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm, sử dụng Sổ giao nhận chất chải y tế nguy hại thay thế chứng từ chất thải y tế nguy hại.
5. Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
6. Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan.
7. Hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan.
8. Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 23 Thông tư này, người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo nội dung trong kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và thiết bị lưu chứa chất thải trên phương tiện vận chuyển theo quy định tại Điều 11 Thông tư này khi thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ các cơ sở y tế trong cụm về xử lý.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; người đứng đầu cơ sở y tế và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.
2. Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có những khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) để xem xét, giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Nguyễn Minh Quang | BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ Nguyễn Thị Kim Tiến |
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế, Bộ TN&MT;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ TN&MT;
- Lưu: Bộ Y tế (VT, PC, MT); Bộ TN&MT (VT, PC, TCMT).