Thông tư liên tịch 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
54/2014/TTLT-BTNMT-BTC
Thông tư liên tịch
Còn hiệu lực
09-09-2014
24-10-2014
Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính
Số: 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014
Thông tư liên tịch
Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 4; Khoản 3 Điều 16; Khoản 2 Điều 24; Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 22/2012/NĐ-CP).
2. Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:
a) Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản được giao các nhiệm vụ liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
b) Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thành lập theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP;
c) Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giá khởi điểm đối với khu vực đã có kết quả thăm dò là giá đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, được tính bằng tiền đồng Việt Nam.
2. Giá khởi điểm đối với khu vực chưa thăm dò khoáng sản là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%).
3. Bước giá là mức chênh lệch của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề.
XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM, BƯỚC GIÁ, PHƯƠNG PHÁP TÍNH TIỀN, PHƯƠNG THỨC THU, QUẢN LÝ TIỀN TRÚNG ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Điều 3. Xác định giá khởi điểm phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản
1. Đối với khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 203/2013/NĐ-CP).
2. Đối với khu vực chưa thăm dò khoáng sản, giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) quy định tại Phụ lục I Nghị định số 203/2013/NĐ-CP.
3. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) xác định giá khởi điểm phiên đấu giá, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản.
1. Việc xác định bước giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Bước giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được xác định bằng tiền đồng Việt Nam;
b) Bước giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản được xác định theo mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
2. Thẩm quyền xác định bước giá:
a) Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quyết định bước giá cho mỗi phiên đấu giá;
b) Trường hợp đấu giá thông qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bước giá cho mỗi phiên đấu giá.
1. Trong vòng đấu giá đầu, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải trả giá thấp nhất bằng giá khởi điểm phiên đấu giá cộng với số nguyên lần bước giá (1, 2,..., n lần).
2. Trường hợp phải tổ chức vòng đấu giá tiếp theo, giá khởi điểm là giá được trả cao nhất của vòng đấu trước liền kề. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trả thấp nhất phải bằng giá khởi điểm vòng đấu cộng số nguyên lần bước giá.
3. Phiếu trả giá có giá trị không đúng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được coi là không hợp lệ.
1. Căn cứ mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản đã trúng đấu giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tiền trúng đấu giá được tính như sau:
T = Q x G x K x Rđg (đồng)
Trong đó:
T - Tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;
Q - Trữ lượng địa chất trong khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đơn vị tính là tấn, m3;
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP; đơn vị tính là đồng Việt Nam/đơn vị trữ lượng;
K - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác: khai thác lộ thiên K = 0,9; khai thác hầm lò K = 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K = 1,0;
Rđg - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá; đơn vị tính là phần trăm (%).
2. Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được áp dụng ổn định trong suốt thời gian được cấp phép khai thác.
3. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định và trình phê duyệt tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 82 Luật khoáng sản.
1. Tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thu toàn bộ một lần trước khi cấp phép khai thác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản lớn hơn 50 tỷ đồng thì thực hiện thu nhiều lần nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải nộp lần đầu tối thiểu 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác khoáng sản; số tiền còn lại được thu nhiều lần (trước ngày 31 tháng 3 của năm nộp tiền). Thời gian thu không quá 05 (năm) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Trường hợp thời gian khai thác dưới 10 năm thì thời gian được nộp nhiều lần không quá nửa thời gian được cấp phép;
c) Trường hợp giá tính thuế tài nguyên tại thời điểm nộp cao hơn giá tính thuế tài nguyên tại thời điểm xác định tiền trúng đấu giá thì giá trị nộp được xác định lại theo nguyên tắc quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP;
d) Số lần nộp tiền, thời gian nộp tiền phải được ghi trong hồ sơ mời đấu giá do Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản quyết định và được ghi cụ thể vào Giấy phép khai thác khoáng sản.
3. Tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.
Trường hợp khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản nằm trên địa bàn hai tỉnh/hai huyện trở lên thì tỷ lệ nộp ngân sách mỗi địa phương xác định theo tỷ lệ diện tích khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản.
4. Trước khi cấp phép khai thác, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản thông báo cho Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Cục thuế địa phương) nơi có khoáng sản được đấu giá về số lần nộp tiền và thời gian thu tiền trúng đấu giá của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
5. Chậm nhất sau 10 (mười) ngày kể từ khi nhận được văn bản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế địa phương nơi có khoáng sản được đấu giá ra thông báo cho các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
6. Trường hợp thu nhiều lần, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông báo bằng văn bản số tiền phải nộp của kỳ tiếp theo trước 10 ngày kể từ ngày phải nộp tiền theo quy định cho Cục thuế địa phương để thông báo cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
1. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo Thông báo của cơ quan thuế. Thời gian chờ nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định, không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 60 Luật khoáng sản.
2. Giấy nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước của Kho bạc nhà nước hoặc tổ chức được ủy nhiệm thu được lập thành 03 (ba) liên, trong đó:
a) 01 (một) liên gửi cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá;
b) 01 (một) liên gửi cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền cấp phép để giám sát;
c) 01 (một) liên gửi cho Cục thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản đấu giá quyền khai thác để theo dõi, xử lý trong trường hợp có vi phạm.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền so với thời hạn quy định tại thông báo của cơ quan thuế, Cục thuế địa phương nơi có khoáng sản được đấu giá xác định và thông báo tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; đồng thời gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát theo thẩm quyền.
4. Trong quá trình khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản bị thu hồi Giấy phép khai thác do vi phạm pháp luật thì không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã nộp.
Mẫu đơn, văn bản trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, bao gồm:
1. Mẫu đơn đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 01.
2. Mẫu hồ sơ giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản: Mẫu số 02.
3. Mẫu bản cam kết thực hiện dự án nếu trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 03.
4. Mẫu biên bản giao nhận nộp tiền đặt trước (hoặc bảo lãnh dự đấu giá): Mẫu số 04.
5. Mẫu biên bản trả tiền đặt trước (hoặc bảo lãnh dự đấu giá): Mẫu số 05.
6. Mẫu biên bản đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 06.
7. Mẫu quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Mẫu số 07a.
8. Mẫu quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Mẫu số 07b.
9. Mẫu quyết định hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Mẫu số 08a.
10. Mẫu quyết định hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Mẫu số 08b.
11. Mẫu quyết định phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi có kết quả thăm dò): Mẫu số 09a.
12. Mẫu quyết định phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đấu giá thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có kết quả thăm dò): Mẫu số 09b.
13. Mẫu thông báo thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 10.
14. Mẫu thông báo nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 11.
15. Mẫu báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Mẫu số 12.
CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Điều 10. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm:
1. Dự toán ngân sách nhà nước giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Phí đấu giá thu của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quy định tại Điều 11 Thông tư này.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Đối với khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định như sau:
a) Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò:
Giá trị quyền khai thác khoáng sản theo giá khởi điểm | Mức thu tối đa (đồng/hồ sơ) |
Từ 1 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000 |
Từ trên 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng | 4.000.000 |
Từ trên 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 6.000.000 |
Từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng | 8.000.000 |
Từ trên 50 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | 10.000.000 |
Từ trên 100 tỷ đồng | 12.000.000 |
b) Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản:
Diện tích khu vực đấu giá | Mức thu tối đa (đồng/hồ sơ) |
Từ 0,5 ha trở xuống | 2.000.000 |
Từ trên 0,5 ha đến 2 ha | 4.000.000 |
Từ trên 2 ha đến 5 ha | 6.000.000 |
Tù trên 5 ha đến 10 ha | 8.000.000 |
Từ trên 10 ha đến 50 ha | 10.000.000 |
Từ trên 50 ha | 12.000.000 |
2. Đối với khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể mức thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho phù hợp nhưng không vượt quá mức thu quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
1. Nội dung chi:
a) Nội dung chi của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường bao gồm:
- Chi phí lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
- Chi phí thu thập và xử lý số liệu, thông tin để lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chi phí khảo sát thực địa khu vực đấu giá;
- Chi hội nghị giải đáp thắc mắc trong quá trình mời tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (nếu có).
b) Nội dung chi cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm các khoản chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc tổ chức bán đấu giá từ thời điểm Hợp đồng bán đấu giá được ký kết.
c) Nội dung chi cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là các chi phí liên quan đến việc tổ chức thực hiện phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm:
- Chi niêm yết, thông báo công khai;
- Chi thuê địa điểm tổ chức phiên đấu giá trong trường hợp đơn vị chủ trì tổ chức phiên đấu giá không bố trí được địa điểm;
- Chi trả cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá;
- Chi in ấn, phô tô tài liệu và văn phòng phẩm liên quan tới việc tổ chức phiên đấu giá;
- Chi phí tham dự phiên bán đấu giá, chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho các thành viên Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
- Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
2. Mức chi:
a) Mức chi, phương thức chi cho các nội dung chi tại khoản 1 Điều này được áp dụng theo các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
b) Đối với các khoản chi chưa có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi nhưng phải đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Căn cứ vào mức thu, nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư này, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự toán kinh phí tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
TRÁCH NHIỆM, HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 82 Luật khoáng sản.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật khoáng sản; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc lập kế hoạch thu hồi đất đai khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo về kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và Thông tư này.
4. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có trách nhiệm nộp đầy đủ, đúng thời hạn quy định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2014.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THỨ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG |
(Đã ký) | (Đã ký) |
Trần Hồng Hà | Nguyễn Hữu Chí |
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Thành viên BCĐ Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở TNMT, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Lưu: VT, ĐCKS (Bộ Tài nguyên và Môi trường) (20)
VT, HC (Bộ Tài chính) (20).