Thông tư liên tịch 220/2012/TTLT-BTC-BGTVT Hướng dẫn việc bảo đảm chi phí bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ từ ngân sách nhà nước
220/2012/TTLT-BTC-BGTVT
Thông tư liên tịch
Còn hiệu lực
24-12-2012
30-01-2013
11-02-2013
Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải
Số: 220/2012/TTLT-BTC-BGTVT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2012
Thông tư liên tịch
HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO ĐẢM CHI PHÍ BẮT GIỮ TÀU BIỂN VÀ DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU BIỂN TRONG THỜI GIAN BỊ BẮT GIỮ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển ngày 27 tháng 8 năm 2008;
Căn cứ Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định 51/2008/NĐ-CP ngày 22/04/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định 57/2010/NĐ-CP ngày 25/05/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển;
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn kinh phí ngân sách nhà nước chi cho việc bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết kinh phí ngân sách nhà nước chi cho việc bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ theo quy định tại Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ được quy định tại Nghị định 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ.
1. Ngân sách trung ương chi cho việc thực hiện bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ đối với tàu biển do cảng vụ hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện bắt giữ.
2. Ngân sách địa phương chi cho việc thực hiện bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ đối với tàu biển do cảng vụ đường thủy trực thuộc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện bắt giữ.
1. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 10 Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ.
a) Chi phí truy đuổi tàu biển mà không truy đuổi được, chi phí tống đạt Quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án và yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng.
- Chi phí sử dụng phương tiện thực hiện nhiệm vụ.
- Chi phí sửa chữa phương tiện khi bị hư hỏng phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (là chênh lệch thiếu giữa chi phí sửa chữa với số tiền bảo hiểm được đền bù).
- Chi phí bồi dưỡng cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
b) Chi phí trong trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
2. Chi phí duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ (ngoài các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ).
a) Chi phí nhiên liệu, vật liệu tối thiểu để duy trì hoạt động cần thiết của tàu biển đảm bảo an toàn của tàu biển theo quy định tại Quyết định số 49/2005/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về áp dụng quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển.
b) Chi phí sinh hoạt tối thiểu cho thuyền viên làm việc trực tiếp trên tàu biển: chi phí lương thực, thực phẩm, nước ngọt theo quy định đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam tại Thông tư số 16/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/08/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2008/QĐ-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đặc thù đối với công nhân viên chức một số ngành nghề trong các công ty nhà nước.
c) Chi phí thuê thuyền viên bảo đảm hoạt động an toàn tối thiểu của tàu biển trong trường hợp thuyền viên rời bỏ tàu: chi phí sinh hoạt, tiền công của thuyền viên và các chi phí hợp lý khác căn cứ theo hợp đồng thuê thuyền viên.
d) Chi phí y tế, cấp cứu trong các trường hợp thuyền viên trên tàu biển bị bắt giữ bị ốm đau, bệnh tật đột xuất.
đ) Chi phí neo đậu và khắc phục sự cố do khách quan xảy ra đối với tàu biển bị bắt giữ trong quá trình neo đậu.
e) Chi phí giám sát tàu biển: Chi sử dụng phương tiện thực hiện giám sát và chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia thực hiện giám sát tàu biển.
3. Mức chi bồi dưỡng cho người tham gia bắt giữ tàu biển (bao gồm người thực hiện tống đạt quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án, người trực tiếp tham gia truy đuổi tàu biển, giám sát tàu biển trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này): Mức chi tối đa cho một người trong một ngày bằng 2 lần mức chi một ngày công lao động trung bình tính trên cơ sở mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ (Đối với các đối tượng là công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu đã được hưởng thụ cấp đặc thù đi biển theo Quyết định số 148/2008/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì không được hưởng tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này)
1. Hàng năm Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán chi cho các nội dung thực hiện bắt giữ và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ theo phân cấp ngân sách hiện hành, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ vào dự toán của cấp có thẩm quyền giao Bộ Giao thông vận tải giao dự toán cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính về phương án phân bổ dự toán, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao dự toán cho Sở Giao thông vận tải.
3. Căn cứ dự toán được cấp trên giao, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông vận tải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc; đồng gửi cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước, Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch.
1. Các Cảng vụ thực hiện rút dự toán chi được giao để tạm ứng cho các nhiệm vụ quy định tại Điều 3 của Thông tư này. Mức tạm ứng không quá 50% dự trù chi phí thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân.
2. Hồ sơ đề nghị tạm ứng gửi Kho bạc nhà nước gồm:
a) Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước;
b) Bảng dự trù chi tiết chi phí thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia;
c) Quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án (bản sao)
1. Căn cứ nhiệm vụ thực tế thực hiện, sau tối đa 60 ngày kể từ thời điểm hoàn tất việc thực hiện bắt giữ, thả tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ, các cảng vụ lập quyết toán chi cho từng vụ việc gồm các khoản chi của cảng vụ và của các tổ chức, cá nhân có liên quan trình Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải phê duyệt.
Hồ sơ quyết toán gồm:
a) Tờ trình xin phê duyệt quyết toán do Cảng vụ trình;
b) Quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án;
c) Quyết định phê duyệt của Tòa án về các chi phí duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ (nếu có);
d) Biên bản xác nhận, nghiệm thu khối lượng thực hiện giữa cảng vụ với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ có liên quan. Bảng quyết toán kinh phí giữa cảng vụ với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
e) Các chứng từ hợp pháp theo quy định;
g) Các tài liệu, văn bản của các cơ quan chức năng có liên quan khác (nếu có).
2. Trên cơ sở hồ sơ quyết toán của các Cảng vụ; Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phê duyệt quyết toán theo quy định.
3. Thanh toán kinh phí
a) Căn cứ quyết định phê duyệt quyết toán chi của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, các Cảng vụ lập hồ sơ thanh toán kinh phí gửi Kho bạc Nhà nước.
b) Hồ sơ thanh toán gửi kho bạc nhà nước gồm:
- Bản đề nghị thanh toán của cảng vụ;
- Quyết định phê duyệt quyết toán kinh phí của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
c) Kho bạc Nhà nước nơi cảng vụ mở tài khoản giao dịch thực hiện thu hồi tạm ứng và thanh toán cho các đơn vị. Trường hợp đã tạm ứng quá số tiền được phê duyệt quyết toán, các cảng vụ có trách nhiệm thu hồi phần kinh phí đã tạm ứng cao hơn quyết toán được duyệt nộp lại Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
4. Các Cảng vụ, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thực hiện quyết toán kinh phí chi bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển hàng năm theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 2 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết ./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỨ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG |
(Đã ký) | (Đã ký) |
Nguyễn Văn Công | Nguyễn Thị Minh |
Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW phòng chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN, Sở GTVT, Sở KH&ĐT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ GTVT, Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT Bộ GTVT, VT Bộ Tài chính.