QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC
TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TỰ ĐỘNG
(Ban hành kèm theo
Thông tư số70/2015/TT-BTNMT
ngày 23 tháng 12 năm 2015của Bộ Tài nguyên
và Môi trường)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về quy định kỹ thuật đối với
hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn tự động. Trạm khí tượng thủy văn tự động
bao gồm các trạm: khí tượng, thủy văn, đo mưa,
bức xạ, hải văn và môi trường không khí tự động.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ
chức và cá nhân sử dụng trạm khí tượng thủy văn tự động.
Điều
2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Trạm khí tượng thủy văn tự động là: hệ thống thiết
bị được lắp đặt tại các trạm khí tượng thủy văn thực hiện đo đạc, thu thập và
truyền số liệu khí tượng thủy văn tự động;
2. Bộ cảm biến đo là: phần tử thiết bị hoặc bộ phận của
phương tiện đo;
3. Kiểm định thiết bị đo khí tượng thủy văn tự động
là: hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật của phương tiện đo theo yêu
cầu kỹ thuật đo lường;
4. Hiệu chuẩn thiết bị đo khí tượng thủy văn tự động
là: hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường,
phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo;
5. Kiểm tra hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn
tự động là: tập hợp các công việc nhằm xác định tình trạng hoạt động của hệ thống
đo trong điều kiện kỹ thuật quy định;
6. Bảo dưỡng thiết bị đo khí tượng thủy văn tự động
là: các hoạt động được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì thiết bị ở trạng
thái sử dụng bình thường;
7. Bảo quản thiết bị đo khí tượng thủy văn tự động là:
công tác cất giữ các vật tư linh kiện và thiết bị dự phòng, đảm bảo duy trì ở
trạng thái tốt nhất không bị hư hỏng.
Điều
3. Điều kiện hoạt động của trạm, điểm đo
1. Các yếu tố đo của các trạm,
điểm đo được quy định trên cơ sở mục đích, nhu cầu về số liệu và phù hợp với điều
kiện thực tế (chi tiết tại Phụ lục 1 của Thông tư này).
2. Các thông số kỹ thuật của thiết bị đo (chi tiết tại
Phụ lục 2 của Thông tư này).
3. Thiết bị đo trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm
định/hiệu chuẩn ban đầu; trong quá trình sử dụng phải thực hiện kiểm định/hiệu
chuẩn; sau khi sửa chữa, để đưa trở lại hoạt động phải thực hiện kiểm tra/hiệu
chuẩn.
4. Đối với thiết bị đo chưa có điều kiện kiểm định hoặc
các thiết bị đo chủng loại mới chưa đưa vào mạng lưới trạm khí tượng thủy văn
hoạt động phải có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy
chuẩn kỹ thuật hiện hành; trước khi đưa vào hoạt động phải thử nghiệm, kiểm
tra, so sánh và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và quyết định.
5. Thiết bị đo phải có tài liệu kỹ thuật, phần mềm của
hãng sản xuất; hướng dẫn bảo dưỡng, vận hành và khai thác bằng tiếng Việt.
6. Các trạm khí tượng thủy văn tự động phải có hồ sơ để
quản lý.
Chương II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Điều 4. Vị trí trạm, điểm đo
1. Đối với trạm khí tượng tự động và bức xạ tự động phải
thông thoáng, không bị các vật cản che khuất, đại diện cho điều kiện tự nhiên của
khu vực đặt trạm.
2. Đối với điểm đo mưa tự động phải thông thoáng,
không bị các vật cản che khuất làm ảnh hưởng đến kết quả đo.
3. Đối với trạm thủy văn tự động
a) Vị trí đo mực nước phải đảm bảo:
- Đo được mực nước cao nhất, thấp nhất;
- Lòng sông tương đối ổn định (ít bồi, xói);
- Không bị ảnh hưởng của ghềnh, thác, cây cối hoặc các
chướng ngại vật khác.
b) Vị trí đo lưu lượng
nước phải đảm bảo:
- Không có hiện tượng nước chảy quẩn và không bị ảnh
hưởng nước vật;
- Mặt cắt ngang tuyến đo dòng chảy bảo đảm đo được
dòng chảy trong sông từ mực nước thấp nhất đến mực nước lũ lớn nhất đã xảy ra;
- Đoạn sông phải thẳng và có độ dài tối thiểu bằng 3 lần
độ rộng mặt nước ứng với mực nước trung bình;
- Lòng sông không có hoặc ít chướng ngại vật;
- Bờ sông ổn định; đoạn sông không có bãi tràn hoặc có
bãi tràn nhỏ nhất; không có xuất, nhập lưu.
4. Đối với trạm hải văn tự động
a) Vị trí trạm được đặt tại khu vực biển thoáng, đảm bảo
điều kiện tự nhiên, không bị che khuất theo các hướng.
b) Vị trí trạm tiêu biểu cho một khu vực hoặc một vùng
biển về các đặc trưng khí tượng, hải văn.
5. Đối với trạm môi trường không khí tự động phải đảm
bảo thông thoáng và đại diện cho chất lượng môi trường, thành phần khí quyển của
khu vực đó.
Điều
5. Lắp đặt thiết bị
Khi lắp đặt cần tuân thủ đúng tài liệu hướng dẫn kỹ
thuật đối với từng loại thiết bị đo.
1. Đối với các trạm khí tượng
a) Bộ cảm biến đo hướng và tốc độ gió được lắp đặt ở độ
cao từ 10 m đến 12 m so với mặt đất, hướng Bắc của máy phải đúng với hướng Bắc
thực.
b) Các bộ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm không khí được lắp
đặt ở độ cao 1,5 m so với mặt đất, đảm bảo thông thoáng và tránh ánh nắng mặt
trời chiếu trực tiếp.
c) Bộ cảm biến đo mưa được lắp đặt ở độ cao cách mặt đất
hoặc mặt nền lắp thiết bị từ 1,5 m trở lên và miệng thùng hứng nước mưa phải
ngang bằng.
d) Bộ cảm biến đo thời gian nắng được lắp đặt ở độ cao
≥ 1,5 m so với mặt đất, trục bộ cảm ứng
đúng hướng Bắc Nam, đảm bảo ngang bằng, đúng vĩ độ địa phương.
đ) Bộ cảm biến đo bốc hơi được lắp đặt ở độ cao 27 cm
so với mặt đất và miệng thùng phải ngang bằng.
e) Bộ cảm biến đo áp suất khí quyển được lắp đặt ở độ
cao ≥ 1,5 m so với mặt đất. Vị trí bộ cảm biến
đo áp suất khí quyển phải được dẫn độ cao tuyệt đối quốc gia.
g) Bộ cảm biến đo nhiệt độ mặt đất được đặt trên bề mặt
đất; bộ cảm biến đo nhiệt độ các lớp đất sâu được đặt theo các độ sâu cần đo
tương ứng.
2. Đối với các điểm đo mưa
Bộ cảm biến đo lượng mưa được lắp đặt chắc chắn ở độ
cao ≥ 1,5 m so với mặt đất hoặc mặt nền và miệng
thùng hứng nước mưa phải ngang bằng.
3. Đối với các trạm bức xạ
Các bộ cảm biến đo bức xạ được lắp đặt ngang bằng ở độ
cao ≥ 1,2 m so với mặt đất. Riêng thiết bị đo bức
xạ phản chiếu sóng ngắn, sóng dài phải lắp đặt ở độ cao từ 1,2 m đến 1,5 m.
4. Đối với các trạm thủy văn
a) Bộ cảm biến đo mực nước:
- Đối với bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước: bộ cảm
biến đo phải được gắn cố định tại một vị trí cao hơn
mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 1 m;
- Đối với bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước: bộ cảm biến
đo phải thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất hiện tối thiểu 20 cm;
- Vị trí đo mực nước phải được dẫn độ cao tuyệt đối quốc
gia.
b) Bộ cảm biến đo lưu lượng nước:
- Đối với bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước phải được lắp
đặt chắc chắn trên tàu, thuyền, ca nô hoặc công trình bảo đảm
quan trắc được lưu lượng nước của toàn bộ mặt cắt ngang sông;
- Đối với bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước, bộ cảm
biến đo phải được gắn cố định tại một vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất
hiện tối thiểu 1 m.
c) Bộ cảm biến đo hàm lượng chất lơ lửng phải gắn chắc
chắn và treo vào vật đủ nặng để không bị trôi theo dòng nước.
5. Đối với trạm khí tượng hải văn
a) Bộ cảm biến đo hướng và tốc độ gió đặt ở độ cao từ
10 m đến 12 m so với mặt đất hoặc mặt nền.
b) Bộ cảm biến đo sóng phải được lắp đặt chắc chắn ở độ
sâu gấp 3 lần độ cao sóng lớn nhất tại vị trí đo.
c) Đối với bộ cảm biến đo mực nước biển:
- Đối với bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước: bộ cảm
biến đo phải được gắn cố định ở độ cao cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối
thiểu 1 m;
- Đối với bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước: bộ cảm biến
đo phải lắp đặt ở độ cao thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất hiện tối thiểu 20
cm;
- Vị trí đo mực nước biển phải được dẫn độ cao tuyệt đối
quốc gia;
- Bộ cảm biến đo nhiệt độ, độ muối phải được lắp đặt
hoặc gắn cố định trên công trình ở độ cao thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất
hiện tối thiểu 50 cm.
6. Đối với trạm môi trường không khí tự động
a) Các bộ cảm biến đo lấy mẫu không khí, bụi và các bộ
cảm biến đo khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, lượng mưa) được lắp
đặt ở độ cao từ 1,5 m đến 3 m so với mặt đất.
b) Các bộ cảm biến đo: gió, bức xạ trực tiếp (SR), bức
xạ cực tím (UV) được lắp đặt ở độ cao 10 m so với mặt đất;
c) Đầu ống lấy mẫu khí nhà kính
(CO, CO2, CH4,
hơi nước), O3 và bụi cacbon đen được lắp đặt trên cột chuyên dụng ở
độ cao từ 10 m đến 12 m so với mặt đất.
d) Máy đo và phân tích đặt bên trong nhà trạm được lắp
điều hòa không khí để duy trì nhiệt độ ổn định từ 28 0C đến 30 0C và độ ẩm thấp từ 40% đến 50%.
7. Các thiết bị khác
a) Pin mặt trời được lắp đặt ở vị trí không bị che khuất,
hướng của pin mặt trời phải là hướng nhận được nhiều năng lượng mặt trời
nhất.
b) Ăng ten thu phát phải được lắp ở trên cao, nơi
thông thoáng, không bị che lấp.
Điều 6. Vận hành
1. Chế độ vận hành
a) Các trạm khí tượng thủy văn tự động vận hành liên tục
24/24 giờ.
b) Tần suất đo tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng số liệu.
2. Truyền số liệu
a) Số liệu sau khi đo tại các trạm khí tượng thủy văn
tự động phải truyền về các cơ quan đơn vị có chức năng nhiệm vụ thu nhận, quản
lý, khai thác, sử dụng theo quy định.
b) Tần suất truyền số liệu tùy thuộc vào nhu cầu khai
thác số liệu.
3. Lưu trữ số liệu
Số liệu của các trạm khí tượng thủy văn tự động phải
được lưu trữ, bảo quản, sử dụng lâu dài theo quy định.
Điều
7. Kiểm tra
1. Kiểm tra định kỳ
a) Kiểm tra định kỳ thực hiện 6 tháng 1 lần, bao gồm
các nội dung:
- Kiểm tra các bộ cảm biến;
- Kiểm tra hệ thống cấp nguồn điện cho trạm;
- Kiểm tra hệ thống chống sét;
- Kiểm tra hệ thống thông tin;
- Kiểm tra hệ thống xử lý và lưu trữ số liệu;
- Kiểm tra công trình lắp đặt thiết bị.
b) Kiểm tra định kỳ phải thực hiện theo đúng quy
trình, lập biên bản lưu hồ sơ và tổng hợp báo cáo (chi tiết tại Phụ lục 3 Thông
tư này).
2. Kiểm tra đột xuất
a) Thực hiện kiểm tra đột xuất khi hệ thống hoạt động
không bình thường hoặc không hoạt động.
b) Kiểm tra đột xuất phải lập biên bản lưu hồ sơ và
báo cáo (chi tiết tại Phụ lục 3 Thông tư này).
Điều
8. Bảo dưỡng
Trạm khí tượng thủy văn tự động được bảo dưỡng nhằm
duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật trong điều kiện hoạt động bình thường
của thiết bị. Nội dung bảo dưỡng được xây dựng phù hợp trên cơ sở yêu cầu của
nhà sản xuất và đặc thù của mỗi hệ thống thiết bị trong quá trình khai thác sử
dụng.
1. Bảo dưỡng bao gồm một số nội dung cơ bản sau:
a) Công trình: thực hiện mỗi năm 1 lần;
- Sơn hàng rào, cột lắp thiết bị, bôi mỡ cáp và các
bulong, ecu;
- Nạo vét, thông giếng;
- Dẫn độ cao cho các đầu
đo mực nước và áp suất khí quyển.
b) Thiết bị: thực hiện 6 tháng 1 lần;
- Vệ sinh các đầu đo, pin mặt trời, hệ thống chống
sét, các đầu cáp kết nối, bộ truyền tin, datalogger, ắc quy, bộ điều khiển sạc ắc
quy;
- Hiệu chỉnh thông số thiết bị sau khi bảo dưỡng.
c) Thay thế vật tư, linh kiện theo định kỳ.
2. Bảo dưỡng phải thực hiện theo đúng quy trình, lập
biên bản lưu hồ sơ và tổng hợp báo cáo (chi tiết tại Phụ lục 3 Thông tư này).
Điều
9. Sửa chữa, thay thế
1. Việc sửa chữa, thay thế thiết bị căn cứ vào các
biên bản kiểm tra định kỳ và đột xuất.
2. Thiết bị được sửa chữa, thay thế phải đảm bảo yêu cầu
kỹ thuật.
3. Sau khi sửa chữa, thay thế phải lập biên bản đánh
giá (chi tiết tại Phụ lục 3 Thông tư này).
Điều
10. Bảo quản
1. Thiết bị và các vật tư linh kiện dự phòng được bảo
quản trong môi trường theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật.
2. Bảo quản thiết bị trong thời gian ngừng hoạt động để
sửa chữa hoặc vì các lý do khác phải đảm bảo điều kiện môi trường (nhiệt độ và
độ ẩm không khí) như khi thiết bị hoạt động bình thường; 3 tháng một lần phải
kiểm tra để nắm rõ tình trạng kỹ thuật của thiết bị.
Chương III
TRÁCH NHIỆM THỰC
HIỆN
Điều
11. Quản lý trạm khí tượng thủy văn tự động
1. Đối với các trạm khí tượng thủy văn quốc gia do
Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quản lý:
a) Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tự động đảm bảo
hoạt động ổn định và cung cấp số liệu cho các cơ quan, tổ chức theo quy định;
b) Chịu trách nhiệm quản lý, duy trì hoạt động của các
trạm khí tượng thủy văn tự động;
c) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định kỹ thuật
tại Chương II của Thông tư này;
d) Xây dựng phương án duy trì hoạt động hàng năm,
trong đó có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế đột xuất các trạm khí tượng
thủy văn tự động, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với các trạm khí tượng thủy văn tự động khác do
chủ đầu tư chịu trách nhiệm quy định nhưng không trái với các quy định của
Thông tư này.
Điều
12. Quản lý kỹ thuật trạm khí tượng thủy văn tự động
1. Đối với các trạm khí tượng thủy văn quốc gia do
Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quản lý kỹ thuật:
a) Tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất và
đánh giá chất lượng số liệu các trạm khí tượng thủy văn tự động theo quy định;
b) Thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và đề xuất
đưa thiết bị, công nghệ đo mới đưa vào hoạt động; xem xét, kiến nghị loại bỏ
các thiết bị và công nghệ đo không phù hợp;
c) Chủ trì biên soạn tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, vận
hành khai thác, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên
môn cho những người thực hiện quản lý, vận hành và quan trắc;
d) Chủ trì và phối hợp với đơn vị có liên quan xây dựng
phương án duy trì hoạt động các trạm khí tượng thủy văn tự động theo định mức
hiện hành;
đ) Thực hiện thay đổi chế độ đo và truyền số liệu của
các trạm khí tượng thủy văn tự động.
2. Đối với các trạm khí tượng thủy văn tự động khác do
chủ đầu tư chịu trách nhiệm quy định nhưng không trái với các quy định của
Thông tư này.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trạm
khí tượng thủy văn tự động phải xây dựng báo cáo tình hình hoạt động của trạm
và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi
khí hậu) trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
2. Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chịu
trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó
khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên
và Môi trường (qua Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) để tổng hợp,
trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.